null Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 3 năm 2021

Đối thoại Đối thoại

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 3 năm 2021

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thành phố Hồng Ngự, phát trên sóng FM tầng số 96.5MHz. Chương trình được thực hiện theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, được phát theo chu kỳ 02 tháng 01 lần. Kính mời quý thính giả đón theo dõi và tham gia giao lưu với các diễn giả trong chương trình của chúng tôi qua số điện thoại của chương trình là 0277 3563 407.

Chủ nhật, ngày 27 tháng 6 năm 2021Rất vui được gặp lại quý thính giả trong Chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thành phố Hồng Ngự phát kỳ thứ 3 năm 2021 và chương trình phát sóng kỳ này có chủ đề “Xây dựng đời sống văn hóa – Văn minh đô thị; An toàn lao động; An toàn sử dụng điện; Phòng cháy chữa cháy”.

Tham gia chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh Thành phố, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 03 vị diễn giả:

- Bà: Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố.

- Ông: Trang Văn Hận - Trưởng phòng VH&TT Thành Phố.

- Ông: Nguyễn Văn Đảng - Phó Giám đốc Điện lực Thành phố.

- Thiếu tá: Trần Tú Anh - Đội trưởng Đội CS PCCC và CNCH Công an Thành phố.

I. PHẦN TRAO ĐỔI VỚI NGÀNH CHUYÊN MÔN

Chủ đề

Xây dựng đời sống văn hóa – Văn minh đô thị; An toàn lao động; An toàn sử dụng điện;

Phòng cháy chữa cháy”

CÂU HỎI 1:

Xin cho biết một số chương trình chăm lo đời sống cho công đoàn viên mà Liên đoàn lao động mình đang tập trung triển khai thực hiện? Đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh covid – 19 hiện nay.

TRẢ LỜI:

Bà: Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố giải đáp thắc mắc như sau:

Để chăm lo đời sống cho Công đoàn viên hiện nay LĐLĐ Thành phố tập trung triển khai các chương trình:

- Quỹ Tấm lòng vàng công đoàn Đồng Tháp hỗ trợ cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn như: tổ chức thăm hỏi ốm đau, thai sản, bệnh hiểm nghèo, hỗ trợ công đoàn viên khó khăn dịp tết Nguyên đán.. (mức hỗ trợ từ 500.000đ – 3.000.000đ/ suất); - Quỹ mái ấm công đoàn: hỗ trợ cho đoàn viên khó khăn trong để xây dựng, sửa chữa nhà mái ấm Công đoàn với mức hỗ trợ hiện nay là: xây dựng mới 40 triệu/1 căn, sửa chữa 10 triệu/1 căn,  Chương trình trao học bổng con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi mức.(300.000đ – 500.000đ)

Bên cạnh đó thì LĐLĐ còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao nhằm giúp cho đoàn viên gặp gỡ, giao lưu, học tập kinh nghiệm, rèn luyện sức khỏe để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Kỳ kết một số doanh nghiệp trên địa bàn bán hàng giảm giá cho CNVCLĐ từ 5%-20% tùy từng mặt hàng.

Đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh covid – 19 hiện nay LĐLĐ Thành phố vừa triển khai công văn 157/LĐLĐ ngày 9/6/2021của LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp v/V triển khai thực hiện Quyết định 2606 ngày 19/5/2021 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch covid 19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư.

Theo đó thì mức chi hổ trợ đối với đoàn viên, người lao động khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cã doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn) là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người.

Đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí Công đoàn); cán bộ ,công chức, viên chức  có hoàn cảnh khó khăn là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng  đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp) không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch, mức hỗ trợ 1.000.000đ/người. Lao động nữ mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí Công đoàn);có quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn, lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên người lao động buộc phải nghĩ việc do đang lưu trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức hỗ trợ 500.000đ/người.

Mỗi đối tượng chỉ được hổ trợ 1 lần. Nguyên tắc hỗ trợ đoàn viên, người lao động được hưởng mức hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất. Trường hợp đã được hỗ trợ ở mức thấp, sau đó lại chuyển đổi đối tượng được hỗ trợ ở mức cao hơn thì được hưởng tiếp phần chêch lệch giửa 2 mức hỗ trợ.

Thủ tục gồm tờ trình về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động. Biên bản họp BCH, Ban Thường vụ xét chọn đối tượng được nhận hỗ trợ. Danh sách đề xuất đoàn viên, người lao động xét hỗ trợ có tóm tắt hoàn cảnh khó khăn kèm theo các giấy tờ có liên quan để minh chứng….

CÂU HỎI 2:

Xin cho biết công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hồng Ngự thực hiện như thế nào thời gian qua? thuận lợi và khó khăn gì??

TRẢ LỜI:

Ông: Trang Văn Hận - Trưởng phòng VH&TT Thành Phố giải đáp thắc mắc như sau:

Kính thưa quý thính giả, Xây dựng nếp sống văn minh đô thị là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó người dân là chủ thể đóng vai trò rất quan trọng. Thời gian qua, Xây dựng nếp sống văn minh đô thị được tổ chức rộng khắp, giúp đô thị Thành phố dần hoàn thiện, diện mạo khang trang, xứng tầm là một trong ba đô thị phát triển của tỉnh Đồng Tháp.

Đạt được những thành tựu trên, UBND Thành phố chỉ đạo tập trung công tác tuyên truyền, vận động trong thực hiện Đề án nếp sống văn minh đô thị bằng nhiều hình thức như: Tổ chức Lễ phát động, tuyên truyền trên hệ thống Truyền thanh, Trang tin điện tử, pano, biển, bảng, băng rôn...; tuyên truyền lồng ghép vào sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể và nhân dân, các câu lạc bộ, hội quán…. Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu tập trung vào Quy tắc ứng xử cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; nếp sống văn minh đô thị trong cộng đồng dân cư; văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; văn minh trong giao tiếp mưa bán, hoạt động du lịch… qua đó làm chuyển biến nhận thức, hành vi của người dân Thành phố, tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Song song với đó, Thành phố cũng thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhỡ và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm, góp phần lập lại trật tự đô thị nền nếp; cảnh quan, môi trường thông thoáng, xanh sạch đẹp, hình thành những điểm nhấn trong không gian đô thị…. 

Tuy nhiên, bên cạnh  đó vẫn còn những hạn chế trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị hiện nay như: cảnh quang, môi trường chưa được quan tâm gìn giữ; tình trạng thảy rác không đúng qui định vẫn còn diễn ra phổ biến; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang chưa nghiêm túc; sử dụng âm thanh công suất lớn, quá giờ gây bức xúc cho người xung quanh; ý thức chấp hành pháp luật và ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng của một bộ phận người dân chưa cao; văn hóa trong giao tiếp, ứng xử có mặt còn hạn chế; hình ảnh và con người của Thành phố Hồng Ngự chưa tạo được ấn tượng sâu sắc đối với du khách gần xa…

Trong thời gian tới, nhất là hiện nay Thành phố Hồng Ngự đã và đang tập trung xây dựng hoàn chỉnh các tiêu chí đô thị loại 3, tiếp cận một số tiêu chí đô thị loại 2, ngoài việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, chỉnh trang kiến trúc đô thị, lập lại trật tự đô thị phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội chung của Thành phố xứng tầm là một đô thị phía Bắc của Tỉnh và là nơi giao thương cho khu vực biên giới, thì nhiệm vụ Xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, xây dựng hình ảnh, con người của Thành phố văn minh, hiện đại là hết cần thiết, do đó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, xây dựng thành phố Hồng Ngự “Năng động – văn minh – an toàn – thân thiện”.

CÂU HỎI 3:

Xin cho biết trong thời gian qua việc tuyên truyền sử dụng điện an toàn và hiệu quả của ngành mình đã đạt được những khó khăn, thuận lợi như thế nào??

TRẢ LỜI:

Ông: Nguyễn Văn Đảng - Phó Giám đốc Điện lực Thành phố giải đáp thắc mắc như sau:

 Thuận lợi: Được sự quan tâm của các ban ngành tỉnh, địa phương:

+ Về phía Công ty Điện lực Đồng Tháp hàng năm lập kế hoạch phối hợp các ngành, đoàn thể tỉnh cụ thể: Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp đưa nội dung vào chuyên mục “Điện và Cuộc sống” với tiêu chí thực hiện là người thật, việc thật từ các vụ tai nạn điện trong nhân dân hoặc tình hình thực tế sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Phối hợp với Báo Đồng Tháp thực hiện chuyên trang tuyên truyền sử dụng điện an toàn - tiết kiệm - hiệu quả; Phối hợp với tỉnh Đoàn, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an phòng cháy chữa cháy Tỉnh tổ chức tuyên truyền sử dụng điện an toàn – tiết kiệm – hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

+ Điện lực thành phố Hồng Ngự hàng năm đều có lập kế hoạch tuyên truyền phối hợp với phòng kinh tế, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Phòng giáo dục, Đài truyền thanh thành phố và các xã, phường tuyên truyên an toàn sử dụng điện an toàn- tiết kiệm- hiệu quả cho người dân trên địa bàn.

- Hiệu quả mang lại: Nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng điện an toàn và bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp. Ngăn chặn xảy ra sự cố và các tai nạn điện trong dân, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục phục vụ phát triển kinh tế địa phương.

MC Thanh Phương: Vâng, Xin cám ơn, ông Nguyễn Văn Đảng đã cung cấp các thông tin vừa rồi, chúng ta tiếp tục giao lưu với Diễn giả tiếp theo.

CÂU HỎI 4:

Xin cho biết. Để phòng chống cháy nổ, nhất là trong thời điểm mùa khô này, thì ngành chức năng mình có những khuyến cáo gì để người dân chủ động phòng tránh, hạn chế cháy nổ xảy ra?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá: Trần Tú Anh - Đội trưởng Đội CS PCCC và CNCH Công an Thành phố giải đáp thắc mắc như sau:

Để đảm bảo công tác phòng chống cháy, nổ trong thời điểm mùa hanh khô, xin khuyến cáo đến bà con cần thực hiện một số biện pháp sau:

- Chúng ta cần phải thường xuyên kiểm tra hệ thống dây dẫn điện từ đồng hồ vào nhà sinh hoạt gia đình, cần nên lắp đặt thiết bị bộ chống giật nhằm phòng cháy, nổ.

- Ta nên rút các phích cắm điện rời khỏi nguồn điện khi không sử dụng.

- Khi để vật liệu dễ cháy như quần áo, giấy tờ phông màn thì phải cách xa thiết bị điện ít nhất là 0,5m.

- Trước khi rời khỏi nhà cúp cầu dao điện, nếu nhà có sử dụng tủ lạnh, máy giặt, máy điều hoà… thì nên lắp đặt thêm đường dây riêng tách nguồn điện sinh hoạt và điện năng lượng chỉ cúp cầu dao điện sinh hoạt.

- Chúng ta nên quản lý chặt nguồn nhiệt như đun nấu, hút thuốc, đốt nhan đèn thờ cúng, đốt rác, đốt cỏ phải dập tắt tàn lửa trước khi làm việc khác.

- Khi đun nấu phải có người lớn trong coi, sau khi đun nấu gas xong phải khóa val an toàn và dập tắt tàn lửa đối với bếp củi.

- Chúng ta nên tự mua sắm dụng cụ chữa cháy (bình chữa cháy xách tay) khi có cháy xãy ra kịp thời dập tắt đám cháy.

- Trước khi đi ngủ phải kiểm tra và tắt tất cả các thiết bị điện, nguồn nhiệt không cần thiết.

II. PHẦN GIAO LƯU VỚI THÍNH GIẢ

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 1:

Tôi thấy một số trường hợp dán tờ rơi quảng cáo lên cột điện, hoặc dãy tờ rơi trên đường, hành động như vậy có vi phạm không, nếu gặp trường hợp đó, tôi phải báo cho ai?

TRẢ LỜI:

Ông: Trang Văn Hận - Trưởng phòng VH&TT Thành Phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Việc Quảng cáo đối với người có sản phẩm hàng hoá, dịch vụ được thực hiện bằng các hình thức nêu trên là vi phạm pháp luật về Quảng cáo. Cụ thể tại Điều 34 Nghị định số 38/2021, ngày 29/3/2021 của Chính phủ, qui định chi tiết các hình thức xử phạt VPHC đối với các hành vi nêu trên như sau:

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội…

Nếu phát hiện hành vi nêu trên, yêu cầu anh cũng như người dân báo ngay qua đường dây nóng (Công an xã, phường nơi xảy ra vi phạm để được giải quyết).

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 2:

Trong những ngày nghỉ phép hằng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định thì người lao động có được hưởng lương không?

TRẢ LỜI:

Bà: Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo quy định Bộ luật Lao động thì người lao động vẫn được hưởng nguyên lương cho những ngày:

- Nghỉ (phép) hằng năm.

- Nghĩ lễ, tết.

- Nghỉ việc riêng.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 3:

Tôi thấy còn tình trạng người dân còn sử dụng điện để bẫy chuột, việc làm này có vi phạm pháp luật không?

TRẢ LỜI:

Ông: Nguyễn Văn Đảng - Phó Giám đốc Điện lực Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Hiện nay ở một số vùng nông thôn việc người dân sử dụng điện bẫy chuột, bắt động vật nhằm bảo vệ mùa màng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là hành vi bị nghiêm cấm và vi phạm pháp luật.

- Theo Luật điện lực tại Khoản 7 Điều 7, hành vi “Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ” là hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện. Trường hợp này vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, được quy định tại Điểm đ, Khoản 4, Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ.

- Đặc biệt hơn khi sử dụng điện để bẫy chuột, bắt động vật gây chết người thì người đó còn phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.

+ Nếu người sử dụng điện họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra…, nhưng có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét về tội vô ý làm chết người”.

- Ngoài ra, người có hành vi sử dụng điện để bẫy chuột gây ra chết người cón phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.

- Do vậy, mọi người cần lưu ý: “Tuyệt đối không sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép”.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 4:

Khi đã xảy ra cháy mà cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chưa đến kịp, thì người dân chúng tôi cần phải làm gì?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá: Trần Tú Anh - Đội trưởng Đội CS PCCC và CNCH Công an Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

 Khi trường hợp xảy ra cháy lực lượng chữa cháy và CNCH chưa đến kịp thì người dân cần hô to cháy! cháy! cháy!, đánh kẻng báo động hoặc có thể dùng những vật dụng khác để gây tiếng lớn báo động người xung quanh và phương tiện tại chỗ để dập tắt đám cháy. Nhanh chóng tìm mọi cách ngắt nguồn điện nơi xảy ra cháy, ngăn chặn chống cháy lan. Chúng ta nên ưu tiên thoát nạn, cứu người. Đồng thời thông báo bằng mọi cách nhanh nhất đến lực lượng dân phòng, chính quyền, công an nơi gần nhất và lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp theo số 114 đến để chữa cháy.

Ngoài ra tại các xã, phường, trên địa bàn Thành Phố Hồng ngự có thành lập các đội PCCC dân phòng đã có trang bị bình chữa cháy, máy bơm chữa cháy và có nhiều Tổ nhân dân tự quản phòng cháy chữa cháy.

Khuyến cáo bà con có thể tự trang bị bình chữa cháy, bao bố, cát, hoặc có thể chứa nước trong nhà bằng cách chứa trong phuy, thao, chậu,…. Để kịp thời chữa cháy khi có sự cố cháy xãy ra.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 5:

Người dân chúng tôi cần làm những gì để góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị?

TRẢ LỜI:

Ông: Trang Văn Hận - Trưởng phòng VH&TT Thành Phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Để xây dựng Văn minh đô thị, thành phố “Xanh-Sạch-Đẹp”, UBND Thành phố kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân Thành phố nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn mỹ quan đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, chung tay xây dựng Thành phố ngày càng xanh – sạch – đẹp bằng những việc làm cụ thể, thông qua các thông điệp như:

- Toàn dân hãy có ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường;

- Mỗi người hãy tự thực hiện dọn dẹp, thu gom rác, xử lý nước thải và vệ sinh nơi mình sống và sinh hoạt;

- Hãy có ý thức chấp hành tốt như không vứt rác bừa bãi, không đổ nước thải ra đường, bỏ rác và đổ nước thải đúng nơi quy định;

- Không chăn, dắt, thả súc vật chạy rong, phóng uế trên đường phố, hãy bảo vệ và chăm sóc cây xanh công cộng;

- Không bẻ cành, chặt phá làm hư hỏng cây xanh, mỗi nhà trồng thêm một cây xanh;

- Không bỏ rác trên hệ thống thoát nước đô thị, dọc hai bên bờ sông, kinh, rạch ….;

- Không vứt xác súc vật chết ra vỉa hè, lòng đường, cống rãnh, nơi công cộng;

- Không xả nước thải ra đường phố, không đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước mưa trái phép;

- Làm sạch vỉa hè nơi sinh sống là góp phần xây dựng thành phố Xanh - Sạch - Đẹp, không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, đậu đỗ xe …

- Các tổ chức, cá nhân không thực hiện các hành vi phát tán tờ rơi quảng cáo tại các nút giao thông và khu vực công cộng, không quảng cáo, rao bán hàng bằng loa đài trên đường phố, trong khu dân cư và nơi công cộng….

Khi có các hoạt động làm phát sinh chất thải rắn như: Cải tạo, di dời, phá dỡ công trình xây dựng, thu dọn vườn, chặt hạ cây xanh trong khuôn viên nhà, công trình… hộ gia đình, cá nhân, tổ chức phải ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân có năng lực, thiết bị, phương tiện chuyên dùng vận chuyển chất thải rắn, đổ vào Bãi chôn lấp chất thải rắn đúng nơi qui định.

Đối với các khu dân cư, vùng sâu của các xã phường, nếu chưa đảm bảo dịch vụ thu gom, vận chuyển, phải thực hiện xử lý chất thải rắn theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Mỗi người dân cần phê phán mạnh mẽ và tố giác những hành vi sai phạm như: phá hoại cây xanh; quảng cáo, rao vặt, vứt rác, đổ nước thải không đúng quy định... để cơ quan thẩm quyền xử lý kịp thời theo đúng qui định pháp luật.

Như đã nói ở phần trên, Việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường là một quá trình lâu dài, kiên trì và nhiều khó khăn… đòi hỏi cộng đồng trách nhiệm, sự chung tay quyết tâm của chính quyền và toàn thể nhân dân để làm thay đổi diện mạo Thành phố, xứng tầm là đô thị loại III, tiến tới là đô thị Trung tâm Vùng biên giới.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 6:

Người sử dụng lao động có nghĩa vụ gì đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp?

TRẢ LỜI:

Bà: Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 7:

Tai nạn lao động là gì? Trường hợp nào tai nạn xảy ra không trong quá trình lao động vẫn được coi là tai nạn lao động?

TRẢ LỜI:

Bà: Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo Nghị định số 45/2013, ngày 10/5/2013 của Chính phủ thì:

- Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn buồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.

- Ngoài ra, tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở cũng được coi là tai nạn lao động.

- Tai nạn lao động gồm:

+ Tai nạn lao động chết người;

+ Tai nạn lao động nặng;

+ Tai nạn lao động nhẹ.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 8:

Hiện tại ngành điện đang khuyến cáo người dân lắp đặt CB chống giật để an toàn trong sử dụng điện? Hiện tại trên thị trường có rất nhiều loại thì nên chọn loại nào cho phù hợp?

TRẢ LỜI:

Ông: Nguyễn Văn Đảng - Phó Giám đốc Điện lực Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

 Cầu dao chống giật hoạt động theo nguyên lý cân bằng dòng điện. Khi có dòng điện rò vượt mức 30mA (dòng điện từ 30mA trở lên có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng con người) thiết bị sẽ tự động ngắt mạch điện nhanh chóng và đảm bảo an toàn. Các cầu dao chống giật thường có kết cấu bền vững. Chất liệu chống rò, chống cháy, an toàn cho người và thiết bị điện khi xảy ra chạm chập điện trong gia đình vì sự cố được loại trừ vô cùng nhanh chóng.

Chọn CB chống giật: Khi mua cần lưu ý: Dòng điện định mức ghi trên CB phải phù hợp với dòng điện đang sử dụng. Có thể chọn dòng điện định mức trên CB khoảng 120% đến 150% (ví dụ sử dụng thiết bị khoảng 12A thì có thể dùng loại CB 15 A). Hiện nay người tiêu dùng đã quen với việc sử dụng CB chống giật để đảm bảo an toàn cho gia đình và ngăn ngừa sự cố điện xảy ra. Lưu ý: Chọn mua thiết bị của các nhà sản xuất có uy tính trên thị trường, và thường các nhà sản xuất này thì có giá thành cao.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 9:

Một số hộ tiểu thương thường thắp nhang, đèn, nấu ăn trong khu vực chợ... rất dể xảy ra cháy nổ, những trường hợp trên sẽ bị xử lý như thế nào?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá: Trần Tú Anh - Đội trưởng Đội CS PCCC và CNCH Công an Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

 Trong khu vực chợ thì Ban quản lý chợ có nội quy, quy định những trường hợp này. Tuy nhiên, các hộ tiểu thương còn thắp nhan đèn thờ cúng (đối với nhan trần) hoặc đung nấu. Thì Ban Quản lý chợ sẽ tuyên truyền, lập biên bản và xử phạt đối với trường hợp này, còn nếu vượt quá thẩm quyền của Ban quản lý thì tham mưu cho chính quyền địa phương có thẩm quyền để xử lý vi phạm hành chính theo qui định (tham mưu UBND xã, phường; công an thành phố, UBND thành phố hoặc Đơn vị PCCC,…), đối với trường hợp này thì sẽ xử phạt vi phạm hành chánh theo Nghị định số 167/2013 của Chính phủ). Nếu trường hợp thiệt hại tài sản lớn hoặc thiệt hại về người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Theo Điều 313 của Bộ luật hình sự năm 2015).

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 10:

Xin cho biết mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp đối với người lao động như thế nào?

TRẢ LỜI:

Bà: Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Điều 17 Nghị định 88/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn vệ sinh lao động về bảo hiểm tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, quy định mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp, tính theo biểu giám khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhung không quá 80.000 đồng/người/lần khám.

Số lẫn hỗ trợ tối đa với người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ nhận được hỗ trợ 1 lần.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 11:

Trên đất nhà tôi có trồng cây xanh gần đường dây điện, khi chặt mé có khả năng ngã đỗ vào đường dây. Tôi muốn chặt mé cây thì phải làm sao để an toàn?

TRẢ LỜI:

Ông: Nguyễn Văn Đảng - Phó Giám đốc Điện lực Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

- Trường hợp cây xanh nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện hoặc cao hơn đường dây dẫn điện trên không mà khi chặt mé có khả năng ngã vào đường dây điện thì chủ sở hữu cây xanh liên hệ trực tiếp với Điện lực thành phố Hồng Ngự hoặc điện thoại Tổng đài 1900 1006 hoặc 1900 9000 và nêu các yêu cầu cần được hỗ trợ. Sau đó Điện lực sẽ cử nhân viên liên hệ khách hàng để khảo sát, đồng thời thống nhất về thời gian chặt mé cây xanh và hỗ trợ các biện pháp an toàn cần thiết.

Xin thông tin thêm: Theo quy định tại Nghị định số 14/2014, ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ công trình lưới điện cao áp.

- Tại Khoản 4&5, Điều 4, nghiêm cấm lắp đặt ăngten thu phát sóng, dây phơi, giàn giáo và các vật dụng khác mà khi ngã đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp; Nghiêm cấm trồng cây hoặc để cây xanh vi phạm khoảng cách an toàn với đường dây điện, trạm điện.

- Trường hợp cây xanh đang trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, khoảng cách được quy định theo NĐ14 như sau:

Đối với đường dây dẫn điện có điện áp đến 35 kV trong thành phố, thị xã, thị trấn thì khoảng cách từ điểm bất kỳ của cây đến dây dẫn điện ở trạng thái tĩnh không nhỏ hơn 0,7 mét đối với dây bọc, dây trần là 1,5 mét.

Đối với đường dây ngoài thành phố, thị xã, thị trấn thì khoảng cách từ điểm cao nhất của cây theo chiều thẳng đứng đến độ cao của dây dẫn thấp nhất khi đang ở trạng thái tĩnh không nhỏ hơn 0,7 mét đối với dây bọc, dây trần là 2 mét

Trường hợp cây ở ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không và ngoài thành phố, thị xã, thị trấn thì khoảng cách từ bộ phận bất kỳ của cây khi cây bị đổ đến bộ phận bất kỳ của đường dây không nhỏ hơn 0,7 mét.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 12:

Một số tiệm tạp hóa sang chiết gas qua các bình gas mini bán cho người dân, tôi thấy như vậy là không an toàn? Ngành chức năng có biện pháp nào để hạn chế tình trạng này không?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá: Trần Tú Anh - Đội trưởng Đội CS PCCC và CNCH Công an Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

 Việc san chiết nạp gas từ bình gas lớn san chai gas mini trên là trái phép và không đảm bảo an toàn (heo quy định thì chai gas mini chỉ được sử dụng một lần không được sang chiết nhiều lần)

- Còn việc san chiết nạp gas trái phép như trên thì sẽ bị xử phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng theo Nghị định số 167/2013 của Chính phủ và hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm.

- Trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cảnh báo về việc chiết nạp gas trái phép vì đây là tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất là cao, cùng ngành chức năng kiểm tra đột xuất xử lý theo qui định.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 13:

Tôi muốn dựng một biển quảng cáo để chỉ dẫn người dân dễ tìm đến cơ sở, cũng như sản phẩm của chúng tôi, vậy tôi phải cần những thủ tục gì, nộp hồ sơ ở đâu và đơn vị nào cấp phép?

TRẢ LỜI:

Ông: Trang Văn Hận - Trưởng phòng VH&TT Thành Phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Quảng cáo là hình thức tuyên truyền được trả tiền để thực hiện việc giới thiệu thông tin về sản phẩm, dịch vụ, công ty hay ý tưởng quảng cáo. Nói rõ hơn, Quảng cáo là hoạt động truyền thông phi trực tiếp giữa người với người. Trong đó, người muốn truyền thông phải trả tiền cho các phương tiện truyền thông đại chúng. Từ đó, phương tiện truyền thông đưa thông tin đến thuyết phục hay tác động đến người nhận thông tin.

Trên thực tế có nhiều loại hình quảng cáo và mỗi loại hình quảng cáo cũng được qui định cụ thể về hồ sơ, thủ tục xin được cấp phép quảng cáo. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu có thể tìm hiểu trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố, hay của Tỉnh để tìm hiểu chi tiết hơn; hoặc đến trực tiếp tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Thành phố hay của xã/phường để được hướng dẫn cụ thể.

Riêng trường hợp của Anh Tùng có nhu cầu dựng Biển quảng cáo để giới thiệu sản phẩm và, hướng dẫn người có nhu cầu đến cơ sở, theo qui định của pháp luật về Quảng cáo tôi xin trao đổi và hướng dẫn thủ tục để anh chuẩn bị như sau:

1. Văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo (ghi rõ nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn).

2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Nếu anh thuê) hoặc của Anh (người tự thực hiện quảng cáo).

3. Bản sao giấy tờ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để quảng cáo.

4. Bản sao văn bản về việc tổ chức sự kiện (Nếu có tổ chức sự kiện)

5. Ma-két sản phẩm quảng cáo in màu, có chữ ký của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc chữ ký của người quảng cáo (trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo). Trong trường hợp người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người quảng cáo là tổ chức thì phải có đóng dấu của tổ chức.

6. Văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo; quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo đối với băng-rôn.

7. Bản phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo.

Thẩm quyền tiếp nhận và cấp phép: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép thực hiện quảng cáo cho các đối tượng: Quảng cáo trên bảng, biển, pano, băng rôn, màn hình đặt nơi công cộng, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 14:

Xin cho biết điều kiện để NLĐ hưởng bảo hiểm bệnh nghệ nghiệp là như thế nào?

TRẢ LỜI:

Bà: Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo Điều 46 Luật ATVSLĐ.NLĐ tham gia bảo hiêm tai nạn lao động. bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện: Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định: suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh nghề nghiệp.

NLĐ khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong, các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành mà phát hiện bị bệnh trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết theo quy định của Chính phủ.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 15:

Xin cho tôi hỏi là khi phát hiện sự cố về điện thì tôi phải liên hệ số điện thoại nào để được hướng dẫn khắc phục?

TRẢ LỜI:

Ông: Nguyễn Văn Đảng - Phó Giám đốc Điện lực Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Khi phát hiện sự cố, tai nạn hay quý khách hàng có các nhu cầu về điện vui lòng liên hệ Tổng đài chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực miền Nam qua số: 1900 1006 hoặc 1900 9000 để được hỗ trợ.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 16:

Khi xảy ra cháy, nổ tại hộ gia đình có bị xử phạt vi phạm hành chính về PCCC hay không?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá: Trần Tú Anh - Đội trưởng Đội CS PCCC và CNCH Công an Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

 Khi để xảy ra cháy, nổ tại hộ gia đình, ngoài thiệt hại về người và tài sản thì chủ hộ gia đình còn phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại dưới 25.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại trên 50.000.000 đồng.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 17:

Hành vi vi phạm quy định về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi bị xử phạt như thế nào? Người lao động nghỉ việc riêng, hưởng nguyên lương và nghỉ việc, không hưởng lương được quy định như thế nào?

TRẢ LỜI:

Bà: Trương Thị Bé Sáu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Nghị định 95/2013, ngày 22/8/2013 của Chính phủ qui định:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định.

- Phạt tiền người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết theo các mức sau đây:

+ Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

+ Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

+ Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

+ Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

+ Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

+ Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động;

+ Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật lao động.

- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động hoặc quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần. Đối với hành vi vi phạm này, bên cạnh hình phạt bằng tiền còn bị đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng.

Điều 116 Bộ luật Lao động quy định:

- Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau:

+ Bản thân người lao động kết hôn: nghỉ 03 ngày;

+ Con kết hôn: nghỉ 01 ngày;

+ Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết: nghỉ 03 ngày.

+ Vợ chết hoặc chồng chết: nghỉ 03 ngày.

+ Con chết: nghỉ 03 ngày.

- Người lao động được quyền nghỉ việc, nhưng không được hưởng lương, trong 2 trường hợp:

+ Khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn: 01 ngày (phải thông báo với người sử dụng lao động)

+ Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương trong những thời hạn nhất định.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 18:

Hiện tại nhà tôi có sử dụng mô tưa bơm nước vào hầm nuôi cá với công suất lớn, ngành chức năng cho tôi hỏi là làm thế nào để đảm bảo an toàn khi sử dụng?

TRẢ LỜI:

Ông: Nguyễn Văn Đảng - Phó Giám đốc Điện lực Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Hiện tại trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong sản xuất chúng ta có sử dụng các thiết bị như mô tơ, máy giặt, tủ lạnh, … các thiết bị có kết cấu vỏ bằng kim loại nên trong thời gian sử dụng lâu dài có khả năng bị rò điện ra vỏ bên ngoài có nguy cơ gây tai nạn khi chúng ta chạm phải. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng các thiết bị trên chúng ta cần phải lắp tiếp đất vỏ thiết bị (theo khuyến cáo nhà sản xuất) và lắp riêng cầu dao tự động.

Cách tiếp đất vỏ thiết bị: Dùng thanh sắt Ø16, dài 2,4 mét, đóng sâu xuống đất bằng mặt đất, sau đó dùng dây đồng nhiều sơi có tiết diện từ 4mm2 một đầu lắp vào vỏ mô tơ, đầu còn lại lắp vào cọc sắt bằng boulon. Trường hợp quý khách hàng có nhu cầu thực hiện vui lòng liên hệ số điện thoại 1900 1006 hoặc 1900 9000 Điện lực sẽ cử nhân viện đến trực tiếp hướng dẫn.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 19:

Kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ thì cần đảm bảo những điều kiện gì thực hiện đúng quy định Pháp luật về PCCC?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá: Trần Tú Anh - Đội trưởng Đội CS PCCC và CNCH Công an Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

 Căn cứ Nghị định 136, ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định nhà trọ, nhà nghỉ phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

- Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

- Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy. Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 33 Nghị định này”.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 20:

Thời gian qua, một số nơi khi tổ chức đám, tiệc vẫn còn xảy ra tình trạng phô trương hình thức, tổ chức ăn uống linh đình nhiều ngày, tổ chức ca hát kể cả trong đám tang, gây phản cảm. Xin cho biết việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại địa phương được qui định như thế nào?

TRẢ LỜI:

Ông: Trang Văn Hận - Trưởng phòng VH&TT Thành Phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Mục đích của việc thực hiện nếp sống văn minh, đời sống văn hóa là "làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội".

Qui định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn được áp dụng và thực hiện theo Quyết định số 21/2020/QĐ-UBND, ngày 17/8/2020 của UBND Tỉnh Đồng Tháp, cụ thể đề cập một số chuẩn mực như:

1. Đối với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới

- Phải thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Ủy ban nhân dân xã, phường tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn và gửi Thư chúc mừng, thể hiện sự thừa nhận kết hôn hợp pháp của Nhà nước và pháp luật.

- Trong tổ chức Lễ cưới cần được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, gọn nhẹ, tránh phô trương, hình thức; phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, truyền thống văn hóa của địa phương, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình.... Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo quy định; không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.

* Khuyến khích Dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời dự lễ cưới, tiệc cưới; Tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt thay cho tiệc mặn; tổ chức việc cưới trong một ngày; Hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu, bia trong đám cưới; Cô dâu, chú rể và gia đình mặc trang phục truyền thống hoặc trang phục của dân tộc Việt Nam trong ngày cưới; Tổ chức lễ cưới sau khi đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận kết hôn.

2. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang

- Khi có người qua đời, gia đình có trách nhiệm làm thủ tục khai tử theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm lợi dụng việc tang để hành nghề mê tín dị đoan dưới mọi hình thức; Lễ tang cần được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp với tập quán truyền thống văn hóa dân tộc và hoàn cảnh gia đình.

- Việc mặc trang phục và treo cờ tang trong lễ tang thực hiện theo truyền thống của địa phương, dân tộc và tôn giáo; chỉ treo cờ tang tại địa điểm tổ chức tang lễ. Không tổ chức ăn uống linh đình, phô trương, lãng phí và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Sử dụng nhạc tang phù hợp với truyền thống dân tộc, văn hóa địa phương; không cử nhạc tang trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép. Khi đưa tang phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông và trật tự xã hội; cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền nước ngoài trên đường đưa tang.

* Khuyến khích các hoạt động trong tổ chức việc tang như: Đăng ký khai tử trước khi tổ chức lễ tang;  Các tuần tiết như cúng 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, cải táng hài cốt nên tổ chức trong phạm vi gia đình, họ tộc, bạn thân. Khuyến khích hình thức hỏa táng, điện táng một lần vào khu vực nghĩa trang đã quy hoạch (nếu có). Hạn chế tràng hoa, trướng, lụy trong tang lễ. Không rắc, rãi vàng mã, tiền âm phủ khi đưa tang. Xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan như: Yểm bùa, trừ tà, gọi hồn và những nghi thức rườm rà khác.

3. Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội

- Các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Nghi thức lễ hội phải được tiến hành trang trọng, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc; Trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc phải được treo nơi trang trọng, cao hơn cờ hội, cờ tôn giáo;

- Trang phục đẹp, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục; Không nói tục, xúc phạm tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng ảnh hưởng đến tính trang nghiêm của lễ hội. giữ trật tự, an ninh khi dự lễ hội; Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; giữ gìn vệ sinh môi trường; Không lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan; Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định của Ban Tổ chức lễ hội.

* Khuyến khích các hoạt động tổ chức lễ hội:

- Tổ chức giới thiệu ý nghĩa lịch sử của lễ hội, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam;

- Tưởng nhớ công ơn của ông cha, ghi nhận công lao của các bậc tiền bối trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc;

- Tổ chức các trò chơi dân gian, trò chơi mới và các hoạt động văn hóa, thể thao có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 21:

Tôi muốn sửa chữa lại nhà, nhưng nhà tôi cao và gần với đường dây điện Trung thế để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công tôi phải làm gì?

TRẢ LỜI:

Ông: Nguyễn Văn Đảng - Phó Giám đốc Điện lực Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Căn cứ Thông tư số 31/2014, ngày 02 tháng 10 năm 2014 về việc Quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện quy định như sau:

- Trước khi xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, công trình, chủ nhà ở công trình phải gửi văn bản đề nghị đến đơn vị quản lý vận hành (bộ phận Giao dịch khách hàng - Điện lực thành phố Hồng Ngự).

+ Chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của chủ đầu tư xây dựng công trình, Điện lực có trách nhiệm gửi văn bản cho chủ công trình thông báo về thời gian tiến hành khảo sát hiện trường.

+ Việc khảo sát hiện trường nơi dự kiến xây dựng cải tạo và lập văn bản thỏa thuận với chủ công trình trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị.

+ Trường hợp không thỏa thuận được các biện pháp đảm bảo an toàn, đơn vị Điện lực phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do không thỏa thuận cho chủ công trình trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện khảo sát.

- Trường hợp xây dựng cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện trên không khi chưa có thỏa thuận hoặc không thực hiện đúng các thỏa thuận để đảm bảo an toàn trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở công trình đối với đơn vị quản lý vận hành thì khi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng được quy định tại Nghị định 134/2013, ngày 17/10/2013 của Chính phủ.

-- HẾT –

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ
Đơn vị chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hồng Ngự
Trụ sở: Khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3563.362