null Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 4 năm 2021

Chi tiết bài viết Đối thoại

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 4 năm 2021

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thành phố Hồng Ngự, phát trên sóng FM tầng số 96.5MHz. Chương trình được thực hiện theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, được phát theo chu kỳ 02 tháng 01 lần. Kính mời quý thính giả đón theo dõi và tham gia giao lưu với các diễn giả trong chương trình của chúng tôi qua số điện thoại của chương trình là 0277 3563 407.

Thứ bảy, ngày 23 tháng 10 năm 2021Rất vui được gặp lại quý thính giả trong Chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thành phố Hồng Ngự phát kỳ thứ 4 năm 2021 và chương trình phát sóng kỳ này có chủ đề “Công tác tiếp nhận và quản lý người dân về từ vùng có dịch; Công tác dạy và học năm 2021 – 2022 và Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh covid-19”.

Tham gia chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh Thành phố, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 03 vị diễn giả:

- Thượng tá: Văn Vũ Quốc Khương – Trưởng Công an Thành phố.

- Bà: Trần Thụy Ngọc Diễm – Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thành Phố.

- Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố.

I. PHẦN TRAO ĐỔI VỚI NGÀNH CHUYÊN MÔN

Chủ đề

Công tác tiếp nhận và quản lý người dân về từ vùng có dịch; Công tác dạy và học năm 2021 – 2022 và Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh covid-19”

CÂU HỎI 1:

Việc triển khai thực hiện chi hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh covid-19 trên địa bàn thành phố Hồng Ngự theo QĐ 1277 và QĐ 964 của UBND Tỉnh như thế nào? Có bao nhiêu trường hợp được nhận hỗ trợ?

TRẢ LỜI:

Bà: Trần Thụy Ngọc Diễm – Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thành Phố giải đáp thắc mắc như sau:

Thực hiện Quyết định 964 và Quyết định 1277 của UBND Tỉnh Đồng Tháp, về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Thực hiện các Quyết định trên, Phòng  Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan, UBND các xã – phường thông tin tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh thành phố và trạm truyền thanh các xã – phường để người lao động và người dân biết đăng ký và tiến hành tổng hợp cụ thể từng đối tượng, thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí. Kết quả đã hỗ trợ cho 11.408 người lao động tự do, tổng số tiền: 17 tỷ một trăm mười hai triệu đồng; chi hỗ trợ 167 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, số tiền 687 triệu đồng. Ngoài ra còn hỗ trợ cho 632 người bán vé số dạo, tổng số tiền 948 triệu đồng. Hỗ trợ 407 tấn gạo, cho 27.095 lượt  người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người Có công cách mạng, Bảo trợ Xã hội, lao động tự do (không đủ điều kiện xét theo QĐ 964 và QĐ 1277).

CÂU HỎI 2:

Việc triển khai thực hiện dạy học online cho các em học sinh trên địa bàn thành phố Hồng Ngự thời gian qua như thế nào? Thuận lợi, khó khăn trong công tác dạy học?

TRẢ LỜI:

Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố giải đáp thắc mắc như sau:

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 hiện nay đã đặt ra nhiều thách thức nhưng đó cũng là cơ hội chuyển đổi số cho ngành giáo dục trong năm học 2021-2022, học sinh không thể đến trường để học tập trung. Ngành giáo dục chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến từ khối lớp 5 đến lớp 12 để thực hiện nhiệm vụ kép là vừa tổ chức dạy học vừa thực hiện phòng chống dịch Covid 19.

Dạy học online cho các em HS từ khối 5 đến khối 12 trong thời gian qua được sự đồng thuận của xã hội, của đa số cha mẹ học sinh vì đây là giải pháp để các em không ngừng việc học và đảm bảo sức khỏe của thầy và trò trong phòng chống dịch Covid 19, các em được thầy cô truyền đạt kiến thức với nhiều hình thức tương tác khác nhau khi học online. Đồng thời các em cũng có thể xem lại video bài giảng của giáo viên, thầy và trò được tiếp cận với chuyển đổi số trong giáo dục với nhiều kênh khác nhau như học trực tuyến, học qua truyền hình... Tuy nhiên học online cũng gặp không ít khó khăn như sau: việc học online phụ thuộc phần lớn vào thiết bị, tín hiệu đường truyền... do đó nếu găp sự cố về vấn đề trên thì việc giảng dạy của GV và tiếp thu kiến thức của học sinh bị gián đoạn; khó khăn tiếp theo là một số học sinh không có điều kiện học do thiếu thiết bị học tập.

   Với nhiều giải pháp khác nhau, các trường chủ động xây dựng kịch bản dạy và học phù hợp sao cho đảm bảo yêu cầu truyền đạt đầy đủ chuẩn kiến thức và kỹ năng cho học sinh, thầy và trò từng bước vượt qua khó khăn để thực hiện dạy học online đảm bảo yêu cầu đặt ra, ngành giáo dục chủ động tận dụng "thời gian vàng" khi dịch bệnh được kiểm soát để tổ chức dạy học trực tiếp những kiến thức nội dung cốt lõi, căn bản nhất để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.

CÂU HỎI 3:

Để đảm bảo công tác an ninh trật tự trong công tác phòng, chống covid-19, cũng như tiếp nhận và quản lý những người dân từ các tỉnh, thành phố trong thời gian qua được thực hiện như thế nào? Nhận định tình hình người dân tiếp tục trở về quê trong thời gian tới, cũng như những khó khăn cho công tác quản lý tình hình ANTT tại địa phương?

TRẢ LỜI:

Thượng tá: Văn Vũ Quốc Khương – Trưởng Công an Thành phố giải đáp thắc mắc như sau:

Để đảm bảo công tác an ninh trật tự trong công tác phòng, chống Covid-19, cũng như tiếp nhận và quản lý những người dân từ các tỉnh Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng phương tiện xe mô tô về địa phương Công an Thành phố thực hiện như sau:

+ Chỉ đạo các Đội nghiệp vụ và Công an các xã, phường trực chiến 24/24 để bố trí lực lượng, phương tiện thành lập Tổ công tác tổ chức rà soát thông tin, lập danh sách, phân loại người dân tại các chốt kiểm soát của ngõ Tỉnh Đồng Tháp và phối hợp với lực lượng y tế tổ chức test nhanh sàng lọc;

+ Bố trí phương tiện dẫn đoàn đưa người dân về các điểm cách ly y tế theo đúng quy định.

+ Đối với các trường hợp xe hết xăng, bị hư và người dân mệt mỏi do phải điều khiển xe quãng đường dài, các trường hợp này, lực lượng Công an có bố trí xe đặc chủng để chở phương tiện và người dân về đảm bảo an toàn cho người dân về đến các điểm cách ly y tế.

+ Bố trí lực lượng 24/24 tại các khu vực cách ly tập trung đảm bảo ANTT tại đây.

- Nhận định trong thời gian tới thì tình hình người dân từ các tỉnh, thành phố tự phát về quê có thể còn diễn ra nhưng số lượng sẽ không nhiều như trước đây. Do tình hình dịch bệnh ở các tỉnh, thành phố cơ bản đã được kiểm soát.

- Khó khăn cho công tác quản lý tình hình ANTT tại địa phương có thể là tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có thể phát sinh, do một số người không có công ăn việc làm ổn định, có thể bị một số đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm tội.

II. PHẦN GIAO LƯU VỚI THÍNH GIẢ

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 1:

Trường hợp trong hộ đã có người nhận tiền hỗ trợ bán vé số, thì người khác trong hộ nếu đúng đối tượng và đủ điều kiện thì có được nhận tiền hỗ trợ lao động tự do bị mất việc nữa hay không.

TRẢ LỜI:

Bà: Trần Thụy Ngọc Diễm – Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thành Phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Căn cứ Quyết định số 1277 của Ủy ban nhân dân Tỉnh bổ sung đối tượng lao động tự do trong hộ gia đình có hoàn cảnh thật sự khó khăn chưa nhận được hỗ trợ (nhằm chia sẽ khó khăn cho các hộ còn lại). Do đó, người bán vé số dạo trong hộ gia đình đã nhận được hỗ trợ, thì đối tượng còn lại trong hộ gia đình không được nhận hỗ trợ theo Quyết định 1277 của Ủy ban nhân dân Tỉnh Đồng Tháp

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 2:

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các em học sinh học trực tuyến trên thiết bị máy tính hay điện thoại thông minh, như vậy đối với trường hợp những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn không có thiết bị để học trực tuyến thì ngành giáo dục có hỗ trợ thiết bị kịp thời cho các em hay không? Điều kiện để được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến như thế nào?

TRẢ LỜI:

Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Căn cứ Kế hoạch số 286 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc hưởng ứng Chương trình “Sóng và Máy tính cho em”; Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 2677 về hưởng ứng Chương trình “Sóng và Máy tính cho em” trên địa bàn Thành phố để kêu gọi các cơ quan, đơn vị, xã, phường, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài Thành phố hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho các học sinh, học viên có hoàn cảnh khó khăn, với phương châm “Các em tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, “Đồng hành cùng các em vượt qua đại dịch COVID-19”.

Phòng GDĐT chỉ đạo các đơn vị trường Phối hợp với UBND xã, phường trên địa bàn Thành phố để rà soát các em học sinh, học viên chưa có điều kiện học trực tuyến (thiếu thiết bị, đường truyền) thuộc các đối tượng nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, khó khăn, đặc biệt khó khăn để UBND TP tổ chức trao các thiết bị học trực tuyến cho các em. Đồng thời phối hợp VNPT, Viettel trao tặng sim 4G miễn phí cho các em không có Internet để học trực tuyến.

Với quyết tâm không để một học sinh, học viên mất cơ hội học tập vì đại dịch COVID-19, UBND thành phố, phòng GDĐT trao tặng phương tiện học trực tuyến kịp thời cho các em học tập. Hiện nay cơ bản là HS nghèo, cận nghèo, khó khăn ở các khối lớp 5, 8, 9, 10, 11, 12 đã được hỗ trợ phương tiện học trực tuyến, còn HS 02 khối 6,7 chưa được trao tặng phương tiện học trực tuyến kịp thời do nguồn hàng trên thị trường không đủ đáp ứng. Đối với các em chưa có điều kiện học trực tuyến: Giáo viên giao nhiệm vụ học tập cho các em bằng cách photocopy tài liệu chuyển cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, thầy cô còn hướng dẫn học sinh tự học qua kênh truyền hình…

Khi có nguồn hàng phương tiện học trực tuyến, phòng GDĐT TP sẽ hỗ trợ kịp thời cho các em trong thời gian tiếp theo. Thông qua chương trình, ngành GD kêu gọi quý phụ huynh nếu có điều kiện hãy tự trang bị phương tiện học trực tuyến cho con em mình để chia sẻ bớt những khó khăn chung vì số lượng HS nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn trên địa bàn TP khá nhiều.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 3:

Những ngày qua rất nhiều người dân từ các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh,… về quê tránh dịch covid-19. Để đảm bảo an toàn cũng như phòng ngừa lây lang dịch bệnh, thì công tác tiếp nhận, quản lý công dân về quê như thế nào?

TRẢ LỜI:

Thượng tá: Văn Vũ Quốc Khương – Trưởng Công an Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Để đảm bảo công tác an ninh trật tự trong công tác phòng, chống Covid-19, cũng như tiếp nhận và quản lý những người dân từ các tỉnh Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng phương tiện xe mô tô về địa phương Công an Thành phố đã chỉ đạo các Đội nghiệp vụ và Công an các xã, phường trực chiến 24/24 để bố trí lực lượng, phương tiện thành lập Tổ công tác tổ chức rà soát thông tin, lập danh sách, phân loại người dân tại các chốt kiểm soát của ngõ Tỉnh Đồng Tháp và phối hợp với lực lượng y tế tổ chức test nhanh sàng lọc, sau đó, bố trí phương tiện dẫn đoàn đưa người dân về các điểm cách ly y tế theo đúng quy định.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 4:

Người lao động quanh năm sống từ thu nhập chính là làm thuê, làm mướn (vừa làm thuê bốc vác lúa, vừa bốc vác ớt, dưa hấu,... thời gian bốc vác lúa có thể ít hơn bên rẫy) có được xét hỗ trợ không?

TRẢ LỜI:

Bà: Trần Thụy Ngọc Diễm – Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thành Phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Căn cứ Quyết định số 1277 của Ủy ban nhân dân Tỉnh Đồng Tháp. Có quy định: Người quanh năm sống từ thu nhập chính là làm thuê, làm mướn (trồng lúa, chăm sóc lúa, thu hoạch lúa bằng thủ công; bốc vác tại các cơ sở, cửa hàng vật tư nông nghiệp, cửa hàng vật liệu xây dựng; bốc vác lúa tại các bến bãi lên xuống tàu, ghe, xe tải; gánh cá thuê tại các chợ). Như vậy trường hợp trên không thuộc đối tượng hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 1277 của UBND Tỉnh.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 5:

Đối với người lao động không có hợp đồng lao động, làm việc tại các cơ sở chế biến cá viên chiên, bò viên chiên,... đã tạm nghỉ do dịch Covid-19 thì có được hỗ trợ hay không?

TRẢ LỜI:

Bà: Trần Thụy Ngọc Diễm – Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thành Phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Căn cứ Quyết định 964 của UBND Tỉnh quy định Người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống. Trường hợp của Anh làm việc trong Cơ sở chế biến cá viên chiên, bò viên chiên (là cơ sở sản xuất kinh doanh), chứ không phải hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, nên Anh chưa thuộc đối tượng hỗ trợ theo Quyết định 964 của UBND Tỉnh.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 6:

Việc dạy học trực tuyến cho các em học sinh đến khi nào sẽ chuyển sang dạy trực tiếp tại trường lớp?

TRẢ LỜI:

Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nên chưa khẳng định được khi nào sẽ tập trung học lại trực tiếp được. Khi nào, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, đảm bảo cho sự an toàn của giáo viên và các em học sinh, UBND tỉnh thống  nhất cho tổ chức dạy học tập trung và Sở GDĐT có phương án cụ thể thì lúc đó ngành Giáo dục Thành phố sẽ tổ chức triển khai cho học sinh tập trung học trực tiếp. Thông qua chương trình, ngành giáo dục kêu gọi quý phụ huynh thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ y tế để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid 19. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân cùng với xã hội thực hiện tốt công tác phòng chống dịch thì việc trở lại trường học tập trung của các em sẽ được thực hiện với phương châm tất cả vì sức khỏe của con em chúng ta.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 7:

Tôi thấy, trong khi con tôi học có lúc mạng chập chờn, không nghe rõ. Vậy có cách nào để khắc phục tình trạng không bị gián đoạn không?

TRẢ LỜI:

Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Mạng chập chờn, không nghe rõ có nhiều nguyên nhân: Có thể do đường truyền internet, wifi, sóng 3G, 4G yếu; cũng có thể do thiết bị yếu; do quá tải đường truyền vì có nhiều người sử dụng cùng lúc…. Phụ huynh có thể liên hệ với nơi cung cấp dịch vụ internet kiểm tra đường truyền để khắc phục. Tuy nhiên, phụ huynh có thể tham khảo một số cách khắc phục như sau:

Để tối ưu hóa tốc độ, khi tập trung làm việc, học trực tuyến, người nhà nên hạn chế sử dụng các dịch vụ ngốn nhiều băng thông như xem phim, chơi game trực tuyến.

Với các gia đình có nhiều người làm việc, học tập trực tuyến nên luân phiên để hạn chế nhu cầu tăng đột biến tại một thời điểm.

Ngoài ra, nên dùng mạng dây thay vì wifi để có kết nối tốt và ổn định hơn. Những gia đình có nhu cầu sử dụng nhiều nên đăng ký các gói cước có băng thông cao.

Hiện nay, tất cả các trường trên địa bàn Thành phố đã sử dụng hệ thống dạy học trực tuyến LMS, giáo viên thực hiện ghi hình bài giảng. Vì vậy  trường hợp các em bị gián đoạn khi học online do ảnh hưởng đường truyền mạng thì có thể truy cập vào hệ thống để xem lại bài giảng.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 8:

Thành phố Hồng Ngự cũng như các địa phương khác đang tiếp nhận rất nhiều bà con đi lao động, học tập từ các tỉnh, Thành phố trở về địa phương và được cách ly tập trung theo qui định. Xin hỏi, sau khi hoàn thành cách ly tập trung, được cho trở về nhà tiếp tục cách ly y tế hoặc theo dõi sức khỏe, nhưng trong thời gian này, người dân tự ý ra khỏi nhà có vi phạm pháp luật hay không, hoặc bị xử lý như thế nào?

TRẢ LỜI:

Thượng tá: Văn Vũ Quốc Khương – Trưởng Công an Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo Nghị định 117 Chỉnh phủ thì hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ.

Người không chấp hành có thể sẽ bị áp dụng biện pháp cách ly tập trung trở lại.

Trường hợp, người không thực hiện quy định cách ly y tế tại nhà mà làm lây lan dịch bệnh thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: “Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù thấp nhất là 01 năm; cao nhất là 12 năm”.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 9:

Tôi chở cá thuê tại các hầm cá xuống ghe, lên xe tải; bốc vác tại các kho mua, bán phế liệu, như vậy có được xem xét hưởng hỗ trợ không.

TRẢ LỜI:

Bà: Trần Thụy Ngọc Diễm – Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thành Phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Căn cứ Quyết định số 1277 của UBND Tỉnh. Quy định: Người quanh năm sống từ thu nhập chính là làm thuê, làm mướn (trồng lúa, chăm sóc lúa, thu hoạch lúa bằng thủ công; bốc vác tại các cơ sở, cửa hàng vật tư nông nghiệp, cửa hàng vật liệu xây dựng; bốc vác lúa tại các bến bãi lên xuống tàu, ghe, xe tải; gánh cá thuê tại các chợ). Như vậy trường  hợp của Anh không thuộc đối tượng hỗ trợ theo Quyết định số 1277 của UBND Tỉnh

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 10:

Hộ gia đình đã có người nhận hỗ trợ theo Quyết định số 964 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh rồi thì thành viên khác trong hộ có được hỗ trợ theo Quyết định số 1277 của UBND Tỉnh nữa không?

TRẢ LỜI:

Bà: Trần Thụy Ngọc Diễm – Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thành Phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Căn cứ Công văn số 1530, ngày 30/8/2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1277 của UBND Tỉnh, quy định: Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 01 suất (không bao gồm hộ gia đình đã có người nhận hỗ trợ theo Quyết định số 964 của UBND Tỉnh).

Như vậy, hộ gia đình đã có người nhận hỗ trợ theo Quyết định số 964 của UBND Tỉnh rồi, thì thành viên khác trong hộ không được hỗ trợ theo Quyết định số 1277 của UBND Tỉnh.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 11:

Con tôi năm nay học lớp 7. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tôi dự định cho con tôi tạm nghỉ học 1 năm để khi nào dịch bệnh ổn định thì mới cho con tôi đến trường học được hay không?

TRẢ LỜI:

Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid 19 và cũng vì sự an toàn cho giáo viên và học sinh nên hiện tại ngành giáo dục chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang hình thức tổ chức dạy học trực tuyến từ khối lớp 5 đến lớp 12 và với hình thức dạy học trực tuyến, thầy cô cũng chuyển tải hết những nội dung kiến thức cốt lõi cho các em nên anh cứ yên tâm cho con em mình học trực tuyến và khi nào tình hình dịch bệnh trên địa bàn của TP và các địa phương lân cận được kiểm soát tốt, UBND tỉnh thống nhất cho tổ chức dạy học tập trung và Sở GDĐT có phương án cụ thể thì lúc đó ngành Giáo dục Thành phố sẽ tổ chức triển khai cho học sinh tập trung học trực tiếp.

Theo quy định thì học sinh có thể học chậm hơn so với độ tuổi là 02 tuổi. Nếu nghỉ 01 năm thì các em vẫn được tạo điều kiện học tập cho năm học tới. Tuy nhiên ngành giáo dục hy vọng và mong muốn quý phụ huynh nên tạo điều kiện cho con em mình tham gia học trong năm học này để đảm bảo về mặt kiến thức cho liền mạch, không bị gián đoạn và thuận lợi hơn cho năm học tiếp theo để các em không bị ảnh hưởng về tâm lý vì không theo kịp bạn bè cùng trang lứa khi phải gián đọan việc học.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 12:

Tôi nghe thông tin trên Đài có nói rằng các chốt kiểm dịch liên huyện không còn nữa chỉ còn lại các chốt liên tỉnh. Như vậy điều kiện người dân đi lại ra ngoài địa bàn tỉnh Đồng Tháp hoặc ngược lại đối với các tỉnh, thành phố lân cận vào địa bàn tỉnh thì phải đáp ứng các điều kiện gì?

TRẢ LỜI:

Thượng tá: Văn Vũ Quốc Khương – Trưởng Công an Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Kế hoạch số: 306 của UBND tỉnh Đồng Tháp về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, quy định như sau:

* Người dân được di chuyển ra khỏi địa bàn Tỉnh không phải xin phép (trừ vùng dịch cấp 4 do Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét hướng dẫn từng trường hợp cụ thể) và áp dụng theo các quy định của địa phương tiếp nhận.

* Đối với việc di chuyển, đi lại từ ngoài Tỉnh về Đồng Tháp lưu trú

- Tỉnh Đồng Tháp được xác định ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình).

- Kế hoạch số: 107 của sở y tế quy định trường hợp người dân đi từ ngoài tỉnh về lưu trú như sau:

- Đối với người từ vùng dịch cấp 1, cấp 2 đến hoặc đi qua vùng dịch cấp 1, cấp 2 khi di chuyển, đi lại phải bảo đảm các yêu cầu về 5K, không tập trung quá số lượng người tương ứng với cấp độ dịch.

+ Thực hiện khai báo y tế, quét mã QR tại các chốt kiểm soát dịch;

+ Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử lý theo quy định.

- Đối với người về từ vùng cấp 3, 4 về Đồng Tháp (sau khi có thời gian lưu trú từ 3 ngày trở lên) thực hiện các biện pháp cách ly như sau:

+ Đối với người đến từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế), người tiếp xúc gần (F1): thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

+ Cách ly đủ 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn lây hoặc kể từ ngày đến/về địa phương:

. Các trường hợp có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định (F1); Các trường hợp trong vòng 14 ngày qua đến/về từ khu vực có dịch đang bị phong tỏa; các trường hợp không tuân thủ nghiêm túc việc cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

. Những người về từ các địa phương, khu vực có dịch COVID-19 vừa hết giãn cách, nhất là từ các địa phương có số mắc COVID-19 cao (cấp độ 4, cấp độ 3 hoặc vùng cách ly y tế) và chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19.

+ Cách ly đủ 07 ngày kể từ ngày đến/về địa phương đối với người từ vùng cam (cấp độ 3 nguy cơ cao), vùng đỏ (cấp độ 4 nguy cơ rất cao) và tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 về địa phương.

+ Những người trở về từ vùng dịch đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19 có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện của cơ sở y tế trong vòng 6 tháng. Sẽ được làm xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR có kết quả âm tính, thì được về nhà cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe trong 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương

- Đối với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, người dưới 18 tuổi (trẻ em): thực hiện cách ly tại nhà và có người chăm sóc cách ly cùng.

- Trường hợp người dân đi về trong 1-2 ngày từ vùng cấp 3, 4: tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày, khai báo y tế địa phương. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử lý theo quy định.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 13:

Hiện nay gia định tôi bị kẹt lại ở vùng dịch chưa về quê được, năm học này con tôi sẽ vào lớp 5, tôi không cho con học trực tuyến chờ khi nào hết dịch về học trực tiếp có được không?

TRẢ LỜI:

Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Trên địa bàn TPHN, kể từ ngày 06 tháng 9 năm 2021 triển khai tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh khối lớp 9, lớp 12; 20 tháng 9 năm 2021 triển khai dạy học trực tuyến cho các khối lớp 8, 11; ngày 27 tháng 9 năm 2021 tiếp tục triển khai dạy học trực tuyến cho các khối lớp 5, 6, 7, 10.

Nếu gia đình không thể về địa phương được thì vẫn cho con em tham gia học trực tuyến bình thường với điều kiện có sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối wifi hay 4G. Học trực tuyến là hình thức dạy học mới đòi hỏi gia đình phối hợp với nhà trường để tạo điều kiện cho các em tham gia học trực tuyến trong điều kiện không thể học tập trung do dịch bệnh Covid 19. Thầy cô đảm bảo chuyển tải hết các nội dung cốt lõi của bài học và hướng dẫn cụ thể cho các em nên anh cứ yên tâm cho con em mình học trực tuyến. Khi nào gia đình về địa phương thì nhà trường tạo điều kiện cho các em tham gia học tập trung bình thường theo kế hoạch của nhà trường và quy định của ngành giáo dục.

Nếu trường hợp dịch bệnh diễn biến thức tạp, gia đình không thể về địa phương được thì anh có thể chuyển trường cho con em mình học tạm tại địa phương cư trú theo quy định của Bộ GD&ĐT về tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 14:

Con tôi theo học hình thức trực tuyến bằng thiết bị điện thoại với thời gian dài nhiều ngày có nguy hại đến sức khỏe không?

TRẢ LỜI:

Bà: Nguyễn Thị Kim Yến – Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Học trực tuyến bằng thiết bị điện thoại đối với học sinh lớp 5 sẽ không có nguy hại đến sức khỏe nếu như phụ huynh học sinh cùng đồng hành với nhà trường trong quá trình dạy học, cụ thể như: lựa chọn không gian, chú ý tư thế ngồi đúng của con em, đặt điện thoại vị trí vừa tầm nhìn, chỉnh độ sáng phù hợp,..không sạc điện thoại khi đang sử dụng điện thoại học trực tuyến. Bên cạnh, nhà trường đảm bảo sắp xếp thời gian biểu và thời lượng học hợp lý khoa học; mỗi buổi không quá 03 tiết/buổi, thời lượng khoảng 30 phút/tiết và có giải lao giữa các tiết. Ngoài ra, gia đình, thầy cô hướng dẫn học sinh luyện tập thể dục cho mắt, bằng cách nhìn xa vào khoảng không gian sau mỗi tiết học để giúp mắt thư giãn.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 15:

Tôi làm việc trong Doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phòng chống dịch Covid – 19. Vậy người lao động làm việc trong doanh nghiệp tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương có được hỗ trợ hay không, mức hỗ trợ  là bao nhiêu?

TRẢ LỜI:

Bà: Trần Thụy Ngọc Diễm – Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thành Phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Căn cứ Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ quy định, khi người lao động làm việc lại Doanh nghiệp phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch bệnh Covid 19, phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên và thời điểm bắt đầu tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/12/2021; đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, thì được hỗ trợ theo Quyết định số 23 của Thủ tướng chính phủ. Mức hỗ trợ: 1.855.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 30 ngày và Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 30 ngày trở lên, thì mức hỗ trợ là 3.710.000 đồng/người.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 16:

Người về từ vùng dịch không khai báo y tế hoặc che dấu tình trạng bệnh của mình có vi phạm pháp luật hay không. Nếu làm lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý như thế nào?

TRẢ LỜI:

Thượng tá: Văn Vũ Quốc Khương – Trưởng Công an Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo quy định Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, quy định các hành vi bị nghiêm cấm là: “Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật”.

Do đó, đối với hành vi “Người từ vùng dịch không khai báo y tế mà làm lây lan dịch bệnh”, là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy tính chất và mức độ mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Nghị định 117 của Chính phủ quy định: Người nào có hành vi: “Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân”, thì bị phạt tiền từ 1.000.000đ đến 3.000.000đ.

- Hành vi làm lây lan dịch Covid-19 cho người khác có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, được quy định tại Điều 240, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

“Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù thấp nhất là 01 năm; cao nhất là 12 năm”.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 17:

Hiện tại tôi đang bán quần áo may sẵn, trên địa bàn phường An Thạnh. Tôi không đăng ký kinh doanh và không đăng ký thuế, thì có được hỗ trợ hay không?

TRẢ LỜI:

Bà: Trần Thụy Ngọc Diễm – Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thành Phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Căn cứ Điều 35, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện để hộ kinh doanh được hỗ trợ phải có đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. Do đó Hộ không đăng ký kinh doanh và không đăng ký thuế thì không thuộc diện hỗ trợ theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 18:

Theo thông tin trên báo, đài, hiện nay Chính phủ ban hành NQ 128, theo đó thì các tỉnh, thành phố sẽ không còn áp dụng CT15, 16, 19. Hỏi như vậy các hoạt động tập trung đông người và hoạt động sản xuất kinh doanh, vận chuyển hàng hóa…hiện nay được áp dụng thực hiện như thế nào?

TRẢ LỜI:

Thượng tá: Văn Vũ Quốc Khương – Trưởng Công an Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Đối với nội dung câu hỏi này có 3 nhóm vấn đề. Tôi xin trình bày theo từng nhóm vấn đề như sau:

* Vấn đề thứ 3: Về hoạt động tập trung đông người:

 Tại Quyết định số: 1585 của UBND tỉnh Đồng Tháp quy định như sau:

- Cho phép các hoạt động trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo...) nhưng tập trung không quá 20 người, trừ các hoạt động, sự kiện được cơ quan có thẩm quyền cho phép và phải đảm bảo phòng, chống dịch. Không quá 30 người khi những người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực.

- Cho phép các hoạt động ngoài trời nhưng tập trung không quá 30 người, trừ các hoạt động, sự kiện được cơ quan có thẩm quyền cho phép và phải đảm bảo phòng, chống dịch; không quá 50 người khi những người tham gia đã được 2 tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc có xét nghiệm SARSCoV-2 âm tính còn hiệu lực.

*Vấn đề thứ 2: Về hoạt động sản xuất kinh doanh:

Tại Quyết định số: 1585 của UBND tỉnh Đồng Tháp quy định 07 nhóm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như sau:

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, khu/ cụm công nghiệp, khu kinh tế

- Hoạt động bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19; định kỳ đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh hằng tuần.

- Ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phương án xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19.

- Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động theo hướng dẫn của ngành y tế.

- Có cán bộ/bộ phận y tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định, thực hiện công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh thông thường khác theo quy định. Cán bộ/bộ phận y tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh xác nhận kết quả tự xét nghiệm kháng nguyên nhanh, báo cáo và phối hợp y tế địa phương xử trí khi có trường hợp mắc tại nơi làm việc.

2. Hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, ngư nghiệp: được hoạt động nhưng đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

3. Công trình giao thông, xây dựng: được hoạt động nhưng đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.

4. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm: khám, chữa bệnh; cung cấp lương thực, thực phẩm; dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tổ chức tín dụng, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động tín dụng, chi nhánh ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, bán đấu giá tài sản); dịch vụ công ích, dịch vụ tiện ích công (cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật); chứng khoán, bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động 3 liên quan đến giám định, lập hồ sơ, giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng); bưu chính, viễn thông, báo chí, thiết bị tin học, văn phòng, dụng cụ học tập; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y; kho dự trữ, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, tang lễ và các cơ sở khác do UBND cấp huyện quyết định hoạt động nhưng bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phương án xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19; tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động theo hướng dẫn của ngành y tế.

5. Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ bán lẻ, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống

- Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ bán lẻ được hoạt động bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

- Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng giảm 30% lượng khách tại cùng một thời điểm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

6. Cơ sở kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu như: làm đẹp, mát xa, vũ trường, karaoke, quán bar, internet, trò chơi điện tử hoặc các cơ sở khác tiếp tục tạm dừng hoạt động. Riêng cơ sở cắt tóc, làm tóc được hoạt động.

7. Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo… được hoạt động nhưng người bán phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.

* Vấn đề thứ 3: Về hoạt động vận chuyển hàng hóa:

Quyết định số: 1585của UBND tỉnh Đồng Tháp quy định như sau:

- Giao thông công cộng đường bộ, đường thủy nội Tỉnh: Các phương tiện công cộng (taxi, xe khách, bến đò…) vận chuyển hành khách được hoạt động theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải.

- Lưu thông, vận chuyển hàng hóa: được hoạt động theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải.

-- HẾT –

-----------------------------  

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ
Đơn vị chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hồng Ngự
Trụ sở: Khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3563.362