null Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 2 năm 2020

Đối thoại Đối thoại

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 2 năm 2020

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thị xã Hồng Ngự, phát trên sóng FM tầng số 96.5MHz. Chương trình được thực hiện theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thị xã, được phát theo chu kỳ 02 tháng 01 lần. Kính mời quý thính giả đón theo dõi và tham gia giao lưu với các diễn giả trong chương trình của chúng tôi qua số điện thoại của chương trình là 0277 3563 407.

Thứ 3, ngày 07 tháng 4 năm 2020Rất vui được gặp lại quý thính giả trong Chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thị xã Hồng Ngự phát kỳ thứ 2 năm 2020 và chương trình phát sóng kỳ này có chủ đề “Phòng chống dịch bệnh Covid-19”.

Tham gia chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh Thị xã, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 03 vị diễn giả:

- Ông Trang Văn Hận – Phó Trưởng phòng VH&TT, GĐ Trung tâm VH - TT&TT;

- Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế;

- Thiếu tá Phan Quyền Anh – Đội Trưởng Đội CSGT - TT Công an Thị xã.

PHẦN ĐỐI THOẠI: Chủ đề “Phòng chống dịch bệnh Covid-19”

CÂU HỎI:

Diễn biến tình hình dịch bệnh Covid–19 ở Việt Nam và trên địa tỉnh Đồng Tháp nói chung và Thị xã Hồng Ngự nói riêng?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

Tính đến thời điểm hiện tại Việt nam có 25 tỉnh, thành phố có người bị nhiễm Covid-19. Trong đó Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh có số ca nhiễm cao nhất, trong đó Đồng Tháp có 04 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến ở Sa Đéc.

Vào 6 giờ sáng 6/4: 241 trường hợp (trong đó có 150 người nước ngoài, 91 người Việt Nam lây nhiễm thứ phát).

Cập nhật thông tin nhiểm covid 19 tại Đồng Tháp: 6 giờ sáng 6/4: 04 trường hợp

Khu cách ly tập trung thị xã Hồng Ngự: 16 giờ chiều 5/4: 145 trường hợp.

CÂU HỎI:

Công tác chuẩn bị các cơ sở vật chất cũng như mở rộng khu cách ly để tiếp nhận những người dân từ nơi có dịch bệnh và từ Campuchia về cách ly đã thực hiện như thế nào? Dự kiến khu cách ly mở rộng tiếp nhận khoảng bao nhiêu người? đến thời điểm này có bao nhiêu người được cấp giấy chứng nhận hết thời gian cách ly theo quy định?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

Khu cách ly tại trường trung cấp TXHN:

- Qui mô chuần bị ban đầu cho khu cách ly tập trung : 200 giường 

- Mở rộng: 350 giường sẵn sàng tiếp nhận 350 trường hợp cách ly tập trung.

- Hết thời hạn được cách ly tập trung:

+ Ngày 2/4 : có 2 trường hợp được BCĐ cấp GCN hết thời hạn cách ly.

CÂU HỎI:

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, Ngành VH - TT đã triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch Covid - 19 như thế nào?

TRẢ LỜI:

Ông Trang Văn Hận – Phó Trưởng phòng VH&TT, GĐ Trung tâm VH-TT&TT giải đáp thắc mắc như sau:

Công tác QLNN trên lĩnh vực văn hóa xã hội và dịch vụ văn hóa thời gian được ngành quan tâm, tập trung thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả trên một số lĩnh vực ngành phụ trách như:

- Tổ chức xe hoa cổ động; tăng thời lượng tuyên truyền trên hệ thống Truyền thanh của Tx và xã, phường; Cập nhật, đăng tải thường xuyên những thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức chuyên mục Chính quyền đối thoại cùng nhân dân qua sóng phát thanh, chủ đề về phòng, chống dịch bệnh Covid-19…

- Điều hành Đội kiểm tra liên ngành VHXH tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhỡ hạn chế và tạm dừng một số hoạt động như: Khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn khi tiếp nhận khách buộc phải thông tin và khai báo khi có khách nước ngoài hoặc nội địa nhưng đến từ vùng dịch…Kiểm tra, nhắc nhỡ buộc tạm dừng đối với các dịch vụ như Masage, Karaoke, nhà hàng, Billas, Hồ bơi, tiệm tóc; các khu vui chơi giải trí, sân bãi tập luyện TDTT, hát với nhau…Tạm thời dừng tổ chức các hoạt động lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn.

- Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động hộ gia đình xem xét, điều chỉnh thời gian tổ chức việc cưới, liên hoan cho phù hợp, nhằm hạn chế tập trung đông người, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người thân và cộng đồng xã hội.

Riêng đối với việc tang, nên tổ chức trong phạm vi gia đình, hạn chế việc tập trung cùng một lúc với số người đông.

Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch bệnh đến thời điểm này được người dân đồng tình hưởng ứng và thực hiện tích cực theo khuyến cáo của các ngành chức năng, đặc biệt là Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

CÂU HỎI:

Những trường hợp người dân không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông hoặc đến nơi công cộng thì có bị phạt không? Nếu có thì mức xử phạt là bao nhiêu nếu không đeo khẩu trang? Thẩm quyền của Cảnh sát giao thông có được dừng xe và xử phạt hành vi nêu trên không?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá Phan Quyền Anh – Đội Trưởng Đội CSGT - TT Công an Thị xã giải đáp thắc mắc như sau:

- Căn cứ Nghị định 176/2013-NĐ-CP, ngày 14/11/2013 của Chính phủ qui định tại điểm a, khoản 1, Điều 11 qui định Mức xử phạt vi phạm hành vi trên là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

- Đối với hành vi không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông lực lượng cảnh sát giao thông có quyền dừng de và phối hợp lập biên bản xử lý theo qui định.

CÂU HỎI:

Virus Covid-19 có ở đâu trong môi trường xung quanh chúng ta?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

Covid-19 là virus có cả ở người và động vật bị bệnh cũng như người và động vật mang virus không có biểu hiện bệnh. Từ người và động vật mang virus, Covid-19 được phát tán ra môi trường xung quanh chủ yếu dưới dạng giọt bắn từ dịch tiết đường hô hấp khi ho, hắt hơi, xì mũi hay khạc nhổ. Các giọt bắn này gây ô nhiễm không khí trong phạm vi bán kính 2m từ nguồn phát tán. Từ không khí, các giọt bắn rơi lên bề mặt các đồ vật như quần áo, bàn ghế, điện thoại, bàn phím máy tính, nút bấm thang máy… gây ô nhiễm trực tiếp các bề mặt này. Nếu ai đó chạm vào bề mặt ô nhiễm trên rồi lại chạm tiếp vào các vật khác như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, thành ghế, tay vịn cầu thang, tay vịn trên các phương tiện giao thông… sẽ tiếp tục gây ô nhiễm gián tiếp cho các bề mặt mới này. Như vậy, Covid-19 tồn tại chủ yếu trong không khí ở khoảng cách trong bán kính khoảng 2m xung quanh người mang virus ho, hắt hơi, xì mũi mà không đeo khẩu trang hay lấy tay che mũi, miệng; ở trên bề mặt các đồ vật xung quanh khu vực người ho, hắt hơi, xì mũi, khạc nhổ và có thể cả trên bề mặt các đồ vật bị ô nhiễm thứ phát rất khó xác định. Từ các lý do trên, hành động đeo khẩu trang khi bị bệnh hoặc nghi ngờ mang mầm bệnh; che mũi, miệng khi ho, hắt hơi khi không đeo khẩu trang; không xì mũi, khạc nhổ nơi công cộng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hạn chế phát tán và gây ô nhiễm virus trong cộng đồng; thường xuyên vệ sinh các đồ vật xung quanh cũng là biện pháp hiệu quả để tránh ô nhiễm (kể cả trực tiếp và gián tiếp) môi trường sống; hạn chế chạm tay vào các bề mặt có nguy cơ ô nhiễm cao, rửa hoặc sát trùng tay thường xuyên, hạn chế bắt tay cũng là các biện pháp hiệu quả để tránh gây ô nhiễm thứ phát. Điều này không chỉ đúng với Covid-19 mà còn đúng với tất cả các bệnh có tác nhân gây bệnh trong đường hô hấp nói chung.

CÂU HỎI:

Virus Covid-19 tồn tại bao lâu trong môi trường tự nhiên?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

Trong môi trường tự nhiên, virus chỉ tồn tại nguyên dạng và không nhân lên, do vậy thời gian sống của virus trong môi trường tự nhiên là thời gian tồn tại của một thế hệ virus. Thời gian này là bao lâu sẽ phụ thuộc vào bản chất của virus và các điều kiện tự nhiên. Thông thường, ở nhiệt độ lạnh virus sẽ tồn tại lâu hơn, nhất là nhiệt độ lạnh âm sâu; các yếu tố khác như độ ẩm, chất liệu bề mặt (đất, gỗ, sắt…) cũng ảnh hưởng đến thời gian tồn tại của virus; đặc biệt ánh sáng mặt trời có tác dụng tiêu diệt virus rất hiệu quả. Đã có một số nghiên cứu cho thấy Covid-19 có thể sống được đến vài ngày, thậm chí đến 9 ngày trong môi trường tự nhiên. Vì thế, các biện pháp vệ sinh môi trường có vai trò hết sức quan trọng trong việc triệt tiêu nguồn tác nhân gây bệnh có trong môi trường. Không nên chủ quan cho rằng virus đã bị tiêu diệt bởi các yếu tố từ môi trường. Mặt khác, môi trường sống thông thoáng, có ánh nắng mặt trời cũng có ý nghĩa rất tốt làm giảm bớt các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus Covid-19 trong môi trường.

CÂU HỎI:

Đeo khẩu trang có thể ngăn ngừa được bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp không; Đeo khẩu trang như nào là đúng cách và Khẩu trang vải có tác dụng dự phòng lây nhiễm Covid-19 không?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

Khẩu trang khi sử dụng đúng loại và đúng cách có tác dụng ngăn ngừa được các tác nhân gây bệnh từ đường hô hấp của người mang mầm bệnh phát tán ra không khí và từ không khí vào đường hô hấp của người chưa bị nhiễm bệnh. Hiệu quả phòng ngừa sẽ cao hơn khi cả người mang mầm bệnh và người không mang mầm bệnh cùng sử dụng khẩu trang.

Khi đeo đảm bảo tay sạch, luôn đeo mặt chống thấm ra ngoài, chỉnh thanh kim loại cho ôm sát mũi và quai đeo chắc chắn. Khẩu trang phải chùm kín được mũi, miệng. Không sờ tay vào mặt ngoài trong suốt quá trình sử dụng. Khi tháo phải vệ sinh tay, dùng tay tháo dây đeo và chỉ cầm dây đeo bỏ vào thùng rác, không sờ vào mặt ngoài khẩu trang. Thời gian đeo khẩu trang dùng một lần khoảng 6 - 8 giờ.

Tuy nhiên hiệu quả bảo vệ thấp hơn khẩu trang y tế và có thể khác nhau tùy theo cấu tạo và cách sử dụng (đặc biệt là vấn đề tái sử dụng ) của khẩu trang vải. Cần lưu ý thông tin từ nhà sản xuất xem khẩu trang vải định sử dụng có đáp ứng được các yêu cầu chất lượng của Bộ Y tế hay không.

CÂU HỎI:

Những trường hợp người được cách ly mà tự ý bỏ trốn khỏi khu vực cách ly sẽ bị xử phạt như thế nào?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá Phan Quyền Anh – Đội Trưởng Đội CSGT - TT Công an Thị xã giải đáp thắc mắc như sau:

Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

* Xử phạt vi phạm hành chính: Bị xử phạt đến 10 triệu đồng

Theo Nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng, đồng thời bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

* Xử lý hình sự: Có thể bị phạt tù với mức cao nhất là 12 năm

Theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, người có hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người mà kết quả là làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu hành vi này làm chết người thì mức phạt lên đến 10 năm, chết từ 02 người trở lên thì mức phạt là 10 - 12 năm tù giam.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

CÂU HỎI:

Trường hợp người mắc bệnh  Covid - 19 khai báo gian dối, làm cho người nhiều khác nhiễm bệnh như trường hợp của bệnh nhân 17 ở Hà Nội và 34 ở Phan Thiết, thì sẽ bị xử lý như thế nào?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

Tại Quyết định 219 Bộ Y tế đã bổ sung dịch bệnh Covid-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Theo đó, tại  Nghị định 176/2013, người có hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm bị xử lý như nhau:

- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

- Phạt tiền từ 500.000 - 01 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

+ Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

CÂU HỎI:

Việc Tăng giá bán khẩu trang được xử lý như thế nào?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

Căn cứ Điều 12 Luật Giá năm 2012, các cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế phải niêm yết giá bán khẩu trang và không được bán cao hơn mức giá này.

Theo Điều 18 Nghị định 177/2013, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng; vi phạm nhiều lần, tái phạm sẽ bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng.

Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi bán khẩu trang cao hơn giá niêm yết mà tổ chức, cá nhân định giá (khoản 3 Điều 12 Nghị định 109/2013).

CÂU HỎI:

Tại sao lại thực hiện dừng các hoạt động, hội họp, tụ tập đông người nơi công cộng?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá Phan Quyền Anh – Đội Trưởng Đội CSGT - TT Công an Thị xã giải đáp thắc mắc như sau:

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19, ngày 26/3, Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng chống kịp thời, quyết liệt.

Sau đó: Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị 15 (Ngày 27/3), chỉ thị 16 (Ngày  31/3/2020 về việc cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 00 giờ ngày 01/4/2020) và Quyết định số 447 ngày 01/4/2020) của Thủ tướng Chính phủ về việc  Công bố dịch Covid-19 trên qui mô toàn quốc.

Theo dự báo, Việt Nam có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng chống kịp thời, quyết liệt. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu ít nhất trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, vui chơi, giải trí, lễ hội…; yêu cầu người dân giữ khoảng cách giữa người với người nơi công cộng từ 2 mét trở lên; khi ra đường phải mang khẩu trang; hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết theo phương châm: ở nơi nào ở yên nơi đó, tạm dừng các họat động.kinh doanh dịch vụ, trừ dịch vụ thiết yếu; dừng các hoạt động vận chuyển hàng không, đường thủy, đường bộ; tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại biên giới; sắp xếp CBCCVC làm việc tại nhà.

CÂU HỎI:

Thế nào là tự cách ly; Những người nào thuộc diện phải cách ly trong đợt dịch Covid-19 này?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

Tự cách ly là việc tự cá nhân bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhưng chưa có triệu chứng bị bệnh hoặc đã xét nghiệm âm tính với mầm bệnh nhưng nghi ngờ chưa thực sự hết khả năng lây nhiễm chủ động cách ly bản thân nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

Theo quy định hiện nay của Bộ Y tế, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân Covid-19 đều phải được cách ly.

 Cách ly tại nhà, nơi lưu trú Những người không có các triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây: Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh. Cùng làm việc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh. Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh.

Có tiếp xúc gần trong vòng 2m với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào. Ngồi cùng hàng hoặc trước - sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe; máy bay với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ. Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện) Những người đã mắc bệnh Covid-19 sẽ được cách ly tại bệnh viện theo quy định và theo chỉ định của bác sĩ cho đến khi khỏi bệnh và hết thời gian cách ly sẽ được về nhà.

Cách ly nghiêm ngặt Áp dụng với toàn bộ những người đang ở trong một khu vực xác định (ví dụ: Một ấp, khóm hoặc một xã, phường) hoặc ở một đơn vị, cơ quan nào đó mà có quyết định cách ly nghiêm ngặt thì đều phải cách ly. Không ai được ra khỏi khu vực cách ly cho đến khi có quyết định kết thúc cách ly của cơ quan có thẩm quyền, bất kể người đó có hay không có nguy cơ mắc bệnh.

CÂU HỎI:

Những trường hợp không chấp hành quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ công cộng tập trung đông người …hoặc không giữ khoảng cách giữa người với người từ 2 m trở lên có bị xử lý hay không?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá Phan Quyền Anh – Đội Trưởng Đội CSGT - TT Công an Thị xã giải đáp thắc mắc như sau:

Căn cứ Nghị định 176/2013 của Chính phủ qui định mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

Và tại Điều 11 của Nghị định 176/2013 của Chính phủ qui định mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

CÂU HỎI:

Những trường hợp nào người dân ra đường khi đang trong giai đoạn cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp cấp bách, phòng chống dịch Covid - 19 trong vòng 15 ngày như hiện nay?

TRẢ LỜI:

Ông Trang Văn Hận – Phó Trưởng phòng VH&TT, GĐ Trung tâm VH-TT&TT giải đáp thắc mắc như sau:

Căn cứ hướng dẫn số 2601 của Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP về thực hiện Chỉ thị 16 của TTg, theo hướng dẫn các trường hợp sau được ra đường trong giai đoạn cách ly xã hội gồm:

- Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác.

- Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn…

- Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, nhân viên Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

CÂU HỎI:

Thời gian qua có một số trường hợp người dân đăng tải trên mạng xã hội, hoặc chia sẻ các thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh covid - 19, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Vậy những trường hợp này sẽ bị xử lý như thế nào? trên địa bàn thị xã Hồng Ngự có trường hợp nào xảy ra không thưa ông?

TRẢ LỜI:

Ông Trang Văn Hận – Phó Trưởng phòng VH&TT, GĐ Trung tâm VH-TT&TT giải đáp thắc mắc như sau:

Từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đến nay, nhiều địa phương trong cả nước xử lý các trường hợp có hành vi vi phạm như chia sẻ, phát tán thông tin thiếu căn cứ, sai sự thật về dịch bệnh corona, gây tác động xấu đến người khác, gây hoang mang trong dư luận xã hội, nhất là thời điểm nóng như hiện thời gian gần đây.

Đối với những hành vi vi phạm nêu trên Căn cứ Luật an ninh mạng, điều 8, cấm hành vi: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác". Và hành vi trên vi phạm tại khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013, ngày 13/11/2013 của Chính phủ Qui định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện;

Và thời gian tới sẽ được áp dụng theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03-02-2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Tùy theo mức độ hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân mức xử phạt có thể lên đến 50 triệu đồng. Riêng mức xử phạt đối với hành vi tung tin sai sự thật về dịch COVID-19 có thể lên tới 30 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.

Cũng xin thông tin thêm đến quý thính giả được biết, vừa qua Công an Thị xã Hồng Ngự đã xử lý hành chính 01 trường hợp tại địa phương đăng thông tin trên mạng cá nhân không đúng sự thật về dịch bệnh cúm corona, gây hoang mang dư luận trong nhân dân. Qua làm việc đối tượng thừa nhận nội dung đăng tải không đúng sự thật và được yêu cầu xóa bỏ. Qua đây chúng tôi cũng khuyến cáo đến người dân nêu cao cảnh giác, không đăng tải, chia sẻ những thông tin không đúng sự thật, gây tác động xấu đến xã hội và vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp phát hiện có người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, người dân cần thông báo ngay với cơ quan Công an nơi xảy ra vụ việc, để có biện pháp xử lý kịp thời.

CÂU HỎI:

Những trường hợp cách ly tại nhà cần thực hiện những biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) Bộ Y tế  đã ban hành hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú.

Đối với người được cách ly

 Chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét.

Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly.

Tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày.

Hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.

Hàng ngày thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.

Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.

Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú.

Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly.

Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú.

Đối với thành viên trong hộ gia đình, người làm việc, quản lý nơi lưu trú của người được cách ly

Hàng ngày hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc.

 Hàng ngày lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở gia đình, nơi lưu trú bằng xà phòng hoặc các chất khử trùng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

Giúp đỡ, động viên, chia sẻ với người được cách ly trong suốt thời gian cách ly.

Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi khi người được cách ly có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.

Hỗ trợ phương tiện vệ sinh, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang cho người được cách ly, nếu có yêu cầu.

Không tổ chức hoạt động đông người tại gia đình, nơi lưu trú.

CÂU HỎI:

Tại sao lại cần tiến hành giám sát thân nhiệt để kiểm soát dịch bệnh; Ngoài giám sát thân nhiệt còn có biện pháp nào để kiểm soát dịch bệnh nữa không; Khi đo nhiệt độ ở trán bằng nhiệt kế điện tử, nhiệt độ bao nhiêu trở lên thì coi là bị sốt?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

Giám sát thân nhiệt chỉ là một biện pháp kiểm soát dịch bước đầu để phát hiện người có sốt khi nhập cảnh, khám bệnh... Hầu hết các ca bệnh nhiễm Covid-19 đều có sốt nên đây là bước sơ bộ để kiểm soát dịch vì đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên, biện pháp quan trọng vẫn là phát hiện sớm, cách ly và phòng ngừa trong lây nhiễm Covid-19.

Ngoài giám sát thân nhiệt còn phải kê khai các yếu tố dịch tễ như đến từ vùng dịch và theo dõi các triệu chứng hô hấp; quản lý và cách ly các người đến từ vùng dịch, tiếp xúc người bệnh và nghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện vệ sinh tay thường xuyên với xà phòng, vệ sinh hô hấp, vệ sinh nhà cửa và hạn chế tiếp xúc đông người để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Đo thân nhiệt có thể dùng máy đo thân nhiệt từ xa, đo thân nhiệt qua da bằng nhiệt kế điện tử, nhiệt kế điện tử đo trán, tai. Tuy nhiên, các cách đo này chỉ để sàng lọc vì chúng có sai số nhất định. Các trường hợp nghi ngờ sốt cần được kiểm tra lại bằng nhiệt kế y tế để xác định. Trên 370 C thì được coi là sốt.

-----------------------------

Chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh thị xã Hồng Ngự kỳ 02 năm 2020 đã kết thúc. Hy vọng qua phần giao lưu với các diễn giả vừa rồi, phần nào cung cấp được những thông tin cần thiết cho quý thính giả về các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid 19”. Qua đây Ban chỉ đạo chương trình khuyến cáo người dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, không được chủ quan và cũng đừng quá hoang mang về dịch bệnh covid – 19; phải giử gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ra đường hoặc những nơi công cộng, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, giử khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 02 người tại nơi công cộng; mọi người dân nên ở nhà, hạn chế ra đường, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết, nhằm góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

-- HẾT –

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ
Đơn vị chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hồng Ngự
Trụ sở: Khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3563.362