Xuất bản thông tin

null Một số vấn đề cần hoàn thiện BLHS qua áp dụng pháp luật đối với các tội phạm về ma túy

Trang chủ VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Một số vấn đề cần hoàn thiện BLHS qua áp dụng pháp luật đối với các tội phạm về ma túy

Một số bất cập trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các tội phạm về ma túy và kiến nghị...

= = =

 

Tóm tắt: Tệ nạn về ma túy là một trong những hiểm họa lớn của xã hội, gây thiệt hại cho sức khỏe, làm suy thoái giống nòi, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Để ngăn chặn hiểm họa về ma túy, pháp luật hình sự Việt Nam quy định nhiều chế tài xử phạt rất nghiêm khắc. Tuy nhiên,  quá trình áp dụng pháp luật để xử lý đã cho thấy, nhiều quy định chưa đảm bảo, cần có giải pháp khắc phục.

Từ khóa: Tội phạm về ma túy; Bộ luật Hình sự; hướng dẫn; áp dụng.

Abstract: Drug-related crime is one of the great dangers of society, causing damage to health, degradation of race and human dignity, destroying family happiness, and seriously affecting the order and safety of society and national security. In order to prevent the danger of these problems, Vietnam's criminal law prescribes many stringent sanctions. In applying the handling law, there are still many unsatisfactory provisions that need to be remedied.

 Keywords: Criminal law; tutorial; apply.

  1. Quy định của Bộ Luật Hình sự về tội phạm ma túy

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định các tội phạm về ma túy tại Chương XX trên cơ sở kế thừa quy định các tội phạm về ma túy tại Chương XVIII BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). So với quy định của BLHS năm 1999, quy định các tội phạm về ma túy trong BLHS năm 2015  đã có quy định đường lối xử lý phù hợp với từng tội, bổ sung các tình tiết cấu thành cơ bản, cấu thành tăng nặng đáp ứng yêu cầu xử lý tội phạm của thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho việc xử lý các tội phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội này. 

2. Một số bất cập trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các tội phạm về ma túy và kiến nghị

Thứ nhất, về xác định khối lượng ma túy để xử lý đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội

So với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 không có sự thay đổi về trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi thực hiện việc mua bán trái phép chất ma túy từ 02 lần trở lên (theo Điều 194 BLHS năm 1999;  Điều 251 BLHS năm 2015). Theo Tiểu mục 10.1 Mục 10 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự (Nghị quyết số 01/2006) thì TNHS đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mua bán trái phép chất ma túy nhiều lần khi xác định được tổng trọng lượng (BLHS năm 2015 đổi thuật ngữ “trọng lượng” thành “khối lượng”) chất ma túy của các lần cộng lại dưới mức trọng lượng quy định tại điểm g, h, i, k, l, m, n hoặc o khoản 2 Điều 194 của BLHS năm 1999 thì họ không phải chịu TNHS về tội mua bán trái phép chất ma túy (nay là điểm h, i, k, l, m, n, o khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015).

Khối lượng ma túy xác định đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội

 

BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)

BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam;

h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

h) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam;

i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

i) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi lăm kilôgam;

k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

k) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới hai trăm kilôgam;

l) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;

l) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới năm mươi kilôgam;

m) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có trọng lượng từ  hai mươi gam đến dưới một trăm gam;

n) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;

n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng từ một trăm mililít đến dưới hai trăm năm mươi mililít;

o) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;

Với quy định trên cho thấy, nếu người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mà thực hiện hành vi bán trái phép ma túy nhiều lần (có thể hai hay trên một trăm lần) nếu không có căn cứ pháp lý xác định khối lượng cụ thể chất ma túy đã bán trái phép, thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi theo khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS đối với tội mua bán trái phép chất ma túy nếu xác định từ khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015 trở lên. Tuy là hướng dẫn thi hành BLHS năm 1999 nhưng đến thời điểm này chưa có văn bản nào thay thế nên vẫn vận dụng tinh thần của Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP.

Thấy rằng, việc quy định trên một là chưa đảm bảo tính phổ quát của pháp luật, bởi việc mua bán trái phép chất ma túy nếu không bắt được quả tang thì rất khó xác định được khối lượng, dựa trên lời khai chỉ là chứng cứ gián tiếp và người mua ma túy thường sử dụng hết, từ đó đa số đều chưa đảm bảo về cơ sở pháp lý để xác định khối lượng. Trong khi BLHS năm 2015 quy định rất cụ thể về TNHS cũng như hình phạt đối với người thực hiện hành vi phạm tội, tùy vào độ tuổi mà chịu mức hình phạt nhất định. Nếu như người từ đủ 16 tuổi mua bán trái phép ma túy hai lần trở lên thì bị truy cứu TNHS theo điểm c khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015. Nếu áp dụng hình phạt tù thì theo quy định tại khoản 1 Điều 101 BLHS năm 2015 là hình phạt không quá 3/4 so với người đủ 18 tuổi. Và theo khoản 2 Điều 101 BLHS năm 2015 nếu người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì khung hình phạt tù bằng 1/2 so với người đủ 18 tuổi trở lên. Trong khi tội mua bán trái phép chất ma túy cấu thành về hình thức, chỉ có hành vi là dấu hiệu bắt buộc. Nếu vận dụng theo Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP thì sẽ rất khó để xử lý đối với trường hợp này. Điều này chưa đảm bảo việc phân loại xử lý, chưa đảm bảo tính công bằng đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Vì thế, theo tác giả, cần có sự thay đổi về quy định của pháp luật, cụ thể Tiểu mục 10.1 Mục 10 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP không nên vận dụng để áp dụng đối với việc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015.

Thứ hai, về quy định tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa phù hợp

Việc tính hậu quả về thể chất nhiều điểm giống như sự thiếu sót của một số tội về tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể là việc quy định khối lượng ma túy tại cấu thành tội phạm tăng nặng quy định về cách tính hậu quả về thể chất trong Điều 255 BLHS năm 2015 (tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy).

Theo dấu hiệu định khung tăng nặng tại điểm a, b khoản 3 Điều 255 BLHS năm 2015 có khung hình phạt từ 15 năm tù đến 20 năm tù liên quan đến hậu quả về thể chất của con người tại các điểm a và b như sau:

“a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%”.

Khoản 4 Điều 255 BLHS năm 2015 có khung hình phạt từ 20 năm tù đến chung thân quy định các dấu hiệu định khung tương ứng tại điểm a và điểm b là:

“a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên”.

Quy định trên của điều luật chưa đảm bảo về cách tính hậu quả về thể chất, từ đó dẫn đến việc áp dụng pháp luật gặp khó khăn.

Một là, nếu hậu quả của tội phạm gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% thì người phạm tội phải chịu hình phạt theo điểm b khoản 3 Điều 255 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, nếu một người có tỷ lệ tổn thương cơ thể trong khoảng từ 31% đến 60%, còn một người còn lại có tỷ lệ tổn thương cơ thể trên 61% thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản nào của Điều 255 BLHS năm 2015.

Tác giả thấy rằng, để đảm bảo việc xử lý hành vi liên quan tội tổ chức xử dụng trái phep chất ma túy cần bổ sung điểm c khoản 3 Điều 255 BLHS năm 2015 với một tình tiết cấu thành định khung như sau:

“c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nếu còn có tình tiết ở điểm a khoản 3 Điều này”

Hai là, khi gây hậu quả chết người và còn gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%, hoặc 01 người bị tổn thương với tỷ lệ dưới 100% thì được xếp là dấu hiệu định khung của nhiều điểm trong khoản 3 có khung hình phạt từ 15 năm đến 20 năm tù. Tuy nhiên, với quy định của khoản 4 Điều 255 BLHS năm 2015 thì chỉ cần gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên được xếp là dấu hiệu định khung của khoản 4 Điều 255 BLHS năm 2015 có khung hình phạt đến chung thân.

Quy định trên cho thấy cũng chưa đảm bảo tính hậu quả về thể chất, cụ thể nếu 02 người mà mỗi người 61% thì chỉ có 122% lại phải chịu TNHS với khung hình phạt chung thân, nhưng nếu gây chết một người và một người bị tổn hại cho sức khỏe 99% thì cũng chỉ chịu TNHS theo khoản 3 Điều 255 BLHS năm 2015 có khung hình phạt cao nhất là 20 năm.

Vì thế, để đảm bảo tính hậu quả của tội phạm gây ra cũng như xác định đủ tính chất, mức độ thiệt hại thì khoản 4 Điều 255 BLHS năm 2015 cần bổ sung thêm một điểm làm căn cứ xác định tính chất, mức độ của tội phạm: “Làm chết một người đồng thời gây tổn hại cho sức khỏe của một hay nhiều người trở lên có tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên”.

Thứ ba, về xử lý việc không tố giác tội phạm đối với người mua trái phép chất ma túy

Khoản 1 Điều 390 BLHS năm 2015 quy định về tội không tố giác tội phạm: Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Quy định trên cho thấy, tố giác tội phạm được xem xét như một nghĩa vụ bắt buộc của công dân nhằm mục đích phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Người biết được hành vi phạm tội của người khác nhưng không tố giác họ với cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị xử lý TNHS.

Quy định về tội không tố giác tội phạm rất khó khăn trong việc áp dụng, đối với tội phạm về ma túy, trong trường hợp nếu một người mua ma túy để sử dụng nhiều lần hay để bán lại nhiều lần, vì mục đích, nhu cầu riêng của họ, nếu họ lại tố giác người bán ma túy cho họ, thì họ sẽ không tìm được nguồn ma túy họ cần. Nếu như quy trách nhiệm cho họ về tội không tố giác tội phạm, thì họ sẽ không khai báo về hành vi họ mua túy hay khai không đầy đủ, từ đó dẫn đến việc không có điều kiện để xử lý đối với những người mua bán ma túy trái phép, không đảm bảo trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Do đã quy định thành điều luật cụ thể, nên trong thời gian qua, có nơi vận dụng để xử lý người mua ma túy sử dụng ngoài tội danh tàng trữ trái phép chất ma túy, hay mua bán trái phép chất ma túy, người thực hiện mua ma túy nhiều lần hay biết người bán ma túy trái phép nhiều lần bị xử lý với tội danh “không tố giác tội phạm”. Tuy nhiên, vấn đề trên có nơi xử lý, cũng có nơi không xử lý. Từ đó dẫn đến việc xử lý hình sự về tội phạm trên không thực hiện thống nhất.

Tác giả thấy rằng, cần có sự hướng dẫn thống nhất đối với tội không tố giác tội phạm, cụ thể bổ sung vào khoản 2 Điều 390 BLHS năm 2015 nội dung như sau: “Người vi phạm ở khoản 1 Điều này nếu có hành vi liên quan đến việc phạm tội của người vi phạm mà bị xử lý về một tội danh độc lập hay đồng phạm thì không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác của mình”.

Thứ tư, về hướng dẫn áp dụng pháp luật

Từ 10 điều luật quy định về tội phạm ma túy của BLHS năm 1999, sau khi lược bỏ và cơ cấu lại, BLHS năm 2015 quy định thành 13 điều luật để xử lý các hành vi liên quan đến các tội phạm về ma túy. Nhiều câu, cụm từ chưa được hướng dẫn, hay có hướng dẫn, giải thích nhưng chưa đồng bộ, chưa mang tính toàn diện, pháp quy để áp dụng rộng rãi mà chỉ mang tính nội bộ của ngành, từ đó, dẫn đến việc áp dụng gặp rất nhiều khó khăn.

Điển hình như tình tiết “gây bệnh nguy hiểm” tại các điều 255, 257 và 258 BLHS năm 2015 đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng.

Bên cạnh đó, có những cụm từ như “dụng cụ”, “phương tiện” dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy được quy định từ BLHS năm 1985, cho đến nay có rất nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng nhưng vẫn chưa thống nhất đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tại tiết c điểm 1 Mục II Phần B Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998 của TANDTC, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự quy định: “Phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy là các phương tiện, dụng cụ được sản xuất ra với chức năng chủ yếu dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy hay tuy được sản xuất ra với mục đích thông dụng trong cuộc sống hàng ngày, nhưng đã được sử dụng chuyên vào mục đích sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy”.

Mục 2 Phần I Giải đáp số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 về một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng tiếp tục khẳng định: phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy đã được hướng dẫn tại tiết c điểm 1 Mục II Phần B Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998, tuy nhiên, để phân biệt sự khác nhau giữa phương tiện và dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý vẫn còn là vướng mắc, Toà án nhân dân tối cao sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để có sự giải thích chính thức; tạm thời cần hiểu “dụng cụ” là những vật được dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý; “phương tiện” là những vật được dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.

Tiểu mục 1.3 Mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 (TTLT số 17/2007) quy định: “Phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” là những vật được sản xuất ra với chức năng chuyên dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy hay tuy được sản xuất ra với mục đích khác, nhưng đã được sử dụng chuyên vào mục đích sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

 Công văn số 5887/VKSTC-V14 ngày 05/12/2019 của VKSNDTC về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 và thi hành án hình sự. So với BLHS năm 1999, Điều 254 BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể “vật phạm pháp” đối với tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy theo hướng là đơn vị, dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại, chứ không quy định theo hướng “bộ dụng cụ, phương tiện” như hướng dẫn của TTLT số 17/2007 nhằm xử lý người thực hiện hành vi này một cách có hiệu quả, khả thi và nghiêm khắc hơn. Theo đó, hành vi tàng trữ x (đơn vị) một bộ phận dùng để sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, phải được hiểu là tàng trữ x đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

Việc hướng dẫn trên của VKSNDTC chúng tôi thấy chưa phù hợp vì để sử dụng chất ma túy tùy đối tượng có thể sử dụng bộ “coóng” ngoài ra cần một số vật khác để hỗ trợ như: bộ khò ga, bật lửa ga, con dao… nếu vận dụng theo Công văn số 5887/VKSTC-V14 ngày 05/12/2019 của VKSNDTC thì rất khó áp dụng, vì tách một bộ ra thành đơn vị nhỏ thì chỉ cần một bộ sử dụng chất ma túy có thể trên 06 đơn vị có liên quan đến việc sử dụng chất ma túy. Nếu vận dụng theo Công văn số 5887/VKSTC-V14 thì gần như mọi trường hợp khi phát hiện người đang sử dụng chất ma túy đều có thể xử lý về tội tàng trữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng nhất với quan điểm đó, trong thời gian qua nhiều đối tượng thực hiện tàng trữ để sử dụng nhiều nỏ thủy tinh trên 06 nỏ vẫn không được cơ quan tiến hành tố tụng xem là cấu thành tội tàng trữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 254 BLHS năm 2015.

Theo tác giả, đơn vị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy là một bộ, hay một vật có thể từ vật đó một người có thể sử dụng trái phép chất ma túy, như hướng dẫn của TANDTC là hợp lý.

 Thứ năm, về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256 BLHS năm 2015)

Theo Điều 256 BLHS năm 2015 về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy thì người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy thì phải chịu TNHS.

Quy định về cấu thành của tội phạm không khác so với Điều 198 BLHS năm 1999. Qua việc vận dụng TTLT số 17/2007, cho đến hiện nay thấy chưa phù hợp.

Theo hướng dẫn tại Mục 1 và Tiểu mục 3.7 Mục 3 Phần II TTLT số 17/2007, nếu đối tượng (không phải là người nghiện ma túy cùng sử dụng với người nghiện) cho mượn hoặc cho thuê địa điểm đó để người nghiện ma túy trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy thì chỉ cần một lần thực hiện hành vi sẽ cấu thành tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng nếu họ không thông qua bằng các hình thức cụ thể là cho mượn hay cho thuê mà để mặc cho người nghiện sử dụng ma túy thì chỉ cấu thành tội phạm khi từ hai lần trở lên, hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng.

Trong quá trình xử lý, các đối tượng thực hiện hành vi không bao giờ thừa nhận là có sự thống nhất cho mượn, hay cho thuê, mà chỉ nói là biết rõ nhưng để mặc cho người nghiện sử dụng, trong khi đó đối với việc xác định để mặc cho sử dụng những lần trước đây cũng chỉ là lời khai, nên rất khó khăn trong việc xử lý người thực hiện hành vi phạm tội và như vậy, việc đấu tranh với loại tội này sẽ chưa được triệt để.

Theo tác giả, người để người khác sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản l,ý mà không có biện pháp ngăn cản, để mặc cho họ thực hiện, thì được xem là cấu thành tội phạm. Có quy định như thế mới đảm bảo được việc đấu tranh đối với loại tội phạm nguy hiểm này.

3. Kiến nghị, đề xuất

Khi xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng, cơ quan có thẩm quyền luôn cố gắng tới mức cao nhất dự liệu trước những tình huống (hoàn cảnh, điều kiện) có thể xảy ra trong thực tế đời sống xã hội cần phải điều chỉnh, nhưng do đời sống xã hội hết sức đa dạng, phức tạp, hành vi vi phạm pháp luật phát sinh theo tiến trình phát triển của xã hội, nên việc ban hành quy định pháp luật hình sự cũng thay đổi theo. Cụ thể từ năm 1985 đến nay, qua 36 năm nhưng đã 03 lần pháp điển hóa với 03 BLHS (BLHS năm 1985; 1999 và 2015) và 08 lần sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt là lần sửa đổi năm 2015 được xác định là sửa đổi cơ bản và toàn diện. Dù ban hành tương đối kịp thời, nhưng vẫn chưa đảm bảo áp dụng trong đời sống xã hội, bởi để pháp luật được thực hiện đầy đủ, chính xác điều quan trọng là phải nhận thức đúng, chính xác, đầy đủ nội dung của quy phạm pháp luật.

Xác định được vấn đề, nên khi ban hành BLHS năm 2015, để đáp ứng yêu cầu trong việc áp dụng, Quốc hội giao TANDTC khi cần thiết, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các điều, khoản, điểm khác trong BLHS, cũng như giao Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC phối hợp tổ chức rà soát các văn bản có liên quan để kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với quy định của BLHS năm 2015.

Thực trạng và một số nội dung liên quan đến các tội phạm về ma túy nói trên cho thấy văn bản chỉ dẫn ở nhiều cấp, nhiều ngành chưa được hệ thống hóa, chưa thống nhất với nhau và chưa kịp thời, không đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự.

Từ đó việc áp dụng quy định của BLHS vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn, thường theo sự giải thích, nhận thức của từng cá nhân, đôi lúc có thể dẫn đến việc vận dụng tùy tiện, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bỏ lọt tội phạm, hay oan, sai xảy ra trong thực tiễn. Do vậy, cần phải có giải pháp đổi mới, hoàn thiện các quy định về hướng dẫn pháp luật hình sự trong thời gian tới nhằm điều chỉnh có hiệu quả các hoạt động áp dụng pháp luật hình sự ở nước ta.

Tác giả cho rằng, để thực hiện Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự, với trách nhiệm được giao, TANDTC cần kịp thời ban hành nghị quyết hướng dẫn hay phối hợp liên ngành Trung ương khẩn trương phối hợp rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành về pháp luật hình sự, trên cơ sở đó thống nhất ban hành thành một văn bản chung hướng dẫn áp dụng các vấn đề chưa rõ trong Bộ luật Hình sự./.

Tài liệu tham khảo:

             - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

- Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);

- Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội… về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự;

- Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006  của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của BLHS;

- Ngô Văn Lượng, Bất cập trong quy định về người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, Tạp chí kiểm sát số 02/2021, tr.61.

- Trần Văn Dũng, Một số điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 - đã được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH-14 “Về sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự 2015” ( các tr.1- 14) của Báo cáo tại Tọa đàm Khoa học ( Hà Nội, ngày 12/7/2017) - Trong tập: Tọa đàm khoa học “ Giới thiệu và bình luận về Phần những quy định chung của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017” do Bộ môn Tư pháp hình sự - Khoa Luật trực thuộc ĐHQGHN tổ chức.

Bài viết đăng trên tạp chí Tòa án số 03/2023

ThS. NGÔ VĂN LƯỢNG – VIỆN KSND tỉnh Đồng Tháp