Xuất bản thông tin

null Một số vấn đề về chia thừa kế cho đối tượng được hưởng di sản bắt buộc theo Điều 644 BLDS 2015

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Một số vấn đề về chia thừa kế cho đối tượng được hưởng di sản bắt buộc theo Điều 644 BLDS 2015

Một số vấn đề về chia thừa kế cho đối tượng được hưởng di sản bắt buộc theo Điều 644 BLDS 2015...

= = =

Bài viết được đăng trên báo Tạp chí Khoa học Kiểm sát Số 01 (63) 2023

          Tóm tắt: Trong chế định thừa kế, vấn đề xác định di sản và đối tượng thừa kế bắt buộ c chưa quy định đầy đủ, còn nhiều quan điểm khác nhau, dẫn đến quá trình áp dụng pháp luật chưa thống nhất, chưa đồng bộ. Qua bài viết, tác giả chỉ ra một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện một số vấn đề về chế định thừa kế cho đối tượng được hưởng di sản bắt buộc theo Điều 644 Bộ luật dân sự 2015

Abstract: In the inheritance regime, the issue of determining the estate and the compulsory heirs has not been fully regulated, and there are many different views, leading to the inconsistent and inconsistent application of the law. Through the article, the author points out a number of shortcomings and proposes to improve some issues of inheritance for subjects entitled to compulsory inheritance according to Article 644 of the Civil Code 2015.

Từ khóa: Thừa kế; di sản thừa kế; người thừa kế bắt buộc

Keywords: Inherit; inheritance; obligatory heir.

1. Quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc trong pháp luật dân sự Việt Nam

Cá nhân có quyền định đoạt tài sản được pháp luật quy định trong Hiến pháp[1], pháp luật dân sự[2] và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người có tài sản vẫn bị hạn chế trong việc định đoạt của mình, cụ thể vấn đề về “lưu sản” trong việc định đoạt di sản thừa kế.

Quy định về “lưu sản” được thừa nhận trong một số hệ thống pháp luật như Bungari, Pháp, Cameroon, Sénégal hay Thụy Sỹ[3]. Pháp luật Trung Quốc, Tây Ban Nha cũng có quy định liên quan đến chế độ này[4]. Theo một số tài liệu, trước đây ở nước ta không có khái niệm “lưu sản”[5]. Theo Bộ dân luật Bắc Kỳ và Trung Kỳ “ Nói rõ rằng người lập di chúc có thể sử dụng toàn thể tài sản của mình. Không có luật lệ nào bó buộc người quá cố phải giành một phần di sản cho người thừa kế của mình, dù thừa kế ấy là con cháu hay cha mẹ ông bà, là những người thân thuộc mà luân lý và pháp luật người ấy phải cấp dưỡng hay phụng dưỡng[6]. Tục lệ Việt Nam cũng không có ý niệm về lưu sản, kể cả trong Bộ dân luật 1972 cũng không có quy định về phần lưu sản[7].

Được quy định từ Thông tư số 81/TANDTC ngày 24 tháng 7 năm 1981 của Tòa án nhân dân tối cao[8], sau đó quy định trong pháp lệnh thừa kế năm 1990 (Điều 20) và cụ thể trong các Bộ luật dân sự (BLDS)[9], nhưng trên thực tế Tòa án đã vận dụng chế định này đối với di chúc được lập vào thời điểm mở thừa kế trước Thông tư số 81/TANDTC[10], thực tiễn áp dụng pháp luật đã gặp phải một số vướng mắc, khó khăn. Do đó, tác giá phân tích làm sáng tỏ quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 và đưa ra những kiến nghị góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc để tạo ra sự thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Khoản 1 Điều 644 BLDS 2015 quy định: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba xuất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba xuất đó:Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động”.

2. Những quy định chưa rõ và vận dụng pháp luật trên thực tiễn

Quy định tại khoản 1 Điều 644 BLDS 2015 cho thấy pháp luật đã dự liệu một số trường hợp để bảo vệ nhóm người có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Bởi quy định chưa rõ, chưa đầy đủ nên trên thực tiễn có nhiều quan điểm trái chiều, chưa áp dụng thống nhất đối với quy định này, cụ thể:

(i) Đối tượng hưởng di sản là người không có khả năng lao động

Một trong các chủ thể thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là con thành niên mà không có khả năng lao động. Một cá thể như thế nào để được xác định không có khả năng lao động chưa được quy định trong Bộ luật dân sự. Vì thế, khi áp dụng trên thực tiễn, Tòa án dựa theo quy định tại Điều 6  BLDS 2015 về áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết. Do đó, việc nhận định người không có khả năng lao động cũng còn theo ý chí chủ quan của Hội đồng xét xử hay thẩm phán.

Trong cuộc sống xã hội cho thấy khả năng lao động của một con người không chỉ giới hạn ở chân tay mà có thể lao động qua hoạt động trí tuệ, có thể hiểu “Sức lao động là một khái niệm trọng yếu trong kinh tế chính trị Mác-xít. Mác định nghĩa sức lao động là toàn bộ những năng lực thể chất, trí tuệ và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống, và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị thặng dư nào đó[11]. Trong thời đại công nghệ 4.0 khả năng lao động của một cá thể có thể thực hiện được bởi những người khiếm thị, người không có chân hoặc không có tay họ vẫn có thể lao động tạo ra tài sản, để mưu sinh.

Khi áp dụng pháp luật tương tự, theo mục 1.4 Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP):

“1.4. Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại”.

Về bản chất thì 03 cụm từ “mất khả năng lao động” và “không còn khả năng lao động” hay “không có khả năng lao động” đều đưa đến hậu quả là ở chủ thể đó sẽ không tồn tại khả năng lao động. Do vậy, nếu căn cứ vào Nghị quyết 03 thì để được xác định là “người không có khả năng lao động” thì họ phải rơi vào các trường hợp bị: liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên.

Ngoài ra, theo điểm e khoản 1 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ tài chính hướng dẫn thi hành một số điểm của Luật thuế thu nhập cá nhân, có quy định về khái niệm có liên quan là “người khuyết tật không có khả năng lao động” khi xét giảm trừ gia cảnh về thuế thu nhập như sau:

Người khuyết tật, không có khả năng lao động theo hướng dẫn tại tiết đ.1.1, điểm đ, khoản 1, Điều này là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,...”.

Từ đó cho thấy, nếu người khuyết tật (là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn)[12] mà mắc một số bệnh mà dẫn đến không có khả năng lao động như: AIDS, ung thư, suy thận mãn….thì được xem là người không có khả năng lao động.

Nếu theo Bộ luật Lao động quy định về điều kiện sử dụng lao động trong pháp luật thì độ tuổi người lao động được giới hạn đối với nữ là 60 và nam là 62 tuổi[13]. Như vậy, nếu người ngoài độ tuổi này có được xác định là người không có khả năng lao động hay không. Trong thực tiễn cuộc sống hằng ngày, xung quang chúng ta, rất nhiều người qua độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật lao động đã được nghỉ hưu nhưng họ vẫn có khả năng lao động và thực tế họ vẫn tham gia lao động tạo ra nguồn của cải vật chất cho xã hội, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang chuyển hóa sang thời kỳ dân số già. (Người già được xác định là người từ 70 tuổi trở lên)[14].

Thấy rằng khả năng lao động của con người là tổng hợp năng lực về thể chất và tinh thần hay nói cách khác chính là sức lao động của con người được vận dụng trong quá trình lao động tạo ra của cải, vật chất. Một người thành niên có thể có khả năng lao động hay không có khả năng lao động tùy vào suy giảm thương tích, do bệnh, tật, do bệnh nghề nghiệp, hay do tuổi cao đến một một chừng mực nào đó, nhưng chừng mực đó chưa được pháp luật quy định mà dựa vào sự viện dẫn tương tự của pháp luật hay nhận thức chủ quan của người áp dụng pháp luật.

Để pháp luật được thực thi thống nhất, tránh áp lực cho người áp dụng pháp luật khi nhận thức trường hợp nào là không có khả năng lao động trong giải quyết vụ án, tránh án giải quyết bị hủy sửa, kéo dài thời gian…, tác giả thấy rằng cần đưa ra một chuẩn mực nhất định đối với cá thể được xem là không có khả năng lao động qua độ tuổi, sức khỏe cũng như một số điều kiện khác có liên quan là điều kiện pháp luật công nhận có thể tạo ra tài sản thiết yếu.

(ii) Quy định về trích di sản

Xác định  thừa kế bắt buộc theo Điều 644 BLDS 2015 mặc dù đây là quy định bất chấp ý chí của người lập di chúc và “chống lại” những người hưởng thừa kế khác[15]nhưng việc xác định mức di sản đối với người thừa kế bắt buộc về cơ bản được áp dụng thống nhất. Cụ thể đối với  thừa kế những người được hưởng di sản bắt buộc được lấy tổng di sản gốc là phần còn lại để chia di sản thừa kế sau khi đã thanh toán toàn bộ nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại theo thứ tự ưu tiên thanh toán được quy định tại Điều 648 BLDS 2015 gồm chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng cho người chết cho người đó, các khoản cấp dưỡng còn thiếu, các khoản bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác… Phần di sản còn lại được hiểu là di sản để chia thừa kế là phần di sản gốc đem chia cho những người thừa kế gốc tại hàng thừa kế thứ nhất có quyền hưởng, được bao nhiều nhân với 2/3 của xuất đó và người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được hưởng phần đã được xác định theo cách tính này.[16]

Theo quy định tại Điều 644 BLDS 2015 chỉ khi những người thuộc diện hưởng di sản bắt buộc nhận thừa kế không bằng 2/3 xuất thừa kế theo pháp luật thì phải trích phần di sản cho đảm bảo đủ định xuất. Tuy nhiên, chưa có quy định trích từ khoản nào. Có quan điểm cho rằng: nếu di sản chưa chia thì trước khi chia di sản, trích từ di sản thừa kế cho mỗi người được hưởng theo Điều 644  BLDS 2015 một phần di sản bằng phần di sản được tính. Nếu di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế được nhận di sản phải trích một phần tương ứng với số di sản nhận sao cho đủ với kỷ phần mà người thừa kế theo Điều 644 BLDS 2015 được hưởng. Cũng có quan điểm khác cho rằng, phần di sản mà người thừa kế theo Điều 644 BLDS 2015 được hưởng trích từ phần di sản thừa kế được hưởng theo di chúc và tương ứng với phần vượt trội so với xuất thừa kế theo pháp luật mà họ được hưởng với trích từ người nhận di sản trong di chúc, có trường hợp trích từ tất cả người nhận di sản[17], cũng có quan điểm cho rằng phần di sản mà người thừa kế ở Điều 644 BLDS 2015 được hưởng trích từ phần di sản thừa kế được hưởng theo di chúc và tương ứng với phần thừa kế theo di chúc của những người nhận di sản trong di chúc[18].

Theo Tòa án nhân dân tối cao, sau khi đã trích chia cho những người thừa kế bắt buộc, Tòa án dẫn chiếu theo di chúc để phân chia số di sản còn lại cho những người được chỉ định trong di chúc, theo tỷ lệ phân quyền của họ[19]. Điều này dẫn đến những người thừa kế theo pháp luật xem như đã lấy phần di sản của mình để bù trừ cho đối tượng ở Điều 644 BLDS 2015, trái ngược với quan điểm trên.

Giả sử Ông A và bà B có 4 người con chung là C, D, E và F (trong đó F vừa đủ 16 tuổi). Ông A qua đời có để lại di chúc cho anh C 500.000.000 đồng di sản; cho bà B và T mỗi người 200.000.000 đồng di sản. Sau khi ông A qua đời, Toà án xác định được di sản của ông A có 1.500.000.000 đồng.

Quan điểm thứ nhất thực hiện việc chi cho người thừa kế bắt buộc trước khi phân chia di sản:

Dựa theo Điều 651 và Điều 644 BLDS 2015 thì kỷ phần thừa kế của bà B và F không được thấp hơn: 1.500.000.000: 5 x 2/3= 200.000.000 đồng.

Nên phần di sản khấu trừ trước cho B và F là 400.000.000 đồng, còn lại 1.100.000.000 đồng được chia theo di chúc, cụ thể: Anh C 500.000.000 đồng; bà B và T mỗi người 200.000.000 đồng; còn lại 200.000.000 đồng chia theo pháp luật cho B, C, D, E và F mỗi người được 40.000 đồng.

Nếu theo cách chia này, những người hưởng di sản của A có được như sau:

B: 440.000.000 đồng  (200.000.000 đồng  thừa kế bắt buộc + 200.000.000 đồng theo di chúc+ 40.000 đồng theo pháp luật);

C: 540.000.000 đồng  (500.000.000 đồng theo di chúc + 40.000 đồng theo pháp luật);

D = E=  40.000 đồng.

F: 240.000.000 đồng  (200.000.000 đồng + 40.000 đồng);

T: 200.000.000 đồng;

Quan điểm thứ hai là rút di sản từ những người thừa kế theo di chúc:

Việc chia di sản sẽ thực hiện theo ý chí của ông A thì di sản được chia cho C 500.000.000 đồng; B và T mỗi người 200.000.000 đồng, còn lại 600.000.000 đồng chia theo pháp luật cho B, C, D, E và F mỗi người được 120.000.000 đồng.

Vấn đề đặt ra đối với những người được hưởng thừa kế bắt buộc theo  Điều 644 BLDS 2015 là bà B và F có đảm bảo mức thừa kế 2/3 xuất thừa theo pháp luật hay chưa? và việc chia di chúc theo di sản nào?

Dựa theo Điều 651 và Điều 644 BLDS 2015 thì kỷ phần thừa kế của bà B và F không được thấp hơn: 1.500.000.000: 5 x 2/3= 200.000.000 đồng.

Trong trường hợp trên C được nhận di sản từ ông A là 620.000.000 đồng (500.000.000 đồng theo di chúc và 120.000.000 đồng theo pháp luật), bà B là  320.000.000 đồng (200.000.000 đồng theo di chúc và 120.000.000 đồng theo pháp luật), T được 200.000.000 đồng theo di chúc, D, E và F được nhận mỗi người 120.000.000 đồng theo pháp luật. Vấn đề đặt ra đối với F để đảm bảo kỷ phần thừa kế thì rút từ phần di sản của ai. Dựa trên quan điểm từ người nhận di chúc thì có C, T và B mỗi người bị rút một phần tương ứng với số tiền nhận theo di chúc là 900.000.000 đồng. Để đảm bảo cho F còn nhận số tiền thừa kế không thấp hơn kỷ phần bắt buộc 200.000.000 đồng là (200.000.000 đồng   - 120.000.000 đồng = 80.000.000 đồng)

Như vậy: C bị rút lại 500.000.000 đồng x 80.000.000/900.000.000 = 44.444.444 đồng;

T và B bị rút lại 200.000.000 đồng x 80.000.000/900.000.000 = 17.777.778 đồng;

Như vậy bà B vẫn còn phần thừa kế 302.222.222 đồng, đảm bảo kỷ phần thừa kế bắt buộc.

Nếu theo cách chia này, những người hưởng di sản của A có được như sau:

B: 302.222.222 đồng; 

C: 575.555.556 đồng;

D = E=  120.000.000 đồng.

F: 200.000.000 đồng;

T: 182.222.222 đồng;

Quan điểm thứ ba cho rằng cần rút từ tất cả những người được thừa kế 1.500.000 đồng để bù trừ cho F.

Cụ thể: Sau khi chia theo, phần còn lại 600.000.000 được chia theo pháp luật, mỗi người được nhận 120.000.000 đồng. Như vậy, số tiền đã nhận từ di chúc và theo pháp luật của B,C,D,E là 1.380.000.000 đồng cần thực hiện bù trừ cho F được nhận số tiền thừa kế không thấp hơn kỷ phần bắt buộc 200.000.000 đồng - 120.000.000 đồng = 80.000.000 đồng. Do đó:

 C bị rút lại 620.000.000 đồng x 80.000.000/1.380.000.000 = 35.942.029 đồng;

B bị rút lại 320.000.000 đồng x 80.000.000/1.380.000.000 = 18.550.725 đồng;

T bị rút lại  200.000.000 đồng x 80.000.000/1.380.000.000 = 11.594.203 đồng;

D, E bị rút lại 120.000.000 đồng x 80.000.000/1.380.000.000 = 6.956.552 đồng.

Nếu theo cách chia này, những người hưởng di sản của A có được như sau:

B: 301.449.275 đồng;

C:584.057.971 đồng;

D = E=  113.043.478 đồng.

F: 200.000.000 đồng;

T: 188.405.797 đồng;

Cũng có quan điểm cho rằng,  thừa kế theo pháp luật nếu được chia thì B, C, D, E và F mỗi người 300.000.000 đồng. Do đó, những người nào thuộc diện thừa kế thứ nhất mà hưởng di sản không đủ theo thừa kế theo pháp luật thì sẽ không bị rút phần di sản để đảm bảo cho xuất thừa kế của đối tượng hưởng di sản bắt buộc.

Mỗi cách chia di sản đều có một kết quả khác nhau, theo tác giả cách chia thừa kế ở quan điểm thứ ba là phù hợp, bởi vì Điều 32 Hiến pháp 2013 đã quy định “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. Vì thế quyền thừa kế của mọi chủ thể trong quan hệ thừa kế được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình hay để tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật.

Nếu chia theo cách chia thứ nhất và thứ hai thì chưa đảm bảo quyền quyết định về di sản của người để lại di sản cũng như quyền được hưởng thừa kế của những người được định đoạt trong di chúc, đồng thời cũng chưa đảm bảo về nghĩa vụ của những người nhận di sản phải thực hiện nghĩa vụ nghĩa vụ luân lý và pháp luật người ấy phải cấp dưỡng hay phụng dưỡng.

 Để bảo vệ quyền của người có tài sản, pháp luật quy định về thừa kế cần quy định rõ cách thức phân chia di sản đối với người có tài sản để lại di chúc theo hướng ưu tiên quyền định đoạt di sản thừa kế theo di chúc, khi cần rút một phần tài sản cho những đối tượng hưởng di sản bắt buộc thì lấy di sản của tất cả những người được hưởng di sản để khấu trừ, chứ không thực hiện theo hướng chỉ rút từ những người hưởng di sản như hiện nay.

3. Kiến nghị, đề 

Có thể khẳng định, việc quy định những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nhằm bảo vệ lợi ích của một số người trong diện những người thừa kế theo pháp luật, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Thế nhưng việc thực hiện các quy định này lại không phù hợp với tình hình, hoàn cảnh, điều kiện thực tế trong nhiều trường hợp và đây lại là nguyên nhân gây ra sự khó khăn, phức tạp cho nhiều bên liên quan đến quá trình tiến hành thủ tục mở thừa kế. 

Để pháp luật được thực thi thống nhất, trên cơ sở phân tích trên, tác giả đề nghị có sự sửa đổi, bổ sung Điều 644 BLDS 2015 theo hướng quy định cụ thể về đối tượng không có khả năng lao động và cách phân chia di sản trong điều luật trên, cụ thể bổ sung thêm trong điều luật:

- Về đối tượng không có khả năng lao động được, theo hướng: Là người có độ tuổi từ 70 tuổi trở lên, nếu người dưới 70 tuổi mà bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng, Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên.

- Đối với nghĩa vụ về di sản cần quy định cách rút một phần di sản để đảm bảo thừa kế bắt buộc như sau: Việc phân chia di sản thực hiện theo ý chí của người để lại di sản, sau khi chia theo di chúc, chia theo pháp luật, nếu xác định những người được kỷ phần thừa kế bắt buộc không bằng định 2/3 xuất thừa kế theo pháp luật thì những khoản di sản thừa kế (theo di chúc và theo pháp luật) phải trích một phần tương ứng với tỉ lệ di sản đã nhận để đảm bảo kỷ phần cho người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hiến pháp 2013;

2. Bộ luật Lao động năm 2019;

3. Bộ luật Dân sự 2015

4. Bộ luật dân sự 1995;

5. Bộ luật dân sự 2005;

6. Luật người khuyết tật 2010 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 32/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014;

7. Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Hình sự;

8. Thông tư số 81/TANDTC ngày 24 tháng 7 năm 1981  của Tóa án  nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các tranh chấp thừa kế;

9. Đỗ Văn Đại (2016), Luật thừa kế Việt Nam, Bản án và bình luận bản án (tái bản lần thứ 4), NXB. Hồng Đức;

10. Phạm Văn Tuyết, Lê Kim Giang; Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp, NXB Tư Pháp;

11. Phùng Trung Tập, Pháp luật thừa kế ở Việt Nam nhận thức và áp dụng, NXB chính trị quốc gia sự thật;

12. Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học Bộ luận dân sự 2015, NXB Công an nhân dân;

13. Nguyễn Văn Thành, Dân luật, Luật khoa Đạo học Sài Gòn, Quyển 2;

14. Revue internationade du droit comparé 1994;

15. JurisClasseur Droit comparé, Fas 25 (Chine), 2010, phần số 102; JurisClasseur 14. Droit comparé, Fas 2 (Espagne), 2010, phần số 68 và tiếp theo.

16.https://vi.wikipedia.org/wiki/S%E1%BB%A9c_lao_%C4%91%E1%BB%99ng;

Người viết bài:  Ths.Ngô Văn Lượng- Viện KSND tỉnh Đồng Tháp

( Số 03, Lê Quý Đôn, phường 1, TP Cao Lãnh,  tỉnh Đồng Tháp)

Điện thoại: 0943.944.55

 

* Thạc sĩ- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp

[1] Khoản 2 Điều 32 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”;

[3] Xem Revue internationade du droit comparé 1994, tr. 921.

[4] JurisClasseur Droit comparé, Fas 25 (Chine), 2010, phần số 102; JurisClasseur Droit comparé, Fas 2 (Espagne), 2010, phần số 68 và tiếp theo.

[5] Nguyễn Văn Thành, Dân luật, Luật khoa Đạo học Sài Gòn, Quyển 2, tr. 93, 94.

[6] Đỗ Văn Đại (2016), Luật thừa kế Việt Nam, Bản án và bình luận bản án (tái bản lần thứ 4), NXB. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tập 1, tr. 334.

[7] Nguyễn Văn Thành, Dân luật, Luật khoa Đạo học Sài Gòn, Quyển 2, tr. 93, 94.

[8]Người lập di chúc phải dành lại một phần tài sản cho những người thừa kế bắt buộc (nếu có). Những người thừa kế bắt buộc gồm: Vợ góa hoặc chồng góa, con chưa thành niên hoặc tuy đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, bó mẹ già yếu và túng thiếu.

Phần di sản phải dành lại cho mỗi người thừa kế bắt buộc, ít nhất là 2/3 xuất của thừa kế theo luật. Nếu di chúc truất quyền thừa kế của người thừa kế bắt buộc hoặc phần dành lại cho mỗi người thừa kế bắt buộc ít hơn 2/3 xuất thì phải trích chia cho đủ 2/3.

Sau khi đã trích chia cho những người thừa kế bắt buộc, Tòa án vẫn chiếu theo di chúc để phân chia số di sản còn lại cho những người được chỉ định trong di chúc, theo tỷ lệ phân quyền của họ”.

[9] Điều 672 Bộ luật dân sự 1995; Điều 669 Bộ luật dân sự 2005; Điều 644 Bộ luật dân sự 2015.

[10] Bản án số 663/2011/DSST ngày 18-5-2011 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, có nội dung: “ Ông Siu chết 1978 có lập di chúc ngày 14-12-1976 để lại toàn bộ 04 căn nhà cho 6 người con…Bà Anh là vợ ông Siu được nhận phần 2/3 xuất thừa kế bắt buộc…”.

[12] Khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật 2010 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 32/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014;

[13] Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định tuổi nghỉ hưu: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.”

[14] Mục 2.4. Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Hình sự;

[15] Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học Bộ luận dân sự 2015, NXB Công an nhân dân, tr.990.

[16] Phùng Trung Tập, Pháp luật thừa kế ở Việt Nam nhận thức và áp dụng, NXB chính trị quốc gia sự thật, tr.121.

[17] Phạm Văn Tuyết, Lê Kim Giang; Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp, NXB Tư Pháp, tr. 225, 226;

[18] Phùng Trung Tập, Pháp luật thừa kế ở Việt Nam nhận thức và áp dụng, NXB chính trị quốc gia sự thật, tr. 287.

[19] Mục B.IV Thông tư số 81/TANDTC ngày 24 tháng 7 năm 1981  của Tóa án  nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các tranh chấp thừa kế;

Ngô Văn Lượng*