Xuất bản thông tin

null Người cao tuổi không có đơn đề nghị có được xem xét miền án phí hay không ?

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Người cao tuổi không có đơn đề nghị có được xem xét miền án phí hay không ?

Đối với trường hợp đương sự là người cao tuổi không có đơn đề nghị có được xem xét miền án phí hay không thì hiện nay vẫn chưa thống nhất

= = = = =       

   Theo quy định của pháp luật, người từ đủ 60 tuổi trở lên (người cao tuổi) có đơn đề nghị nộp cho Tòa án thì được xem xét miễn nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án. Tuy nhiên, đối với trường hợp đương sự là người cao tuổi không có đơn đề nghị có được xem xét miền án phí hay không thì hiện nay vẫn chưa thống nhất.

 

          Có thể thấy rằng, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 326) ngoài những điểm mới nổi bật như: Thay đổi về mức thu án phí, lệ phí;  bổ sung các phí, lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài;Án phí hành chính, dân sự theo thủ tục rút gọn (bằng 50% mức án phí quy định); Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản… Quan trọng nhất chính là  bổ sung đối tượng không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; không phải chịu án phí, lệ phí Tòa án (khoản 1 Điều 11) và những trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án.

Miễn án phí là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta nhằm hạn chế những trường hợp vì lý do tài chính mà quyền khởi kiện của người dân không được thực hiện và cũng thể hiện sự bình đẳng giữa các đương sự trong tố tụng dân sự. Do đó, Nghị quyết số 326 quy định một số trường hợp được miễn án phí, trong đó có “người cao tuổi”.

Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định: “Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326 quy định những trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí có “người cao tuổi”. Căn cứ khoản 1 Điều 14 Nghị quyết 326 quy định: “Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm”.

Theo các quy định nêu trên thì đương sự là người từ đủ 60 tuổi trở lên (người cao tuổi) có đơn đề nghị nộp cho Tòa án thì được xem xét miễn nộp tạm ứng án phí, án phí. Vấn đề đặt ra, đương sự là người cao tuổi không có đơn đề nghị miễn án phí thì có được miễn án phí không?

Thực tế xét xử cho thấy, trong trường hợp nguyên đơn là người cao tuổi, ngay từ khi nhận đơn khởi kiện và tiến hành thủ tục thụ lý vụ án, Thẩm phán đã hướng dẫn nguyên đơn thực hiện các bước theo quy định của pháp luật để được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Đồng thời, Thẩm phán cũng sẽ ra thông báo miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí cho nguyên đơn. Từ cơ sở đó, trong trường hợp giải quyết vụ án nguyên đơn là người chịu án phí đối với yêu cầu không được chấp nhận thì Thẩm phán cũng sẽ căn cứ vào đơn xin miễn tiền án phí mà miễn tiền án phí cho đương sự. Đối với trường hợp này thông thường Thẩm phán được phân công thụ lý và giải quyết vụ án đều thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục.

Tuy nhiên, trường hợp bị đơn là người cao tuổi thì Thẩm phán thường bỏ sót vấn đề này. Do đó, đối với trường hợp này, khi kiểm sát bản án quyết định cần phải lưu ý Thẩm phán có hướng dẫn đương sự thực hiện các thủ tục để đương sự được hưởng quyền lợi hay không. Thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy không ít vụ án có nội dung giải quyết ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn mà ngay cả chính bị đơn cũng không biết.

Ví dụ, trong vụ án Tranh chấp về hợp đồng mua bán thức ăn thủy sản và hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Kim P, sinh năm 1968, bị đơn là ông Trương Phi H, sinh năm 1955 và bà Lê Thị D, sinh năm 1957. Theo đơn khởi kiện, bà P yêu cầu ông H và bà D liên đới trách nhiệm trả cho bà P số tiền mua thức ăn còn nợ là 809.690.000đ và tiền vay còn nợ là 50.000.000 đồng. Bản án Bản án số 08/2020/DS-ST ngày 10 tháng 7 năm 2020, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà P, theo đó ông H và bà D phải liên đới chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 38.790.700đ.

          Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30 tháng 6 năm 2020 có nội dung như sau: “Người cao tuổi không có đơn, không có đề nghị miễn tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án (vì không hiểu biết, không được giải thích). Tòa án vẫn buộc phải chịu án phí (không cho miễn) có được xác định là vi phạm hay không?

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH thì người cao tuổi được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 14 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH quy định: “Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm”.

Do đó, nếu đương sự không có đơn đề nghị thì việc Tòa án quyết định đương sự phải chịu án phí là không vi phạm. (Mục IV. Dân sự - Nội dung số 12)

Với nội dung giải đáp nêu trên của TANDTC và quy định tại Điều 14 của Nghị quyết 326, khi đương sự là người cao tuổi, để đảm bảo đủ điều kiện được miễn tiền án phí họ phải nộp các căn cứ chứng minh mình là người cao tuổi, đồng thời cũng phải có đơn xin miễn tiền án phí thì mới được miễn án phí.

Đối với nội dung này, nếu Thẩm phán áp dụng cứng nhắc, để được miễn tiền án phí đương sự phải thỏa mãn hai điều kiện đó là phải chứng minh được mình là chủ thể được miễn án phí theo quy định tại Điều 12 và Điều 14 của Nghị quyết 326 đồng thời phải có đơn xin miễn tiền án phí thì mới được miễn. Việc áp dụng như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, trong khi đó pháp luật cũng không quy định trách nhiệm Tòa án phải giải thích cho đương sự biết về việc họ thuộc trường hợp miễn án phí.

Theo tác giả, thực tế kiểm sát các bản án, quyết định trong thời gian qua nhận thấy:

Thứ nhất, để linh hoạt trong quá trình kiểm sát cũng như là quá trình giải quyết vụ án của Tòa án, trong trường hợp đương sự không có đơn xin miễn giảm tiền án phí nhưng có thể hiện ý kiến tại phiên đối thoại, hòa giải hoặc phiên tòa, đương sự đề nghị miễn án phí thì vẫn được miễn án phí theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị quyết 326/2016

Thứ hai,trong trường hợp khi công nhận sự thỏa thuận giữa các bên về tất cả các vấn đề giải quyết vụ án kể cả phần án phí. Nếu trong vụ án nguyên đơn thuộc trường hợp được miễn tiền án phí, bị đơn phải chịu tiền án phí nhưng hai bên đương sự tự nguyện thỏa thuận, nguyên đơn sẽ chịu thay tiền án phí cho bị đơn, nếu Thẩm phán công nhận sự tự nguyên của các đương sự trong trường hợp này sẽ vô tình làm cho quy định tại Điều 14 không có ý nghĩa, mặt khác đương sự là người cao tuổi nhưng có điều kiện kinh tế và họ không cần miễn án phí thì việc Tòa án miễn án phí cho họ là không cần thiết, làm ảnh hưởng đến khoản thu ngân sách của Nhà nước.

Ví dụ, trong vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản giữa nguyên đơn là bà Phùng Kim Q, sinh năm 1953 và bị đơn là Nguyễn Văn T, sinh năm 1983 và Nguyễn Thị K, sinh năm 1985, bà Q yêu cầu T và K liên đới trách nhiệm trả cho bà số tiền vay còn nợ là 400.000.000đ, bà Q là người cao tuổi nên được miễn nộp tiền tạm ứng án phí. Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 45/2020/QĐST-DS ngày 08 tháng 7 năm 2020, bị đơn là T và K thống nhất trả nợ cho bà Q, bà Q tự nguyện chịu thay tiền án phí cho T và K là 10.000.000đ.

Việc Thẩm phán công nhận sự tự nguyện thỏa thuận của đương sự trong trường hợp này là không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vì, luật chỉ quy định đối với trường hợp đối tượng đó được miễn tiền án phí chứ không quy định trường hợp chịu thay án phí của người khác mà trong khi đó bản thân mình là người được miễn. Như vậy là trốn tránh nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Việc giải quyết các vụ án dân sự tại Tòa án, án phí là một trong các yếu tố mà đương sự cần phải biết và có nghĩa vụ nộp theo quy định của pháp luật. Mặc dù không phải là tài liệu, chứng cứ hay là yếu tố để giải quyết vụ án nhưng án phí đóng vai trò quan trọng thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của các đương sự. Ngoài ra, án phí cũng tạo ra nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước đồng thời cũng là biện pháp chế tài về mặt kinh tế để làm giảm bớt các tranh chấp không đáng có xảy ra trong thực tế.

Cũng phải nhìn nhận ở một khía cạnh khác, không phải mọi người cao tuổi đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không đủ năng lực để thực hiện việc nộp án phí, trái lại, có những người độ tuổi ngoài 60 lại có kinh tế khá giả, thu nhập cao, sở hữu nhiều tài sản có giá trị. Do đó, quy định về miễn tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa đối với người cao tuổi thể hiện sự nhân văn, tiến bộ của pháp luật song để đảm bảo sự công bằng trong thực tiễn nhà làm luật cần phải bổ sung những điều kiện đi kèm như: thu nhập, hoàn cảnh, tài sản làm cơ sở để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Trương Ngọc Oanh – Viện KSND Thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp