Xuất bản thông tin

null Hủy án sơ thẩm do sai sót trong xác định tư cách đương sự

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Hủy án sơ thẩm do sai sót trong xác định tư cách đương sự

Trong các vụ án dân sự, việc xác định tư cách đương sự là một vấn đề rất quan trọng

= = =

Tòa án cần xác minh, làm rõ tư cách đương sự để đưa họ vào tham gia tố tụng để họ có thể trình bày, nêu ý kiến về việc giải quyết vụ án hoặc đưa ra quan điểm tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vi phạm về việc thiếu tư cách đương sự là dạng vi phạm tố tụng khá phổ biến, nhất là đối với các vụ án tranh chấp phức tạp, trải qua nhiều năm hoặc trong vụ án có đương sự chết trong quá trình giải quyết. Đối với dạng vi phạm này, cấp phúc thẩm phần lớn phải hủy án để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Vụ án dưới đây là một ví dụ.

Nội dung vụ án:

          Các đương sự trong vụ án đang tranh hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tranh chấp ranh giới QSDĐ. Nguồn gốc tranh chấp là của cụ Lê Văn H và cụ Trương Thị M. Khi còn sống thì cụ H và cụ M phân chia cho hai người con là Lê Văn M1 và Lê Văn N và giao cho ông M1 đứng tên toàn bộ quyền sử dụng đất. Năm 1997, ông N lấy một phần đất được ông H, bà M chia chuyển nhượng cho ông Trần Công Đ; ông Đ chuyển nhượng lại cho ông Đào Văn T (có sự đồng ý bằng giấy tay của ông H, bà M, ông M1, vợ chồng ông N), nên ông T quản lý, sử dụng đất từ năm 1997 đến nay. Sau đó, cụ H, ông M1, ông N chết; ông T có yêu cầu những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông N thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phát sinh tranh chấp. Bởi vì, sau khi ông M1 chết thì con của ông M1 là ông Lê Thanh H làm thủ tục thừa kế và đứng tên toàn bộ phần đất (trong đó, có phần đất mà ông N chuyển nhượng cho ông T). Bà C thì tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất với phần đất giáp ranh mà ông H đang được đứng tên thừa kế.

 

Ảnh minh họa

* Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thị C về việc xác định ranh giới quyền sử dụng đất;

Chấp nhận yêu cầu của ông Đào Văn T về việc yêu cầu những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông N tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ngoài ra bản án còn tuyên án phí dân sự sơ thẩm, chi phí khác, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo, kháng nghị theo luật định.

* Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn ông Lê Thanh H kháng cáo không đồng ý bản án sơ thẩm đã xét xử.

* Bản án phúc thẩm tuyên xử: Hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm xét xử lại.

Những sai sót của cấp sơ thẩm:

Thứ nhất, xác định chưa đầy đủ hàng thừa kế của ông M1, ông N.

Điều 651 Bộ luật Dân sự quy định những người thừa kế theo pháp luật được xác định theo thứ tự như sau:

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”                                                      

Như vậy, cấp sơ thẩm đã xác định thiếu cụ Trương Thị M là mẹ ruột của ông M1 và ông N (hiện nay cụ M vẫn còn sống). Mặt khác, các đương sự cũng đã xác định phần đất có nguồn gốc là của cụ H và cụ M tạo lập, khi ông T nhận chuyển nhượng đất thì trên giấy tay cũng có xác nhận của cụ M. Do đó, việc không đưa cụ M vào tham gia tố tụng và chưa làm rõ ý kiến trình bày của cụ M về việc chuyển nhượng đất cho ông T là thiếu sót.

Ngoài ra, ông H trình bày ông M1 còn có vợ thứ hai tên là Dương Thị H và có con là Lê Hữu L, nhưng Tòa sơ thẩm cũng chưa xác minh làm rõ, lời khai này.

Thứ hai, xác định sai tên đương sự dẫn đến việc có đương sự đã chết trước thời điểm xét xử sơ thẩm.

Đối với bị đơn tên Lê Long E sinh năm 1978 do Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định, trên thực tế tên trong giấy tờ là Lê Văn Th, sinh năm 1979. Vấn đề này được Công an xã PM, huyện C xác nhận như sau: Lê Văn Th và Lê Long E là cùng một người và anh Lê Văn Th đã chết vào ngày 17/9/2019 (kèm theo bản sao trích lục khai tử số 939/2019 ngày 19/9/2019 của UBND xã PM). Như vậy, anh Lê Văn Th (Lê Long E) đã chết trước thời điểm xét xử sơ thẩm là 01 tháng. Theo lời trình bày của những người tham gia tố tụng thì anh Lê Văn Th có vợ là Nguyễn Thị Đ và hai con là Lê Văn Kh và Lê Văn Nh. Do không biết được anh Th đã chết nên Tòa án cấp sơ thẩm  không đưa người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của anh Th vào tham gia tố tụng, là thiếu tư cách đương sự.

Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm:

Khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự mà có nhiều đương sự, Kiểm sát viên cần chú ý đến tư cách tham gia tố tụng của đương sự, xác định chính xác các đương sự tham gia tố tụng. Trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án có đương sự chết thì phải xác minh, làm rõ những người kế thừa quyền và tố tụng để đưa họ vào tham gia tố tụng, bảo đảm quyền lợi của đương sự. Đồng thời phải làm rõ yêu cầu của các đương sự, nếu yêu cầu của các đương sự có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba mà họ không biết, không đề nghị tham gia tố tụng thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đối với vụ án này, ông T yêu cầu hàng thừa kế của ông M1, ông N tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng ông T không liệt kê cụ M1 trong đơn khởi kiện của mình. Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh hàng thừa kế của ông M1, ông N gồm những ai mà chỉ căn cứ theo yêu cầu của ông T để xác định tư cách đương sự, dẫn đến bỏ sót cụ M. Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã không xác định chính xác tên của bị đơn Lê Long E. Bản án sơ thẩm thể hiện bị đơn Lê Long E nhưng theo Công văn trả lời của Công an xã PM thì Lê Long E có tên thật là Lê Văn Th, và anh Th đã chết trước thời điểm xét xử sơ thẩm gần 01 tháng.

Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên phải hủy án.Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cũng đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm đối với thiếu sót trên của cấp sơ thẩm, góp phần đúc kết bài học kinh nghiệm cho cán bộ, Kiểm sát viên trong công tác, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát xét xử án dân sự./.

Quang Trí – Phòng 9