Xuất bản thông tin

null Bất cập trong vận dụng quy chế nghiệp vụ về giải quyết khiếu nại - tố cáo

CHUYỂN ĐỔI SỐ VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Bất cập trong vận dụng quy chế nghiệp vụ về giải quyết khiếu nại - tố cáo

Một trong những yêu cầu đối với công chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là cần phải có sự nghiên cứu tổng hợp, toàn diện về pháp luật

= = = = =

 

Để thực hiện nhiệm vụ này thì ngoài việc nắm vững các quy định trong Luật tổ chức, Bộ luật, Luật, Pháp lệnh và Văn bản pháp luật có liên quan còn phải nắm vững các Hướng dẫn của các Ngành liên quan trong việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là các Quy chế, Quy định, Hướng dẫn nghiệp vụ của từng Ngành.

Với một lượng Văn bản không nhỏ, các Văn bản đan xen, sửa đổi, bổ sung không đồng nhất dẫn đến rất khó cho việc thực hiện; nhiều Quy định và Hướng dẫn chưa cụ thể nên tùy theo địa phương mà vận dụng thực hiện.

Điển hình trong việc tiếp nhận đơn, tại khoản 5 Điều 10, Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp Ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12, ngày 02 tháng 02 năm 2016, của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xử lý đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu (Quy chế 51) quy định: “Đối với đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật, thì xử lý theo quy định tại các Chương về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, thì xử lý theo quy định tại Điều 14 Quy chế này”. Điều đó cho thấy muốn giải quyết một đơn, ngoài việc thực hiện theo Quy chế 51 còn phải đối chiếu nhiều Quy định, Hướng dẫn khác, dẫn đến không những gây mất thời gian mà có thể sai lầm trong việc áp dụng Văn bản, Hướng dẫn.

Bên cạnh đó, ngoài đơn khiếu nại, tố cáo; đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu còn có loại đơn thuộc diện tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố (gọi chung là tin báo), nếu đơn được gửi đến Viện kiểm sát nhân dân cấp có thẩm quyền kiểm sát thì rất thuận lợi, đơn sẽ được tiếp nhận, phân loại, xử lý bằng cách ghi vào sổ “ tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Mẫu 03)”, sau đó chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.

Tuy nhiên, nếu đơn được gửi đến cơ quan không thuộc thẩm quyền kiểm sát tin báo thì sẽ phát sinh sự bất cập trong việc xử lý.

Ví dụ: Khi Viện kiểm sát nhận dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp nhận tin báo mà tin báo đó thuộc thẩm quyền kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thì xử lý thế nào? Các đơn vị này chuyển đơn cho cơ quan điều tra có thẩm quyền hay chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm kiểm sát việc thụ lý, giải quyết, tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố để xử lý.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 146, BLTTHS và khoản 3, Điều 8, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, ngày 29 tháng 12 năm 2017, quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Thông tư liên tịch số 01/2017), thì sau khi tiếp nhận tin báo, Viện kiểm sát phải chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.

Với nhận thức tin báo thuộc thẩm quyền kiểm sát của đơn vị nào thì chuyển cho Viện kiểm sát đơn vị đó, để theo dõi việc giải quyết của cơ quan điều tra kịp thời, nên trong thời gian qua, nhiều đơn vị tiếp nhận tin báo không chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết mà chuyển cho Viện kiểm sát cùng cấp với cơ quan điều tra, để Viện kiểm sát cùng cấp thực hiện thêm thao tác chuyển cho cơ quan điều tra.

 Việc nhận thức và thực hiện đó không những không đúng theo khoản 2, Điều 146 BLTTHS và Thông tư liên tịch số 01/2017, mà còn làm mất thời gian cho việc giải quyết nguồn tin, làm tăng thêm một số thủ tục hành chính. Đây chính là do sự quy định chưa đầy đủ của Quy chế nghiệp vụ./.

Đơn vị Thanh tra - Khiếu tố - VKSND tỉnh Đồng Tháp