Xuất bản thông tin

null Bài học về Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Trang chủ VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Bài học về Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Hướng đến kỷ niệm 145 năm ngày sinh Cụ Huỳnh Thúc Kháng – nhà cách mạng lão thành, một nho sĩ yêu nước, nguyên Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (01/10/1876 01/10/2021)

= = = = =

Cụ Huỳnh Thúc Kháng vốn nổi tiếng thông minh, học giỏi và sớm đạt giải cao trong các kỳ thi. Năm 1900, Cụ đỗ đầu kỳ thi Hương và đến năm 1904 đỗ Tiến sĩ kỳ thi Hội. Kế thừa truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam, Cụ Huỳnh không ra làm quan mà tham gia vào các hoạt động yêu nước diễn ra sôi nổi những năm đầu thế kỷ XX.

Các thành viên Chính phủ lâm thời  nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà được cử tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá I, ngày 3/11/1946. Cụ Huỳnh Thúc Kháng (ngoài cùng bên phải, hàng đầu tiên) được giao trong trách Bộ trưởng Nội vụ.

Đọc lại các bài viết, tác phẩm và những mẫu chuyện về Bác, chúng ta thường thấy câu chữ Hán quen thuộc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đây là câu nói như lời nhắn nhủ, gửi gắm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nắm tay và dặn lại Cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi lên đường thăm chính thức nước Pháp vào năm 1946. Thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên ngành kiểm sát nói riêng đã được nghe nhiều mẫu chuyện về Bác. Trong đó, câu chuyệnBác hồ với Cụ Huỳnh Thúc Kháng” thật sự mang ý nghĩa, giá trị sâu sắc. Từ đó, đã đọng lại trong tư tưởng của mỗi người sự nhận thức đúng đắn về cách ứng xử, thái độ sống, học tập, làm việc của mỗi cá nhân trong tổ chức, khiến chúng ta phải suy ngẫm và hiểu hơn về giá trị con người, về lề lối làm việc, cách ứng xử mềm dẻo, linh hoạt trong sinh hoạt và công tác, tinh thần tương thân, tương ái, tình đồng chí, đồng đội trong việc giúp đỡ, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao. Câu chuyện có nội dung như sau:

“Vào cuối năm 1945, sau hai lần nhận được điện mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng từ Huế đã ra Thủ đô Hà Nội. Gặp nhau, hai người ứa nước mắt.

Bác Hồ nói: Việc mời cụ ra nhậm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ là ý kiến chung của tất cả anh em các đảng phái, chớ không phải ý kiến riêng của tôi, vì cụ ở lại trong nước, cụ biết rõ trình độ tiến bộ của đồng bào ba kỳ, đồng thời đồng bào ba kỳ đều tín nhiệm cụ.

Cụ Huỳnh nói: Tôi ra đây là cốt gặp cụ, chớ lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi không biết cầm cày, cầm cuốc; lại cần phải kháng chiến mà tôi lại không mang súng nổi. Cụ nên kiến nghị người trẻ thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn.

Sau nhiều lần trao đổi, cuối cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời tham gia Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Tại cuộc họp đầu tiên của Quốc hội ngày 2-3-1946, khi giới thiệu danh sách Chính phủ Liên hiệp để Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày:

Bộ Nội vụ: một người đạo đức danh vọng mà toàn quốc dân ai cũng biết: cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Sau đó cụ Huỳnh lại được cử làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Gọi tắt là Hội Liên Việt).

Sáng ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp. Sân bay Gia Lâm hôm ấy đông nghịt người ra tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi một vòng chào các đại biểu và đồng bào. Đồng bào vẫy cờ, vỗ tay hoan hô và chen lấn nhau ra phía trước để được nhìn rõ Người.

Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay cụ Huỳnh nói:

Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “Dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi). Cụ Huỳnh rất cảm động, cầm tay Bác hồi lâu, Bác đã ủy nhiệm cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi vắng.

Ảnh tư liệu: Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có lúc cụ Huỳnh Thúc Kháng cảm thấy cô đơn, chán nản. Từ sau khi được gặp và hiểu rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng vui mừng vì được gặp người bạn già tri kỷ là Hồ Chí Minh. Cụ đã nói với một người bạn: “Dân ta có Cụ Hồ quả là hồng phúc”. Trong bài “Thất thập tự thọ” , cụ Huỳnh viết:

“Bảy tuần đầu bạc như bông

Gặp người tri kỷ thôi xong đã già”.

Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp, cụ Huỳnh đã có bài thơ ca ngợi Người:

“Tung hoành bể Sở với non Ngô             

Đảm lược ai hơn Chủ tịch Hồ                                                

Mưa gió dãi dầu bao tuế nguyệt

Nước non gây dựng nội cơ đồ

Sen kia chẳng ngại hôi bùn lấm

Tùng nọ bao phen ngọn gió xô

Khắp cả ba kỳ đều tín nhiệm

Rộn ràng muôn miệng tiếng hoan hô”.

Giải thích về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, cụ Huỳnh nói:

“Hội đồng Chính phủ không bán nước!... Tôi xin tuyên bố vắn tắt với anh em, đó chẳng qua là một nước cờ của Hồ Chủ tịch với cả nước Pháp lẫn Tưởng Giới Thạch. Hồ Chủ tịch là một tay cao cờ. Tôi chắc chắn và anh em cứ đinh ninh rồi đây thế nào mình cũng thắng thế”.

Trước ngày cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ngày 3-11-1946, báo cáo trước Quốc hội về việc thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: cụ Huỳnh, vì tuổi già sức yếu mà cố từ, nhưng vì tôi lấy đại nghĩa mà lưu cụ, cụ cũng gắng ở lại.

Sau đó, cụ Huỳnh được Bác cử đi kinh lý miền Trung và miền Nam Trung Bộ với danh nghĩa đại diện Chính phủ Trung ương. Cuối năm 1946, khi về thăm quê hương Tiên Phước, cụ Huỳnh tâm tình với bà con: “Tôi đã vào loại sáng nhưng cụ Hồ lại sáng hơn tôi nhiều. Cụ Hồ có những người giúp việc thông minh lắm, giỏi lắm, tin tưởng lắm. Cụ Hồ rất vĩ đại, dưới có đội ngũ giúp việc tài năng, nhất định sẽ đưa dân tộc ta đến toàn thắng. Ở Hà Nội, Hồ Chủ tịch tiết kiệm lắm. Mỗi bữa cơm, cụ Hồ chỉ dùng có một quả trứng...”.

Đầu năm 1947, với danh nghĩa Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, cụ Huỳnh viết bức thư dài bằng chữ Hán (thể phú) nhan đề: “Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến thư”.

Nói về Hồ Chủ tịch và Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bức thư có đoạn dịch (theo bản dịch của Nguyễn Văn Hạp...):

“Người thân yêu, kính mến nhất của đồng bào quốc dân ta là Hồ Chí Minh tiên sinh. Là bậc yêu nước đại chí sĩ, là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia, chân đi khắp năm châu, mắt trông xa vạn dặm...”.

Đầu tháng 4 năm 1947, tại Quảng Nam, trong một buổi nói chuyện với các thân hào nhân sĩ, có người lên tiếng hỏi cụ Huỳnh:

“Tôi thuở nay nghe biết tên nhiều nhà cách mạng hoạt động trong nước cũng như ở nước ngoài. Nhưng chưa từng nghe tiếng ông Hồ Chí Minh. Vậy Hồ Chí Minh Là ai?”.

Cụ Huỳnh trả lời:

“Ông Hồ Chí Minh là con cụ Phó bảng Sắc ở Nghệ An, suýt soát lớp ông và tôi. Ông Hồ hoạt động chính trị ở nhiều nước Âu, Á, Phi và hoạt động bí mật, tất nhiên là thay tên đổi họ luôn luôn để tránh màng lưới mật thám quốc tế. Nhưng cái tên làm chấn động thế giới là Nguyễn Ái Quốc. Chắc ông biết, nhiều người biết”.

Cụ Huỳnh nhận xét: “Ông Hồ không phải như nhiều người khác mượn hai tiếng cách mạng để rồi làm giàu hoặc làm quan to như các ông tưởng đâu. Ông Hồ không đồng xu dính túi. Nói về bằng cấp thì ông Hồ không là tiến sĩ, phó bảng gì cả. Nhưng nói về tri thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta không ai bì kịp.

Sự hiểu biết của ông Hồ rất xa, rất rộng, chẳng những việc trong nước mà cả việc thế giới nữa. Nước này tương lai sẽ đi về đâu? Nước kia rồi đây sẽ thế nào? Ông nói rất rành rọt, mạch lạc, nghe không chán”.

Bác Hồ đối với cụ Huỳnh như đối với người thân. Nhiều chi tiết nhỏ trong mối quan hệ giữa Bác và Cụ đã nói lên điều này. Có một chai tương Nam Đàn do bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái của Bác) đem ra làm quà, Bác cũng mời cụ Huỳnh đến dùng cơm để cùng thưởng thức hương vị quê hương xứ Nghệ. Lại có lần nhân dân Thái Bình gửi biếu hai chai mắm tôm đặc sản, Bác cũng viết thư gửi biếu cụ một chai. Cả trong chuyện thường ngày giữa hai người cũng hóm hỉnh thân tình. Có một lần vào năm 1946, gặp Bác, cụ Huỳnh ứng tác hai câu thơ “nhắc nhở”:

 Năm mươi sáu tuổi vẫn chưa già

Cụ ông thấy, Cụ bà không?

Lúc ấy Bác chỉ cười, nhưng rồi trong thời gian sang Pháp, bên cạnh những bức điện văn gửi về hỏi tình hình và thăm cụ Huỳnh, Bác còn có riêng một bài thơ gửi cụ:

Nghĩ rằng ra thơ để trả lời

Nhớ ơn cụ lắm cụ Huỳnh ơi

Non sông một mối chung nhau gánh

Độc lập xong rồi cưới vợ thôi.

Tháng 4-1947, cụ Huỳnh bị ốm nặng. Từ Quảng Ngãi, trên giường bệnh, ngày 14-4-1947, cụ Huỳnh đọc cho người thư ký riêng của mình ghi bức thư gửi Hồ Chủ tịch:

“Kính gởi Hồ Chủ tịch

Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả.

Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc.

Chào vĩnh quyết”.

Rất thương tiếc và đau buồn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

“Gửi toàn thể đồng bào sau ngày cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tạ thế,

Hỡi đồng bào yêu quý,

Vị chiến sĩ lão tiền bối Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân vừa tạ thế.

Trước sự đau xót đó, Chính phủ ta đã ra lệnh làm Quốc tang.

Nhân dịp này, tôi có vài lời báo cáo cùng đồng bào.

Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước, mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đầy ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết.

Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan.

Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, là không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, là không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.

Đến nay nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thành lập, Chính phủ ta mời cụ ra. Tuy đã hơn 71 tuổi, nhưng cụ vẫn hăng hái nhận lời. Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng phải ra sức phụng sự Tổ quốc”.

Nay chẳng may cụ Huỳnh sớm tạ thế, trước khi được thấy kháng chiến thành công.

Cụ Huỳnh tuy tạ thế nhưng cái chí vì nước, vì nòi của cụ vẫn luôn luôn sống mạnh mẽ trong lòng 20 triệu đồng bào chúng ta.

Hỡi đồng bào yêu quý,

Chúng ta thương tiếc cụ Huỳnh vô cùng. Nhưng chúng ta không nên thương tiếc bằng cách than khóc rầu rĩ. Chúng ta thương tiếc cụ bằng cách: càng đoàn kết chặt chẽ, càng hăng hái kháng chiến; bằng cách: theo gương dũng cảm, nối chí quật cường của cụ; bằng cách: hoàn thành sự nghiệp cứu nước, cứu dân mà cụ đã ra sức đeo đuổi suốt đời. Chúng ta phải đồng thanh thề trước tiên linh của cụ Huỳnh rằng:

Đồng bào Việt Nam quyết theo gương kiên quyết của cụ.

Con Rồng cháu Tiên quyết không làm lô lệ.

Tinh thần kháng chiến của cụ Huỳnh sống mãi.

Việt Nam thống nhất và độc lập muôn năm!

Ngày 29 tháng 4 năm 1947

HỒ CHÍ MINH

Ngày 3-5-1947, phóng viên các báo Việt Nam đi thăm mặt trận X, may mắn lại được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đến thăm mặt trận đó. Nhắc đến Huỳnh bộ trưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rơi nước mắt mà nói rằng:

Cụ Huỳnh là một nhà cách mạng rất kiên quyết, trung thành. Cụ mất là một điều thiệt thòi lớn cho dân tộc, cho Tổ quốc ta. Nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có hàng vạn hàng nghìn đồng bào theo gương dũng cảm vì nước vì dân của cụ Huỳnh.

Nhân ngày giỗ đầu của cụ Huỳnh, Người có điện thăm hỏi đến gia đình.

Điện gửi gia đình cố Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng!

Gửi gia đình Huỳnh Bộ trưởng!

Nhân ngày giỗ đầu cố Bộ trưởng, thay mặt Chính phủ, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn Cụ và xin gửi gia đình Cụ lời chào thân ái và quyết thắng.

Ngày 21 tháng 4 năm 1948

Hồ Chí Minh”

 (Trích Những mu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tập I,

Nxb. Chính trị Quốc gia, tháng 7/2019)

Câu chuyện mang giá trị giáo dục sâu sắc về lòng yêu nước, đạo đức cách mạng, ý chí và nghị lực kiên cường của một nho sĩ yêu nước, người cán bộ cách mạng lão thành. Đây là bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong việc học tập theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong cách ứng xử và thực hiện chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại, phải chủ động, sáng tạo nhưng có nguyên tắc. Câu chuyện đã khiến chúng ta hiểu được sự quan tâm, yêu thương, lòng tin và sự trân trọng sâu sắc của Bác đối với Cụ Huỳnh, một tấm gương đạo đức, cao cả, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân, để thế hệ trẻ ngày hôm nay học tập và noi gương. Chính vì vậy, tại lễ truy tặng Huân chương Sao vàng Cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu: “Cụ là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam nói chung, của đồng bào Quảng Nam, của họ Huỳnh xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước nói riêng. Cuộc đời hoạt động và nhân cách cao đẹp cùng tài năng, đức độ của nhà văn hoá, chí sĩ yêu nước, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập và noi theo”. Điều này, càng được thể hiện rõ về những cống hiến của Cụ Huỳnh đối với đất nước và dân tộc trong thời gian giữ cương vị Quyền Chủ tịch Chính phủ (Quyền Chủ tịch nước) khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp, Bác đã đặt niềm tin đúng người, với phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Cụ Huỳnh với tư cách là Quyền Chủ tịch nước đã điều hành Chính phủ tập trung vào các nhiệm vụ tối cao của toàn dân tộc, khéo léo, chủ động trong quan hệ đối nội, đối ngoại, tích cực chuẩn bị thế và lực của toàn dân, sẵn sàng đối phó âm mưu mở rộng xâm lược của thực dân Pháp. Có thể nói, đây là một trong những tiền đề dẫn đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam và là bài học có giá trị lịch sử to lớn, được minh chứng bằng thực tiễn hoạt động cách mạng của Bác. Người nêu rõ: Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt” (Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, t.7, tr. 319), khi thực hiện sách lược hòa hoãn, nhân nhượng với kẻ thù vào thời kỳ năm 1945 – 1946, với tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” và thực hiện phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong giai đoạn cách mạng mới thành công, chính quyền mới thành lập còn non trẻ, đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”, nối tiếp truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất của dân tộc, với ý chí kiên định, lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, mục tiêu vì hòa bình, độc lập, tự do cho nhân dân, Người đã lèo lái con thuyền cách mạng đi đến thắng lợi, điều này đã được khẳng định bởi Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lê-nin- nít về lợi dụng những mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và sự nhân nhượng có nguyên tắc” (Trích Lê Duẩn - Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, 1980, tr. 31). Phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, mềm dẻo, linh hoạt nhưng chủ động, sáng tạo, đây cũng là bài học về công tác cán bộ, trao đúng người, giao đúng việc, đúng thời điểm và có nguyên tắc, vận dụng linh hoạt giữa chiến lược và sách lược sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực, như lời dạy của Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, 2011,  t.5, tr. 309).

Học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ chính thực tiễn hoạt động cách mạng, nghệ thuật ứng xử và dùng người của Bác để xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Câu chuyện về Bác với Cụ Huỳnh là một điển hình về nghệ thuật quý trọng và sử dụng nhân tài, những đóng góp của Cụ Huỳnh, một chí sĩ yêu nước suốt đời phấn đấu cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Bác có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật ứng xử, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, từng lĩnh vực và đối tượng cụ thể mà có sự vận dụng linh hoạt, uyển chuyển những phương pháp, cách thức khác nhau cho phù hợp, đã đem lại thành quả lớn lao cho cách mạng Việt Nam. Đối với con người, Người luôn thể hiện lòng yêu thương, quý mến và tôn trọng. Đối với người có lỗi, Bác tỏ lòng khoan dung. Đối với kẻ thù, bằng thái độ độ lượng. Đây là bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc để thế hệ thanh niên Việt Nam, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ ngành kiểm sát phải học tập và kế thừa, điều này đã được GS. TS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương từng phân tích: ““Dĩ bất biến” tức là nguyên tắc phải giữ vững, nhất quán và triệt để; “ứng vạn biến” là linh hoạt, uyển chuyển cho phù hợp với thực tế, thời cuộc. Câu nói đó của Bác kế thừa từ những nhà tư tưởng lớn, nhưng nói lên tính chất biện chứng trong tư duy của Hồ Chí Minh.”

Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm và vận dụng một cách chủ động, sáng tạo lời dạy của Bác trong thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại, nhất là quá trình tiến hành công cuộc đổi mới đất nước từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), Đảng ta bắt đầu thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, chuyển đổi cơ chế quản lý nền kinh tế từ tập trung, quan liêu, bao cấp sang chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, điều này có giá trị kế thừa và phát triển, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đổi mới để hội nhập quốc tế, góp phần phát triển nền kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhưng vẫn kiên định với đường lối, lý tưởng cách mạng và phương châm “hòa nhập nhưng không hòa tan” làm kim chỉ nam cho hành động, đã được khẳng định rõ tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. Đây là hình ảnh khắc họa rõ nét nhất phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, mềm dẻo, linh hoạt nhưng chủ động, sáng tạo trong chính sách, đường lối, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại mới: “là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2021, tr. 128-129). Có thể thấy, những thắng lợi, thành tựu của đất nước sau 35 năm đổi mới đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của thời đại, chứng minh cho đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, từ một nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp thì ngày nay đã trở thành nước đang phát triển, đời sống của người dân được cải thiện, khẳng định được vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp thì điều này càng có ý nghĩa giá trị thiết thực khi thực hiện lời dạy của Bác về ứng vạn biến trước dĩ bất biến, đòi hỏi mỗi cá nhân trong cộng đồng phải thể hiện ý thức trách nhiệm, bình tĩnh, năng động, sáng tạo để xử lý mọi tình huống, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Thực hiện lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, chăm lo đời sống của người dân, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, còn phải giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, song song với phát triển kinh tế, giáo dục và đạo tạo,… thông qua việc thực hiện những chính sách phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện, đối tượng cụ thể, thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vừa chống dịch vừa phục hồi và phát triển nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh với mô hình “03 tại chỗ”, “04 tại chỗ”, các mô hình đi chợ hộ, túi an sinh, điều chỉnh lãi suất, để cùng với cả nước chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thành lập các Tổ công tác đến vùng dịch để đón công dân có nguyện vọng trở về quê. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ vắc xin và Quỹ phòng, chống Covid-19, thực hiện trách nhiệm chung tay cùng với cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, cùng với việc thực hiện công tác phòng, chống dịch thì công tác giáo dục và đạo tạo vẫn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm và chú trọng, thể hiện qua việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, chỉ tổ chức thi đợt 1 và đợt 2 cho những nơi an toàn và thí sinh an toàn, xem xét, đồng ý cho đặc cách tốt nghiệp THPT đối với tất cả thí sinh đủ điều kiện tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 tại địa phương vẫn còn diễn biến phức tạp, đồng thời yêu cầu các trường học chuyển ngay sang dạy học, ôn tập online, tuyên truyền tới người dân về công tác phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Có thể nói, lời dạy của Bác về Dĩ bất biến, ứng vạn biến đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quán triệt sâu sắc, chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống khi tình hình dịch ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải đưa ra những chính sách phù hợp nhưng linh hoạt, mạnh mẽ theo hướng đổi mới, sáng tạo.

Cùng với việc thực hiện linh hoạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, tầm soát dịch bệnh với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, với tinh thần tương thân, tương ái, vì sức khỏe cộng đồng, đã đóng góp một phần sức mình trên mặt trận chống dịch, với một niềm tin sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước, cùng cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động. Trước tình hình dịch còn diễn biến hết sức phức tạp, tùy tình hình thực tế tại địa phương mà ban hành, điều chỉnh và áp dụng các chính sách phù hợp, linh hoạt theo từng thời điểm, từng đối tượng, hoàn cảnh cụ thể. Khi tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, địa phương đã thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện cách ly toàn xã hội. Khi tình hình dịch đã được kiểm soát tốt, địa phương kịp thời điều chỉnh, thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 ở mức cao hơn (15+) về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, trừ một số địa phương tình hình dịch còn diễn biến phức tạp thì vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Hiện nay, tình hình dịch trên địa bàn đã được kiểm soát chặt chẽ, địa phương đã thống nhất áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 01/10/2021 cho đến khi có thông báo mới. Đây là chính sách chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời “ứng vạn biến” trước “dĩ bất biến” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ một lời gửi gắm của Bác đối với Cụ Huỳnh trước khi sang thăm nước Pháp, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, đây là một bài học có giá trị thực tiễn về cách ứng xử, học tập, lao động và làm việc năng động, sáng tạo mà thế hệ thanh niên, nhất là đảng viên trẻ ngành kiểm sát phải kế thừa và học tập suốt đời. Thực hiện lời dạy của Người, ngành kiểm sát hai cấp tỉnh Đồng Tháp đã vận dụng chủ động, sáng tạo phương châm Dĩ bất biến, ứng vạn biến trong hoạt động thực tiễn tại đơn vị. Khi tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị 16/CT-TTg và Chỉ thị 15/CT-TTg ở mức cao hơn (15+), thực hiện các biện pháp thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn. Các đơn vị thực hiện phương án bố trí cho công chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, số lượng người làm việc cụ thể tại cơ quan do Thủ trưởng đơn vị quyết định và chịu trách nhiệm nhưng không quá 50% tổng số công chức, người lao động (một số huyện, thành phố tình hình dịch còn diễn biến phức tạp thì không quá 30% tổng số công chức, người lao động) và phải đảm bảo các hoạt động diễn ra bình thường, thông tin, liên lạc phải thông suốt; công tác trực nghiệp vụ, trực ngoài giờ hành chính phải đảm bảo theo quy định. Khi tình hình dịch tại địa phương đã được kiểm soát, số ca nhiễm trong cộng đồng có dấu hiệu giảm, thống nhất áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh thì đơn vị đã kịp thời điều chỉnh, thực hiện số lượng người làm việc cụ thể tại cơ quan không quá 70% tổng số công chức, người lao động. Ngoài ra, trong công tác phối hợp với các ngành, các cấp tại địa phương, thực hiện chủ động, linh hoạt, thông qua hình thức xây dựng các Quy chế phối hợp liên ngành phù hợp với từng lĩnh vực, chuyên môn, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, do tính chất đặc thù trong công tác của mỗi cấp, mỗi ngành khác nhau, nhưng tất cả đều vì lý tưởng chung là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cùng góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Do đó, đòi hỏi phải có những giải pháp thực hiện chủ động, linh hoạt, sáng tạo các chỉ tiêu của Quốc hội và Ngành giao, vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ công tác, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, vừa góp phần cùng với cả hệ thống chính trị phục hồi và phát triển nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định kinh tế, phát triển sản xuất, an sinh xã hội, vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, đây là bài toán khó đặt ra không chỉ riêng ngành kiểm sát mà cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành. Do đó, việc thực hiện một cách đồng bộ, mềm dẻo, linh hoạt và có hiệu quả các giải pháp chính là hình ảnh khắc họa rõ nét việc học tập theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về Dĩ bất biến, ứng vạn biến.

Bên cạnh đó, mỗi người cán bộ, nhất là những đảng viên trẻ ngành kiểm sát, khi thực hiện nhiệm vụ được phân công, trong cách cư xử với đồng chí, đồng đội, ứng xử, giao tiếp trong công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan, cách tiếp xúc, liên hệ với quần chúng nhân dân đến liên hệ công tác thì việc chủ động, sáng tạo trong xử lý công việc, ứng biến linh hoạt mọi tình huống chính là việc thực hiện tốt lời dạy của Bác về tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đây là điều hết sức thiết thực và mang giá trị thực tiễn sâu sắc. Từ chính phong cách ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, khi tiếp xúc với mọi người cần thể hiện sự khiêm tốn, chân thành, tôn trọng, quan tâm, chia sẻ, có thái độ hòa nhã, cử chỉ thân thiện, điều này không đồng nghĩa với việc giao tiếp theo phong cách xã giao, giảo hoạt mà phải thực sự xuất phát từ chính nhân cách và sự chân thành, đây cũng chính là một trong những tiền đề để chúng ta thực hiện tốt và có hiệu quả, thể hiện tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mặt khác, phương châm “ứng vạn biến” không chỉ thể hiện trong hoạt động “đối ngoại” mà còn được thể hiện khi “đối nội” từ chính phong cách ứng xử, giao tiếp linh hoạt, mềm dẻo với đồng chí, đồng đội của mình, từ đó mới có thể thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình, góp ý trên tinh thần xây dựng và cầu thị, điều này là một trong những vấn đề cốt lõi khi xây dựng sự đoàn kết nội bộ. Tuy nhiên, ứng vạn biến” không đồng nghĩa với cư xử dĩ hòa, vi quý”, lối sống “ba phải”, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ ra là: “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, không phát huy được tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Từ việc thấy đúng không bảo vệ dẫn tới cái đúng bị che lấp dần. Thấy sai không đấu tranh, bằng thái độ im lặng, sự vô tâm với đồng nghiệp và tổ chức của mình là đang dung túng cho cái sai, khiến nó ngày càng thêm lớn.

Do đó, việc học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng với lòng yêu nước, kiên cường, bất khuất, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, hết lòng, hết sức, vì hòa bình, độc lập dân tộc của Cụ Huỳnh, với phương châm Dĩ bất biến, ứng vạn biến, chính là tấm gương tiêu biểu nhất để thế hệ thanh niên trẻ Việt Nam, trong đó có thế hệ cán bộ, đảng viên trẻ ngành kiểm sát phải học tập và rèn luyện. Khi đất nước đang tiến trình mở cửa và hội nhập thì rất cần những cán bộ, đảng viên trẻ năng động, nhiệt huyết trong công tác, biết chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong học tập, lao động và làm việc, thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, trung thực, trách nhiệm, trên tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết với đồng chí, đồng đội trong công tác, gắn bó mật thiết với nhân dân. Nhưng, vẫn giữ vững một ý chí kiên định, lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mới có thể hoàn thành nhiệm vụ chung mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, các dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mới phát huy được sức mạnh của một tập thể, đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, có như vậy mới tạo động lực phấn đấu vượt qua mọi thế lực thù địch, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, xứng đáng với lời dạy của Bác: “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đày tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính. Muốn thế thì phải gần gũi nhân dân, khuyến khích nhân dân, lãnh đạo nhân dân” (Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 1996, tập 8, tr. 513)

                                                       Lê Kiều