Xuất bản thông tin

null Quyền được xem biên bản phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự Khó khăn và Giải pháp khắc phục

CHUYỂN ĐỔI SỐ VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Quyền được xem biên bản phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự Khó khăn và Giải pháp khắc phục

Biên bản phiên tòa có giá trị vô cùng quan trọng đối với quá trình giải quyết vụ án là cơ sở để các giai đoạn tố tụng sau nghiên cứu

= = =

 

Trong bài viết này, người viết tập trung làm rõ quyền được xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa, ký xác nhận của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành. Qua đó, đưa ra những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện quyền được xem biên bản phiên tòa và một số giải pháp cụ thể để bảo đảm thực hiện tốt quyền được xem biên bản phiên tòa xét xử sơ thẩm trong vụ án dân sự.

Cơ sở pháp lý                                                   

Tại Điều 236 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) hiện hành quy định: 

Điều 236. Biên bản phiên tòa

1. Biên bản phiên tòa phải ghi đầy đủ các nội dung sau đây:

a) Các nội dung chính trong quyết định đưa vụ án ra xét xử quy định tại khoản 1 Điều 220 của Bộ luật này;

b) Mọi diễn biến tại phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa;

c) Các câu hỏi, câu trả lời và phát biểu tại phiên tòa.

2. Ngoài việc ghi biên bản phiên tòa, Hội đồng xét xử có thể thực hiện việc ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên tòa.

3. Sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký phiên tòa ký biên bản đó.

4. Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có quyền được xem biên bản phiên tòa ngay sau khi kết thúc phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận.

 Biên bản phiên tòa có thể được xem là một văn bản ghi nhận lại toàn bộ quá trình xét xử vụ án, thể hiện nội dung quan trọng mà trong đó việc hỏi – trả lời của các bên đương sự, của Hội đồng xét xử, của Kiểm sát viên là rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án vì vậy cần phải được Hội đồng xét xử kiểm tra trước khi Chủ tọa phiên tòa và Thư ký phiên tòa ký vào biên bản là hoàn toàn hợp lý và chặt chẽ, điều này đảm bảo sự vô tư khách quan, hạn chế sự sai sót của Thư ký ghi biên bản phiên tòa.

          Biên bản phiên tòa là sự tổng hợp các câu hỏi, tình tiết, diễn biến tại phiên Tòa thường diễn ra rất nhanh, Thư ký phiên tòa phải ghi lại bằng nhiều hình thức (viết tay, đánh máy, ghi âm).

Cho dù là án dân sự hay án hành chính, kinh doanh thương mại...thì việc xét xử diễn ra là liên tục, đối với những vụ án phức tạp còn có thể kéo dài, có những vụ việc sử dụng nhiều tài liệu, chứng cứ, áp dụng nhiều văn bản pháp luật qua nhiều thời kỳ cần phải có sự ghi chú đầy đủ, cẩn thận. Những vụ việc có sự tham gia của Luật sư thường trình bày rất dài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà họ bảo vệ...vì vậy ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Thư ký khó có thể hoàn chỉnh Biên bản để Kiểm sát viên kiểm tra.

Qua thực tế kiểm sát việc xét xử của Tòa án nhận thấy, sau khi phiên tòa kết thúc, Thư ký phiên tòa vẫn chưa hoàn thiện xong Biên bản phiên tòa ngay mà phải vài ngày sau mới ban hành được văn bản này nên việc kiểm tra Biên bản phiên tòa ngay sau khi phiên tòa kết thúc là rất khó. Chưa kể đến thời gian vào tháng 9 hàng năm (thời điểm ngành Tòa án tổng kết năm) số lượng công việc cần phải giải quyết của Thẩm phán và Thư ký tăng lên rất nhiều thì quy định “ Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có quyền được xem biên bản phiên tòa ngay sau khi kết thúc phiên tòa” theo BLTTDS là rất khó.

Những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện quyền được xem biên bản phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự và hành chính

Để tăng cường công tác phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân đối với nội dung này, tại Điều 23 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC và Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã quy định: “Sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên có quyền xem biên bản phiên tòa, phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản. Yêu cầu của Kiểm sát viên được thực hiện ngay và Kiểm sát viên ký xác nhận những nội dung sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 236 BLTTDS (khoản 4 Điều 166 LTTHC)”. Ngày 29/4/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục ban hành Quyết định số 139/QĐ-VKSTC trong đó đã đưa việc kiểm sát 100% Biên bản phiên tòa thành chỉ tiêu bắt buộc: “Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phải lập biên bản kiểm tra biên bản phiên tòa ngay sau khi phiên tòa kết thúc”.

Mặc dù đã có hướng dẫn tuy nhiên qua thực tế áp dụng vẫn còn gặp phải một số khó khăn, bất cập như sau:

Một là, Kiểm sát viên có quyền được xem biên bản phiên tòa. Nếu phát hiện, thư ký ghi biên bản phiên tòa ghi những nội dung chưa đúng với quá trình giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì KSV có quyền yêu cầu thư ký ghi biên bản phiên tòa ghi sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận vào những phần ghi sửa đổi bổ sụng đó.

Luật tố tụng quy định như vậy là hết sức chặt chẽ và rõ ràng để loại bỏ trường hợp thư ký ghi biên bản phiên tòa cố tình ghi sai các nội dụng của phiên tòa từ đó dẫn đến việc ban hành bản án không khách quan, vô tư và không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để kiểm sát viên yêu cầu sửa đổi bổ sung biên bản phiên tòa thì kiểm sát viên cũng phải có căn cứ để chứng minh cho yêu cầu sửa đổi bổ sung của mình là đúng đắn, thuyết phục nhưng luật lại không quy định kiểm sát viên có quyền ghi âm, ghi hình mà chỉ quy định Hội đồng xét xử (theo BLTTDS) hoặc Tòa án (theo LTTHC). Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng; kiểm sát việc chấp hành pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký, đương sự tại phiên tòa mà không thực hiện được quyền ghi âm, ghi hình là không phù hợp.

Hai là, sau khi kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử phải kiểm tra biên bản; Chủ tọa phiên tòa và Thư ký phiên tòa ký vào biên bản. Sau khi kết thúc phiên tòa có thể được hiểu là từ thời điểm kết thúc phiên tòa cho đến một thời điểm chưa xác định được. Như vậy Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể viễn dẫn luật để kéo dài thời gian thực hiện quyền được xem biên bản phiên tòa của Kiểm sát viên.

Mặc dù đã có thông tư liên tịch số 03/2016 ngày 31/8/2016 giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao về quy định phối hợp giữa VKSNDTC và TANDTC trong việc thi hành một số quy định của Luật TTHC nhưng cũng chưa quy định cụ thể thời gian sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp là bao lâu thì Kiểm sát viên có quyền được xem biên bản phiên tòa, phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản.

Ba là,  BLTTDS quy định Kiểm sát viên có quyền được xem biên bản phiên tòa, quy định này là chưa đúng và có sự mâu thuẫn với Hiến pháp năm 2013, không đúng với Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 và không đúng Điều 21 BLTTDS, Điều 25 LTTHC về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng. Kiểm sát viên là người kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng trong phiên tòa. Khi được phân công kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự và hành chính, Kiểm sát viên không những có quyền xem mà phải có quyền kiểm tra biên bản phiên tòa, xem xét việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự và hành chính trong việc ghi biên bản phiên tòa mà còn xem xét việc Hội đồng xét xử có thực hiện việc kiểm tra biên bản phiên tòa của Thư ký có thực hiện đúng diễn biên phiên tòa hay không. Như vậy, khoản 4 Điều 236 BLTTDS chỉ quy định kiểm sát viên có quyền xem biên bản phiên tòa mà không quy định Kiểm sát viên có quyền kiểm tra biên bản phiên tòa là mâu thuẫn.

Giải pháp kiến nghị hoàn thiện để bảo đảm quyền được kiểm tra biên bản phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự và hành chính

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề sau:

Thứ nhất, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 236 BLTTDS

1...

2. Ngoài việc Thư ký ghi biên bản phiên tòa, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa có thể thực hiện việc ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên tòa.

Thứ hai, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần phải bổ sung quy định về quyền kiểm tra Biên bản phiên tòa của Kiểm sát viên trong các quy chế phối hợp, Thông tư liên tịch ký với Tòa án nhân dân, quy định cụ thể thời gian hoàn thành biên bản phiên tòa, có cả biện pháp bắt buộc thực hiện đối với Tòa án mới có thể thực hiện và hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 236 BLTTDS và Điều 23 Thông tư liên tịch số 03/2016 theo hướng:

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên có quyền kiểm tra biên bản phiên tòa, ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa. Yêu cầu của Kiểm sát viên phải được thực hiện ngay và Kiểm sát viên ký xác nhận những nội dung sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 166 Luật TTHC và lập biên bản kiểm tra biên bản phiên tòa để Thẩm phán chủ tọa ký vào biên bản kiểm tra”.

Thứ tư, đến thời điểm hiện tại Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành hệ thống biểu mẫu theo Công văn số 3033/VKSTC-V10 ngày 26/7/2021 về việc góp ý hệ thống biểu mẫu tố tụng, nghiệp vụ. Trong hệ thống biểu mẫu dự thảo này cũng đã xây dựng mẫu “Biên bản xem biên bản phiên tòa sơ thẩm – Mẫu 35”. Tuy nhiên, tại Mục 9, thẩm quyền ký vào Biên bản xem biên bản phiên tòa sơ thẩm không cần thiết để thêm Thư ký phiên tòa ký. Bởi vì, nhiệm vụ của Thư ký phiên tòa là ghi biên bản phiên tòa, hơn nữa giữa Chủ tọa phiên tòa và Thư ký đã kiểm tra biên bản phiên tòa trước đó nên chỉ cần để Thẩm phán ký là đủ và đúng thẩm quyền.

Thứ năm,thường xuyên thông báo rút kinh nghiệm trong việc thực hiện quyền được xem biên bản phiên tòa để Kiểm sát viện học tập và rút kinh nghiệm trong việc thực hiện quyền kiểm tra biên bản phiên tòa.

Ngọc Oanh –Viện KSND Thành phố Hồng Ngự