Xuất bản thông tin

null Tin nhanh trong tuần từ Viện kiểm sát địa phương 08.11.2021

Chi tiết bài viết VKS_HOATDONGDOANTHE

Tin nhanh trong tuần từ Viện kiểm sát địa phương 08.11.2021

Tin nhanh từ các Viện kiểm sát địa phương

Tin từ Viện KSND huyện Cao Lãnh

Một số yêu cầu về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên,

 nhất là cán bộ lãnh đạo của Viện kiểm sát Nhân dân huyện Cao Lãnh trong giai đoạn hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục con người, sự nghiệp trồng người; trong giáo dục đạo đức, Người rất coi trọng phương thức “Nêu gương”. Người quan niệm, giáo dục đạo đức là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; trong xã hội ta, ai cũng là chủ thể và cũng là đối tượng của giáo dục đạo đức. Vì vậy, ai cũng có thể và cần phải luôn luôn nêu tấm gương về đạo đức.

Tác dụng nêu gương giữ vai trò rất quan trọng trong việc hình thành đạo đức xã hội, Bác Hồ đã từng nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Người luôn luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi việc, đảng viên đi trước, làng nước theo sau.

Từ đó, Bác Hồ chỉ rõ: Nêu gương là phương pháp dùng sự việc tốt, con người điển hình tiên tiến, để tác động mạnh mẽ đến người khác, khiến họ khâm phục, tán thành và noi theo. Bản chất của phương pháp nêu gương xét ở góc độ tâm lý chính là sự “bắt chước”, là hiện tượng tự nhiên của con người, họ bắt chước nhau một cách có ý thức, dựa trên những hiểu biết, sự phát triển trí tuệ, kinh nghiệm đạo đức và vốn sống của từng người. Vì thế, lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới. Và để nêu gương thì trước hết cá nhân phải làm gương trong mọi công việc, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Phải quyết liệt chống căn bệnh kinh niên: Nói nhiều làm ít, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, có thể gọi đó là nói suông. Trong sự nêu gương không chỉ có nói đi đôi với làm, mà chú ý cả hai mặt nêu gương nói và nêu gương làm. Nêu gương nói là nói ít, nói trúng, nói những vấn đề thiết thực, nói đúng lòng mình, thật tâm, không dối trá. Cán bộ không phải ai cũng có khả năng hùng biện, nói hay như báo cáo viên, nhưng nói thật, nói phải, nói trúng thì ai cũng nhận ra cả. Nêu gương nói còn là nêu gương về sự nghiên cứu thấu đáo, nắm vững tình hình. Không sát cơ sở, chỉ đạo theo kiểu ngồi bàn giấy thì chẳng bao giờ nói trúng. Còn vấn đề nêu gương làm được hiểu một cách đơn giản nhất là dám nghĩ, dám làm, trách nhiệm cao, hiệu quả công việc lớn.

Trong tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã đưa “nêu gương” trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng và thành phần cốt yếu của văn hóa Đảng. Trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, một trong số nhiều giải pháp quan trọng, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ, Đảng ta luôn đề cao vai trò “nêu gương” của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Đây là phương pháp đúng đắn, hiệu quả và là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã xác định và nhận diện rõ những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên và đưa ra các giải pháp cụ thể. Thực hiện các Nghị quyết này, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” và gần đây nhất là Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Đối với Ngành Kiểm sát nhân dân, công tác cán bộ được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021 nêu rõ “Tiếp tục thực hiện khâu đột phá là công tác cán bộ”. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm lãnh đạo giữ gìn sự đoàn kết, trước hết là trong tập thể lãnh đạo, từ đó lan tỏa ra toàn cơ quan, đơn vị mình. Đây là giải pháp nền tảng cho các giải pháp khác trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, xây dựng cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp phải thực sự “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu”; cấp dưới phải “trung thực, tận tụy, trách nhiệm” trong công việc. Quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 01 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kế hoạch số 01/KH-VKS ngày 22/01/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp về công tác của ngành Kiểm sát Đồng Tháp năm 2021 ngay trong kế hoạch Công tác số 29/KH-VKSHCL ngày  29  tháng 01 năm 2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cao Lãnh năm 2021 đã chọn và xác định “Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; đổi mới công tác đánh giá cán bộ; bố trí sắp xếp, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên” là khâu trọng tâm đột phá; vừa đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, vừa phải lấy sự công tâm, công bằng, sự gương mẫu của người đứng đầu để điều hành đơn vị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả các mặt công tác của đơn vị được giao phụ trách.

Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Hồ Chủ Tịch, cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Cao Lãnh, nhất là cán bộ lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện tốt các yêu cầu về trách nhiệm nêu gương như sau:

- Một là, cán bộ lãnh đạo phải có tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả, thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể. Luôn sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công, tâm huyết, tận tụy với công việc. Luôn giữ vững nguyên tắc dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong sử dụng và đánh giá cán bộ. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng; mẫu mực về đạo đức, lối sống; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành. Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không đổ lỗi, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

 - Hai là, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, cán bộ lãnh đạo phải nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc nêu gương phải theo phương châm “Trên trước, dưới sau”, “Trong trước, ngoài sau”, “Nói đi đôi với làm”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nêu gương cho cán bộ, Kiểm sát viên.

- Ba là, việc nêu gương của cán bộ chủ chốt phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ... Trong đó, nêu gương về trách nhiệm trong công tác: Cần nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến công tác. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm. Hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thi đua và các biểu hiện tiêu cực khác. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái, chia rẽ gây mất đoàn kết và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm tiêu cực”.

- Bốn là, đối với cấp ủy chi bộ: Có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy địa phương. Coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng và xây dựng Ngành. Có trách nhiệm lãnh đạo nâng cao nhận thức, nắm vững về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu về trách nhiệm nêu gương trong tổ chức và hoạt động của đơn vị; chú trọng phát hiện, tạo nguồn xây dựng đội ngũ lãnh đạo cấp chiến lược, lâu dài có tiêu chí để “sàng lọc” cán bộ. Đồng thời, cần có quy định về trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị nhất là người đứng đầu về việc đào tạo, tiến cử người kế cận; cấp ủy của cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

- Năm là, cán bộ lãnh đạo phải tự rèn luyện, trau dồi mọi mặt để thực sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, trong sáng, gương mẫu về mọi mặt. Gắn cuộc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” với rèn luyện 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát theo lời dạy của Bác Hồ "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn"; coi đây là biện pháp, hoạt động thiết thực để thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

= = = = 

Bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy địa bàn huyện cao lãnh

 

Trong tuần qua tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện Cao Lãnh ổn định. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện đã xảy ra 01 tàng trữ trái phép chất ma túy, 01 vụ cướp giật tài sản và 01 vụ chết người không rõ nguyên nhân. Cụ thể:

Vào khoảng 10 giờ ngày 28/10/2021, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân có đối tượng đang sử dụng trái phép chất ma túy tại khóm Mỹ Thới, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh. Công an tỉnh Đồng Tháp kết hợp với Công an huyện Cao Lãnh kiểm tra bắt quả tang đối tượng Lê Minh Trọng, sinh năm 1991 tại địa chỉ trên có hành vi tàng trữ 05 bịch nylon màu trắng được hàn kín 02 đầu, bên trong có chứa 12,436 gam ma túy loại Methamphetamine nên tiến hành thu giữ số ma túy nói trên cùng 01 số tang vật có liên quan đến vụ án.

Vào khoảng 02 giờ 35 phút ngày 31/10/2021, chị Lê Thị Kim Dung, sinh năm 1980 ngụ khóm Mỹ Thuận, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh đang giao ca tại đoạn đường bê tông nhựa vào Công ty cổ phần nhập khẩu y tế Domesco thuộc ấp An Định, xã An Bình, huyện Cao Lãnh thì bị đối tượng Huỳnh Thanh Phong, sinh năm 1982 ngụ ấp 1, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh tiến lại gần giật lấy túi xách bên trong có 01 điện thoại di động hiệu Samsung A31; 27.000.000 đồng cùng 01 số giấy tờ tùy thân khác rồi lên xe tẩu thoát. Đến 18 giờ 40 phút cùng ngày đối tượng Trung bị Cơ quan Công an bắt giữ.

Vào khoảng 7 giờ 30 phút, ngày 31/10/2021, ông Lê Hồng Thanh sinh năm 1977 ngụ ấp Bình Tân,, xã Bình Phước xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (tạm trú tại ấp 4, xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh) đi đến ao của ông Lê Văn Em, sinh năm 1947 ngụ cùng địa chỉ để câu cá thì phát hiện 01 tử thi nam (chưa rõ họ, tên, địa chỉ cụ thể) trong tư thế nằm sấp úp mặt xuống nước nên trình báo Công an xã Phương Trà.

Hiện các vụ việc trên đang được Cơ quan Công an huyện Cao Lãnh xác minh điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.

                                                                             Đắc Huyền

                       

Tin từ Viện KSND huyện Tháp Mười

Viện kiểm sát nhân dân huyện Tháp Mười tham gia lớp tập huấn Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Đồng Tháp

 

Thực hiện Công văn số 2109/VPUBND-TH, ngày 22/10/2021 của Văn phòng UBND huyện Tháp Mười, về việc tổ chức lớp tập huấn Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Đồng Tháp. Ngày 04/11/2021 Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp tổ chức lớp tập huấn Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Đồng Tháp. Viện kiểm sát nhân dân huyện Tháp Mười cử các đồng chí Kiểm tra viên, Chuyên viên tham gia buổi tập huấn trực tuyến tại Hội trường VNPT huyện Tháp Mười.

Các đồng chí tham gia tập huấn

Tại buổi tập huấn các báo cáo viên của đơn vị VNPT triển khai những nội dung cơ bản về Hệ thống thông tin báo cáo, gồm quy trình báo cáo, quy trình nhập, gửi báo cáo, demo, thảo luận và hướng dẫn thực hành trực tiếp trên máy tính. Qua đó nhận thấy hệ thống báo cáo giúp giảm tối đa báo cáo giấy, báo cáo thủ công, quy trình động giúp chuẩn hóa và đơn giản hóa thực hiện các chế độ báo cáo thống nhất định dạng số liệu báo cáo; Tự động tổng hợp dữ liệu theo N cấp giúp giảm thời gian nhập liệu và tăng tính chính xác của số liệu báo cáo; Xây dựng các biểu đồ trực quan, sinh động, xây dựng kho dữ liệu lưu trữ dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, các tính năng phân tích số liệu thông minh. Thông qua việc hướng dẫn trực tiếp tại buổi tập huấn công chức trong ngành đã nắm vững kiến thức về cách sử dụng các biểu mẫu thống kê trên phần mềm.

Tiến Sang-VKSND huyện Tháp Mười

Tin từ Viện KSND huyện Phòng 15

Đồng Tháp triển khai thực hiện tinh giản biên chế đối với biên chế dôi dư theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao


 

Thực hiện hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thực hiện tinh giản biên chế đối với biên chế dôi dư trong Ngành Kiểm sát nhân dân tại Công văn số 4222/VKSTC-V15, ngày 20/10/2021, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành công văn chỉ đạo các đơn vị triển khai, quán triệt thực hiện.

Lưu ý các đơn vị khi triển khai thực hiện cần rà soát, lựa chọn đối tượng đúng theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao như: Công chức dôi dư do sắp xếp, điều chỉnh biên chế năm 2021 và do chuyên môn, nghiệp vụ hạn chế, chất lượng hiệu quả công việc thấp, thời gian công tác không nhiều, sức khỏe yếu, cá nhân tự nguyện xin thực hiện tinh giảm biên chế... để Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định thực hiện tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ, chính sách đối với các biên chế dôi dư.

Song song với phát hành văn bản triển khai, quán triệt thực hiện, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã rà soát, tập hợp danh sách để giải thích, động viên công chức thực hiện theo đúng hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Kết quả bước đầu đã có công chức đăng ký thực hiện tinh giản biên chế theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

                                                                                       Phòng 15

= = = = =

Thực hiện việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý

Trong những năm qua, quy hoạch cán bộ, lãnh đạo, quản lý luôn được Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Đồng Tháp xác định giữ vai trò đặc biệt trong công tác xây dựng đội ngũ công chức, là nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, là nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên nhằm tạo sự chủ động, khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ lãnh đạo, quản lý; bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ; giữ vững đoàn kết nội bộ và sự ổn định chính trị. Tạo được đội ngũ công chức khi đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý  của VKSND các cấp vững về chính trị, có trình độ và năng lực, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

         Năm 2021, tiếp tục thực hiện Hướng dẫn số 22-HD/VKSTC ngày 23/4/2018 và Hướng dẫn số 23-HD/VKSTC ngày 15/5/2018 VKSND tối cao về công tác quy hoạch cán bộ, lãnh đạo, quản lý trong Ngành Kiểm sát nhân dân và Công văn số 426-CV/TU ngày 14/9/2021 của Tỉnh ủy Đồng Tháp về tuổi để giới thiệu cán bộ, công chức, viên chức đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. VKSND tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thực hiện việc rà soát, bổ sung quy hoạch năm 2021 hai giai đoạn 2016 – 2021 và 2021 – 2026 đối với các đơn vị trực thuộc.

Trên cơ sở kết quả quy hoạch được phê duyệt năm 2020 và đối chiếu với quy định hiện hành, các đơn vị đã tổ chức Hội nghị về công tác quy hoạch cán bộ có sự tham gia của cấp ủy địa phương và Lãnh đạo VKS tỉnh, Phòng Tổ chức cán bộ để lấy ý kiến về việc đưa ra khỏi quy hoạch đối với những trường hợp không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện và bổ sung nhân sự mới đáp ứng đúng yêu cầu.

Sau khi các đơn vị hoàn thành xong việc rà soát, bổ sung quy hoạch năm 2021, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành họp xem xét thảo luận và bỏ phiếu phê duyệt quy hoạch và ban hành thông báo kết quả để cấp ủy và đơn vị được biết để tiến hành công khai quy hoạch theo quy định.

                                                                                                          Phòng 15

Tin từ Viện KSND Tp Cao Lãnh

Viện KSND thành phố Cao Lãnh

tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến

Thực hiện theo tinh thần kế hoạch số 01/KH-VKS-DS ngày 22/02/2021 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cao Lãnh về việc phối hợp mở phiên tòa rút kinh nghiệm giữa Viện kiểm sát – Tòa án. Ngày 28/10/2021, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cao Lãnh đã mở phiên tòa rút kinh nghiệm mở rộng theo tinh thần cải cách tư pháp đối với vụ án “Tranh chấp về chia thừa kế” giữa nguyên đơn Bùi Văn Lớn, bị đơn Bùi Văn Thanh. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Trinh – Kiểm sát viên sơ cấp. Vụ án được chọn do có nhiều đương sự, đồng thời, có sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn.

Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 nên lãnh đạo, kiểm sát viên theo dõi phiên tòa thông qua hình thức trực tuyến tại đơn vị.

Lãnh đạo, Kiểm sát viên đang ghi chép lại những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Sau khi phiên tòa kết thúc, đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm về những ưu, khuyết điểm của kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa; giúp kiểm sát viên tích lũy kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát xét xử dân sự trong thời gian tới./.

Kim Hằng