Xuất bản thông tin

null Bất cập trong việc vận dụng Mục số 30 công văn số 5487 của Viện KSND tối cao

CHUYỂN ĐỔI SỐ VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Bất cập trong việc vận dụng Mục số 30 công văn số 5487 của Viện KSND tối cao

Cụ thể như tại mục số 30 phần các tội phạm qua vận dụng các giải đáp nghiệp vụ này trong thực tiễn còn có phát sinh khó khăn, vướng mắc

= = = =

 

          Thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã rất quan tâm đến việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Viện kiểm sát địa phương thông qua việc tổ chức các Hội nghị chuyên đề, ban hành các giải đáp vướng mắc một cách nhanh chống, kịp thời. Nhiều bất cập trong quy định của pháp luật nói chung, trong lĩnh vực hình sự nói riêng được giải đáp, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng giúp cho toàn ngành có nhận thức chung trong áp dụng Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, hạn chế việc án bị hủy, sửa hoặc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

          Bên cạnh đó, qua vận dụng các giải đáp nghiệp vụ này trong thực tiễn còn có phát sinh khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như tại mục số 30 phần các tội phạm của công văn số 5487/VKSTC-V7, V14 ngày 03/12/2020 của viện kiểm sát nhân dân tối cao giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật liên quan đến hành vi cản trở người thi hành công vụ, theo đó “...Nếu việc cản trở người thi hành công vụ dẫn đến gây thương tích cho người thi hành công vụ thì tùy thuộc vào mức độ thương tích, người phạm tội bị xử lý theo quy định tại các điểm, khoản tương ứng của Điều 134 BLHS năm 2015 (điểm k khoản 1; điểm đ khoản 2; điểm c, d khoản 3, điểm d, đ khoản 4, điểm b khoản 5 Điều 134 BLHS năm 2015) nếu người phạm tội có lỗi cố ý. Yếu tố “cản trở người thi hành công vụ” được thu hút vào các điểm, khoản tương ứng của Điều 134 BLHS năm 2015 nêu trên nên chỉ xử lý người có hành vi chống người thi hành công vụ mà gây thương tích cho người thi hành công vụ về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

          Đối chiếu hướng dẫn này với trường hợp sau đây:

          A và B có hành vi chống người thi hành công vụ trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid – 19. Khi chống đối A và B đã cố ý dùng tay đánh gây thương tích cho C (người đang thi hành công vụ) với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 03% tại thời điểm giám định. C có đơn yêu cầu xử lý A và B về hành vi gây thương tích cho mình. Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can A và B về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Trong quá trình điều tra vụ án, C có đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, không yêu cầu xử lý đối với A và B về hành vi gây thương tích cho mình. Cơ quan điều tra căn cứ khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với A và B.

          Như vậy, trong trường hợp này nếu áp dụng hướng dẫn nêu trên thì việc khởi tố A và B về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự là đúng theo hướng dẫn của ngành, nhưng lại phát sinh vướng mắc khi C rút đơn yêu cầu xử lý.

          Xét quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự (Tội chống người thi hành công vụ) và khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự (Tội cố ý gây thương tích) có khung hình phạt như nhau (cải tại không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm). Tuy nhiên, đối với khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự là tội danh khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Nghĩa là C có quyền không yêu cầu xử lý hình sự đối với A và B hoặc đã yêu cầu xử lý hình sự thì C có quyền rút lại yêu cầu này trong cả giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm. Trong khi đó, đối với tội chống người thi hành công vụ thì không phải trường hợp khởi tố theo yêu cầu.

          Hành vi của A và B đồng thời xâm phạm đến hai khách thể là hoạt động công vụ của cơ quan thi hành quyền lực nhà nước và xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của cá nhân đang có trách nhiệm thi hành công vụ. Nếu C không yêu cầu xử lý đối với A và B thì việc không yêu cầu này chỉ nhân danh cá nhân và đối với thiệt hại là thương tích của C mà thôi, còn thiệt hại về việc xâm phạm quản lý hành chính nhà nước vẫn hiện hữu và không thể có bất kỳ cá nhân nào có quyền không yêu cầu xử lý.

          Câu hỏi đặt ra là, nếu sau khi đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với A và B về tội “Cố ý gây thương tích” thì Cơ quan điều tra có được khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A và B về tội “Chống người thì hành công vụ” hay không (trong trường hợp thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn còn). Và nếu xử lý thì có vi phạm nguyên tắc trong tố tụng hình sự hay không.

          Qua tình huống nêu trên cho thấy có sự bất cập trong việc thực hiện giải đáp nghiệp vụ nêu trên, cần có sự giải đáp cụ thể hơn để thống nhất thực hiện trong toàn ngành./.

Phạm Tuấn Kiệt - Viện kiểm sát nhân dân huyện Tháp Mười