Xuất bản thông tin

null Một số vấn đề cần lưu ý khi xác định tái phạm-tái phạm nguy hiểm

CHUYỂN ĐỔI SỐ VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Một số vấn đề cần lưu ý khi xác định tái phạm-tái phạm nguy hiểm

Hiện nay, tái phạm và tái phạm nguy hiểm là một tình tiết tăng nặng TNHS đối với chủ thể phạm tội, và còn là một trong những dấu hiệu thuộc cấu thành cơ bản của tội phạm

= = =

Tái phạm hay Tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt hoặc là yếu tố cấu thành cơ bản ở một số tội danh trong Bộ luật Hình sự. Quá trình áp dụng thấy rằng một số điểm cần lưu ý khi xác định tái phạm và tái phạm nguy hiểm.

Quy định về tái phạm và tái phạm nguy hiểm trong Bộ luật Hình sự:

Thuật ngữ “tái phạm” có nguồn gốc từ tiếng Latinh, có nghĩa là “sự lặp lại”, theo từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học thì “tái phạm” được định nghĩa là “Mắc lại tội cũ, sai lầm cũ”. Hiểu theo nghĩa rộng “tái phạm” chính là sự lặp lại hành vi của chính mình, hành vi đó có thể là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật hay hành vi phạm tội và thường là những hành vi mà xã hội không mong muốn. Xét dưới góc độ pháp luật hình sự, thì “tái phạm” được hiểu là hành vi lặp lại hành vi phạm tội của chính mình. Do đó, một trong những dấu hiệu bắt buộc đầu tiên của “tái phạm” chính là “sự lặp lại hành vi phạm tội”. Hành vi phạm tội lặp lại có thể trùng lặp, cũng có thể không trùng lặp về hình thức lỗi đối với hành vi phạm tội trước đó, có thể cùng loại tội cũng có thể khác loại tội.

Bên cạnh tái phạm nhưng với tính chất tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) cao hơn đó là “Tái phạm nguy hiểm”. Trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, tái phạm nguy hiểm được nhắc đến với tính chất là tình tiết định khung tăng nặng của một số loại tội (Điều 4 – Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Điều 3 – Pháp lệnh trừng trị các tội phạm xâm phạm tài sản của công dân ngày 21/10/1970). Trong hai pháp lệnh, khái niệm tái phạm nguy hiểm chưa được ghi nhận chính thức về mặt lập pháp. Lần đầu tiên khái niệm tái phạm nguy hiểm được định nghĩa trong trong dự thảo Thông tư ngày 16/3/1973 của liên bộ Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an đó là: “Trường hợp trước đã bị xử án về một tội nghiêm trọng sau cũng phạm một tội nghiêm trọng hoặc trước đã bị xử án về tội không nghiêm trọng nay phạm vào một tội nghiêm trọng”.

Hiện nay, tái phạm và tái phạm nguy hiểm là một tình tiết tăng nặng TNHS đối với chủ thể phạm tội. Trong một số trường hợp tái phạm và tái phạm nguy hiểm còn là một trong những dấu hiệu thuộc cấu thành cơ bản của tội phạm. 

Điều 53 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS 2015) quy định:

1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”

Quy định cụ thể như trên, tuy nhiên trong khi áp dụng không nghiên cứu đầy đủ các quy định tại các Điều 53, 69, 91 và 107 Bộ luật Hình sự cũng như hướng dẫn thi hành dễ xảy ra một số thiếu sót trong áp dụng pháp luật. Cụ thể, khi xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm cần chú ý các tình tiết sau:

Một số vấn đế cần lưu ý khi xác định tái phạm và tái phạm nguy hiểm

Một là về độ tuổi lần phạm tội làm căn cứ xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm

Trong độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi: Theo quy định tại khoản 7 Điều 91 và điểm a khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự  thì trong tất cả các loại tội đều không xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi: Theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 107 Bộ luật hình sự:  Cần chú ý về loại tội đã phạm phải, nếu bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng (do cố ý), phạm tội đến mức rất nghiêm trọng do vô ý thì không lấy làm căn cứ xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Đối với trường hợp phạm tội có án tích thì cần đối chiếu thời gian xóa án tích ngắn hơn so với quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.

Trong độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên:

Sự khác biệt của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 so với BLHS ban hành trước đây đó là lần phạm tội làm căn cứ xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm là loại tội gì. Theo khoản 2 Điều 69 BLHS quy định: “ Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”. Do đó, yêu cầu người phạm tội với lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng hay tội phạm nghiêm trọng thì không lấy làm căn cứ để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Hai là trường hợp dấu hiệu tội phạm đã được quy định là dấu hiệu định tội.

Trong BLHS có 318 Điều luật về tội phạm cụ thể, nhưng có đến 60 tội danh quy định lấy tình tiết “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” để xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm thì các tiền án đó không được tính để xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm đối với người phạm tội.

Hiện nay, việc áp dụng căn cứ để xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm nhiều nơi còn thiếu sót. Để đảm bảo tránh oan, sai khi vận dụng tình tiết tái phạm hay tái phạm nguy hiểm hay làm căn cứ định tội cần lưu ý quy định tại các Điều 53, 69, 91 và 107 Bộ luật Hình sự./.

                                                                                 Văn Lượng