Xuất bản thông tin

null Bài học về đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Chi tiết bài viết VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Bài học về đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Hưởng ứng ngày Quốc tế chống tham nhũng (09/12), diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

= = =

 

Trong đó, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025, đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Đây là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa sâu sắc được tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ và hưởng ứng rộng rãi, tạo sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao sự nhận thức pháp luật, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam.

 

Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khẳng định rõ “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ”, đề ra các giải pháp “ngăn chặn và từng bước đẩy lùi” luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp và các ngành đặc biệt quan tâm, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực thi pháp luật của các cơ quan tư pháp. Thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung, cán bộ, đảng viên ngành kiểm sát nói riêng đã được nghe nhiều mẫu chuyện về Bác. Trong đó, bài học từ “Chữ “Quan liêu” viết thế nào” thật sự mang ý nghĩa, giá trị sâu sắc, được thể hiện từ phong cách sống, học tập và làm việc của mỗi cá nhân trong thực tiễn công tác. Từ đó, đọng lại trong tư tưởng mỗi người sự nhận thức đúng đắn về hình ảnh người cán bộ, đảng viên “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong tình hình mới. Câu chuyện có nội dung sau:

Năm 1952, trong một lần đến thăm lớp “chỉnh huấn” chính trị cán bộ trung, cao cấp, anh em quây quần xung quanh Bác, nghe Bác kể chuyện, dặn dò.

            Cuối buổi, Bác cầm một cái que nói:

 - Các chú học đã giỏi, bây giờ Bác đố chữ này xem các chú có biết không nhé!

 Anh em hưởng ứng “Vâng ạ!”. Người nào biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc thì “nhẩm” lại kiến thức của mình, người không biết tiếng nước ngoài thì băn khoăn có chữ gì khó mà lại không đọc được nhỉ?

            Bác vẽ một vạch ngang trên mặt đất rồi hỏi:

            - Chữ gì nào?

            Tưởng chữ “phạn”.... chữ “cổ đại” nào chứ chữ này ai mà không biết. Cả lớp hò lên: Thưa Bác, chữ “nhất” ạ.

            Bác khen:

            - Giỏi đấy.

            Rồi Bác lại gạch một gạch nữa dưới chữ nhất. Chưa kịp hỏi, anh em đã ồn lên:

            - Chữ “nhị” ạ.

            Bác động viên:

            - Giỏi lắm...

            Người lại gạch thêm một gạch nữa dưới hai gạch cũ.

            - Chữ “tam” ạ...

            Bác cười:

            - Khá lắm.

            Rồi Người vạch thêm một vạch nữa dưới chữ “tam”.

            - Chữ gì nào?

            “Các vị” đớ người ra, nhìn vào vạch đầu tiên thì vừa phải, vạch thứ hai dài hơn đã có hơi lệch một chút, vạch thứ ba dài hơn tí nữa cũng không được “song song” cho lắm, vạch thứ tư dài nhất, có vẻ đã “cong” lắm rồi:.. Tiếng Pháp thì không phải. Tiếng Hán chữ “tứ” viết khác cơ!

            Bác giục:

            - Thế nào? Các nhà “mácxít”?

            Bác lại cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch dọc từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai đã “queo”, vạch ba thì “quẹo”, vạch bốn như một con giun, loằng ngoằng như cái đuôi chuột nhắt...

            Bác đứng dậy:

            - Chịu hết à? Có thế mà không đoán ra... Các chú biết cả đấy...

            Để que xuống đất, Bác nói:

            - Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn... Đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã “tả hữu”, đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương, đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm “đầy tớ nhân dân” mà chỉ muốn làm “quan cách mạng”. Cho nên chữ ấy là chữ “quan liêu”. Các chú không học nhưng biết và vẫn làm. Còn cái các chú học, thì các chú lại ít làm...

            Học viên cả lớp đứng im, không dám nhìn vào Bác.”

Một câu chuyện nhỏ nhưng mang giá trị giáo dục sâu sắc về sự nhận thức, tư duy và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công việc và đối với đất nước, biết sống, học tập, làm việc theo gương Bác, để mỗi chúng ta thật sự xứng đáng với các thế hệ đi trước. Từ một câu nói của Bác nhưng hàm chứa sự giáo dục sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ trong quá trình đổi mới, hội nhập để xây dựng và phát triển đất nước. Người chỉ rõ: “Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu. Chính vì vậy, bên cạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức thì Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhằm tạo hành lang pháp lý trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

 

Trong năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vẫn còn diễn biến phức tạp, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, cùng với các cấp, các ngành tại địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch thì Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Đồng Tháp đã quán triệt toàn Ngành cùng nỗ lực phấn đấu và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sáng tạo, đột phá theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ thị toàn Ngành tiếp tục thực hiện phương châm: “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, từ đó đã tạo sự chuyển biến rõ rệt và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác, thực hiện hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án và Quyết định số 139/QĐ-VKSTC ngày 29/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân. Trong đó, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 của Ban chấp hành Trung ương khoá X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” và Chỉ thị số 02/CT-VKSTC ngày 22/3/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về “Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Kiểm sát nhân dân”. Đồng thời, gắn việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ngành Kiểm sát nhân dân nói chung, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Đồng Tháp nói riêng, với vai trò là một cơ quan tư pháp thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chính là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu đặt ra, nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi thông qua những hành động và việc làm thiết thực gắn liền với nhiệm vụ công tác của đơn vị.

Đặc biệt, tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra vào ngày 18/11/2021 tại Hà Nội, với sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc họp đã thảo luận và đưa ra ý kiến nhiều vấn đề nổi bật, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, từ đó đã tạo động lực và tiếp thêm sức mạnh cho các cơ quan tư pháp nói chung, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực, như lời phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại phiên họp thứ 12 diễn ra vào ngày 31/7/2017: “Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”. Đồng thời, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và quán triệt Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như lời nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp: “Lần này có nâng cấp thêm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Trước kia là dùng chữ tham nhũng, lãng phí, nhưng lãng phí thì hẹp quá mà phòng, chống tham nhũng không thì lại sót. Cho nên Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị thống nhất có chữ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiêu cực thì nghĩa rất rộng cho nên phải cụ thể hóa nội hàm là cái gì. Cái tiêu cực có nhiều nhưng ở đây chủ yếu là sự suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nó là cái gốc, nó dẫn đến tham nhũng, nếu không suy thoái thì làm gì phải đi tham nhũng, nếu đạo đức tốt thì làm gì phải tham nhũng.”

Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tiên phong, gương mẫu về tinh thần, thái độ, trách nhiệm với công việc, trong rèn luyện và thực hành đạo đức, lối sống, cũng như tuân thủ nghiêm Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm, chống lại các biểu hiện “tự diễn biến,tự chuyển hóa” trong nội bộ, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, … Do đó để thực hiện tốt lời dạy của Bác và nhiệm vụ chính trị đặt ra, mỗi cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát, nhất là những đảng viên trẻ cần không ngừng rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đáp ứng được yêu cầu của công việc trong tình hình mới, khi đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng thì mỗi người cán bộ cần có tinh thần cầu thị, đặc biệt nâng cao công tác tự phê bình và phê bình, không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong đạo đức và lối sống, nói không với mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và chủ nghĩa cá nhân, tất cả vì lợi ích chung, để người cán bộ thật sự là “đầy tớ nhân dân”, như lời dạy của Người: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ. Dân tộc ta đang kháng chiến và kiến quốc, đang xây dựng một Đời sống mới trong nước Việt Nam mới. Chẳng những chúng ta phải cần, kiệm, chúng ta còn phải thực hành chữ Liêm”. Đây chính là việc làm thiết thực nhất việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và bài học về chữ “quan liêu”, như chính lời dạy của Bác trong một lần đến thăm lớp “chỉnh huấn” chính trị cán bộ trung, cao cấp.

 

Đặc biệt, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Đồng Tháp quán triệt và triển khai thực hiện Quyết định 161/QĐ-VKSTC ngày 28/4/2021 về quy định chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng và bảo đảm hiệu quả công tác của Viện kiểm sát nhân dân, bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường về chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm khuyến khích, động viên kịp thời và tạo điều kiện để người cán bộ kiểm sát phát huy tính năng động, sáng tạo và năng lực sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không vì vụ lợi, để trù dập hoặc vì động cơ cá nhân. Qua đó, tăng cường việc giữ gìn đoàn kết nội bộ, phát huy tính dân chủ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng. Đây chính là hình ảnh khắc họa chân thực, rõ nét nhất việc học tập theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”./.

Lê Kiều