Xuất bản thông tin

null Những điểm mới trong quy định về quản lý người sử dụng ma túy theo luật phòng, chống ma túy năm 2021

CHUYỂN ĐỔI SỐ VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Những điểm mới trong quy định về quản lý người sử dụng ma túy theo luật phòng, chống ma túy năm 2021

Bài viết sau đây sẽ giới thiệu một số điểm mới của Luật phòng, chống ma túy năm 2021 trong việc quản lý người sử dụng ma túy

= = =

 

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 gồm 08 chương (55 điều) có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 đã có những thay đổi rất quan trọng trong việc quản lý người sử dụng ma túy. Do đó, việc tìm hiểu, nghiên cứu Luật phòng, chống ma túy là cần thiết.

Bài viết sau đây sẽ giới thiệu một số điểm mới của Luật phòng, chống ma túy năm 2021 trong việc quản lý người sử dụng ma túy, cụ thể như sau:

Thứ nhất, bổ sung khái niệm “người sử dụng trái phép chất ma túy”: là người có hành vi sử dụng chất ma túy mà không được sự cho phép của người hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể có kết quả dương tính. Đồng thời có 01 chương riêng về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Thứ hai, người sử dụng ma túy sẽ bị quản lý tại nhà trong thời gian 01 năm ngay từ lần đầu phát hiện hành vi sử dụng trái pháp chất ma túy. Trước đây, nếu phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy phải qua nhiều thủ tục xét nghiệm, quá trình hoàn thiện hồ sơ và cũng mất nhiều thời gian, cũng khó đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện.

Thứ ba, trong Luật Phòng, chống ma túy cũ (2008) quy định, sử dụng trái phép chất ma túy thì bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng,  nhưng với Luật Phòng, chống ma túy mới năm 2021, sẽ bỏ quy định phạt hành chính, phù hợp với quan điểm chung người sử dụng ma túy là người bệnh.

Thứ tư, xác định độ tuổi cai nghiện bắt buộc với người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Trong khi đó, Luật cũ không có quy định này. Thẩm quyền quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện và không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính.

Ảnh minh hoạ (sưu tầm)

Thứ năm, việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý hành chính. Đây là biện pháp phòng ngừa để giúp người sử dụng trái phép ma túy không tiếp tục sử dụng và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm của người sử dụng trái phép chất ma túy.

Thứ sáu, tổ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy ở cấp xã do Công an xã chủ trì, trong đó có đại diện gia đình, đại diện dòng họ và đại diện tổ chức chính trị xã hội. Trong tổ quản lý, sẽ có người phụ trách để động viên, tuyên truyền cho người sử dụng trái phép chất ma túy hiểu và nhận rõ được hành vi sai trái của mình.

Thứ bảy, trong quá trình quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, nếu phát hiện người bị quản lý tiếp tục sử dụng ma túy thì phải đưa đi xác định có nghiện ma túy hay không. Nếu xác định được nghiện, phải thực hiện theo quy định về cai nghiện; nếu cơ quan y tế xác định không nghiện, cơ quan cấp xã tiếp tục quản lý theo thời gian mới (tiếp tục quản lý 01 năm).

Thứ tám, việc xác định người có nghiện ma túy hay không phải đưa đến cơ sở y tế kiểm tra, nếu xác định được người đó là nghiện sẽ bị áp dụng các biện pháp cai nghiện. Nếu không xác định được người nghiện (tức là người chỉ sử dụng trái phép chất ma túy) sẽ đưa vào diện quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Việc quản lý này được thực hiện tại địa bàn cơ sở do Chủ tịch UBND cấp xã với thời hạn 01 năm; với những người sử dụng trái phép ma túy không có nơi ở ổn định sẽ do Chủ tịch UBND cấp xã nơi phát hiện ra quyết định.

Trên đây là 8 điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, xin được giới thiệu cùng quý bạn đọc.

Hoàng Yến – Viện KSND huyện Tháp Mười