null Thực hiện truyền thông hiệu quả thông qua mạng xã hội

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Thực hiện truyền thông hiệu quả thông qua mạng xã hội

Dưới những tác động mạnh mẽ của mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay, số lượng người dùng lớn, tính riêng Facebook ở Việt Nam đã có khoảng 65 triệu người dùng. Do đó việc hình thành kênh thông tin tuyên truyền của tổ chức công đoàn trên mạng xã hội là phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin của công nhân trong điều kiện hiện nay.

Việc công nhân lao động sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) tham gia mạng xã hội như Facebook, Zalo kết nối với nhau đã trở nên phổ biến; không chỉ có trang cá nhân, người lao động còn tham gia vào các hội, nhóm lớn như những nhóm cùng nơi làm việc, nhóm đồng hương, nhóm cùng tuổi, nhóm cùng sở thích… Hoạt động của các hội, nhóm của công nhân thường là các thành viên chia sẻ về cuộc sống, về công việc, hoặc tổ chức những buổi họp mặt để các thành viên tìm hiểu, gắn bó với nhau, đây cũng là hình thức sinh hoạt mới của đoàn viên, công nhân lao động trong điều kiện hiện nay.

Bên cạnh việc cập nhật thông tin, hình ảnh cá nhân, những sinh hoạt, đời sống hằng ngày thì một trong những nội dung được trao đổi sôi nổi nhất trên các trang mạng xã hội của công nhân chính là những tình huống pháp luật xảy ra trong thực tiễn lao động, sản xuất như: chế độ tăng ca, thủ tục hưởng các chế độ bảo hiểm, việc chấm dứt hợp đồng lao động; cảnh báo cho nhau những rủi ro, mất an toàn như: trộm cắp, lừa đảo tại các khu nhà trọ; vay tín dụng đen; vay qua các ứng dụng trên mạng xã hội và điện thoại di động… Thậm chí, công nhân chia sẻ với nhau cách lách luật để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp; cách bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội… đây là việc không nên cho các bạn công nhân bởi nó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các bạn sau này.

- Từ những thực tế đã diễn ra Công đoàn phải làm gì để đồng hành với công nhân trên mạng xã hội.

Đứng trước những cơ hội và thách thức từ sự phát triển của mạng xã hội, năm 2017 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai thực hiện Đề án “Công đoàn Việt Nam tuyên truyền vận động công nhân trên mạng xã hội” và chính thức triển khai tại Fanpage https://www.facebook.com/congdoanvietnam2017. Thực hiện chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp đã triển khai đến các cấp công đoàn thực hiện. Đến nay có 02 nhóm facebook Công đoàn, CNVCLĐ Đồng Tháp; 06 trang fanpage đã được thành lập. Ngoài Facebook, các cấp công đoàn có hơn 1.000/1.294CĐCS trực thuộc có trang, nhóm zalo.

Thông qua mạng xã hội, Công đoàn thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền đến đoàn viên, CNLĐ hiểu rõ vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, tích cực vận động đoàn viên, NLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn; tư vấn pháp luật trực tuyến về chế độ, chính sách và quyền lợi của người lao động, thường xuyên đăng tải các gương điển hình, tiêu biểu....; mạng xã hội đã trở thành nơi gắn kết không khoảng cách giữa tổ chức công đoàn với người lao động, trực tiếp nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ tại cơ cở.

Đối với công nhân, do đặc thù phải làm theo ca kíp nên rất khó có thể gặp gỡ cán bộ công đoàn để trực tiếp phản ánh thông tin. Vì vậy nhờ có facebook, zalo của công đoàn công nhân chỉ cần để lại tin nhắn bất cứ lúc nào thì quản trị viên đều có thể tiếp nhận được thông tin, đây chính là ưu thế lớn của mạng xã hội để tổ chức công đoàn có thể tiếp cận thông tin và định hướng trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ. Nhờ những tiện ích mạng xã hội đem lại, hiện nay đa số các công đoàn cơ sở đã dụng mạng xã hội là kênh thông tin.

Ở công đoàn cơ sở, đối với nhiều đơn vị thì mạng xã hội Facebook đã thực sự đóng vai trò quan trọng, giúp công đoàn cơ sở đồng hành với đoàn viên, công nhân không chỉ bằng các hoạt động thực tế mà đồng hành với anh chị em trên mạng xã hội kịp thời nắm bắt vui buồn, các vấn đề bức xúc trong công việc, cuộc sống được được chia sẻ ở đó. Nếu nắm bắt được, người cán bộ công đoàn sẽ thấu hiểu, từ thấu hiểu sẽ chia sẻ được và tạo dựng được lòng tin trong CNLĐ.

Bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Ví dụ như, các trang Fanpage hiện nay đang hoạt động được xây dựng, duy trì theo hướng tự phát, chưa có sự định hướng thường xuyên, kịp thời nội dung phổ biến giáo dục pháp luật; sản phẩm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên một số Fanpage chưa đa dạng, phong phú, chủ yếu tập trung giới thiệu, thông tin các văn bản, quy định mới…

Để đảm bảo an toàn thông tin mạng nói chung, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Hạn chế đưa thông tin cá nhân quan trọng lên mạng xã hội: ví dụ như thông tin ngày tháng năm sinh của trẻ nhỏ. Nếu đưa lên, nên để ở chế độ riêng tư, để người lạ không xem được. Cũng nên hạn chế đăng (hoặc tag) ảnh chính diện của trẻ nhỏ, người thân trong gia đình.

- Xác minh bạn bè: Chỉ nên kết bạn với những người thân, quen biết ở ngoài đời. Xác minh với bạn bè, người thân trước khi kết bạn trên mạng xã hội. Nên thiết lập chế độ để giới hạn những ai/ứng dụng nào được phép xem thông tin của bạn.

- Thiết lập an toàn cho tài khoản Facebook: Đầu tiên là mọi người dùng đều nên cài đặt chế độ cảnh báo đăng nhập. Với tính năng này, bạn sẽ nhận được một thông báo mỗi khi một ai đó (hoặc bạn vào các thời điểm) đăng nhập vào tài khoản Facebook từ một máy tính hoặc thiết bị không rõ. Thông báo này sẽ hiển thị rõ thông tin về thời gian, địa điểm và thiết bị mà tài khoản Facebook của bạn vừa đăng nhập. Qua đó giúp bạn kiểm tra được ngay nếu có ai đó chiếm tài khoản của bạn.

- Thiết lập quyền riêng tư: Trong phần “Quyền riêng tư”, giới hạn người xem cho các bài viết trong tương lai tại phần "Ai có thể thấy các bài đăng sau này của bạn?". Kiểm tra các hoạt động của tài khoản Facebook tại mục "Sử dụng nhật ký hoạt động". Ẩn các bài viết cá nhân tại dòng thời gian hoặc thiết lập chế độ chỉ cho phép bạn bè đọc.

- Kiểm tra lại phần hiển thị của các thông tin cá nhân: Click vào Dòng thời gian và gắn thẻ, chọn "Xem với tư cách là" để thấy được những thông tin cá nhân của mình hiển thị với Bạn bè, người lạ trên Facebook như thế nào. Truy cập Bảo mật rồi chọn "Địa điểm bạn đã đăng nhập" để xem xét các truy cập đối với tài khoản Facebook của mình. Khi xuất hiện các truy cập bất thường, click vào "kết thúc hoạt động" để ngăn chặn.

- Cuối cùng, nên sử dụng mật khẩu mạnh khi tham gia mạng xã hội: Tuyệt đối không đặt mật khẩu đơn giản, dễ đoán hay dùng chung mật khẩu cho nhiều tài khoản mạng xã hội. Thực hiện đổi mật khẩu định kỳ cũng là biện pháp để đảm bảo an toàn. Mật khẩu mạnh có chứa kí tự hoa, thường, đặc biệt, các số và các dấu chấm câu và sử dụng một mật khẩu cho mỗi trang web.

- Từ những giải pháp nêu trên các cấp công đoàn cần phải làm gì trong thời gian tới:

Một là: Sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ công đoàn để thông tin được chia sẻ tạo thành trào lưu trên mạng xã hội, cổ vũ lối sống tích cực, nhân văn, vì cộng đồng; phản bác những luận điệu sai trái, hành động gây ảnh hưởng tiêu cực tới quốc gia, tới tổ chức Công đoàn Việt Nam và cộng đồng xã hội.

Hai là: Thông tin phải được chọn lọc chính xác, ngắn gọn, phù hợp nhằm tạo môi trường thông tin lành mạnh, hạn chế các thông tin xấu, tiêu cực tác động đến tư tưởng chung của người lao động. Về nội dung tuyên truyền là các vấn đề thời sự, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tổ chức Công đoàn.

Ba là: Tuyên truyền về phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, nhất là hoạt động đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng; tư vấn nghề nghiệp, chăm lo đời sống cho đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ; giới thiệu các chương trình phúc lợi, hoạt động xã hội từ thiện của tổ chức Công đoàn…

Bốn là: Tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm sáng tạo của đoàn viên công đoàn trong quá trình công tác, lao động sản xuất, học tập. Đấu tranh, phản biện, bác bỏ các thông tin, quan điểm chưa đúng về Đảng, Nhà nước, Công đoàn; những thông tin gây chia rẻ trong tổ chức Công đoàn và giữa đoàn viên với nhau.

Năm là: Tích cực tham gia các hội, nhóm, Fanpage của công nhân để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhất là những vấn đề nóng, phát sinh trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp, từ đó đề xuất các chủ trương, chính sách cho phù hợp với CNLĐ.

Sáu là: Làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn chính sách pháp luật online qua mạng xã hội cho đoàn viên, NLĐ, tạo sự tương tác, kết nối gần gũi không khoảng cách giữa cán bộ công đoàn với đoàn viên, NLĐ.

Có thể nói việc “sử dụng hiệu quả, khai thác tối đa internet và mạng xã hội để làm công tác tuyên truyền là nhiệm vụ rất quan trọng. Do vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông công đoàn cần phải có  chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức để có thể đảm nhận được vai trò dẫn dắt thông tin. Ngoài tri thức, hiểu biết về mạng xã hội, mỗi cán bộ tuyên giáo phải biết cách truyền tải thông tin một cách nhanh chóng, trung thực, hiệu quả để hoạt động của tổ chức công đoàn được lan tỏa, được người lao động đón nhận, ủng hộ”.

Thuỳ Linh