Asset Publisher

null Những chuyện ít biết về blouse trắng

Những chuyện ít biết về blouse trắng

Blouse trắng – chiếc áo mang tính biểu tượng của ngành y, gắn liền với hình ảnh những y, bác sĩ ngày đêm tận tụy vì sức khỏe cộng đồng. Dù bất kỳ vị trí nào, họ vẫn luôn tận tâm, sẵn sàng hy sinh để thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của mình. Đằng sau những ca trực căng thẳng hay những lần cấp cứu bệnh nhân trong gang tấc là biết bao hy sinh thầm lặng và cũng có những giây phút lắng đọng, đầy nhân văn.

Khi trách nhiệm được đặt lên trên tất cả  

Bác sĩ Hồ Huy Cường kiểm tra tình trạng phục hồi của bệnh nhân sau phẫu thuật

Gắn bó với nghề y hơn 25 năm, Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Huy Cường - công tác tại Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp thấu hiểu sâu sắc khi mang trên mình chiếc áo blouse trắng. Bác sĩ Cường chia sẻ, làm nghề y, ai cũng hiểu rằng mình không có khái niệm giờ hành chính cố định, bệnh nhân cần là bác sĩ có mặt, bất kể ngày hay đêm, công việc không chỉ là chữa bệnh mà còn là trách nhiệm, là sự tận tâm. Đôi khi làm việc quá giờ, nhưng khi chứng kiến bệnh nhân hồi phục, chúng tôi cảm thấy những vất vả đều xứng đáng.

“Có những ca trực đêm, những tình huống cấp cứu bất ngờ khiến chúng tôi thường xuyên vắng mặt trong những dịp quan trọng của gia đình. Có lần, tôi thất hứa với con mình, vì đúng hôm đó có một ca cấp cứu tai nạn giao thông nghiêm trọng, tôi không thể vắng mặt. Cháu buồn lắm, nhưng rồi cũng quen dần với sự bận rộn của ba mình” - bác sĩ Cường kể lại.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hải Lê ân cần theo dõi sức khỏe bệnh nhân trong quá trình điều trị

Còn với điều dưỡng Nguyễn Thị Hải Lê (hiện công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp) không giấu được cảm xúc khi kể lại một đêm trực đặc biệt mà chị không bao giờ quên. Hôm ấy, bệnh nhân cấp cứu đông hơn bình thường, ai cũng cần được cứu chữa ngay lập tức. Điện thoại trong túi áo rung lên nhiều lần, nhưng chị không thể rời tay khi đang cố giành giật sự sống cho một bệnh nhân trong cơn nguy kịch. Đến khi có giây phút thở phào, chị mới vội vã mở máy, thấy hàng loạt cuộc gọi nhỡ từ gia đình - Mẹ chị vừa trở bệnh nặng, đang rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Chị muốn lao ngay về bên mẹ, nhưng rồi ánh mắt lại dừng trên bệnh nhân đang chờ mình, giữa tiếng máy móc và những đồng nghiệp cũng đang căng mình chiến đấu vì sự sống. Làm sao đây? Một bên là trách nhiệm, một bên là người thân? Cuối cùng, chị chọn ở lại. Khi ca trực kết thúc, chị lao ngay đến phòng bệnh nơi mẹ nằm, may mắn thay, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của đồng nghiệp, mẹ chị đã qua cơn nguy kịch, chị nắm chặt tay mẹ, nước mắt cứ thế lặng lẽ rơi - chị Hải Lê xúc động kể lại.

Nhiều bác sĩ, y tá thường xuyên đối mặt với căng thẳng và áp lực công việc trong đó có bác sĩ Nguyễn Bá Lộc

Mỗi ca trực cấp cứu là một thử thách đầy cam go với đội ngũ y tế, nơi mà từng giây trôi qua đều mang ý nghĩa quan trọng. Bác sĩ Nguyễn Bá Lộc, công tác tại Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc cho biết, có những đêm, khoa cấp cứu tiếp nhận hàng chục ca bệnh, từ tai nạn giao thông, đột quỵ cho đến sản phụ chuyển dạ nguy kịch v.v.. Mỗi trường hợp là một cuộc chạy đua với thời gian, nơi mà mà ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh đến nghẹt thở, chỉ một khoảnh khắc chậm trễ cũng có thể đổi lấy cả mạng người.

Bác sĩ Lộc kể lại, có lần, ê kíp trực cấp cứu tiếp nhận một nam bệnh nhân trẻ, vừa lập gia đình và có con nhỏ, do bệnh diễn tiến quá nhanh, khi đến viện, cơ hội cứu chữa gần như không còn. Đứng trước anh là những ánh mắt tuyệt vọng, chứa đựng nỗi đau đớn tột cùng của người nhà bệnh nhân như muốn bấu víu vào bất kỳ một hy vọng nào đó dù là mong manh nhất.

Nhưng y học cũng có giới hạn, bác sĩ phải thông báo rằng bệnh nhân không qua khỏi… Không khí trong phòng cấp cứu trở nên nặng nề, những tiếng nấc, tiếng gọi tên trong vô vọng của người vợ trẻ khiến lòng anh chùng xuống. Bản thân là bác sĩ, anh hiểu rằng mình đã làm tất cả những gì có thể, nhưng mỗi khi nhớ lại, cảm giác bất lực vẫn khiến anh day dứt khôn nguôi.

Nỗi niềm của nghề y

Bác sĩ Trần Thanh Tòng nghiên cứu hồ sơ bệnh lý

Bác sĩ Trần Thanh Tòng – Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp chia sẻ về những áp lực vô hình từ người nhà bệnh nhân. Nhiều khi chúng tôi bị hiểu lầm, bị trách móc vì không thể cứu chữa kịp thời như mong muốn của thân nhân người bệnh. Nhưng dù thế nào, chúng tôi vẫn luôn cố gắng hết sức, vì trên vai chúng tôi không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp, mà còn là sức khỏe, sinh mạng của từng bệnh nhân.

Điều bác sĩ Tòng mong mỏi nhất không phải là sự vinh danh hay ca tụng, mà chỉ đơn giản là sự thấu hiểu, bởi phía sau chiếc áo blouse trắng kia không chỉ là những con người đang cứu chữa bệnh nhân mà còn là những trái tim cùng chung nỗi đau với họ.

Niềm hạnh phúc của Điều dưỡng trẻ Lê Thị Thu Trang là được nhìn thấy bệnh nhân phục hồi trở lại

Bên cạnh những áp lực, nghề y cũng có những niềm vui giản dị. Điều dưỡng Lê Thị Thu Trang chia sẻ về một kỷ niệm khiến chị không thể quên. Hôm đó, một cụ bà neo đơn, nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy yếu. Trong suốt những ngày nằm viện, chị đã tận tình chăm sóc, động viên, trò chuyện cùng bà, giúp cụ bà có thêm niềm vui để an tâm điều trị.

Đến ngày xuất viện, đôi mắt cụ ánh lên niềm xúc động. Bà nắm chặt tay chị, nghẹn ngào nói, cảm ơn con đã chăm sóc bà như người thân trong nhà, nếu không có con, bà cũng chẳng biết nương tựa vào ai - chị Trang kể lại.

Chia sẻ về khoảnh khắc ấy, chị Trang bày tỏ niềm hạnh phúc khi thấy bệnh nhân được mình chăm sóc dần hồi phục và nở nụ cười tươi sau những ngày chống chọi với bệnh tật. Dù nghề có nhiều vất vả, nhưng chỉ cần thấy bệnh nhân khỏe mạnh, chị Trang lại có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nghề.

Giữa guồng quay hối hả của cuộc sống, ở nơi bệnh viện luôn có những con người khoác áo blouse trắng lặng lẽ “chiến đấu với tử thần”, giành lại sự sống cho bệnh nhân. Phía sau những tấm áo ấy là biết bao câu chuyện thầm lặng, những hy sinh không lời nhưng đầy ý nghĩa. Họ không chỉ là những y, bác sĩ, điều dưỡng mà còn là những người con, người cha, người mẹ, chấp nhận gác lại niềm riêng để mang lại sức khỏe, sự sống cho người khác. Xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y như từ mẫu”.

Phước Thành

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Most Viewed Assets

Navigation Menu

Navigation Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Asset Publisher