Xuất bản thông tin

null Sức bật của địa phương đứng đầu PCI 2012

Sức bật của địa phương đứng đầu PCI 2012

Trong những năm gần đây, Đồng Tháp đã có sự trỗi dậy ấn tượng trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và cải thiện hình ảnh địa phương được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Đặc biệt, năm 2012, Đồng Tháp vươn lên vị trí “quán quân” trong bảng xếp hạng PCI sau nhiều năm liền nằm trong nhóm “rất tốt”. Vì đâu một địa phương nằm ở vị trí không mấy thuận lợi, nguồn tài nguyên không dồi dào, thậm chí được xem là “khuất nẻo” lại có sự vươn lên đáng kể như vậy?

Hàng chục ngàn công nhân có việc làm và thu nhập ổn định 
tại các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh

Nhất quán chủ trương đồng hành…

Người khởi xướng và thực hiện khá triệt để chủ trương này phải kể đến ông Lê Minh Hoan – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Từ việc xem doanh nghiệp là đối tượng quản lý sang đối tác để đồng hành, nhiều cán bộ, công chức rất bỡ ngỡ, cảm thấy “mất quyền” nên níu kéo và chần chừ trong quá trình thực hiện. Nhưng với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong cải cách kinh tế, nâng cao hình ảnh địa phương, chủ trương này đã dần trở thành nếp nghĩ trong mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền. Khai thông về mặt tư tưởng chính là yếu tố quan trọng cho sự thành công, ông Hoan chia sẻ.

Cũng từ đây, doanh nghiệp được quan tâm nhiều hơn, khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời; các cơ chế, chính sách được ban hành linh hoạt và thông thoáng hơn; môi trường đầu tư thuận lợi đã thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Bức tranh kinh tế trở nên khởi sắc. “Đó chính là sự khích lệ to lớn cho việc đổi mới và cải cách kinh tế” – Chủ tịch Lê Minh Hoan phấn khởi nói.

Liên kết để vươn xa

Hiện tại, Đồng Tháp là nơi đứng chân của nhiều doanh nghiệp mang thương hiệu quốc gia như: Công ty cổ phần dược phẩm Imexpharm, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế Domesco, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn v.v..

Không chỉ tạo điều kiện để các doanh nghiệp đã đầu tư phát triển sản xuất, địa phương còn tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp từ các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn Đồng Tháp là điểm đến để đầu tư, sản xuất kinh doanh. Từ năm 2011 đến nay, Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà đã đầu tư tại Đồng Tháp 06 nhà máy chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong tháng 3/2013, Công ty tiếp tục khởi công nhà máy thứ 7, với vốn đầu tư 150 tỷ đồng, công suất hoạt động 1.000 tấn/ngày.

Lãnh đạo Sở Công Thương tìm hiểu năng lực sản xuất và tiêu thụ lúa gạo 
của Công ty TNHH Thương mại – Xuất khẩu Thu Hà Đồng Tháp

Ông Đoàn Văn Hiền, Giám đốc Công ty chia sẻ: “đến đây mọi vướng mắc đều được tháo gỡ nhanh chóng, giúp doanh nghiệp triển khai nhanh nhiều dự án chỉ trong thời gian ngắn”. Cũng theo ông Hiền, không chỉ tạo điều kiện triển khai dự án, tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm vùng nguyên liệu, tạo mối liên kết trong sản xuất. Chính vì thế, năm 2012, công ty đã xuất khẩu được 500.000 tấn gạo, bao tiêu lúa hàng hoá trên diện tích 2.700ha, với sản lượng hơn 19.300 tấn.

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng đã mở chi nhánh tại Đồng Tháp. Trong tháng 03 vừa qua, Tổng Công ty đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động hệ thống kho và nhà xưởng, với tổng diện tích gần 10.000m2, trong đó nhà kho hơn 6.000m2, có sức chứa trên 10.000 tấn gạo, công suất xay xát 25 tấn/giờ và lau bóng 14 tấn/giờ.

Tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh ký kết với Hội doanh nghiệp Ấn Độ để xuất khẩu một số sản phẩm cá tra đông lạnh, ớt, cám sang thị trường Ấn Độ, các nước Trung Đông và Trung Quốc; ký kết hợp tác với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) để đưa các sản phẩm của tỉnh vào tiêu thụ thông qua chuỗi siêu thị, cửa hàng của công ty.

Theo ông Khúc Quang Dũng – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2013, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 09 dự án, vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng, bằng với tổng vốn năm 2012 và nâng số dự án trên địa bàn tỉnh ở thời điểm hiện tại lên 163 dự án, vốn đầu tư trên 17.000 tỷ đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế - ông Dũng nói.

Không dừng lại ở đó, lãnh đạo tỉnh tháp tùng cùng với doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tìm hiểu và mở rộng thị trường ở các nước lân cận như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar; tổ chức tiếp xúc với Đại sứ các nước Hà Quốc, Hà Lan, Nigeria. Đặc biệt, Đồng Tháp vinh dự 01 trong 02 địa phương phía Nam được các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhiệm kỳ 2013 – 2016 với trên 20 tân Đại sứ và Tổng lãnh sự đến tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, các sản phẩm chủ lực, hệ thống chính sách ưu đãi, nhu cầu xúc tiến thương mại và đầu tư.

Theo ông Lê Minh Hoan – Chủ tịch UBND tỉnh, hội nhập để thúc đẩy phát triển kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh và hy vọng các đại sứ sẽ là cầu nối để chính quyền và doanh nghiệp của tỉnh có cơ hội hợp tác, vươn ra hội nhập quốc tế, đặc biệt là trên lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thuỷ sản, đầu tư kết cấu hạ tầng và quảng bá hình ảnh của địa phương.

Nhận định thú vị về cải cách kinh tế

Dự án nghiên cứu “động lực thúc đẩy cải cách kinh tế tại các tỉnh ở Việt Nam” do Viện nghiên cứu phát triển của Đại học Sussex, Vương quốc Anh hợp tác cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố tháng 6 năm 2012 đưa ra nhận định thú vị: “Là một tỉnh nghèo, nằm bên lề của nền kinh tế Việt Nam và ít được chính quyền Trung ương quan tâm, thành công của Đồng Tháp là một câu chuyện khá bất ngờ”.

Tinh thần tự lực, tự cường mạnh mẽ cộng với sự đồng thuận giữa các cấp chính quyền của tỉnh đã thúc đẩy Đồng Tháp tiến lên phía trước, đồng thời nhận định, lãnh đạo Tỉnh ủy với tầm nhìn năng động về kinh tế địa phương; UBND tỉnh và các sở, ban, ngành sẵn sàng chuyển biến tầm nhìn này thành hành động thông qua liên kết chặt chẽ với khu vực tư nhân, mối quan hệ tốt giữa chính quyền và doanh nghiệp đem lại những thành tựu đáng kể trong cải cách – Báo cáo này đưa ra kết luận.

Với tinh thần cầu thị, chắt chiu từng cơ hội của doanh nghiệp và nhà đầu tư, ông Hoan cam kết sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình điều chỉnh, cải tiến mối quan hệ hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp để tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn nữa trong thời gian tới. Trước mắt, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư trước, trong và sau khi thực hiện dự án, đồng thời khẩn trương vận hành cơ chế một cửa giải quyết các thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư nằm ngoài khu công nghiệp.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh, phía trước cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Tỉnh đã và đang định hình những giải pháp để thực hiện Đề án tái cấu trúc nông nghiệp, khai thác lợi thế phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo thông qua thi tuyển, đổi mới lề lối làm việc trong toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cơ sở; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nâng cấp thị xã Sa Đéc trở thành thành phố trong tương lai không xa.

Khu Công nghiệp Sa Đéc nhìn từ Sông Tiền. Ảnh Minh Đông

Với tầm nhìn năng động, Đồng Tháp đã có những trải nghiệm thành công trong cải cách kinh tế, tạo ra sức hấp dẫn riêng để hội nhập ngày càng sâu rộng vào sân chơi toàn cầu, tiếp tục đưa địa phương phát triển lên tầm cao mới.

 

 

Công Minh
congminhdongthap@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>