Asset Publisher

null Thành phố Cao Lãnh khai trương Đường hoa Xuân Giáp Thìn 2024

Công khai ngân sách Văn hóa - Gia đình

Thành phố Cao Lãnh khai trương Đường hoa Xuân Giáp Thìn 2024

Chiều ngày 07/02/2024 (nhằm 28 Tết), UBND thành phố Cao Lãnh tổ chức Lễ khai trương Đường hoa Xuân Giáp Thìn 2024, với chủ đề “Đồng Tháp Sen Hồng, Bứt phá tiên phong”. Đến dự Lễ có ông Lê Minh Hoan – Uỷ viên Ban chấp hàng Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Quốc Phong – Uỷ viên Ban chấp hàng Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND Tỉnh, ông Lê Thành Công - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh, ông Kiều Thế Lâm - Phó Chủ tịch HĐND Tỉnh, lãnh đạo sở, ban ngành Tỉnh, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cao Lãnh và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố cùng đông đảo người dân đến xem, tham quan Đường hoa trong ngày đầu khai trương.

Đường hoa dài khoảng 500 mét, có 13 đại cảnh. Linh vật Rồng biểu tượng của năm Giáp Thìn 2024 được thiết kế lấy cảm hứng từ Rồng Việt Nam trong dân gian, mang hai màu sắc chủ đạo là vàng và cam, điểm xuyết bằng dải hoa sen rực rỡ đón chào du khách tham quan, thể hiện ý chí mẽ và một khởi đầu mới đầy hùng khí dân tộc, đưa đất nước hoá Rồng.

Tại đường hoa Cao Lãnh còn có hoa sen gắn liền với con người Đồng Tháp, trong đó có linh vật Bé Sen, một biểu tượng vui, hình ảnh đậm chất “Đất Sen Hồng” gần gũi và mộc mạc, thể hiện sự năng động, tươi trẻ. Đường hoa Giáp Thìn 2024 có 2 Chương.

Chương I: Bản sắc Sen hồng, tái hiện một số hình ảnh của công cuộc khai hoang mở đất và những đặc trưng văn hóa của Đồng Tháp với nhiều đại cảnh được trang trí đẹp mắt như: Tích con Rồng cháu Tiên thể hiện sự tôn vinh nguồn gốc dân tộc, nòi giống Rồng – Tiên của dân tộc Việt Nam; phong vị ngày Xuân giới thiệu ẩm thực Đồng Tháp được hình thành trên cơ sở của những điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng đất Nam bộ; lấy cảm hứng từ khung cảnh sinh hoạt tại làng nghề dệt Long Khánh lâu đời - nơi dệt nên chiếc khăn rằn, biểu tượng gắn liền với người dân Đất Sen Hồng.

Chương II: Bứt phá tiên phong, có nhiều đại cảnh như: Nơi đàn Sếu về nguồn, thiết kế với đàn sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm hiện đang bảo tồn tại Vườn Quốc gia Tràm Chim của Đồng Tháp bay lượn uyển chuyển đan xen với những bông so đũa đặc trưng miền Tây; nông nghiệp công nghệ cao, nêu bật nông nghiệp với vai trò là trụ đỡ quan trọng của kinh tế Đồng Tháp; Xuân hội tụ, hình ảnh hai linh vật rồng cùng hướng về mặt trăng, thân hình uốn lượn 12 khúc, biểu thị sự thuần phục, ý chí sức mạnh tâm linh.

Ngoài ra, còn có các tiểu cảnh, đại cảnh thiết kế khu vực được tạo dựng dựa trên tinh thần hiếu học của người dân Cao Lãnh nói riêng, khát vọng chuyển mình vươn lên của người Đồng Tháp nói chung. Công trình Đường hoa sử dụng vật liệu thân thiện môi trường với hàng ngàn chậu hoa đủ màu sắc được bố trí xuyên suốt trên đường hoa.

Đường hoa Cao Lãnh Xuân Giáp Thìn 2024 kết thúc bằng một bức tranh rực rỡ sắc xuân được điểm tô bằng hình ảnh Rồng hiên ngang vươn lên trên bông sen khổng lồ. Các biểu tượng của miền đất Cao Lãnh, của Đồng Tháp được tôn vinh hoà quyện cùng những điểm nét hiện đại thể hiện khát vọng vươn cao phát triển, quyết tâm chuyển mình mạnh mẽ, cùng góp sức vào công cuộc đưa đất nước “hoá Rồng”, hứa hẹn một diện mạo phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đời sống phồn vinh và thịnh vượng trong năm mới đang đến.

Dịp này, UBND thành phố Cao Lãnh tặng hoa, biểu trưng của thành phố Cao Lãnh tri ân các doanh nghiệp, cá nhân quan tâm, đồng hành với các hoạt động Lễ hội Xuân của Thành phố để mang đến cho người dân Thành phố và du khách một không khí Xuân đầy ý nghĩa, tươi vui chào đón năm mới.

Đường hoa Xuân năm nay sẽ phục vụ người dân và du khách từ tối ngày 7/2 (tối ngày 28 Tết) đến hết ngày 14/2 (nhằm mùng 5 Tết). Ngay sau lễ khai trương, đông đảo người dân, du khách gần xa đã đến tham quan, chụp ảnh tại Đường hoa Xuân.

Phương Nga