Asset Publisher

null Xây dựng Gia đình văn hóa Đồng Tháp: “Kiên trì, từng bước, tự giác”

Truyền thống Ngành VHTT&DL Tin tức

Xây dựng Gia đình văn hóa Đồng Tháp: “Kiên trì, từng bước, tự giác”

Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa được bắt đầu từ những năm đầu của thập niên 60, do 06 hộ gia đình ở thôn Ngọc Tĩnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Nhận thấy có hiệu quả trong đoàn kết, tương trợ trong sản xuất nông nghiệp và cả trong sinh hoạt cuộc sống, tỉnh Hưng Yên nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh. Sau đó, Bộ Văn hóa (lúc bấy giờ) về đây nghiên cứu thực tiễn và chính thức tổ chức triển khai phong trào này trên toàn miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào năm 1962.                    

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Trung ương tiếp tục phát động phong trào này trong cả nước. Đáp lời kêu gọi của Trung ương, tỉnh Đồng Tháp sớm triển khai phong trào này trong toàn tỉnh. Sau khi tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, Trung ương đã ban hành thông tư 35 ngày 20/7/1989 về tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, ấp, bản văn hóa và hướng dẫn trình tự các bước tiến hành cuộc vận động sâu rộng trong quần chúng, có ý nghĩa tác động mạnh mẽ cho phong trào yêu nước trong giai đoạn đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa.  Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã cho chủ trương xây dựng đề án xây dựng gia đình văn hóa.

Sau nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của các ngành tỉnh, các huyện, thị, đề án xây dựng gia đình văn hóa tỉnh Đồng Tháp được Ủy ban nhân dân Tỉnh thông qua và chính thức tổ chức triển khai rộng rãi cho trên 200 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các ngành tỉnh, các huyện, thị xã trong toàn tỉnh vào ngày 16/6/1994. Đề án xác định công tác xây dựng gia đình văn hóa được thực hiện với phương châm sáu chữ “kiên trì, từng bước, tự giác”.

Ngày 03/5/1995, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam ban hành Thông tri 04 về Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”. Ngày 31/10/1996 Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 02 về hợp nhất Phong trào xây dựng gia đình văn hóa và Cuộc vận động “TDĐK xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”. Ngày 30/11/1996, UBND tỉnh ban hành Quyết định 146 về việc thành lập Ban Chỉ đạo cho phong trào chung này, do Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Ngày 17/6/1998 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ban hành Nghị quyết 05 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, xác định 5 quan điểm, 10 nội dung, 4 giải pháp, trong đó khẳng định phong trào xây dựng đời sống văn hóa là giải pháp hàng đầu để thực hiện Nghị quyết. Ngày 10/4/2000, Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành Quyết định 01, nhằm cụ thể hóa nghị quyết TW5 khóa VIII và tổ chức triển khai thống nhất toàn quốc tại tỉnh Quảng Nam. Từ đó, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo Nghị quyết TW5, khóa VIII của Đảng được thực hiện thống nhất toàn quốc. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Phong trào cũng được thực hiện thống nhất cả về quan điểm, tư tưởng, ý chí và hành động từ tỉnh đến cơ sở, nhờ vậy mà phong trào ngày càng phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu, là động lực quan trọng cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh nhà. Kết quả thực hiện Phong trào thể hiện như sau: năm đầu tiên (1995) còn nhiều khó khăn, toàn tỉnh chỉ được 1.500 gia đình đạt chuẩn GĐVH, đạt tỷ lệ 0,7%, đến cuối năm 2019 toàn tỉnh đạt trên 91,07% GĐVH, 98,97% “Ấp văn hóa nông thôn mới”, 97,48% “Khóm văn minh đô thị”, 96,61% “Xã văn hóa nông thôn mới”, 96,15% “Phường, thị trấn văn minh đô thị”. Hiện nay, 100% xã đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã văn hóa nông thôn mới đạt chuẩn 02 năm lần đầu; 96% phường, thị trấn được công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị 02 năm lần đầu. Các địa phương đang tiến hành xây dựng để được công nhận lại trong 05 năm tiếp theo.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn cầu hóa hiện nay, vị trí, vai trò của gia đình với tư cách là “tế bào” vững chắc của xã hội, là môi trường lành mạnh để xây dựng nguồn lực con người càng có tầm quan trọng to lớn. Với tinh thần, nhận thức đó, chúng ta hy vọng trong thời gian tới vị trí, vai trò của gia đình ngày càng được khẳng định để góp phần giữ vững nền tảng xã hội, là động lực phát triển kinh tế của đất nước./.

                                         

                                                                                                Huỳnh Văn Bé

(Nguyên Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình Sở VHTTDL Đồng Tháp)