Asset Publisher

null Nghĩ về công tác bảo tồn, bảo tàng

Truyền thống Ngành VHTT&DL Tin tức

Nghĩ về công tác bảo tồn, bảo tàng

Bảo tàng là nơi lưu giữ, trưng bày những hiện vật, hình ảnh, tư liệu... về lịch sử, cả tự nhiên và xã hội, nền văn hóa của mỗi Quốc gia, dân tộc, mỗi địa phương, ngành nghề, nhân vật tiêu biểu, giúp cho các nhà nghiên cứu, khách tham quan tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, nền văn hóa của từng nơi đó. Thường khách đi du lịch, tham quan một nước, một tỉnh, ngành nghề nào, đầu tiên là tìm đến Bảo tàng, nhà trưng bày để nắm được toàn cảnh đất nước, con người nơi đó rồi mới đi thăm cụ thể từng nơi.

Các thế hệ trẻ tham quan tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng Đồng Tháp

Bảo tàng Đồng Tháp hình thành tổ chức từ sau ngày giải phóng. Cuối năm 1975, Trường Văn hóa thuộc Bộ Thông tin Văn hóa Cộng hòa miền Nam Việt Nam mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin văn hóa cho cán bộ lãnh đạo các Ty Thông tin Văn hóa các tỉnh miền Nam, giúp các Ty biết được nghiệp vụ các bộ phận chuyên môn trong ngành thông tin văn hóa, như: Thư viện, Bảo tồn bảo tàng, Phát hành sách, Phát hành phim, Thông tin cổ động, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Văn hóa quần chúng, Nhà Văn hóa... Tỉnh ta (lúc đó còn là Sa Đéc) cử đồng chí Nguyễn Đắc Hiền đi dự. Lớp mở ở khách sạn Thái Bình, Sài Gòn. Học chỉ 2 tuần như cởi ngựa xem hoa, song cũng giúp cho các tỉnh biết đại khái các mặt hoạt động của ngành Thông tin Văn hóa, để làm.

Giữa năm 1976, tỉnh Hà Bắc cử một đoàn cán bộ nghiệp vụ gồm cán bộ Thư viện, Bảo tồn bảo tàng, Văn hóa quần chúng... do đồng chí Lê Hồng Dương - Phó Trưởng Ty Thông tin Văn hóa Hà Bắc dẫn đầu, vào giúp Thông tin Văn hóa Đồng Tháp. Cán bộ Bảo tàng có đồng chí Cần. Ty Thông tin Văn hóa Đồng Tháp cử đồng chí Bùi Thanh Minh phụ trách bảo tồn bảo tàng, cùng bổ sung một số người mới như: Thanh Lâm, Thu Hằng, sau thêm Bảo, Thức, Hoàng Vân, Lễ, Dũng...

Năm 1978, Ty Thông tin Văn hóa cử 6 học viên đi học do Trường Đại học Văn hóa mở ở Hà Nội. Đoàn gồm có Lê Thị Phước Thế học Bảo tồn bảo tàng, Ngô Quốc Dũng học Văn hóa quần chúng, Nhỏ, Luận học Phát hành sách, Tường và Hoa học Thư viện. Các năm sau, Sở Văn hóa Thông tin cử một số học viên đi học nghiệp vụ Thư viện, Phát hành sách, Văn hóa quần chúng... như Bùi Thị Phấn, Nguyễn Thị Mai, Kim Loan, Hữu Nghĩa... do trường Nghiệp vụ Văn hóa mở ở TP.Hồ Chí Minh. Những năm sau, Sở cử các đồng chí: Thanh Tùng, Thiện, Đúng, Thắng Vinh, Thanh Thu, Việt Hải... đi học ở Nhạc viện, Trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Đây là đội ngũ chuyên môn được đào tạo chính quy cho ngành.

Từ hai bàn tay không, Sở Văn hóa Thông tin xin nhà vắng chủ của bác sĩ Sanh ở rạch Cái Sơn làm nơi ở cho bộ phận Bảo tàng. Sở viết đề cương chánh trị, đề cương trưng bày cho Bảo tàng tỉnh, khu mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và di tích Xẻo Quít, định hướng cho việc sưu tầm hiện vật, tư liệu cho công tác Bảo tồn bảo tàng.

Năm 1983, đại diện Sở đi dự hội nghị công bố di tích văn hóa Óc Eo tổ chức ở Long Xuyên. Tỉnh Đồng Tháp có bài nói về di tích Phù Nam ở Gò Tháp được hội nghị quan tâm và Viện Khảo cổ TP.Hồ Chí Minh tìm đến quan hệ để khai quật. Tháng 3/1984, Viện Khảo cổ cử một đoàn cán bộ khảo cổ có các đồng chí Võ Sĩ Khải, Đào Linh Côn, Đỗ Đình Truật, sau có thêm Lê Xuân Diệm đến đào thám sát và phát hiện một loạt di tích văn hóa Phù Nam ở Gò Tháp. Đồng chí Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh rất quan tâm, nhiều lần đến tận nơi xem xét và cho ý kiến. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo lấy khu vực dinh Cò Tây, dinh quận Cao Lãnh và nhà thầy thuốc Lư làm địa điểm cho Bảo tàng tỉnh. Đồng chí Võ Minh Soi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đến trao quyết định cho Thị đội Cao Lãnh và Công ty cầu đường giao lại các cơ sở này cho Bảo tàng tỉnh. Tỉnh đầu tư ngân sách xây dựng nhà trưng bày và nhà kho Bảo tàng. Đồng chí Võ Hồng Nhân – Bí thư Tỉnh ủy cho ý kiến phỏng theo mô hình Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh để xây Bảo tàng tỉnh. Sở Văn hóa Thông tin hợp đồng với Hội Mỹ thuật thành phố vẽ các bức tranh lịch sử gồm: cuộc biểu tình ngày 3/5/1930 ở Cao Lãnh, giành chánh quyền 25/8/1945 ở Sa Đéc, trận Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung ngày 26/9/1959, nổi dậy tấn công giải phóng xã Thanh Mỹ đêm 24/12/1959, cuộc đấu tranh ngày 5/3/1961 ở Cao Lãnh, trận đánh tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng ngày 4/12/1967, cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân; và đổ tượng đồng chí Phạm Hữu Lầu, Trần Thị Nhượng, anh hùng Nguyễn Minh Trí bổ sung cho phần trưng bày, cùng một số hiện vật ngoài trời như máy bay, trọng pháo... Từ đó đến nay, Bảo tàng tỉnh đi vào hoạt động song song với Nhà trưng bày về Bác Hồ và Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà trưng bày khu Di tích Xẻo Quít, ở nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, nhà trưng bày ở huyện Thanh Bình, giao thông liên lạc vô tuyến điện ở Phú Cường, nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Phối và ở một số trường như Trung học phổ thông Thành phố Cao Lãnh, Sa Đéc...

Cùng với công tác bảo tàng, tỉnh đã điều tra, lập hồ sơ và được Bộ Văn hóa công nhận 15 di tích lịch sử Quốc gia, trong đó có Gò Tháp là di tích Quốc gia đặc biệt, tỉnh công nhận 71 di tích lịch sử cấp tỉnh.

Hơn 40 năm qua, ngành Bảo tồn bảo tàng tỉnh Đồng Tháp ra đời và hoạt động, đã góp phần làm sống lại lịch sử truyền thống và cách mạng ở tỉnh nhà, bảo tồn các di sản văn hóa và giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, yêu quê hương... Song, còn ít ỏi quá. Riêng so với số lượng tượng đài, bia, phù điêu đang có ở tỉnh thì các Nhà trưng bày, Phòng truyền thống ở các huyện, thị, các ngành, đơn vị còn quá chênh lệch. Nhiều nơi quan tâm viết lịch sử truyền thống và cách mạng (đó là việc làm đúng và cần kíp) song còn ít quan tâm đến sưu tầm hiện vật, hình ảnh, tư liệu cho Phòng trưng bày lịch sử của địa phương, ngành nghề, đơn vị mình. Việc làm này càng để lâu càng khó khăn trong sưu tầm vì người lớn tuổi qua đời, mất mát hiện vật, hình ảnh, tư liệu..., đáng đánh động để lãnh đạo tỉnh và các địa phương, ngành quan tâm hơn.

Trong công tác bảo tồn, ngoài khu Di tích Gò Tháp, có thể nói ở Tân Hồng là nơi đậm đặc các di tích văn hóa Phù Nam, gần như gò nào cũng có. Do ít hiểu biết, nên một số nơi như gò Côn Ét, gò chùa Tám Ấu, gò Tàu... các di tích bị xâm hại, hiện vật bị mất cắp. Tân Hồng còn là nơi duy nhất ở tỉnh ta tìm được 6 rìu đá. Trong tiến trình xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, nhà ở dân cư... như hiện nay và sắp tới, nếu lãnh đạo tỉnh, huyện Tân Hồng, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch thiếu quan tâm, các di tích này sẽ ngày càng hư hỏng, mất mát nhiều hơn. Sao ta không khai quật, bảo vệ, tôn tạo di tích này biến nó thành sức mạnh văn hóa, là động lực để phát triển kinh tế và du lịch, biến tiềm năng thành hiện thực, như lời dạy của đồng chí Lê Duẫn: Lấy quá khứ làm sức mạnh để xây dựng tương lai.

Với Bảo tàng tỉnh, hiện nay chỉ trưng bày từ chống Mỹ đổ về trước, còn từ giải phóng tới nay chưa có chỗ để trưng bày và nhà kho cũng quá nhỏ bé không còn chứa nổi thêm hiện vật. Tỉnh cần có kế hoạch xây dựng thêm. Ta còn lúng túng chưa biết cách phục dựng để sử dụng đúng mục đích dinh Cò Tây và dinh quận Cao Lãnh, cả nhà thầy thuốc Lư.

Đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh, cần bồi dưỡng nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ, nhất là khả năng nghiên cứu, khảo cứu, có những công trình lý giải khoa học, làm sáng tỏ hơn nữa các vấn đề lịch sử còn mù mờ.

Nguyễn Đắc Hiền