null Người nông dân trẻ tâm huyết với con lươn

Post details Tin tức

Người nông dân trẻ tâm huyết với con lươn

Vốn dĩ trưởng thành trong một gia đình thuần nông, anh Phạm Văn Lượm ở xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự, không xa lạ gì với con lươn. Cách đây khoảng 4 năm, anh nghỉ việc ở một công ty lúa gạo và trở về địa phương để bắt tay vào công việc nuôi lươn. Bằng sự tâm huyết của mình, anh Lượm đã phát triển với nghề nuôi lươn và hình thành nền tảng gắn kết, làm bệ đỡ cho những nông dân nuôi lươn khác ở địa phương mình.

Năm 2019, khi đang làm việc tại một công ty lúa gạo, anh Phạm Văn Lượm tình cờ biết đến mô hình nuôi lươn không bùn của người quen. Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả. Thông qua mạng xã hội, anh Lượm tìm đến các hội, nhóm nuôi lươn thì biết được nhu cầu thị trường của việc nuôi lươn không bùn thời điểm đó đang rất cao. Từ đó, anh quyết định nghỉ việc ở công ty và triển khai mô hình nuôi lươn. Theo tiêu chí vừa làm, vừa học, anh Lượm đã bắt đầu với 500 con lươn giống bố mẹ.

Anh PHẠM VĂN LƯỢM – Xã Bình Thạnh phát biểu: Đầu tiên nuôi thì mình chưa nắm kỹ thuật, trong giai đoạn nuôi này cũng khó khăn, thì mình vừa học, vừa nuôi trong quá trình mình có nhiều cái khó khăn, từ từ mình khắc phục và năm đó thì nói chung cũng rất thuận lợi, bán trong thời điểm đó giá cũng rất là cao, nuôi thấy rất là thành công.

Thực hiện mô hình nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo gần như là đầu tiên ở địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế, anh Lượm đã được nhiều người chú ý đến. Một số nông dân ở gần bắt đầu tìm đến học hỏi. Không che giấu “bí kíp” riêng, anh Lượm luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn và giúp đỡ nhiều nông dân xây dựng mô hình nuôi lươn bán nhân tạo. Nhờ kiến thức tích lũy được và sự cởi mở, chân thật của mình mà khi Bình Lý Hội quán ở xã Bình Thạnh được thành lập, anh Lượm được tin tưởng chọn làm chủ nhiệm Hội quán, dù tuổi đời còn khá trẻ. Ở vị trí mới, anh Lượm đóng vai trò là hạt nhân để gắn kết những người nuôi lươn lại với nhau, cùng đồng hành và phát triển nghề nuôi lươn.

Anh PHẠM VĂN LƯỢM – Xã Bình Thạnh chia sẻ: “Mình làm mô hình cũng như lần đầu tiên, bà con xung quanh thấy vậy và làm theo và khi mình làm đầu tiên thì có nhiều yếu tố giúp đỡ bà con này nọ, thì bà con thấy như vậy bà con tin tưởng mình”.

Ông PHẠM VĂN HƯỜNG – Xã Bình Thạnh phát biểu: “Lượm có cái nhiệt huyết với nhiệt tình với bà con, có những lúc bà con gặp trắc trở khó khăn, vấn đề về lươn, chẳng hạn như đầu ra hay những trường hợp lươn bị bệnh hay cái gì đó, thì nó tận tình chỉ cho bà con, dù cho bất cứ giấc nào ai mà kêu nó sẵn sàng giúp đỡ bà con; hay là lươn còn tồn đọng nó tìm cách xoay xở cho bà con. So với Hội quán thì tầm nhìn nó sâu hơn, tại vì nó có đi chỗ này chỗ kia nó học hỏi nhiều”.

Theo chia sẻ của anh Lượm, nghề nuôi lươn tùy vào từng thời điểm sẽ có những khó khăn riêng. Do đó, đòi hỏi bản thân anh phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình nuôi. Không chỉ là lao động chân tay mà đầu óc cũng cần có sự linh hoạt để học hỏi, cập nhật kiến thức và suy nghĩ tìm cách giải quyết những vấn đề trong kĩ thuật chăn nuôi cũng như tiêu thụ đầu ra. Trong quá trình nuôi lươn, anh Lượm thường hay tìm hiểu và học hỏi ở nhiều nơi. Nghe ở đâu có mô hình nuôi lươn phát triển hiệu quả, anh Lượm cũng tìm đến nơi đó để học tập kinh nghiệm để đúc kết cho bản thân được hoàn thiện hơn.

Anh PHẠM VĂN LƯỢM – Xã Bình Thạnh chia sẻ thêm: Cái này là cái ngành nghề tâm huyết với bản thân tôi, tại vì nó giúp cho cuộc sống tôi và gia đình tôi được cải thiện rất là nhiều, tại vì cái ngành nghề nào cũng vậy phải có cái đam mê trong đó làm mới được”.

Bằng sự tâm huyết với nghề của mình, anh Lượm đang nỗ lực cải thiện các kĩ thuật nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo. Bởi theo anh, khi có kĩ thuật tốt thì những khó khăn trong nghề sẽ giảm đi. Từ đó, anh Lượm và những bà con nuôi lươn khác sẽ phát triển với nghề.

Quốc Tín

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ
Đơn vị chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hồng Ngự
Trụ sở: Khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3563.362