Asset Publisher

null Chữ “Tài” và chữ “Đức” của người Cán bộ, Đảng viên trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Post details VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Chữ “Tài” và chữ “Đức” của người Cán bộ, Đảng viên trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Chữ “Tài” và chữ “Đức” của đạo đức của người Cán bộ, Đảng viên trong tư tưởng Hồ chí Minh và vấn đề xây dựng đội ngũ Cán bộ, Đảng viên vừa có “Tài” và vừa”Đức” trong thời đại mới.

= = =

 

Lúc sinh thời chủ tịch Hồ Chí minh từng đã khẳng định về đội ngũ Cán bộ là  “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng” [1]. Người cho rằng Cán bộ, Đảng viên là những người gần dân, và chỉ khi gần dân thì mới có thể phổ biến và giải thích cho dân chúng hiểu về chính sách và quy định của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Bên cạnh đó, khi gần dân thì Cán bộ mới hiểu được tình hình của Dân sau đó báo cáo lại với Đảng, Nhà nước và chính Phủ để biết, từ đó có những chính sách phù hợp với thực tế người dân. Do đó chúng ta có thể khẳng định rằng đội ngũ Cán bộ, Đảng viên là luôn giữ một vai trò, quyết định sự thành bại của cách mạng và vận mệnh của Đảng và Nhà nước, sự phát triển bền vững và ổn định của chế độ Xã hội chủ nghĩa. Nhận thức được vai trò quan trọng này, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề ra yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức là phải phát triển toàn diện về cả phẩm chất đạo đức và cả phương diện chuyên môn nghiệp vụ của mình. Người chỉ rõ “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho Nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”[2], do đó việc xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có “ Tài” vừa có “Đức” là một vấn đề quan trọng và cần được chú ý quan tâm trong bối cảnh đất nước như ngày nay.

Theo chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Đức” của người cán bộ, đảng viên chính là Đạo đức cách mạng. Theo bác Đạo đức cách mạng là:

(1) “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”.[3]

(2) “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng”.[3]

(3) “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”.[3]

(4)  “Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác và cùng đồng chí mình tiến bộ”.[3]

Bên cạnh đó người còn cho rằng “cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân ”[3]. Đạo đức cách mạng là gốc và nền tảng của mỗi người cán bộ, chỉ khi người cán bộ mang trong mình đạo đức cách mạng thì mới có thể tạo nên uy tín của cán bộ, đảng viên từ đó góp phần tạo nên uy tín của Nhà nước đối với người nhân tạo cơ sở để giáo dục và thuyết phục người dân đi theo sự dẫn dắt của Đảng và nhà nước và góp phần tạo nên sức mạnh của dân tộc trong thời đại mới.

Theo bác “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì dù tài đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân

 

Cán bộ, đảng viên phải “ Trung với nước”  và “ hiếu với dân” đây được xem là nội dung cơ bản và bao trùm nhất trong tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, người cho rằng người cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối trung thành với Đảng, nhà nước, sẵn sàng hy sinh vì nước và vì dân. Bên cạnh đó còn phải ra sức phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhà nước và nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn mình được giao. Đạo đức của người cán bộ, đảng viên phải vì dân mà phục vụ, với tinh thần liêm chính, công minh và chính trực. Phải luôn gần gũi, hiền hoà và nhã nhặn với nhân dân; có tác phong lịch sự, nghiêm túc và khiêm tốn trước nhân dân; ngôn ngữ giao tiếp nhân dân phải rõ ràng và mạch lạc; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn cho nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình. Bên cạnh đó, bác còn chỉ ra rằng “ Người cán bộ muốn tốt phải có đạo đức cách mạng, phải biết phê bình và tự phê bình, phải biết kỷ luật”[4]. Bên cạnh việc phải đặt lợi ích của nhân dân, lợi ích của cách mạng lên trên hết thì người cán bộ, đảng viên phải biết phê bình và tự phê bình, khi chỉ ra được những khuyết điểm của mình và của các đồng chí khác, khi chỉ ra được những khuyết điểm này thì người cán bộ, đảng viên đó mới có thể căn cứ vào những khuyết điểm đó để tiến hành sửa chữa, khắc phục được những khuyến khuyết để hoàn thiện chính bản thân mình hơn.

Khi đề cập đến Đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên thì bác còn đề cập đến phẩm chất “ Cần, kiệm, liêm, chính”[5], của người cán bộ, đảng viên. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh:

Cần tức là “là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”, “cần thì việc gì, dù khó khăn đến mấy, cũng làm được”[6], cần thể hiện được sự siêng năng, chăm chỉ của người cán bộ, đảng viên, là sự cần cù, chịu khó quyết tâm làm công việc đến cùng không ngại khó khăn thử thách.

Kiệm tức là “tiết kiệm, không hoang phí không bừa bãi” [7]. Bác giải thích rằng Cần và Kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần mà không Kiệm, “thì làm chừng nào xào chừng ấy. Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không” [7]. Kiệm mà không Cần, “thì không tǎng thêm, không phát triển được. Mà vật gì không tiến tức thoái hoá...”. Bác còn cho rằng Kiệm ở đây không phải chỉ tiết kiệm của cải mà thời giờ cũng là thứ quan trọng và cần được tiết kiệm, thời gian là thứ quan trọng một khi mất đi rồi chúng ta sẽ không tỉnh lại hay sản sinh ra được.

Liêm tức là “trong sạch, không tham lam”[8]. Cán bộ, đảng viên là những người đem chính sách của đảng và nhà nước đến nhân dân, giải thích cho dân hiểu về những chính sách. Là người mang trong mình nhiệm vụ và quyền hạn được giao thì bản thân của người cán bộ, đảng viên phải trong sạch và không tham lam, không được lợi dụng quyền hạn của mình để “Tham ô”, “Đục khoét” tài sản của nhân dân và của nhà nước. Theo bác chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Liêm cũng như là chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần, có Kiệm thì mới có Liêm được vì xa xỉ mà xin tham lam.

Chính tức là “thẳng thắng, đứng đắn. Điều gì không thẳng thắng, đứng đắn tức là Tà”[9]. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì thì: Đối với mình, Bác căn dặn “ Chớ tự kêu, tự đại”, “luôn cầu tiến bộ”; Đối với người “Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ bác ái”; Đối với công việc “Phải để công việc nước lên trên, trước Việc tư, việc nhà”.

Người cho rằng tứ đức Cần, kiệm, liêm, chính là những đức tính cần có và quan trọng trong từng cán bộ, đảng viên. Cần, Kiệm, Liêm chính là gốc rễ của Chính, nếu như chỉ có Cần, Kiệm, Liêm mà không có chính thì không là người hoàn toàn. Phải có đầy đủ bốn đức tính trong chính người cán bộ, đảng viên không được thiếu bất kỳ đức tính nào.

Theo bác “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc”

 

Đạo đức cách mạng cũng có kẻ thù, đó chính là “ Chủ nghĩa cá nhân”. Theo bác “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”.[10]. Bác cho rằng chủ nghĩa cá nhân là “Đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc”[11]; “là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể”[12]. Chủ nghĩa cá nhân được xem là vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ, nó xuất hiện và phát triển trong chế độ người bóc lột người. Người xem “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc”, nó rất nguy hiểm gây ra nhiều hệ luỵ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: Trong lĩnh vực chính trị chủ nghĩa cá nhân sẽ gây mất lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước; Trong lĩnh vực kinh tế nó gây ra những tổn thất to lớn của Nhà nước, Tập thể và Nhân dân; Trong lĩnh vực văn hoá xã hội thì chủ nghĩa cá nhân là tha hoá Cán bộ, Đảng viên. Vì vậy, chủ nghĩa cá nhân làm cho con người suy thoái, biến chất nó như một thứ “Bệnh” và “là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”[13], do đó chúng ta cần nghiêm túc loại bỏ nó.

Bên cạnh yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, đảng viên phải có Đạo đức cách mạng thì Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải có Tài để có thể hoàn thành được nhiệm vụ được đảng, nhà nước và nhân dân giao cho. Bác yêu cầu: “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và Đảng viên chẳng những thành thạo về chính trị mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”.

Theo chủ tịch Hồ Chí Minh thì Tài là năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức và kỹ năng của người cán bộ, đảng viên. Tài được biểu hiện ở hiệu suất và hiệu quả làm việc trong một lĩnh vực nào đó của người Cán bộ, Đảng viên. Là sự vận dụng năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để giải quyết một hoặc một số công việc mang tính chuyên môn nghiệp vụ cao do Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó cho mình. Tài của người cán bộ, đảng viên giữ vai trò quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao đạt chất lượng và hiệu quả cao. Khi người cán bộ có tài, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được Đảng và nhà nước giao cho thì chất lượng công việc sẽ nhanh và đạt hiệu quả cao từ đó góp phần tăng uy tín của Đảng và nhà nước trong mắt người dân, bên cạnh đó khi người cán bộ tài và trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đáp ứng được những yêu cầu yêu cầu nhiệm vụ được đảng và nhà nước giao thì chất lượng công việc sẽ không được đảm bảo và dần sẽ làm mất uy tín của đảng và nhà nước trong mắt người dân. Do đó việc sử dụng cán bộ vào đúng với tài năng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình là một vấn đề quan trọng.

Quan điểm của bác về việc trọng dụng nhân tài thể hiện ở chỗ “dùng người đúng và khéo”. Với quan niệm “dụng nhân như dụng mộc”, Người đã quy tụ nhân tài và “khéo” sử dụng họ “đúng chỗ, đúng việc”, “tùy tài mà dùng người”. Bác chỉ rõ khi sử dụng cán bộ, đảng viên phải trọng mỗi người có ích cho công việc chung; khi bố trí và dùng cán bộ phải hiểu rõ cán bộ, cán bộ này giỏi về chuyên môn nghiệp vụ gì, phải hiểu rõ cán bộ, cất nhắc cán bộ cho đúng, nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Phải khéo dùng cán bộ, tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ. Bên cạnh đó, người còn căn dặn: “không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ”.

Tài của người cán bộ, đảng viên không phải là thứ tự nhiên có, nó có được thông qua quá trình học tập, tích lũy kinh nghiệm một khoảng thời gian dài của người cán bộ, đảng viên mà có được. Do đó, khi nhắc đến chữ Tài, bác còn chú trọng đến việc xây dựng vào đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bác cho rằng “Công việc thành công hay thất bại điều do cán bộ tốt hay kém”[14]. Bác đặt ra yêu cầu rằng Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”[15].

Ngày nay, do yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng và tài năng để đáp ứng được yêu cầu này. Thực tế cho thấy chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên ngày nay đã được đào tạo bài bản và không ngừng được nâng cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên ngày nay đã có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, nhà nước và nhân dân giao cho.

Theo bác “ Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”

 

Theo bác đức và tài không tồn tại độc lập mà phải kết hợp chặt chẽ với nhau, vì vậy không thể có đức mà không có tài và cũng không thể có tài mà không có đức. Đức và tài phải luôn gắn bó chặt chẽ cùng tồn tại trong nhân cách trong mỗi cán bộ, đảng viên. Trong mối quan hệ này “Đức phải có trước tài”[16], và đức là “gốc”, Bác nói: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài”[17]. Ở một cán bộ tốt bao giờ cũng có đầy đủ hai phẩm chất là đức và tài, không thể thiếu một trong hai, có tài sẽ giúp cho người cán bộ thực hiện được những nhiệm vụ mà đảng, nhà nước và nhân dân giao cho, nhưng tài phải đi liền với đức, nếu có tài mà thiếu đức thì sẽ làm những điều bất chính gây hại đến lợi ích của nhà nước và nhân dân, nếu có đức mà không có tài thì sẽ khó làm được việc lớn và khó đáp ứng được nhiệm vụ mà đảng, nhà nước và nhân dân giao cho. Bên cạnh đó, đức và tài cũng hỗ trợ và giúp đỡ nhau để hoàn thiện một người cán bộ tốt, đức giúp tài dùng tài năng của mình làm những việc đúng đắn, phù hợp và có ích cho đảng, nhà nước và nhân dân, tài giúp đức mang những việc đúng đắn, phù hợp với đạo đức đến mọi người thông qua tài năng của mình. Do đó, đức và tài phải cùng tồn tại trong người cán bộ đảng viên và không thể thiếu cái nào.

Ngày nay, Đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên được thể hiện thông qua những hoạt động của mình vì sự nghiệp cách mạng chung, xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ”. Bằng Đạo đức cách mạng và Tài năng của mình cán bộ, đảng viên ngày nay luôn phấn đấu, xây dựng đất nước ngày càng phát triển, bước đầu đã đạt được những thành tựu to lớn. Những kết quả đạt được mà chúng ta có thể kể đến trong những năm gần đây như :

 

Về kinh tế: Việt Nam duy trì phát triển kinh tế ổn định trung bình GDP tăng từ 6-7%/năm. Bên cạnh đó trong 9 tháng đầu năm 2024 mặt dù trong bối cảnh kinh tế và chính trị trên thế giới diễn ra phức tạp và khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định là 6,82%.

Về khoa học – công nghệ: Chính phủ chú tâm đến khoa học công nghệ và xem đây là những chủ trương hàng đầu trong việc phát triển đất nước nhanh, bền vững và ổn định. Tiêu biểu có thể kể đến trong lĩnh vực này là sự ra đời của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) được thành lập vào ngày 2.10.2019, qua 5 năm hoạt động trung tâm này đã có những thành tựu to lớn trong việc góp phần hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.

Về cơ sở hạ tầng: Nhiều dự án lớn được hình thành, bao gồm nhiều tuyến đường cao tốc, cầu và cảng biển góp phần thuận lợi cho việc phát triển giao thông và thúc đẩy thương mại.

Về y tế giáo dục: Y tế và giáo dục Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, sự ra đời của nhiều trường học, bệnh viện. Có nhiều sự đổi mới giáo dục phù hợp với bối cảnh đất nước hiện nay, nhiều phương pháp chữa bệnh và máy móc hiện đại được nhập vào Việt nam để cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh.

Về hội nhập quốc tế : Việt nam ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều nước trên thế giới, mở rộng thị trường và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Những kết quả đạt được này là do sự đồng lòng, chung sức của đội ngũ cán bộ đảng viên vừa có Tài vừa có Đức cùng với nhân dân. Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn số ít bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về mặt đạo đức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đảng, Nhà nước và Nhân dân, làm giảm uy tín của Nhà nước đối với người Dân. Chúng ta có thể kể đến một số vụ án nổi trội trong thời gian qua có liên quan đến cán bộ, đảng viên:

(1) Vụ công ty Việt Á thổi phồng giá kit xét nghiệm co-vit.  "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Sau gần một năm khởi tố vụ án, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 102 người liên quan vụ Công ty cổ phần công nghệ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19, trong đó có tám quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành phố.

 

(2) Vụ chuyến bay giải cứu lợi dụng tình hình dịch bệnh và nhu cầu muốn về nước của công dân đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, nhiều cán bộ tại Bộ Ngoại Giao đã lợi dụng chức quyền để sai phạm trong việc xét duyệt cho phép các công ty thực hiện chuyến bay giải cứu nhằm trục lợi cá nhân. 54 bị cáo đã đưa ra xét xử trong đó có về các tội  “Nhận hối lộ”; “Đưa hối lộ"; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”;Môi giới hối lộ"; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ".

Trong bối cảnh thực tiễn này, bản thân xin đưa ra một số giải pháp nhằm xây dựng một người cán bộ, đảng viên vừa có “Tài” và vừa “Đức” trong thời đại mới:

Thứ nhất, Nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên về tầm quan trọng của Đạo đức cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của đạo đức cách mạng đến sự phát triển toàn diện và bền vững của người cán bộ, đảng viên. Chỉ khi nhận thức được tầm quan trọng này thì người cán bộ, đảng viên mới có thể dựa vào đó, từ từ tìm tòi, học hỏi và rèn luyện đạo đức cách mạng cho mình.

Bên cạnh đó, cán bộ đảng viên cũng phải thường xuyên quán triệt, chấp hành nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đạo đức cách mạng. Chẳng hạn như: Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương đảng về những điều đảng viên không được làm;  Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 05); Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ hai, Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng một người cán bộ vừa hồng vừa chuyên, vừa tài vừa đức. Thông qua quá trình đào tạo và bồi dưỡng giúp cho cán bộ hiểu rõ được bản chất của công việc từ đó tăng khả năng thích ứng cũng như là khả năng giải quyết công việc của cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, đào tạo bồi dưỡng tốt sẽ xây dựng được một đội ngũ cán bộ đảng viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt tạo nên tính linh hoạt và ổn định cho cơ quan, tổ chức và đơn vị nơi cán bộ, đảng viên đó công tác.

Thứ ba, đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là người thầy kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của người được ra đời trong suốt quá trình người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, do đó tư tưởng của người là tài sản quý giá của Đảng, nhà nước và nhân dân ta, tư tưởng của người là sự kết tinh truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại nó có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Học tập và làm việc theo tấm gương, tư tưởng và đạo đức phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ngày nay. Do đó, cần tuyên truyền quán triệt đến cán bộ đảng viên nhằm nâng cao nhận thức về nội dung ý nghĩa và tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thứ tư, Nghiêm túc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Chúng ta có thể chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa xã hội nói chung và đạo đức cách mạng nói riêng. Do đó, việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, kịp thời và kiên quyết là một yêu cầu hết sức quan trọng. Các cơ quan, tổ chức và đơn vị phải hết sức quan tâm, giáo dục và rèn luyện đạo đức cho cán bộ đảng viên, không để chủ nghĩa cá nhân có cơ hội sinh sôi và nảy mầm trong tập thể cán bộ đảng viên. Khi đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân chúng ta phải nhận thức rõ biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tránh hiểu nhầm đánh đồng chủ nghĩa cá nhân với lợi ích chân chính, tính cách và năng khiếu của mỗi người như thế mới đạt hiệu quả thật sự của việc đấu tranh.

Thứ năm, Thường xuyên thực hiện việc kiểm tra giám sát việc thực hiện đạo đức cách mạng. Bên cạnh việc tự rèn luyện đạo đức cách mạng thì vấn đề kiểm tra giám sát việc thực hiện cũng là một điều quan trọng. Thông qua quá trình kiểm tra, giám sát sẽ sớm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Thứ sáu, bản thân người cán bộ phải không ngừng nâng cao trình độ bản thân, học tập và tiếp thu những cái mới  cái hay. Tháng 9 năm 1957, trong “Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc”, Người nói: “Muốn cải tạo xã hội mà đảng viên không tự cải tạo mình, không tự nâng cao mình thì không thể được”. Do đó, bên cạnh những giải pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân nơi mà cán bộ đảng viên đang công tác nhằm nâng cao đạo đức cách mạng vả tài năng , thì ngay từ bản thân người cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, học tập rèn luyện về cả tư tưởng chính trị và chuyên môn nghiệp vụ để cố gắng phấn đấu trở thành một người cán bộ, đảng viên vừa tài vừa đức để đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước./.

Danh mục tài liệu tham khảo

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 309.

(2). Hồ Chí Minh, Bài nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp 1, ngày 12 tháng 6 năm 1956

(3),(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 603.608

 (5),(6),(7),(8),(9). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr.119-121. 122-125.126-128.129-131.

(10). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 602.

(11). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 156

(12).  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 90.

(13). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 90

(14). Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 208

(15). Hồ Chí Minh:  Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, T8, tr.313

(16),(17). Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr. 345-346.

(18). Bài viết: Nhận diện, đấu tranh với biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân - từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân của Đảng ta hiện nay, Ts-Nguyễn Thị Thu Huyền, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2023

(19). Bài viết, Nghĩ về chữ đức, chữ tài của người cán bộ, tác giả: Bắc vân, Báo nhân dân, 2023.

(20). Bài viết: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, Phương Thảo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An, 2022.

(21). Bài viết: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và những nội dung mới để xây dựng đảng trong thời kỳ mới, Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương, 2021.

(22).  Bài viết: Quan điểm của Đảng, Nhà nước và tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút, trọng dụng nhân tài và giải pháp đẩy mạnh thu hút, trọng dụng nhân tài ở Việt Nam hiện nay ,Phạm Ngọc Hòa, Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, 2021.

(23). Bài viết: Những thành tựu to lớn sau gần 40 năm đổi mới đất nước, TS. Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, 2023.

(24). Bài viết: Việt Nam phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại, Tùng Linh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2024.

(25). Bài viết: Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và sự vận dụng trong xây dựng đạo đức, Ts. Dương Minh Huệ, Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, 2021.

Quốc Thanh – Phòng 9 VKSND tỉnh Đồng Tháp