アセットパブリッシャー

null “Sống bám đá chiến đấu, chết hóa đá bất tử”- Lời thề bất tử những người chiến sĩ Vị Xuyên là khát vọng tuổi trẻ hôm nay

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

“Sống bám đá chiến đấu, chết hóa đá bất tử”- Lời thề bất tử những người chiến sĩ Vị Xuyên là khát vọng tuổi trẻ hôm nay

TS. Nguyễn Quốc Trung

Khoa Xây dựng Đảng

Ngược dòng lịch sử 40 năm về trước, ngày 12 tháng 7 năm 1984, Bộ Tư lệnh mặt trận đã quyết định chọn 12 tháng 7 là ngày tấn công tổng lực để giành lấy các cao điểm 685, 1509, 772, 1030. Sư đoàn 356 làm nhiệm vụ trấn thủ Vị Xuyên, Hà Giang (từ năm 1979) dốc toàn lực để tấn công theo sự của Tư lệnh mặt trận.

Với lợi thế về vị trí chiếm giữ, lợi thế về quân số, lợi thế về pháo binh và nhiều các ưu thế khác lực lượng quân đội Trung Quốc dễ dàng kiểm soát thế trận và đẩy lực lượng của ta vào thế bị động. Lực lượng quân đội ta ở vào thế tấn công, nhưng tấn công từ dưới chân núi lên trên đỉnh núi; điều kiện che chắn bị hạn chế trong khi kẻ thù ở trong công sự vững chắc được che chắn, có hỏa lực mạnh hỗ trợ. Có thể nói đây là trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt và chỉ có thể bằng lòng dũng cảm, ý chí sắt đá không gì khuất phục được mới có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị của trận đánh.

Vượt qua tất cả các yếu tố bất lợi, những chiến sĩ của Sư đoàn 356 đã chiến đấu với tinh thần quả cảm và giành lại được điểm cao 772, 685, nhưng cái giá phải trả là hơn 600 người lính thuộc Sư đoàn đã mãi mãi nằm xuống nơi biên cương Tổ quốc lúc rạng sáng ngày 12 tháng 7 năm 1984. Máu của các anh đã đổ, thân thể của các anh nằm lại Vị Xuyên để cho Vị Xuyên và người Vị Xuyên hôm nay, để cho dân tộc Việt Nam và người dân Việt Nam hôm nay.

Lịch sử ngày nay chỉ có thể tái hiện một phần nào đó tính chất ác liệt của trận đánh, chỉ có thể khái quát trận đánh và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ bằng các sự kiện, bằng các thông số thống kê,…nhưng không thể nào có thể tái hiện được hết lòng dũng cảm, ý chí ngoan cường, tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các chiến sĩ Vị Xuyên và của cả dân tộc Việt Nam - các anh là sự tiếp nối và viết tiếp những trang sử đầy niềm kiêu hãnh và sự tự hào dân tộc của các thế hệ đi trước. Tinh thần đó mãi mãi ghi tạc vào lịch sử dân tộc, mãi là niềm tự hào, là “chất nhựa sống” cho các thế hệ người dân Việt Nam, đặc biệt là các thế hệ trẻ.

Để tưởng nhớ đến tinh thần chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Vị Xuyên, ngày 12 tháng 7 hàng năm được coi như ngày “giỗ chung của các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến - giỗ trận” của những người lính trên mặt trận Vị Xuyên. Hàng năm, cứ đến ngày “giỗ trận” ngày 12 tháng 7, những người lính Vị Xuyên năm xưa lại tề tựu về nghĩa trang Vị Xuyên, hát vang câu hát gửi đến đồng đội.

Mỗi người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, có người có cơ hội được đến Vị Xuyên để thắp cho các anh nén hương tưởng nhớ, nhưng cũng có những người không có điều kiện, tuy nhiên dù đến được hay không đến được, mỗi người dân Việt Nam ngày nay phải ghi tạc chiến công của các anh và không bao giờ được quên sự hy sinh của các anh cũng như không bao giờ được quên những gì kẻ thù đã gieo rắc nợ máu trên mảnh đất Việt Nam.     

Đã 40 năm trôi qua, nhưng những người dân Việt Nam mãi không thể quên sự dũng cảm chiến đấu và hy sinh của các chiến sĩ trận Vị Xuyên và càng không thể nào quên được sự hy sinh của hàng triệu người con Việt Nam cho nền độc lập tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân.

          Sự hy sinh của các anh mãi là “ngọn đuốc rực cháy” cho các thế hệ mai sau về khát vọng độc lập dân tộc, về khát vọng tự do, về khát vọng xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh hạnh phúc. Để thực hiện được mục tiêu đó, mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ-tương lai của đất nước hãy ghi nhớ đến sự hy sinh của các chiến sĩ, sự hy sinh của hàng triệu đồng bào như là “một bức phù điêu khắc ghi bằng máu của cả dân tộc và không bao giờ phai mờ với thời gian” trong hành trình của mỗi người và để tiếp tục là hành trang trên con đường của Thanh niên “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” để đưa dân tộc Việt Nam vững bước đi đến tương lai./.