Xuất bản thông tin

null Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban công tác quản lý nhà nước quý II/2023

Chi tiết bài viết Tin tức

Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban công tác quản lý nhà nước quý II/2023

Sáng ngày 12/6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý II/2023 tại 66 điểm cầu trong cả nước. Tham dự hội nghị có Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Thông tin và Truyền thông 63 tỉnh, thành. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị. Tại Đồng Tháp, điểm cầu trực tuyến tại Hội trường Sở Thông tin và Truyền thông với sự tham dự của Ban Giám đốc Sở, Lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở.

 

Theo báo cáo đánh giá của Bộ, quý 2/2023 ngành thông tin và truyền thông đạt kết quả nổi bật trong nhiều lĩnh vực, hầu hết các số liệu, chỉ tiêu đều tăng trưởng khá. Số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 101,12 triệu thuê bao (tăng 8,7% so với cùng kỳ); tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 77,1% (tăng 5,7% so với cùng kỳ); số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 3,9 triệu khách hàng (trong đó khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa chiếm 69%); thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 17.7 triệu thuê bao (tăng 6% so với cùng kỳ).

Về chuyển đổi số, năm 2023 Bộ triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia” với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”. Cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, các ngành, địa phương trong cả nước tích cực thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực. 100% Bộ, ngành và địa phương ban hành Kế hoạch/Đề án về chuyển đổi số; xây dựng, cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử 2.0; kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số. 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 74.422 Tổ Công nghệ số cộng đồng với hơn 348.000 thành viên. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện cung cấp toàn trình85,13% (đạt 100% kế hoạch năm), trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 52,48%; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình 34,80%.

Cả nước hiện có 808 cơ quan báo chí (138 báo; 670 tạp chí);  9.959 đài truyền thanh cấp xã/10.598 xã, phường, thị trấn (trong đó có 1.757 đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT). Quý 2/2023, Bộ đã thành lập và cho ra mắt Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra Bộ cũng cho ra mắt Nền tảng quảng bá Việt Nam bằng nhiều thứ tiếng (tại địa chỉ https://vietnam.vn), tổng hợp thông tin từ trên 100 cơ quan báo chí lớn, 63 cổng thông tin của các tỉnh, thành phố và nguồn dữ liệu của nhiều tổ chức, doanh nghiệp,… nhằm cập nhật, cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, đa chiều về Việt Nam.

Kết thúc hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn toàn ngành thông tin và truyền thông sẽ tập trung các giải pháp thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ hơn nữa chính phủ điện tử để hướng đến chính phủ số, trong đó tập trung các lĩnh vực: quản trị số, chính quyền số, kinh tế số, hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, an toàn số, đô thị thông minh, nâng cao tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đồng thời tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ ban hành.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          NTT