Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 01 năm 2024

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 01 năm 2024

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Gìn giữ, phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng" của PGS. TS Đặng Quang Định, Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đăng trên Tạp chí Cộng sản, mục Chính trị xây dựng Đảng.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở, nền tảng quan trọng trong phát huy toàn diện sức mạnh trí tuệ, sự sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, là động lực lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống đại đoàn kết vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng là nhiệm vụ lớn lao và vinh quang của toàn thể cán bộ, nhân dân, của toàn hệ thống chính trị.

Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

"Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam". Hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã khẳng định, khi đất nước đứng trước tình thế, hoàn cảnh gian lao, thử thách mang tính bước ngoặt, "nếu biết khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thì con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ vượt qua mọi thác ghềnh, phong ba bão táp, để cập bến bờ vinh quang".

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương xuyên suốt, thống nhất của Đảng ta, được thể hiện trực tiếp trong nội dung nhiều văn kiện, nghị quyết, quyết định, chỉ thị qua các thời kỳ cách mạng. Trong giai đoạn mới, Đảng ta xác định: "Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc". Nhìn chung, việc phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được biểu hiện trực tiếp, cụ thể như sau:

Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Theo đó, yếu tố "quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc là tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". Nâng cao chất lượng, hiệu quả, hình thành nền nếp trong triển khai các quy định về tổ chức và hoạt động của Đảng, như Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Hai là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước"; đồng thời, nhấn mạnh mọi chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và "lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu". Mặt khác, Nhà nước phải không ngừng "cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân" và luôn vì mục tiêu "phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn".

Ba là, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa phương thức vận động quần chúng, coi trọng các phong trào thực tiễn, hạn chế việc ra nhiều nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo điều hành chung chung; phương thức vận động các giai tầng trong xã hội, đặc biệt là đối với đồng bào theo tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số và người Việt Nam ở nước ngoài được đổi mới; chủ động nghiên cứu, xây dựng, đề xuất chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài để thu hút, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Về phát huy vai trò nòng cốt, quyết định của quần chúng nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung, giải pháp nhằm nâng cao vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cụ thể:

Một là, xác định rõ hơn vị trí, vai trò, bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay. Mặt khác, phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong bối cảnh chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hay tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay.

Hai là, phát huy vai trò, năng lực của đội ngũ trí thức; tập trung đầu tư giáo dục để hình thành đội ngũ trí thức đủ tâm, đủ tầm, có bản lĩnh,... góp phần thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tạo chuyển biến tích cực trong tư duy phát triển và quản trị quốc gia. Cần ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định mới về chế độ, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nhằm thu hút, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong bối cảnh mới; đẩy mạnh đầu tư phát triển khoa học - công nghệ hiện đại, phục vụ đổi mới sáng tạo. Phát huy vai trò tư vấn, phản biện, tham mưu chủ trương, chính sách của đội ngũ trí thức.

Ba là, chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam theo tinh thần xây dựng "đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi". Xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn để doanh nhân phát triển.

Bốn là, tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; tạo mọi điều kiện để mỗi cá nhân phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ,... Chăm lo xây dựng, bảo vệ quyền lợi và phát huy vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.

Năm là, bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa các dân tộc, kiên định mục tiêu đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Quan tâm tới tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; phòng, chống tư tưởng kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo", đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Sáu là, khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người dân Việt Nam góp phần để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách nhằm xác lập địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập với xã hội nước sở tại cho người Việt Nam ở nước ngoài; nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự trọng, tự tôn dân tộc; động viên đồng bào hướng về đất nước. Đẩy mạnh vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, trở thành cầu nối giữa Việt Nam với các nước.

Những giải pháp, nhiệm vụ để phát huy hơn nữa vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng đất nước ngày càng giàu, mạnh, văn minh

Thứ nhất, chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nâng cao hiệu quả và tiếp tục đổi mới, chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác dân vận (về con người, nguồn lực, phương tiện,...) để sẵn sàng "đi trước một bước", làm cho nhân dân hiểu, nhân dân tin, nhân dân ủng hộ theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" để ý Đảng luôn hợp lòng dân.

Thứ hai, phát huy tiềm năng, sức mạnh của nhân tố con người, khơi dậy khát vọng, tinh thần và ý chí phát triển, lòng yêu nước, niềm tự hào, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận toàn dân tộc. Chú trọng phát huy giá trị văn hóa, tính tích cực chính trị, năng lực lao động, cống hiến, đổi mới sáng tạo của con người Việt Nam; nâng cao ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người dân trước vận mệnh và tương lai của đất nước.

Thứ ba, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế - xã hội đến chính trị, văn hóa...; xây dựng hình thức thích hợp để nhân dân tham gia ý kiến; tổ chức chu đáo, thiết thực việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, bảo đảm để nhân dân được thẳng thắn bày tỏ ý kiến đóng góp; khuyến khích trao đổi, tranh luận với tinh thần xây dựng về những vấn đề có ý kiến khác nhau. Giải quyết tốt nhiệm vụ kiểm soát trong thực hiện cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ"... Đồng thời, cần khắc phục mọi biểu hiện "vi phạm dân chủ", "coi nhẹ dân chủ" hoặc "dân chủ hình thức"; phát huy dân chủ, đề cao pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong toàn xã hội; tăng cường giám sát, tổng kết thực hiện nghị quyết, chỉ thị.

Thứ tư, giải quyết hài hòa, thống nhất về lợi ích cơ bản, chủ yếu giữa các giai cấp, tầng lớp, giữa các vùng, miền, giữa các dân tộc, tôn giáo nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn xã hội. Lợi ích đó phải được thể hiện qua mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thứ năm, đấu tranh chống các âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị dùng mọi thủ đoạn thâm độc hòng thực hiện âm mưu "chia để trị"; chúng tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng những thủ đoạn, chiêu bài tinh vi, thâm độc hòng phá hoại đất nước ta từ bên trong. Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên kích động nhân dân, thổi phồng, khuếch đại các vấn đề "nhạy cảm" trong xã hội; lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, những yếu kém trong quản lý của các cấp chính quyền ở một số nơi; thực hiện những chiêu trò đánh lạc hướng dư luận... hòng khiến người dân từ nghi ngờ, dẫn đến mất lòng tin vào Đảng, chế độ, làm suy giảm tinh thần cách mạng của nhân dân.

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2023

Ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 5,05%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 68.37 triệu đồng (2.632 USD); thu ngân sách Nhà nước ước đạt 8.151 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 22.721.541 triệu đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 126.169 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.627 triệu USD; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 775.914 ngàn USD.

Toàn Tỉnh có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao và 5 sao; trong đó, có 275 sản phẩm đạt 3 sao, 81 sản phẩm đạt 4 sao và 01 sản phẩm đạt 5 sao (Hạt Sen sấy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nam Huy Đồng Tháp); có 114/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 34 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 03 thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (Sa Đéc, Cao Lãnh và Hồng Ngự), 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung và Châu Thành). Hiện nay, có 235 hợp tác xã 145 hội quán với 7.583 thành viên, có 35 Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập từ mô hình hội quán. Triển khai thực hiện hỗ trợ đưa 110 lượt lao động trẻ về làm việc tại 75 tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã (65 hợp tác xã nông nghiệp, 08 hợp tác xã phi nông nghiệp, 02 tổ hợp tác) với tổng số tiền hơn 7.79 tỷ đồng.

Kịp thời hỗ trợ người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em nghèo trong dịp lễ, tết với số tiền hơn 20.85 tỷ đồng; trong dịp Tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ thăm tặng quà cho 94.000 lượt người có công với cách mạng, gia đình người có công với cách mạng được nhận quà, với số tiền trên 36.6 tỷ đồng; có 38.491 lao động được giải quyết việc làm, 2.007 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, lao động trúng tuyển chờ xuất cảnh là 1.345 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,4%, trong đó lao động được đào tạo nghề đạt 54,2%; đón và phục vụ trên 4 triệu lượt khách tham quan với tổng doanh thu đạt trên 1.900 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,52%; tỷ lệ dân cư tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,32%.

2. Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính

Ngày 18/12/2023, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Công văn số 43/UBND-HCC về triển khai thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, yêu cầu các sở, Thanh tra Tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; theo dõi sát, kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm gây tốn kém chi phí, thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp; nghiêm cấm việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa hoặc chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo đúng quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

3. Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy

Ngày 22/12/2023, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Công văn số 485/UBND-NCPC về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy nhằm thực hiện Thông báo số 475/TB-VPCP ngày 18/11/2023 của Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh và Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; khẩn trương tổ chức khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ qua kiểm tra trong thời gian qua. Công an Tỉnh thực hiện nghiêm quy trình, quy định về công tác thẩm duyệt, thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên tinh thần công khai, minh bạch không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; nghiêm cấm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong công tác này; phối hợp Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức tổng rà soát, kiểm tra về công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, theo đó:

Tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới; phát huy vai trò của các giai tầng xã hội; khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh về số lượng và chất lượng; có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, thích ứng với sản xuất công nghiệp hiện đại; có bản lĩnh chính trị vững vàng, giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc.

Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, tự chủ, tự lực, tự cường và có ý chí, khát vọng vươn lên; có trình độ và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; có trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.

Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có cơ cấu hợp lý, chất lượng cao; là nhân tố quan trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế; có vai trò quan trọng trong liên minh với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng; có trí tuệ, năng lực quản lý, năng động, sáng tạo, có đạo đức và văn hoá kinh doanh, tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội, đóng góp tích cực vào xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, phát huy nội lực, vươn lên cùng phát triển. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định, thực hiện chính sách dân tộc.

2. Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội có chất lượng

Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/ 2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, nêu rõ:

Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và tạo cơ hội học tập suốt đời. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hội nhập, bảo đảm điều kiện tiếp cận và chăm sóc sức khoẻ cho mọi người dân hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân. Chú trọng phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ em; khám sức khoẻ định kỳ cho nhân dân; quản lý các bệnh mạn tính đối với người cao tuổi.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, di sản văn hóa dân tộc, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt là nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi tập trung đông người lao động...

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Một số kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 - 13/12/2023.

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (2008 - 2023); là sự nối tiếp các hoạt động giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước từ sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 01/11/2022); khẳng định sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả Việt Nam và Trung Quốc đối với việc củng cố, phát triển quan hệ ổn định, vững chắc, bền vững, vì lợi ích chung của hai nước. Hai bên đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Hai bên ra Tuyên bố chung về tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Nội dung Tuyên bố chung nhấn mạnh: Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Phía Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hai bên xác định rõ các phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước là: Tăng cường trao đổi chiến lược, kiên trì đối xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị; hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

2. Dấu ấn Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền năm 2023

Trong năm 2023, trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025, Việt Nam đã có 6 sáng kiến nổi bật tại cả 3 Khóa họp thường kỳ lần thứ 52, 53, 54 của Hội đồng Nhân quyền, nhận được sự tham gia ủng hộ, đồng bảo trợ của đông đảo các nước, tổ chức quốc tế. Đáng chú ý là Phái đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực trong Nhóm 3 nước (Troika) hỗ trợ việc xem xét Báo cáo quốc gia của một số nước tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR).

Trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, cương vị thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền. Phái đoàn Việt Nam tại Geneva sẽ tiếp tục tích cực tham gia các Khóa họp định kỳ của Hội đồng Nhân quyền, chú trọng triển khai một số sáng kiến hợp tác thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, trong đó sẽ chủ trì xây dựng và thương lượng dự thảo Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người tại Khóa họp tháng 6/2024.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp