Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số

Chi tiết bài viết Tin tức

Đồng Tháp xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số

Đây là 03 trụ cột chính của Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh ban hành Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh chọn ngày 10/10 hằng năm làm ngày Chuyển đổi số và đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp.

Đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu nằm trong top 25 và đến năm 2030 nằm trong top 20 tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số tốt nhất của cả nước.

Về chính quyền số, đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 như: Hoàn thành việc xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu nội bộ LGSP, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia NDXP; hoàn thành việc nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành đến 100% cơ quan hành chính, đơn vị; triển khai đồng bộ hệ thống thông tin báo cáo cho cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đồng bộ với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Ngoài ra, đang thí điểm triển khai phòng họp không giấy tại huyện Tháp Mười, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

8 tháng đầu năm, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã tiếp nhận 485.931 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm hạn và đúng hạn đạt 98,23%. Trong đó, có 74.895 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến mức độ 4 (đạt tỷ lệ 93,5%) và 6.902 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 (đạt tỷ lệ 89,8%). Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành tiếp nhận gần 01 triệu văn bản đến, phát hành 280.669 văn bản qua môi trường mạng; tiếp nhận và xử lý 3.938 ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp qua tổng đài 1022.

Tỉnh đã tổ chức khai trương và đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh với việc ứng dụng các công nghệ phù hợp với xu hướng hiện đại như AI, IoT, Big Data v.v. phục vụ theo dõi giám sát 15 lĩnh vực ở cả 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Về phát triển kinh tế số, doanh thu công nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 917 tỷ đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Công ty Cổ Phần RYNAN Technologies Vietnam triển khai thử nghiệm nền tảng chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Sở Thông tin và Truyền thông triển khai tập huấn, hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp, sản phẩm OCOP về kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký tên miền, xây dựng website; tạo tài khoản, gian hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, từng bước chuyển đổi các kênh bán hàng truyền thống sang trực tuyến.

Để phát triển xã hội số, tỉnh đã xây dựng và ban hành Đề án thí điểm thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng, theo đó mỗi huyện sẽ lựa chọn 01 khóm, ấp để thành lập, sau 02 năm thí điểm, nếu mô hình thành công sẽ tổ chức nhân rộng đến 100% khóm, ấp trên địa bàn tỉnh.     Bên cạnh việc thành lập các Tổ Công nghệ số cộng đồng, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã ký kết chương trình phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn và tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Ngày 10/10, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị công bố Ngày chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp và Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp, trong đó có Đề án Chuyển đổi số ở 03 lĩnh vực lớn: Nông nghiệp, Giáo dục và Y tế; đồng thời ra mắt nền tảng chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp./.

Nguồn:https://dongthap.gov.vn/