Xuất bản thông tin

null Nâng cao chất lượng và tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn từ những qui định của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022

Chi tiết bài viết Bài viết

Nâng cao chất lượng và tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn từ những qui định của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022

ThS. Nguyễn Quốc Bình

Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật

Ở Việt Nam, ngay từ khi thành lập nước, tự do dân chủ đã trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu, là mục tiêu phấn đấu của nhà nước cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”; “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Là lực lượng lãnh đạo cách mạng, Đảng ta qua các kỳ Đại hội cũng có quan điểm ngày càng rõ ràng về xây dựng nền dân chủ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”. Việc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” giờ đây không chỉ là phương châm, mục tiêu của Đảng mà còn là động lực để phát huy nguồn lực từ Nhân dân, khơi dậy sức mạnh toàn dân, góp phần xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa vì Nhân dân.

1.Thành tựu đạt được trong việc triển khai pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua.

Nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được xác lập; các nội dung, quy trình, hình thức thực hiện dân chủ cơ sở từng bước được thể chế hóa, đảm bảo cho các thành viên trong cơ quan, đơn vị ở cơ sở và người lao động được biết, được tham gia, được quyết định và được giám sát, kiểm tra trên cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật.

Việc triển khai thực hiện đòng bộ dân chủ trong hoạt động ở các cơ quan, đơn vị ở cơ sở đã làm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, có ý thức rèn luyện phấn đấu trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có lối sống lành mạnh và trung thực; phát huy tinh thần dân chủ trong hoạt động, công tác, tích cực tham gia ý kiến về những việc cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được quyền tham gia ý kiến. Từ đó từng thành viên trong cơ quan, đơn vị ở cơ sở ngừng rèn luyện để nâng cao năng lực chuyên môn và điều chỉnh lề lối làm việc theo hướng công khai, dân chủ. Thông qua việc thực hiện các qui định về dân chủ ở cơ sở cho thấy không khí trong cơ quan, đơn vị đồng thuận, đoàn kết, cùng quyết chí trong hành động. Đồng thời còn góp phần phòng ngừa và hạn chế các mâu thuẫn, khiếu nại; ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, giúp các cơ quan, đơn vị hoạt động ổn định và hiệu quả.

2. Hạn chế và vướng mắc khi tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở trước khi ban hành Luật thực hiện dân chủ năm 2022.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được thì trong thực tế vẫn còn những hạn chế, khó khăn và vướng mắc khi tổ chức thực hiện các qui định pháp luật dân chủ ở cơ sở trước ngày Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực.

* Về những hạn chế.

Một là, hoạt động tuyên truyền, phổ biến các qui định về thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa thường xuyên, liên tục, chưa có hình thức hiệu quả nhằm quán triệt thể hiện tính sâu rộng đến từng thành viên trong cơ quan, đơn vị và người lao động.

Hai là, vẫn còn hiện tượng cho rằng việc thực hiện dân chủ là trách nhiệm của những người lãng đạo, người có chức quyền. Nên không ít công chức, viên chức, người lao động chưa chú trọng quan tâm và nhận thức đúng đắn về việc thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị của mình là quyền và nghĩa vụ của từng công chức, viên chức, từng người lao động.

Ba là, thiếu sự nghiên cứu vận dụng sáng tạo các nội dung của Quy chế vào tình hình, đặc điểm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị.

Bốn là, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở chưa được phát huy, phương pháp hoạt động còn nhiều lúng túng, nội dung hoạt động còn chung chung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Năm là, trong cơ quan, đơn vị việc tham gia ý kiến của công chức, viên chức và người lao động vào các quy định, quy chế có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình chưa được chủ động, còn tâm lý ngại va chạm.

Sáu là, nội dung tham gia của Nhân dân vào các hoạt động của chính quyền cơ sở và của các cấp chính quyền, đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành các quyết định hành chính còn hạn chế, dẫn đến thực tiễn vừa qua có nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện đối với các quyết định hành chính của chính quyền cấp xã.

* Về khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thứ nhất, qui định về hình thức niêm yết, công khai trong Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 (Pháp lệnh 34) ngày 20 tháng 4 năm 2007 còn đơn giản, không còn phù hợp trong điều kiện khoa học – kỹ thuật tiến bộ và điều kiện phát triển của đất nước hiện nay.

Thứ hai, trách nhiệm và các biện pháp cụ thể xử lý khi có vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn chưa được quy định tại Pháp lệnh số 34.

Thứ ba, Pháp lệnh số 34 chưa quy định rõ trách nhiệm và chưa cụ thể nội dung phối hợp của cơ quan nhà nước ở địa phương với cơ quan nhà nước cấp trên trong việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thẩm quyền theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên đối với việc thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn chưa được quy định.

Thứ tư, không có qui định về nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo của cấp trên và Quy định về mối quan hệ của Hội Đồng nhân dân, Ủy Ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với Hội Đồng nhân dân, Ủy Ban nhân dân huyện, cấp tỉnh. (hiện tại Pháp lệnh số 34 chỉ giao cho Hội Đồng nhân dân, Ủy Ban nhân dân xã, phường, thị trấn triển khai và chịu trách nhiệm chính để thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn).

Thứ năm, Pháp lệnh số 34 còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực thi dân chủ, dẫn đến các quy định của Pháp lệnh còn chưa bảo đảm tính khả thi, nhiều quy định còn chung chung nên khó thực hiện.

Thứ sáu, chưa có qui định chế tài để xử lý những tập thể, cá nhân lợi dụng dân chủ gây mất ổn định an ninh chính trị ở cơ sở và trường hợp không công khai các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhằm trục lợi cá nhân…

Thứ bảy, việc quy định các nội dung cơ quan hành chính nhà nước phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức được biết còn khoảng cách so với các quy định của Luật tiếp cận thông tin; các nội dung công khai còn chung chung chưa cụ thể dẫn đến việc triển khai thực hiện còn hình thức (Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập).

Thứ tám, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP chưa quy định cụ thể quy trình để cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến và việc tiếp thu các ý kiến của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

2. Những qui định mới trong Luật Dân chủ ở cơ sở năm 2022 nhằm tháo gỡ những vướng mắc và nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công bộc của Nhân dân, có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước; phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu Nhân dân. Ngày 10 tháng 11 năm 2022, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, tại kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật thực hiện dân chủ ở cở, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 thay thế Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết số 55/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 30 tháng 8 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan.

Cụ thể:

Luật Dân chủ ở cơ sở được cơ cấu 6 chương với tổng số 91 Điều, Luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Về những nội dung cơ bản: Tại Chương 1: những quy định chung, Luật quy định phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ (cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở, cộng đồng dân cư, tổ chức có sử dụng lao động), nguyên tắc, phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng của Nhân dân, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn: tại Chương 2, Luật quy định về việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn. Những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai; hình thức và thời điểm công khai thông tin; trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin. Quy định về những nội dung, hình thức Nhân dân bàn và quyết định, Nhân dân tham gia ý kiến, Nhân dân kiểm tra, giám sát; trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc tổ chức bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư, trong việc tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến. Quy định các nội dung cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

- Về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị: tại Chương 3, Luật quy định về công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị; về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định; tham gia ý kiến và kiểm tra, giám sát. Theo đó, đối với mỗi nhóm nội dung hoạt động bàn và quyết định hay tham gia ý kiến hay kiểm tra, giám sát, Luật đều quy định rõ về những nội dung, hình thức, cách thức tổ chức, trách nhiệm trong việc tổ chức để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn, quyết định, đóng góp ý kiến và kiểm tra giám sát. Tại cơ quan, đơn vị, Luật có quy định về thành lập và những nội dung cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị.

- Về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động: quy định tại Chương 4, Luật quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, với tính chất đặc thù của doanh nghiệp nhà nước là loại hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định của pháp luật, do vậy Luật quy định theo hướng cụ thể, chặt chẽ về việc thực hiện dân chủ ở loại hình doanh nghiệp này. Luật quy định về công khai thông tin ở doanh nghiệp nhà nước trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức, thời điểm công khai thông tin và trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin. Quy định cụ thể nội dung, hình thức người lao động bàn và quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát. Việc tổ chức hội nghị người lao động, trách nhiệm trong việc tổ chức để người lao động bàn, quyết định, tham gia ý kiến. Luật cũng quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước và trách nhiệm trong việc bảo đảm để người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát.

- Về thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước: Luật quy định theo hướng khái quát và viện dẫn áp dụng pháp luật, đồng thời thực hiện các quy định của pháp luật lao động về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc và quy định khác của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước, khoản 2 Điều 82 quy định tùy theo đặc điểm, tính chất tổ chức, hoạt động và điều kiện thực tế, doanh nghiệp, tổ chức khác này được quyền lựa chọn áp dụng các quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước theo 6 quy định của Luật và thông báo đến tổ chức Công đoàn của doanh nghiệp và công khai nội dung áp dụng này.

Tóm lại, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đánh dấu bước tiến bộ mới, thể hiện sự quyết tâm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước. Xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Bên cạnh đó, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở còn giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở thời gian qua đặc biệt là ở xã, phường, thị trấn. Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật. Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật. Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

------

- Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.

- Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007.

- Nghị định số 59/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 8 năm 2023 qui định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.

- Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

- Nghị định số 145/2020/ NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020 qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động – Mục 2, Chương V.