Asset Publisher

null Sự hòa quyện giữa truyền thống yêu nước và tín ngưỡng dân gian qua Lễ tưởng niệm Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều

Post details Tin tức

Sự hòa quyện giữa truyền thống yêu nước và tín ngưỡng dân gian qua Lễ tưởng niệm Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều

Đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp những ngày giữa tháng 11 âm lịch, du khách sẽ được tham dự lễ hội dân gian mang nét độc đáo riêng của vùng Đồng Tháp Mười. Đó chính là Lễ tưởng niệm hai vị anh hùng Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Lễ hội là dịp để thành kính dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ sự tri ân và tôn vinh hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại chính nơi từng là “Đại bản doanh” chiến đấu của hai vị anh hùng dân tộc.

1. Từ lịch sử tới lễ hội truyền thống

Ngược dòng thời gian trở về những năm 1864 - 1866, Đồng Tháp Mười với trái tim là Gò Tháp đã nổi lên như là ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của Nhân dân ta ở Nam Bộ dưới ngọn cờ của Thiên hộ Võ Duy Dương. Với tài trí thao lược của mình cùng với sự giúp sức đắc lực của Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và lãnh binh Nguyễn Văn Cẩn, lãnh binh Trần Trọng Khiêm cùng các tướng lĩnh, Thiên hộ Võ Duy Dương đã nhanh chóng xây dựng căn cứ Gò Tháp trở thành một “đại bản doanh” của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, nêu cao truyền thống kiên trung bất khuất, chống giặc giữ nước của Nhân dân Nam Bộ, tiếp nối tinh thần chống ngoại xâm sau khi Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định tuẫn tiết.

Để bảo vệ Đại bản doanh Gò Tháp, ở vòng ngoài có đồn Hữu và đồn Tả, đồn Tiền nằm trên các con đường dẫn vào Đại đồn Gò Tháp. Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều được Võ Duy Dương phân công chỉ huy đồn Tả, chịu trách nhiệm ngăn giặc không cho quân Pháp tiến vào Đại đồn Gò Tháp từ phía Cai Lậy, Cái Bè tiến vào đại bản doanh Gò Tháp.

Đến giữa năm 1865, khi thế và lực của nghĩa quân đủ mạnh, Thiên hộ Võ Duy Dương bắt đầu tấn công quân Pháp trên nhiều mặt trận, gây cho giặc nhiều thiệt hại nặng nề. Đặc biệt là trận Mỹ Trà diễn ra vào đêm 21 rạng ngày 22-7-1865, nghĩa quân đã tấn công triệt hạ đồn Mỹ Trà, đốt nhà việc Mỹ Trà sau đó rút về đại bản doanh Gò Tháp.

Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, tháng 4 năm 1866, Thống đốc Nam kỳ De Lagrandière cho tập trung quân tấn công vào căn cứ Đồng Tháp Mười. Sau gần mười ngày chiến đấu với quân Pháp, nghĩa quân của Thiên hộ Võ Duy Dương đã mất một số tiền đồn, quân Pháp cũng bị tiêu hao một số lớn binh lính. Riêng ở đồn Tả, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều cùng nghĩa quân chống trả quyết liệt, đẩy lùi được nhiều đợt tấn công của địch. Trong một trận đánh với địch, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều trực tiếp lên đài chỉ huy nghĩa quân chống giặc, chẳng may ông bị địch bắn trọng thương, nghĩa quân đã đưa ông về điều trị tại gò Giồng Dung (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An ngày nay) nhưng do vết thương quá nặng cùng với việc đau buồn vì căn cứ chống Pháp bị mất, ông đã qua đời trong năm 1866. Để bảo tồn lực lượng, Thiên hộ Võ Duy Dương ra lệnh bỏ đại đồn Tháp Mười, rút lui về biên giới Đại Nam – Cao Miên. Tại đây, ông liên kết với nghĩa quân của Trương Quyền và nghĩa quân Campuchia Pucompo, tấn công đồn Tây Ninh gây cho giặc một số thiệt hại đáng kể. Tháng 11, Thiên hộ Võ Duy Dương vượt biển về Kinh, đến cửa Thần Mẫu (Cần Giờ), bất ngờ gặp nạn và qua đời.

2. Lễ hội truyền thống không ngừng được kế thừa và lan tỏa

Để tỏ lòng tôn kính và khâm phục trước sự hy sinh của hai vị anh hùng dân tộc, Nhân dân vùng Gò Tháp đã lập đền thờ và tổ chức lễ tưởng niệm hằng năm. Từ đây, tín ngưỡng thờ hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều ở Gò Tháp đã hình thành và lan tỏa ra khắp vùng Đồng Tháp Mười, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa xã hội của cư dân vùng này. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng này vẫn sống trong lòng người dân Đồng Tháp Mười, không ngừng mở rộng lan tỏa vào đời sống Nhân dân Nam bộ. Trong thời kỳ chiến tranh, Nhân dân địa phương vẫn duy trì tổ chức Lễ tưởng niệm hai vị anh hùng Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều định kỳ, chứng tỏ tình cảm đặc biệt của Nhân dân đối với hai vị anh hùng, qua đó, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Sau ngày Thống nhất đất nước, Lễ tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Khu di tích quốc gia đặc biệt được nâng tầm về quy mô, đổi mới về nội dung, hình thức nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Lễ tưởng niệm đã trở thành lễ hội truyền thống tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, có ý nghĩa như cột mốc văn hóa, khẳng định lòng yêu nước, tự hào về truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Cùng với các di sản văn hóa khảo cổ, Lễ tưởng niệm là sản phẩm văn hóa truyền thống của Nhân dân tỉnh Đồng Tháp nói riêng và là tài nguyên văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung. Yếu tố văn hóa truyền thống yêu nước hòa quyện với yếu tố văn hóa tín ngưỡng dân gian đã tạo nên sự đặc biệt của lễ hội, phù hợp với đặc tính văn hóa của đại đa số người dân lao động ở Nam Bộ, tác động đến đời sống tinh thần của người dân, tạo nên sức thu hút mạnh mẽ của lễ hội. Sự đặc biệt này đã tạo nên sức sống mãnh liệt và lan tỏa sâu rộng từ Đồng Tháp Mười ra khắp Nam Bộ. Vào những ngày lễ hội, đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp trở nên rộn ràng, náo nhiệt. Khách thập phương nối gót nhau đến đền viếng hai vị anh hùng, thắp hương, tưởng nhớ, tri ân hai vị anh hùng.

Bên cạnh đó, nét độc đáo mỗi khi nói đến Lễ tưởng niệm hàng năm là sự chia sẻ, đồng hành của bà con khắp nơi từ vật chất đến công sức. Tất cả vì thành công của Lễ hội với một lòng hướng về vị anh hùng của dân tộc. Lễ hội diễn ra trong dài 03 ngày, từ ngày 14 đến 16 tháng 11 âm lịch, thế nhưng, nhiều người đã đến đền thờ của hai vị anh hùng, Miếu Bà Chúa Xứ và chùa Tháp Linh trước đó hơn tuần lễ. Ai cũng mong muốn hòa vào không khí trang trọng, thiêng liêng của phần lễ; sự náo nhiệt, vui tươi của phần hội bằng tất cả lòng biết ơn, sự tôn kính đối với vị anh hùng đã hy sinh thân mình cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Bằng nhiều hình thức khác nhau, người đi hội từ khắp nơi mang về sản vật mà họ có để thể hiện tấm lòng đối với hai vị anh hùng như: Tài vật, rau củ, quả, gạo, đường… tình nguyện, thay nhau dọn dẹp, chế biến, tiếp đãi miễn phí cơm chay, nước uống mỗi ngày cho hàng trăm ngàn du khách đến viếng hai vị anh hùng trong Lễ tưởng niệm với tinh thần trách nhiệm, tự giác, tự nguyện và hăng hái. Lễ tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Gò Tháp đã trở thành là một lễ hội truyền thống độc đáo của khu vực mang tính cộng đồng rất cao, người đi lễ hội đến chiêm bái bằng cái tâm, tự hào về truyền thống của hai vị anh hùng rồi cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng hưởng thụ những thành quả lao động mà mình đã góp phần trong lễ hội, tạo nên sự cố kết chặt chẽ tất cả những thành phần tham gia lễ hội. Đến với lễ hội, chúng ta cảm nhận được không khí thiêng liêng mà gần gũi, quen thuộc bởi lễ hội luôn được tổ chức trang trọng, thành kính trên cơ sở những nghi lễ truyền thống dân gian nhưng lại mang ý nghĩa giáo dục tư tưởng, tình cảm một cách thiết thực; là dịp để chúng ta tưởng nhớ, ghi ơn và tự hào với sự hy sinh của hai vị anh hùng dân tộc Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và Thiên hộ Võ Duy Dương đối với trang sử vàng son chống ngoại xâm giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh các giá trị về lịch sử và văn hóa, Lễ tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều còn là tài nguyên nhân văn có giá trị rất lớn để khai thác phát triển du lịch văn hóa tâm linh, thu hút du khách khắp nơi về tham dự; là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, truyền tải những thông điệp về lòng yêu nước, giữ nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của người Nam Bộ. Chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp mong muốn thông qua Lễ tưởng niệm và hình ảnh của hai vị anh hùng để giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của Nhân dân Đồng Tháp và giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam chung thủy sắt son, đoàn kết một lòng bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Để từng bước nâng tầm và phát huy giá trị Lễ tưởng niệm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp đang lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ tưởng niệm Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Một số hình ảnh kèm theo

Quang cảnh Lễ tưởng niệm tại đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương

Dâng hương tưởng niệm Thiên hộ Võ Duy Dương

Lễ cúng Chánh tế Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều

Đông đảo Nhân dân tham dự Lễ tưởng niệm

Hoạt động thiện nguyện trong Lễ tưởng niệm

Trải nghiệm trò chơi dân gian trong Lễ tưởng niệm

Giới thiệu các khu, điểm du lịch của tỉnh Đồng Tháp trong Lễ tưởng niệm

Bài và ảnh: Phùng Quốc Danh