Xuất bản thông tin

null Năm 2023, công nhận ít nhất 02 làng nghề, 01 nghề truyền thống

HỢP TÁC XÃ CHUONG TRINH - DE AN

Năm 2023, công nhận ít nhất 02 làng nghề, 01 nghề truyền thống

Đó là một trong những mục tiêu của Kế hoạch thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2023, do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa ký ban hành.

Ảnh Làng nghề hoa giấy ấp Tân Thuận A - Tân Thuận B, xã Tân Dương, huyện Lai Vung.

Ngoài chỉ tiêu trên, trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh còn đặt ra các mục tiêu: Tiếp tục bảo tồn 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; Phát triển 02 làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch; Phấn đấu có ít nhất 03 sản phẩm làng nghề nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ; 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỷ năng tay nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản theo Kế hoạch số 350/KH-UBND của UBND Tỉnh.

Ngoài ra, trong năm 2023 có 100% các làng nghề được UBND Tỉnh công nhận xây dựng phương án bảo vệ môi trường, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 100% các địa phương có làng nghề được công nhận xây dựng kế hoạch và thực hiện Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Nhiệm vụ và giải pháp cấn tập trung đó là: Tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống; Đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực; Thành lập, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh tại các làng nghề; Phát triển sản phẩm tiêu biểu gắn với phát triển sản phẩm OCOP, du lịch trong xây dựng nông thôn mới; Hỗ trợ xúc tiến thương mại; Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; Bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; Tăng cường quản lý nhà nước đối với làng nghề và huy động nguồn vốn để thực hiện chương trình.

Ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay phát triển khá đa dạng và phong phú, tập trung chủ yếu vào 05 nhóm: Chế biến và bảo quản nông, lâm, thuỷ sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thuỷ tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.

Có khoảng 436.000 lao động tham gia, trong đó lao động thường xuyên là hơn 14.030 người, lao động có tay nghề cao 7.335 người. Tổng doanh thu khoảng 98.961 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 4,7 triệu đồng/người/tháng (theo nhóm ngành nghề). Nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có thu nhập cao nhất, khoảng 08 triệu đồng/lao động/tháng.

Luỹ kế, toàn tỉnh hiện có 39 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã được công nhận theo quy định. Trong đó, có 21 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống với các sản phẩm khá đa dạng như: Đan lát, chế biến lương thực, thực phẩm, trồng hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ v.v. Số lượng các làng nghề có sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghệp là 13/39 làng nghề, chiếm 33,33% tổng số làng nghề được công nhận (vượt so kế hoạch giai đoạn), có 07/39 làng nghề (tỷ lệ 17,9%) có sản phẩm đạt sao OCOP.

Số cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề khoảng 3.278 hộ, với khoảng 7.884 lao động, trong đó 6.600 lao động thường xuyên, chiếm 83,71%. Tổng doanh thu của làng nghề khoảng 226,29 tỷ đồng. Số nghệ nhân trong làng nghề được công nhận là 33 người hoạt động trong lĩnh vực hoa kiểng.

Nguồn: 104/KH-UBND ngày 21/3/2023

Nguyễn Hưng