Xuất bản thông tin

null Thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Chi tiết bài viết CHU TRUONG - CHINH SACH

Thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp vừa có Công văn yêu cầu các Tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (Công văn số 446/ĐTH-TH ngày 08/05/2023)

Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh:

Tổ chức triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ nhân viên (CBNV) tại đơn vị nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Quyết định số 860/QĐ-NHNN để nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tầm quan trọng trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết.

Chủ động cân đối vốn, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chú trọng mở rộng mạng lưới đến khu vực nông thôn, vùng biên giới; tạo điều kiện cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình ở nông thôn tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị liên kết đổi mới sáng tạo, liên ngành, liên vùng và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật.

Tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục cấp vốn tín dụng, cắt giảm những thủ tục trùng lắp, không cần thiết trong các quy trình giải quyết cho vay, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật, thực tiễn hoạt động của lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cũng như hạn chế tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn.

Đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ tiện ích, các phương thức thanh toán điện tử, dịch vụ ngân hàng số một cách an toàn, hiệu quả. Triển khai hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác cách thức sử dụng các phương thức TTKDTM góp phần tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng, phát triển ngân hàng số của khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Đồng Tháp, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Tháp tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong việc cho vay phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn; cung cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng cho vay giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, các chương trình tín dụng chính sách góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương.

Ngày 27/02/2023, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện quan điểm, chủ trương và giải pháp tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; xây dựng nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, năng suất cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ và năng lực làm chủ của người dân, để nông dân và người dân nông thôn thực sự là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông thôn toàn diện với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản và có chất lượng; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh v.v..

Nguyễn Hưng