Xuất bản thông tin

null Ánh sáng của người khiếm thị

Chi tiết bài viết SD_TINTUC

Ánh sáng của người khiếm thị

Dù sinh ra với cơ thể kém may mắn khi không thấy được ánh sáng, nhưng những hoàn cảnh khiếm thị lại không ngừng nỗ lực phấn đấu để không trở thành gánh nặng của xã hội. Từ trong bóng tối, bằng niềm tin và nghị lực vươn lên, Điểm massage khiếm thị ở phường 2, thành phố Sa Đéc của chị Lê Thị Bích Tuyền (sinh năm 1982) hoạt động khoảng 1 năm qua trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người, giúp người khiếm thị có thể sống bằng sức lao động của chính mình, vươn lên trong cuộc sống và giúp người đồng cảnh ngộ có việc làm ổn định.

Không may mắn khi căn bệnh ban lúc 3 tuổi đã lấy đi ánh sáng của đôi mắt, chị Lê Thị Bích Tuyền, quê ở Vĩnh Long trải qua tuổi thơ vất vả khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ đi làm mướn, chị Tuyền phải ở nhờ những người thân. Đến năm 2009, một số người bạn giới thiệu chị đi học massage ở thành phố Hồ Chí Minh, sau đó về lại quê bán vé số, gặp nhiều khó khăn khi đi lại và thu nhập, chị Tuyền xin làm massage cho một số điểm dành cho người khiếm thị để tích lũy kinh nghiệm. Năm 2022, chị Tuyền và chồng đến thành phố Sa Đéc thuê địa điểm mở tiệm massage là một căn nhà 2 tầng nằm trên đường Lê Duẩn, khóm 2, phường 2.

Chị Lê Thị Bích Tuyền (áo đỏ) massage và bấm huyệt cho khách

Là người duy nhất không may bị khiếm thị trong 7 anh chị em, từ khi tham gia phụ việc massage cho những khách nam tại cơ sở của chị Bích Tuyền khoảng 4 tháng nay, anh Đoàn Minh Trí, quê ở An Giang phấn khởi cho biết: “Bản thân mình rất vui vì mình tự lo được không phải nhờ vả gia đình, với lại không nhờ xã hội giúp đỡ mình nhiều, mình tự lập cho nên cuộc sống lúc nào cũng thoải mái, tinh thần cũng vui vẻ hơn”.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi chi phí thuê mặt bằng khá cao, lượng khách không ổn định, có ngày chỉ phục vụ một vài khách, nhưng chị Bích Tuyền cùng chồng cố gắng động viên nhau vượt qua để lo cho hai đứa con đang học lớp 12 và mẫu giáo. Tuy vất vả, không thấy được ánh sáng nhưng hai vợ chồng chị cùng phụ tiếp nhau những việc chăm sóc con cái như tắm rửa, đút cơm hàng ngày.

Anh Trương Phú Cường, chồng chị Lê Thị Bích Tuyền cho biết: “Lúc ban đầu qua đây cũng chật vật, hai vợ chồng cũng san sẻ với nhau, cùng động viên cố gắng vượt qua trong giai đoạn này”.

Vốn là một vị khách quen thuộc của cơ sở massage khiếm thị, mỗi tuần, chị Nguyễn Thị Xuân Hoa, khóm 1, phường 2, thành phố Sa Đéc đến cơ sở 3 lần để được xoa bóp, bấm huyệt thư giãn sức khỏe. Chị Nguyễn Thị Xuân Hoa chia sẻ: “Em đến đây nói chung bằng cái tâm nữa, bằng cái tâm thương chị, giúp chị có thêm nguồn thu nhập. Chị Tuyền cũng có nghị lực sống, khi là một người khiếm thị vừa nuôi con, mở ra một cơ sở massage như vậy là quá tốt”.

Bà Nguyễn Thị Kiều Dung – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 2, thành phố Sa Đéc nhận định: “Địa phương cũng tạo điều kiện cho cơ sở massage của chị Tuyền đăng ký tạm trú và đăng ký hành nghề để hoạt động đúng pháp luật. Hội Chữ thập đỏ phường 2 cũng vận động Mạnh thường quân hỗ trợ cho chị các nhu yếu phẩm như gạo, mì, dầu ăn trong giai đoạn đầu mới đi vào hoạt động. Trong thời gian tới Hội Chữ thập đỏ phường 2 cũng tham mưu Ủy ban để chọn cho cơ sở 1 người để vừa làm công tác bảo vệ cơ sở, vừa giữ xe cho khách giúp cho cơ sở an tâm hoạt động”.

Không may mắn khi số phận lấy đi của những người khiếm thị đôi mắt nhưng ngược lại đã bù đắp cho họ đôi bàn tay khéo léo để mang đến những phút thư giãn, xua tan mệt mỏi cho mọi người. Cùng với sự nỗ lực vươn lên, những người khiếm thị cũng rất cần sự chung tay của xã hội để họ vượt qua sự tự ti, mặc cảm và có thêm nghị lực, niềm tin đem đến những điều tốt đẹp cho cuộc đời này. /.

Bài: Trúc Nguyên, Ảnh: Hoài Thảo

Có thể bạn quan tâm