null Chuyển đổi số trong nông nghiệp làm gia tăng giá trị nông sản

Chuyển đổi số trong nông nghiệp làm gia tăng giá trị nông sản

Tư duy kinh tế nông nghiệp thành công hay thất bại ở khâu chế biến tạo giá trị gia tăng và phát triển thị trường nông sản Việt Nam. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021 diễn ra tại TP Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản nhằm đánh giá tổng quan lĩnh vực chế biến và phát triển thị trường nông sản trong bối cảnh mới đan xen nhiều thách thức và cơ hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào tối ưu hóa sản xuất, tài nguyên trong chế biến nông sản của thế giới và hướng tiếp cận với Việt Nam. Áp dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Xây dựng logistic hiện đại tại Việt Nam

TS Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Cơ cấu lại nông nghiệp, tập trung giá trị gia tăng. Tái cơ cấu theo định hướng chú trọng phát triển chế biến sâu, tăng chất lượng sản phẩm, hiệu năng, giảm chi phí, xây dựng thương hiệu, phân phối thị trường tốt. Tạo liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các thành phần tham gia tái cơ cấu nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp - nhà khoa học - Quản lý Nhà nước.

Xác lập tư duy thị trường trong công tác tham mưu, chỉ đạo, quản lý tổ chức sản xuất, chế biến, quản lý chất lượng, thương mại, phân phối tới bàn ăn người tiêu dùng. Tập huấn, đào tạo nông dân, HTX theo xu hướng của thị trường, làm quen với thành công và thất bại của thị trường. Đột phá trong chuyển giao, ứng dụng, phát triển thị trường khoa học công nghệ vào khu vực sơ chế, bảo quản, đóng gói, chế biến sâu nông sản.

Theo ông Toản, trong thời gian tới cần tăng gắn kết, tương hỗ lợi ích giữa doanh nghiệp - hợp tác xã -  nông dân theo chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường. Tăng cường vai trò quản lý nông nghiệp tại địa phương, thiết chế tài chính, bảo hiểm và truyền thông. Đào tạo kinh doanh nông nghiệp trong khởi nghiệp.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là con đường tất yếu gia tăng giá trị. Bên cạnh đó không ngừng đổi mới trong từng công đoạn nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông sản. Giảm chi phí, tăng hiệu năng chuỗi Logistics để phục vụ kinh doanh nông nghiệp. Đề xuất xây dựng hệ thống cung ứng nông sản dựa trên nền tảng logistic hiện đại tại Việt Nam.

TS Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, Phó Chủ tịch HĐKH Nông nghiệp số cho rằng: Khoa học dữ liệu đang thay đổi cách nông dân và các chuyên gia nông nghiệp ra quyết định. Công nghệ hiện đại đã cho phép thu thập dữ liệu đất, nước và khoáng chất từ các trang trại và lưu trữ chúng trong các hệ thống thông tin, và thông qua hệ thống phổ biến hiện nay là Internet of Things (IoT).

IoT đề cập đến ý tưởng kết nối các thiết bị có liên quan với nhau qua mạng Internet để chúng có thể chia sẻ và trao đổi dữ liệu một cách độc lập. Dữ liệu đó có thể được kết hợp với dữ liệu từ các nguồn bên ngoài như vệ tinh, trạm thời tiết và thậm chí dữ liệu từ các trang trại lân cận để tạo thành một khối lượng lớn hơn.

Phân tích dữ liệu có thể được sử dụng với số lượng lớn được tích lũy để có được thông tin mà người nông dân có thể sử dụng để tối ưu hóa việc canh tác của họ. Do đó, nông dân có thể đưa ra các quyết định canh tác thông minh bằng cách sử dụng thông tin đó trong suốt chu kỳ sản xuất, từ lập kế hoạch, trồng trọt, thu hoạch, tất cả các cách để đưa ra thị trường.

Ứng dụng công nghệ số vào tối ưu hóa sản xuất

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch cho rằng, theo thống kê của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc), gần một nửa (45%) sản lượng thu hoạch nông sản của thế giới bị hao hụt trên đường đến tay người tiêu dùng. Nguyên nhân chính là do sâu bệnh hoặc điều kiện bảo quản không tốt, khiến sản phẩm bị thối rữa hoặc hao hụt trọng lượng.

Trong gần một thập niên qua, nền nông nghiệp Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh. Tuy vậy, tồn tại lớn nhất vẫn là mức tổn thất sau thu hoạch còn cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp thấp và còn tiềm ẩn rủi ro về an toàn thực phẩm. Do vậy, định hướng thúc đẩy phát triển công nghiệp bảo quản chế biến nông lâm thủy sản trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu.

Định hướng thúc đẩy phát triển công nghiệp bảo quản chế biến nông lâm thủy sản trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đánh giá chung về thành tựu nghiên cứu ứng dụng trong nước về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông lâm thủy sản, trong hơn 10 năm qua đã có bước tiến triển tích cực, cách tiếp cận nghiên cứu và ứng dụng có tính khoa học phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ của thế giới.

Một số kết quả nghiên cứu ứng dụng nổi bật từ các Viện và các doanh nghiệp tiêu biểu đã tiếp cận gần và ngang với trình độ công nghệ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Tuy vậy, vẫn còn nhiều kết quả nghiên cứu thiếu tính thực tiễn, chưa phù hợp với đối tượng ứng dụng và điều kiện sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.

Nói về trong lĩnh vực nuôi tôm TS Nguyễn Thanh Mỹ, TGĐ Tập đoàn Rynan Technology cho biết: khi tham gia nghiên cứu vào lĩnh vực này Rynan Technology mang đến giải pháp ứng dụng công nghệ số giúp HTX và hộ nuôi tôm canh tác đồng thời cung ứng thực phẩm chế biến từ tôm đến với người tiêu dùng tại thị trường nội địa.

Hiện nay, riêng tại thị trường tôm tiêu thụ nội địa có thể đạt tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD với 121.000 tấn đang bị bỏ quên (nếu tính trên mức tiêu dùng với 4,5 kg cho 26.700.000 hộ gia đình và tăng trưởng 5%/năm).

Tuy vậy, thị trường nội địa còn tình trạng tiêu thụ tôm chất lượng thấp và nhiễm kháng sinh, thiếu quy định và thiếu nghiêm túc trong kiểm tra chất lượng tôm, thiếu thực phẩm chế biến từ tôm với chất lượng cao. Hơn nữa trong quá trình nuôi tôm hiện còn đối mặt nhiều thách thức. Rynan Technology mang đến nhiều giải pháp ứng dụng kỹ thuật giúp hộ dân nuôi tôm thông qua điện thoại thông minh (Smarphone) từ kiểm tra chất lượng nước, kiểm soát mầm bệnh, cách phòng trị bệnh tôm.

Ứng dụng công nghệ số vào tối ưu hóa sản xuất, tài nguyên trong chế biến nông sản của thế giới và đặt ra hướng tiếp cận với Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, chế biến và thị trường là những khâu rất quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến bàn ăn của người tiêu dùng. Có thể nói vai trò quyết định trong kinh tế nông nghiệp nằm tại hai khâu này của nông sản. Theo đó, xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả, an toàn không chỉ có trách nhiệm với 100 triệu dân Viêt Nam mà còn trách nhiệm với đối tác quốc tế nơi nông sản Việt được biết đến.

ngongnghiep.vn

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn