null Mật ong đứng trước nguy cơ bị Mỹ điều tra chống bán phá giá

Mật ong đứng trước nguy cơ bị Mỹ điều tra chống bán phá giá

Mỹ là thị trường chiếm hơn 85% mật ong xuất khẩu nên các doanh nghiệp Việt rất lo lắng về nguy cơ bị Mỹ điều tra chống bán phá giá

Ngày 1-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, cho hay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mật ong đang rất lo lắng về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam.

"Đây là lần đầu tiên ngành mật ong Việt Nam đối diện với vấn đề bị điều tra chống bán phá giá sau nhiều năm tham gia thương mại quốc tế. Điều lo lắng nhất đó là Mỹ đang chiếm thị phần lớn nhất, đến hơn 85% của mật ong Việt Nam; còn lại là các thị trường châu Âu (EU) và một số nước châu Á.

Chúng tôi phải động viên các doanh nghiệp nên xem đây là việc bình thường trong thương mại quốc tế và một số mặt hàng khác của Việt Nam đã gặp phải để chủ động ứng phó. Vừa qua, các doanh nghiệp đã được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tư vấn, hướng dẫn quy trình làm việc với phía Mỹ nhằm có kết quả tốt nhất" – ông Vân thông tin.

Mật ong Việt Nam chủ yếu để xuất khẩu, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất (ảnh minh họa)

Cũng theo lãnh đạo Hội Nuôi ong Việt Nam, tình hình xuất khẩu mật ong với các hợp đồng cũ vẫn bình thường, còn hợp đồng mới thì doanh nghiệp nhập khẩu ở Mỹ đang cân nhắc chờ diễn tiến vụ việc.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), phía nguyên đơn là Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội mật ong Sioux không chỉ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam mà có thêm 4 nước khác gồm: Ấn Độ, Brazil, Argentina, Ukraina.

Thống kê của hải quan Mỹ, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt khoảng 50.700 tấn năm 2020, chiếm khoảng 25,8% tổng lượng nhập khẩu mật ong của nước này.

Theo quy định của Mỹ, DOC sẽ xem xét tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc trong vòng tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện (21-4-2021). Theo thông lệ, DOC sẽ gửi bản câu hỏi Lượng và Giá trị (Quantity and Value Questionnaire) cùng ngày với thông báo khởi xướng vụ việc. Các doanh nghiệp có khoảng 14 ngày để hoàn thành bản câu hỏi. Việc trả lời bản câu hỏi trên là bắt buộc nếu doanh nghiệp không muốn bị áp mức thuế bất hợp tác.

 

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn