资产发布器

null Kết quả sản xuất lâm nghiệp tháng 5 năm 2022

Chi tiết bài viết Tin tức

Kết quả sản xuất lâm nghiệp tháng 5 năm 2022

Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, thường xuyên phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân sự, các đơn vị quản lý rừng trong tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn các hành vi xâm nhập vào rừng khai thác trái phép tài nguyên rừng. Trong tháng, đã tổ chức 271 lượt tuần tra, bảo vệ rừng với 1.071 lượt người tham gia.

I. Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển lâm nghiệp tháng 5 năm 2022

1. Bảo vệ rừng

Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, thường xuyên phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân sự, các đơn vị quản lý rừng trong tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn các hành vi xâm nhập vào rừng khai thác trái phép tài nguyên rừng. Trong tháng, đã tổ chức 271 lượt tuần tra, bảo vệ rừng với 1.071 lượt người tham gia.

Tình hình vi phạm: Trong tháng, xử phạt 37 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Phạt tiền 37 vụ, tổng tiền phạt là 49 triệu đồng.

Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an Tỉnh, các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương huấn luyện, tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ động vật rừng.

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được các chủ rừng quan tâm thực hiện, xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định. Trong tháng, lực lượng kiểm lâm phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an Tỉnh kiểm tra đợt II tại các đơn vị chủ rừng. Qua kiểm tra, các đơn vị chủ rừng đã triển khai thực hiên tốt phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công trực 24/24 giờ tại các trạm chốt, đài quan sát; trang bị, bảo dưỡng phương tiện, máy móc, thiết bị, vận hành thường xuyên để đảm bảo phục vụ chữa cháy rừng.

Tình hình cháy rừng: Trong tháng không xảy ra cháy rừng.

2. Sử dụng và phát triển rừng

Rừng trên địa bàn tỉnh là rừng trồng thuần loài tràm, sản phẩm khai thác chính là cừ tràm, được sử dụng chủ yếu làm cừ, cọc trong xây dựng công trình dân dụng, gia cố đê bao, phòng chống sạt lở cho công trình hạ tầng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Trong tháng, diện tích rừng khai thác là 2,5 ha trên địa bàn xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười.

Ngoài ra, việc tận dụng diện tích dưới tán rừng để nuôi ong lấy mật, khai thác thủy sản… góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho cư dân làm nghề rừng.

3. Chi trả dịch vụ môi trường rừng

Trong tháng, Ban Quản lý dự án trồng rừng tỉnh đã tiếp nhận tiền dịch vụ môi trường rừng là 115 triệu đồng. Tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng đến thời điểm hiện tại đã tiếp nhận từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng là 2.459,2 triệu đồng.

4. Nhiệm vụ khác

Quản lý lâm sản: Toàn tỉnh hiện có 151 cơ sở, hộ gia đình đăng ký nuôi động vật rừng, với 26 loài (trong đó: 16 loài quý, hiếm và 10 loài thông thường) và 412 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ và sản phẩm mộc hoàn chỉnh.

Tiếp nhận 01 trường hợp người dân tự nguyện giao nộp 05 cá thể Rắn hổ mang một mắt kính thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB. Thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao cho các cơ sở bảo tồn theo quy định.

Trồng cây 19/5: Chi cục Kiểm lâm chuẩn bị 6.400 cây giống (Dầu và Bằng lăng) và đã bàn giao cho các địa phương tổ chức phát động “Tết trồng cây” năm 2022 vào dịp kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ 19 tháng 5.

II. Nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2022

Tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; theo dõi, cập nhật diễn biến rừng.

Quản lý theo quy định của Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ và cơ sở đăng ký nuôi động vật rừng.

Thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2021 cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Phối hợp với Công an, Quân sự và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lâm nghiệp./.

MV