资产发布器

null Kế hoạch Sản xuất cây trồng vụ Đông Xuân 2021-2022

Chi tiết bài viết Tin tức

Kế hoạch Sản xuất cây trồng vụ Đông Xuân 2021-2022

Nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất cây trồng năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp ban hành kế hoạch sản xuất cây trồng vụ Đông Xuân năm 2021 -2022

1. Mục tiêu

- Phát triển sản xuất cây trồng theo hướng an toàn thực phẩm, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế nhằm nâng cao thu nhập của nông dân;

- Phấn đấu thực hiện đạt “mục tiêu kép” vừa đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, vừa khắc phục khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2. Chỉ tiêu

- Tổng diện tích xuống giống lúa 190.000 ha, năng suất bình quân 72,0 tạ/ha; sản lượng 1,36 triệu tấn. Trong đó:

+ Lúa chất lượng cao chiếm 70% diện tích xuống giống.

+ Diện tích áp dụng sạ hàng, sạ thưa 50% diện tích xuống giống.

+ Tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận 80% diện tích.

+ Thu hoạch bằng máy chiếm 100% diện tích.

- Tổng diện tích gieo trồng hoa màu cây công nghiệp ngắn ngày đạt 11.744 ha.

3. Giải pháp thực hiện

3.1. Về sản xuất

- Xây dựng và bố trí lịch thời vụ theo hướng xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, thu hoạch vụ Thu Đông an toàn trước lũ và bảo đảm tốt liên kết tiêu thụ; bảo đảm phải có thời gian cách ly giữa hai vụ ít nhất 3 tuần.

- Trên cơ sở theo dõi số liệu bẫy đèn, tình hình thủy văn, thực tế sản xuất ở từng địa phương, các huyện, thị, thành xác định cụ thể thời điểm xuống giống phù hợp theo từng cánh đồng, khu vực và chỉ đạo kịp thời việc vệ sinh đồng ruộng, tu sửa bờ vùng, bờ thửa, chủ động việc tưới tiêu phục vụ tốt sản xuất.

-  Đảm bảo cơ cấu mùa vụ phù hợp với điều kiện đất đai, sinh thái, nguồn nước, thời tiết…, không bị ảnh hưởng lẫn nhau bởi dịch bệnh (chuột, rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, muỗi hành,…) hoặc xung đột lợi ích (đê bao, nguồn nước, thu nhập,…).

3.2. Bố trí lịch thời vụ

Khuyến cáo lịch xuống giống lúa Đông Xuân 2020-2021 của Tỉnh như sau:

- Vùng sản xuất 3 vụ, chủ yếu gồm 2 đợt xuống giống:

* Đợt 1: từ ngày 01/10 – 07/10/2021 (nhằm ngày 25/8 – 02/9 âm lịch) ở các ô bao chắc chắn, có thể bơm rút nước để xuống giống sớm, không bị ảnh hưởng các đợt triều cường trong tháng 10 âm lịch. Dự kiến huyện Tháp Mười, Cao Lãnh và một số khu vực ở Tam Nông, Lấp Vò có thể xuống giống với diện tích khoảng 40.000 – 50.000 ha.

* Đợt 2: từ ngày 02/11 – 09/11/2021 (nhằm ngày 28/9 – 05/10 âm lịch) ở các ô bao sản xuất 3 vụ lúa còn lại của tỉnh. Đối với các huyện phía Nam cần gia cố bờ bao, đề phòng các đợt triều cường sau xuống giống. Ước diện tích xuống giống trong đợt này khoảng 80.000 – 90.000 ha.

- Vùng sản xuất lúa 2 vụ, gồm 2 đợt xuống giống:

* Đợt 1: từ ngày 02/11 – 09/11/2021 (nhằm ngày 28/9 – 05/10 âm lịch).

* Đợt 2: Từ ngày 01/12 – 08/12/2021 (nhằm ngày 27/10 – 05/11 âm lịch).

Các địa phương cần có kế hoạch tuyền truyền, vận động bơm rút nước xuống giống sớm vụ Đông xuân 2021-2022, xuống giống nhanh, gọn, tập trung, không để xảy ra tình trạng nhiều trà lúa trên một cánh đồng, thời gian xuống giống các ô bao, cánh đồng lân cận không cách nhau hơn 1,5 tháng nhằm hạn chế ảnh hưởng rầy di trú mật số cao; bảo đảm kết thúc xuống giống trước ngày 10/01/2022.

3.3. Giải pháp về giống

- Khuyến khích nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao, hạt tròn, nếp, một ít giống lúa chất lượng trung bình, giống có thời gian sinh tưởng từ 90 – 105 ngày, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ, chống chịu với một số đối tượng sâu bệnh chủ yếu.

- Các huyện, thành phố cần xác định bộ giống cho sản xuất lúa của địa phương gồm:

+ Vùng Đồng Tháp Mười: ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình – khá (Giống chủ lực: OM18, Đài Thơm 8, IR50404, OM5451, OM6976, OM4900...Giống bổ sung: OM576, VD20, OM7347, Jasmine 85, Nàng Hoa 9...)

            + Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu: ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao (Giống chủ lực: OM18, OM4900, OM6976, OM4218, OM5451, Đài Thơm, Jasmine 85; Giống bổ sung: OM7347, VNĐ95-20, Nàng Hoa 9, OM6162, VD20, RVT, OM9582...)

- Các huyện, thị, thành chủ động xây dựng, phát triển thêm các câu lạc bộ Hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất giống, bảo đảm đủ lượng giống phục vụ sản xuất ở địa phương.

3.4. Giải pháp cân đối vật tư đầu vào

- Địa phương sau khi đề xuất lịch xuống giống, đối với những vùng đề xuất xuống giống sớm vào đầu tháng 10, cần có những thông báo rộng rãi và đề nghị các doanh nghiệp chủ động điều tiết lượng vật tư cho sản xuất, tránh những thiếu hụt cục bộ dẫn đến biến động giá cả bất lợi cho người sản xuất. Lưu ý, tổng nhu cầu vật tư cho cả vụ không thay đổi chỉ tăng thêm cục bộ ở vùng xuống giống sớm.

            - Về giống lúa: Theo tính toán diện tích xuống giống 50 nghìn ha trong tháng 10, theo đó, nhu cầu lúa giống trong thời gian này là 5-6 nghìn tấn lúa giống, các địa phương cần thống kê cân đối và chủ động nguồn giống cung ứng cho sản xuất.

            - Về phân bón: nhu cầu trong thời gian này khoảng 8,5 nghìn tấn phân Urea, 6 nghìn tấn phân DAP và 5 nghìn tấn Kali, các địa phương cần thông báo lịch thời vụ và khuyến cáo các đại lý, doanh nghiệp, cửa hàng vật tư chủ động cân đối nguồn phân bón đáp ứng cho sản xuất.

3.5. Về áp dụng các tiến bộ kỹ thuật

a. Đối với cây lúa

- Tiếp tục nhân rộng mô hình 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm, mô hình giảm giá thành sản xuất lúa, khuyến khích mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm giá thành, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án VnSAT, dự án ICRSL (dự án WB9).

- Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo tình hình dịch hại trên cây lúa.

b. Đối với hoa màu, hoa kiểng

Xây dựng kế hoạch sản xuất rau màu linh hoạt, xem xét điều chỉnh cơ cấu giống rau củ, quả có thời gian bảo quản kéo dài, phù hợp thị trường, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ rau tại địa phương, cung ứng ngoài tỉnh, chú trọng biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý, quản lý dịch hại và bón phân cân đối. Trên đất chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu cần chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, tuyệt đối không để úng cục bộ, liên vùng.

3.6. Giải pháp cơ giới hóa

Đẩy mạnh thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, các biện pháp phơi sấy, tồn trữ phù hợp với từng vùng. Đây là một trong những khâu quan trọng giúp giảm thất thoát, giảm chi phí thu hoạch và nâng cao chất lượng lúa gạo. Nâng tỷ lệ diện tích thu hoạch bằng máy đạt 100% nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

3.7. Về tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ

- Liên kết sản xuất tiêu thụ, xây dựng các vùng nguyên liệu cung ứng theo yêu cầu thị trường (doanh nghiệp), phân khúc thị trường, đa dạng hoá sản phẩm (gạo đặc sản, an toàn, hữu cơ, có thương hiệu, dầu cám…) nhằm gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất.

- Củng cố các Hợp tác xã, Tổ hợp tác hiện có, hỗ trợ tạo điều kiện thành lập mới các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Hội quán nhằm liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung lớn như: rau màu an toàn, cây ăn trái tập trung.

4. Tổ chức thực hiện:

4.1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

- Thực hiện tốt công tác điều tra, ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh, các yếu tố ảnh hưởng cây trồng nhằm kịp thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chỉ đạo điều hành, bảo vệ sản xuất.

- Phổ biến, thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lịch thời vụ, tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng trừ, quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm thời gian cách ly giữa các vụ lúa để nông dân biết thực hiện.

- Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố, theo dõi tình hình sâu bệnh để chủ động đối phó kịp thời; triển khai nhân rộng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

- Phối hợp và tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng tăng giá, bán hàng không đúng chất lượng, kém phẩm chất và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

4.2. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn

            - Chủ trì xây dựng kế hoạch nhân rộng và xây dựng mới các mô hình khuyến nông có hiệu quả trong sản xuất, cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ. Phối hợp với các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc triển khai, thực hiện.

            - Liên hệ với các cơ quan nghiên cứu để tiếp nhận, chuyển giao quy trình kỹ thuật tiên tiến trên lĩnh vực cây trồng vào sản xuất, thông tin về thị trường cho nông dân.

- Tiếp tục nhân rộng mô hình 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm, mô hình giảm giá thành sản xuất lúa, khuyến khích mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP.

4.3. Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao

- Phối hợp với đơn vị tổ chức đánh giá, tuyển chọn những giống đang sản xuất trong Tỉnh và tiếp nhận từ các Viện, Trường những giống lúa triển vọng, giống rau màu mới, giống cây ăn quả tốt, sạch bệnh có năng suất, chất lượng tốt để nhân ra phục vụ cho sản xuất và chuyển đổi cấu cây trồng trong Tỉnh.

- Phối hợp xây dựng kế hoạch phát triển ngành hàng hoa kiểng, phối hợp với các đơn vị, địa phương chuyển giao kỹ thuật, giống mới, kết hợp sản xuất với tham quan du lịch… để nâng cao giá trị và lợi nhuận cho người sản xuất.

4.4. Chi cục Thuỷ lợi

- Theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng thuỷ văn, hạn hán, mưa bão,  thông tin kịp thời đến các địa phương, đơn vị để phục vụ công tác chỉ đạo, bảo vệ sản xuất;

            - Phối hợp với các huyện, thành phố theo dõi, đánh giá khả năng cung cấp nước tưới, hiện trạng đê bao, khả năng bảo vệ, triển khai thực hiện các công trình tưới tiêu, phòng chống mưa bão, đảm bảo an toàn cho sản xuất.

4.5. Chi cục Phát triển nông thôn

- Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố củng cố các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hoạt động đi vào chiều sâu theo hướng khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, quan tâm đến các tổ hợp tác, Hợp tác xã ở những vùng chuyên canh lúa đặc sản, vùng sản xuất theo GAP. Tổ chức tập huấn triển khai hướng dẫn cho các Hợp tác xã thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm;

- Thu thập thông tin các Hợp tác xã để đăng lên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4.6. Thanh tra Sở

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng, cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

4.7. Phòng Kế hoạch - Tài chính

Theo dõi tiến độ sản xuất, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch được giao, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện.

4.8. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố

- Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất phát triển cây trồng của địa phương, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Bố trí cơ cấu cây trồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên và thị trường. Xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh gắn với xây dựng thương hiệu cho nông sản.

- Rà soát hệ thống đê bao, trạm bơm, độ ngập nước trên ruộng, chủ động tưới tiêu, xây dựng lịch xuống giống tập trung, né rầy cụ thể từng ô bao, cánh đồng, quản lý và bảo vệ tốt sản xuất.

            - Theo dõi tình hình sâu bệnh, nhất là đối với rầy nâu bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá để có hướng quản lý; Theo dõi, đánh giá tình hình sản xuất, cung ứng giống trên địa bàn, bố trí cơ cấu giống lúa phù hợp theo từng vùng, khu vực ở địa phương.

            - Phối hợp với Thanh tra Sở trong việc quản lý chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn.

- Củng cố, duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ở địa phương để chỉ đạo xuống giống, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất và kịp thời đối phó khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

4.9. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố

Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, mô hình khuyến nông, sản xuất giống lúa, xây dựng các công trình thuỷ lợi, phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.

Nguồn :3076/SNN-KH

MV