Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp khởi động xây dựng địa phương tiên phong, kiểu mẫu

Đồng Tháp khởi động xây dựng địa phương tiên phong, kiểu mẫu

Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là 02 nhiệm vụ trọng tâm được Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tham mưu.

Chiều ngày 14/3, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiến độ thực hiện các nội dung trên. Các sở, ngành tỉnh cùng dự để đóng góp ý kiến.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị hoàn thiện các nội dung được góp ý

Với lợi thế là tỉnh nông nghiệp, theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Đồng Tháp rất có lợi thế để triển khai Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, do đó ngành nông nghiệp phải tiên phong, tự tin đăng ký thực hiện; trong thực hiện các chỉ tiêu của Đề án phải có cách làm mới và mang lại hiệu quả.

Việc thực hiện song song Đề án này cũng chính là tạo thuận lợi để xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh.

Ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung phần đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội tỉnh, các chương trình tỉnh đang triển khai về nông nghiệp, nông thôn vào đề cương tổng thể của Đề án Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; đồng thời hoàn chỉnh đề cương để thông qua Ủy ban nhân dân tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong định hướng một số nội dung để xây dựng Đề án

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đánh giá cao Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhanh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Để triển khai xây dựng Đề án, các bước đi phải chặt chẽ, tận dụng và phát huy hết các nguồn lực, trí tuệ, sự tham gia của các nhà khoa học; các cơ sở, căn cứ phải được tổng hợp đầy đủ; nghiên cứu thêm mô hình của các nước – Bí thư Tỉnh ủy đề nghị.

Cùng với đó, làm rõ nội hàm “tiên phong, kiểu mẫu” về nông nghiệp sinh thái để xác định các mô hình, tiêu chí, chỉ tiêu đề ra phải mang tính riêng có; tận dụng ưu thế tự nhiên để phát triển nông nghiệp bền vững. Những yêu cầu của nông thôn hiện đại; tố chất, tiêu chuẩn của nông dân văn minh phải được cụ thể – Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu; đồng thời đề nghị phấn đấu đến năm 2030 Đồng Tháp hoàn thành các chỉ tiêu đề ra của Đề án.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn báo cáo tiến độ thực hiện

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Sở đã phối hợp Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phác thảo đề cương Đề án tổng thể xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành; đến thời điểm hiện tại đã cơ bản có được dự thảo.

Về nội hàm của “Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại và Nông dân văn minh”, đây là những khái niệm khá mới mẽ, chưa có tiêu chí đánh giá cụ thể nên Sở còn lúng túng trong công tác triển khai thực hiện.

Về thực hiện “Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo kế hoạch. Trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 ít nhất là 50.000 ha (riêng năm 2024 thực hiện ít nhất là 20.000 ha), đến năm 2030 là 161.000 ha.

Về tổ chức lại sản xuất, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%.

Nguyệt Ánh

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)