Xuất bản thông tin

null Chuyện giảm nghèo từ “đòn bẩy” HTX ở Đồng Tháp

Trang chủ Báo chí với Đồng Tháp

Chuyện giảm nghèo từ “đòn bẩy” HTX ở Đồng Tháp

Thời gian qua, các HTX ở Đồng Tháp từng bước chủ động mở rộng thêm dịch vụ để phục vụ thành viên; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất, chú trọng việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên và nông dân… Từ đó, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025. Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 3%; đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng ít nhất là 1,8 lần so với năm 2020 (tương đương 30,9 triệu đồng/người/năm). Theo đó, khu vực kinh tế tập thể, HTX sẽ là một trong những “đòn bẩy” quan trọng để đạt được mục tiêu này.

Đi lên từ Hội quán

Theo Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, Đồng Tháp có 178 HTX nông nghiệp đang hoạt động, chiếm 83,6% với trên 29.000 thành viên. Đặc biệt, đã có 30 HTX nông nghiệp được thành lập từ 31 mô hình Hội quán. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình của trên 29.000 thành viên của các HTX, Tổ hợp tác ngày một phát triển bền vững.

Nhờ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quả thanh long ruột đỏ, nhiều người dân trên địa bàn xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp đã có cuộc sống ổn định, phát triển bền vững.

Được biết, từ năm 2015, nhiều hộ dân đã liên kết hình thành Hội quán cùng nhau làm du lịch, đến nay thu hút được 27 thành viên, mở rộng quy mô hoạt động lữ hành, lưu trú, homestay, khách sạn. Với 12 khu điểm du lịch được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mỗi năm Hội quán thu hút hơn 1 triệu lượt khách đến làng hoa Sa Đéc, lợi nhuận gấp 4 đến 5 lần so với nghề trồng hoa truyền thống.

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 120 hội quán hoạt động trong lĩnh vực khác nhau và có hơn 200 HTX. Bà con nông dân rất sẵn sàng và tin tưởng tham gia các hội quán, là tiền đề quan trọng để hình thành các HTX. Đến nay nhiều hội quán đã phát triển thành HTX, lập doanh nghiệp và hoạt động hiệu quả.

Từ những kết quả rõ rệt từ mô hình hội quán, nhiều HTX, tổ hợp tác đã thành lập, thu hút hàng trăm lao động trên địa bàn. Đơn cử như Hợp tác xã Nông sản sạch Vĩnh Thới, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, HTX được thành lập vào tháng 4/2018 trên nền tảng của Tổ hợp tác quýt đường với tiền thân là Hội Quán nông dân Đồng Tháp. Số thành viên hiện có 53 người và hộ liên kết là 100 hộ, số vốn góp 4 tỷ đồng với diện tích sản xuất là 100 ha.

Nhờ có những chính sách liên kết hiệu quả, có được đầu ra ổn định, đến nay HTX không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động mà tên tuổi của HTX đang ngày một khẳng định, là nhà cung cấp trái cây chuyên nghiệp vào các chuỗi siêu thị lớn. Hiện tại, trung bình mỗi năm HTX cung cấp khoảng từ 800-900 tấn trái cây các loại cho các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh.

Một ví dụ khác là HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Bình Thành, HTX thành lập vào cuối năm 1989 với quy mô toàn xã và đã thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 vào năm 2015 với số thành viên tham gia là 1.817 hộ, tổng diện tích quản lý là 1.180 ha, duy trì sản xuất 3 vụ/năm.

HTX có vốn điều lệ hơn 1,1 tỷ đồng với các dịch vụ hoạt động chính là sản xuất nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế, gồm 12 dịch vụ: Tưới tiêu, điện nông thôn, tín dụng nội bộ, cung cấp vật tư nông nghiệp trả chậm, sản xuất cung cấp lúa giống, mua bán gạo, điện gia dụng, khuyến nông, bảo vệ thực vật, liên kết tiêu thụ nông sản, nạo vét kênh thủy lợi nội đồng và sản xuất nước đóng bình đóng chai.

Doanh thu hằng năm từ 22 – 24 tỷ đồng, thu nhập trước thuế hằng năm từ 400 – 900 triệu đồng, chia lãi hằng năm cho thành viên từ 100 – 300 triệu đồng và thu nhập bình quân 01 lao động làm việc tại HTX từ 4,2 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, khi tham gia vào tổ hợp tác, HTX, thành viên và người lao động được học tập để nâng cao kiến thức, tay nghề, hỗ trợ áp dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, sản xuất tập trung theo quy mô lớn, khép kín. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, tạo sự đồng đều về kích thước, mẫu mã, đồng nhất về chất lượng sản phẩm... Đây còn là cơ sở để thực hiện truy xuất nguồn gốc và xây dựng nhãn hiệu tập thể, hình thành thương hiệu sản phẩm của HTX, nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị.

“Đòn bẩy” OCOP

Những năm trở lại đây, Đồng Tháp chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp với việc xác định được các sản phẩm có thế mạnh như: Cá, trái cây, hoa sen, du lịch… Từ đó, ngày càng bổ sung cho kho sản phẩm OCOP của địa phương.

Tuy xuất phát chậm và mang tính tự phát nhưng du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng tại Đồng Tháp cũng đạt được một số kết quả khả quan. Nổi bật nhất là các mô hình ở thành phố Sa Đéc và huyện Tháp Mười, Lai Vung.

Đặc biệt mô hình du lịch – nông nghiệp thành công nhất là thành phố Sa Đéc. Hiện nay, thành phố có 12 điểm tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, trong đó có 6 điểm cộng đồng đủ điều kiện được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là Điểm du lịch (cấp tỉnh) theo Luật Du lịch 2017, có 3 điểm du lịch cộng đồng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao theo Bộ tiêu chí du lịch nông thôn như: Happyland Hùng Thy, Vườn kiểng Ngọc Lan, Homestay Ngôi nhà Hoa Ếch,...

Vườn kiểng Ngọc lan – TP.Sa Đéc là 1 trong 3 điểm du lịch cộng đồng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao theo Bộ tiêu chí du lịch nông thôn.

Cuối tháng 6 vừa qua, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển các HTX du lịch, UBND xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc đã tổ chức hội nghị thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất thương mại đầu tư phát triển dịch vụ du lịch Làng hoa Sa Đéc.

HTX có 11 thành viên với số vốn góp hơn 1 tỷ đồng. Mục tiêu hoạt động của HTX là tổ chức sản xuất, kinh doanh các dịch vụ du lịch nhằm hỗ trợ các thành viên cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống. HTX cung cấp các dịch vụ tour, tuyến và nghiên cứu tìm kiếm thị trường, phát triển sản phẩm du lịch mới. Bên cạnh đó, hỗ trợ các thành viên phát triển du lịch kết hợp với sản xuất, kinh doanh hoa kiểng theo hướng bền vững...

Những HTX như HTX Làng hoa Sa Đéc ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn, đồng thời tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương. Nhờ những nỗ lực trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, với mong muốn đa dạng hóa các sản phẩm OCOP... Đến nay Đồng Tháp đã công nhận được hơn 265 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng. Đây là bước khởi đầu trong xây dựng nền nông nghiệp bền vững gắn kết với khai thác phát triển du lịch.

Năm 2022, Đồng Tháp tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình OCOP góp phần chuyển dịch kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Trong đó, sẽ hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP tỉnh được đưa lên ít nhất tại 01 sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT).

Theo vị đại diện UBND tỉnh, với những chính sách thực tế, gắn trực tiếp với sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Thời gian qua, các HTX ở Đồng Tháp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội.

“Thời gian tới, Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Đồng thời hỗ trợ xây dựng website bán hàng miễn phí cho HTX, hội quán, hộ sản xuất nông nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm tăng cường quảng bá thương hiệu, kinh doanh các sản phẩm OCOP, đặc sản Đồng Tháp”, vị đại diện nói.

Quốc Anh

Nguồn: Tạp chí điện tử Kinh doanh

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>