Tưởng niệm 156 năm Ngày mất Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều
Sáng ngày 07/12, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười), Uỷ ban nhân dân tỉnh long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 156 năm Ngày mất Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và kỷ niệm 10 năm Khu di tích Gò Tháp được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Đến dự có lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh cùng đông đảo bà con nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong dâng hương trước
Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều
Lễ tưởng niệm 156 năm Ngày mất Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và kỷ niệm 10 năm Khu di tích Gò Tháp được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt được tổ chức trong 03 ngày, từ ngày 07 - 09/12/2022 (nhằm ngày 14 - 16/11 âm lịch, năm Nhâm Dần).
Lễ giỗ gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ diễn ra trang trọng với các nghi thức tín ngưỡng văn hóa dân gian truyền thống như: Cúng thần nông, thỉnh sắc, cầu an, thỉnh sanh v.v..
Phần hội gồm các hoạt động dịch vụ, mua bán, vui chơi, giải trí; trưng bày triển lãm hình ảnh, hiện vật Óc Eo; Không gian giao lưu Đờn ca tài tử; Không gian văn hóa - ẩm thực; Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp”; giới thiệu tour, tuyến du lịch, đặc biệt tour Lễ hội Gò Tháp - Đồng sen Tháp Mười - Khu di tích Xẻo Quít v.v..
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn bố trí xe đưa rước miễn phí cho người lớn tuổi và trẻ em; cung cấp nước uống, thức ăn miễn phí cho khách thập phương tham gia lễ hội.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu trao Bằng khen
của Chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh cho các tập thể và cá nhân
Dịp này, 04 tập thể và 02 cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh vì đã có thành tích đóng góp trong xây dựng và phát triển Khu di tích Gò Tháp.
* Trong kháng chiến chống Pháp, Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều chọn Gò Tháp xây dựng căn cứ lãnh đạo nghĩa quân. Trong 02 năm (1864 - 1866), cuộc khởi nghĩa của hai vị nổi lên như là ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, khiến giặc Pháp bao phen khiếp vía, làm nên những trang sử chói lọi của Nhân dân Đồng Tháp Mười.
Tháng 4/1866, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều hy sinh trong trận quyết chiến bảo vệ đại đồn Tháp Mười, sau đó được Nhân dân chôn cất tại Gò Tháp. Tháng 11 cùng năm (1866), trên đường vượt biển về Kinh, Thiên hộ Võ Duy Dương cũng tử nạn ở cửa biển Thần Mẫu (Cần Giờ). Nhân dân Tháp Mười - Đồng Tháp nói riêng, cả nước nói chung ghi tạc công trạng đã lập miễu, xây đền, dựng tượng thờ hai vị anh hùng tại Gò Tháp cho đến nay.
Khu di tích Gò Tháp có diện tích 289 ha, tọa lạc trên địa bàn ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây hội tụ nhiều giá trị về văn hóa, khảo cổ và lịch sử xa xưa nhất của “vùng Đất Sen hồng”, gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử của Nam bộ trong tiến trình phát triển chung của lịch sử Việt Nam. Với giá trị lịch sử to lớn đó, ngày 27/09/2012, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Gò Tháp là Di tích quốc gia đặc biệt về loại hình Khảo cổ và Kiến trúc nghệ thuật.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo bà con nhân dân trong và ngoài tỉnh đã đến viếng hai vị anh hùng
Việt Tiến
Ý kiến bạn đọc (0)