Xuất bản thông tin

null Tam Nông: Dấu ấn chặng đường 40 năm hình thành và phát triển

Tam Nông: Dấu ấn chặng đường 40 năm hình thành và phát triển

“40 năm trước, huyện Tam Nông được tái lập từ những con số không: Không chợ, không đường, không điện, không trường cấp 3, không thông tin liên lạc v.v.. Nhưng rồi với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự cần mẫn, vươn lên của người dân đã đưa Tam Nông phát triển như ngày hôm nay” - ông Võ Hoàng Vũ, nguyên Bí thư Huyện ủy Tam Nông phấn khởi trước sự thay da đổi thịt của quê hương.

Tam Nông những ngày đầu tái lập. Ảnh tư liệu

Huyện Tam Nông được tái lập vào ngày 23/02/1983 theo Quyết định số 13-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nay là Chính phủ). Lúc bấy giờ, toàn huyện có 09 xã gồm: An Long, An Hòa, Phú Ninh, Phú Thành, Phú Thọ, Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Cường, với diện tích tự nhiên là 459km2, dân số trên 54.000 người.

Khi đó, cơ sở vật chất hầu như không có gì, các cơ quan lãnh đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, các ban, ngành, đoàn thể phải ở tạm trường học để làm việc; cơ sở hạ tầng còn ít; giao thông đường bộ duy nhất chỉ có đoạn Tỉnh lộ 30 chạy qua huyện; các công trình văn hóa, xã hội chỉ đếm trên đầu ngón tay; hệ thống trường học, trạm xá xuống cấp nghiêm trọng v.v..

Trước tình thế đó, lãnh đạo huyện đã mạnh dạn đề ra những quyết sách quan trọng mang tính đột phá với nhiều giải pháp linh hoạt, tập trung xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng đất.

Nếu như năm 1983, toàn huyện chỉ có khoảng 15.000 ha đất trồng lúa, sản lượng lương thực chỉ đạt khoảng 32.000 tấn, bình quân lương thực đầu người chỉ đạt 623kg lúa/năm thì đến năm 2023, diện tích gieo trồng tăng lên trên 69.600 ha, tổng sản lượng ước đạt trên 445.000 tấn/năm. Trục chính nội đồng được bê tông hóa, tỷ lệ trạm bơm điện phục vụ sản xuất đạt 98%, trong đó có gần 5.000 ha có hệ thống bơm tưới tiết kiệm giúp giảm giá thành từ 30 - 40%.

Với thế mạnh về diện tích đất nông nghiệp (đứng thứ 3 toàn tỉnh), năm 2014, Tam Nông được tỉnh chọn triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với ngành hàng lúa gạo. Qua thời gian triển khai thực hiện, nông nghiệp, nông thôn huyện Tam Nông đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng gia tăng chuỗi giá trị. Tam Nông được biết đến với Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, “Giảm giá thành sản xuất, kết hợp sử dụng phân bón thông minh”, “Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái” v.v..


Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tham quan
điểm trưng bày thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp
của Hợp tác xã nông nghiệp số Đồng Tháp

Toàn huyện hiện có 32 Hợp tác xã, 12 Hội quán và có 23 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, huyện có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới vào năm 2024.

Ông Trần Thanh Nam - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Tam Nông cho biết, nếu như năm 1983, toàn huyện chỉ có khoảng 54.000 dân, với hơn 10 cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ thì đến năm 2023, dân số đã tăng lên hơn 100.000 người, với khoảng 230 công ty, doanh nghiệp và hơn 2.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại - dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, bình quân đạt 8,5%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.

Trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo với sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc, huyện luôn chú trọng phát huy tinh thần “Tự lực - tự chủ - tự quản” của người dân, đặc biệt là người nông dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Mọi người dân Tam Nông dù là người địa phương hay nơi khác đến cũng đều được xem là chủ thể và là động lực quan trọng trong tiến trình phát triển của huyện - ông Trần Thanh Nam chia sẻ.

Vốn là người quê ở huyện Lấp Vò, bà Nguyễn Hoàng Hoa (thị trấn Tràm Chim) đến định cư tại Tam Nông từ những ngày huyện mới tái lập. Từ muôn vàn khó khăn, đến nay bà Hoa đã trở thành chủ của cơ sở bán vật tư nông nghiệp có tiếng trên địa bàn huyện. Bà Hoa chia sẻ, rất phấn khởi sau 40 năm huyện Tam Nông đã phát triển vượt bậc như hôm nay. Hồi mới đến đây, mọi thứ đều rất khó khăn từ điều kiện sinh sống cho đến đi lại. Đến nay, đường sá thì mở rộng, nhà cửa thì khang trang, đời sống của người dân được nâng lên rất nhiều.

Cùng chung cảm xúc với bà Hoa, bà Nguyễn Thị Ngoãn - Chủ cơ sở sản xuất khô cá đồng thiên nhiên Phan Chao (ngụ xã Hòa Bình) bày tỏ: Ấn tượng nhất là các cấp lãnh đạo quan tâm phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Đặc biệt là chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thúc đẩy phong trào sản xuất, sáng tạo trong người dân. Từ đó, nhiều cơ sở sản xuất, khởi nghiệp ra đời đã tạo nên diện mạo mới cho những vùng quê.

Hạ tầng giao thông đang từng bước hoàn thiện

Xác định việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Tam Nông tập trung nguồn lực hoàn thiện các tuyến đường, kết nối với các địa phương, tạo động lực phát triển cho khu vực thành thị và nông thôn. Đến nay, huyện có 11 km quốc lộ, 63 km tỉnh lộ, 37km huyện lộ và 164km đường xã, liên xã. Hiện huyện đang triển khai nâng cấp nhiều công trình giao thông như: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 30; dự án đường ĐT.845 đoạn Trường Xuân - Tân Phước; dự án nâng cấp hệ thống cầu trên đường ĐT.844 v.v.. Đặc biệt, thị trấn Tràm Chim - trung tâm Huyện lỵ Tam Nông đang hướng tới là “Hạt ngọc sinh quyển - Thành phố nổi của vùng Đồng bằng sông Cửu Long” với Vườn quốc gia Tràm Chim - khu Ramsar thứ 2000 của thế giới, thu hút khoảng 30.000 - 40.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan mỗi năm.

Các hoạt động du lịch trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ. Cuối năm học 2022 – 2023, toàn huyện có 48 trường học các cấp, trong đó có 28 trường đạt chuẩn quốc gia. Chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đạt kết quả tích cực, hộ nghèo của huyện được kéo giảm từ 30% năm 1986 đến nay chỉ còn 2,82%; hơn 53% lao động được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm, thu nhập ổn định đạt trên 97%; thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên trên 56 triệu đồng/năm.

Xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ “then chốt”, 40 năm qua, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, luôn được cấp ủy, chính quyền, đặc biệt quan tâm. Ông Huỳnh Thanh Sơn - Bí thư Huyện ủy Tam Nông cho biết, có được thành tựu đáng tự hào như ngày nay là do công sức và trí tuệ của toàn Đảng bộ và nhân dân huyện Tam Nông phấn đấu trong 40 năm qua. Từ vài trăm đảng viên lúc ban đầu mới tái lập huyện, đến nay toàn Đảng bộ huyện đã có trên 3.300 đảng viên, chiếm 3,36% dân số. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã trải qua 12 kỳ đại hội, tổ chức lãnh đạo cùng nhân dân vượt qua những chông gai, thử thách để xây dựng một huyện Tam Nông trù phú, sung túc như ngày nay. Thành quả hôm nay sẽ tạo thêm niềm tin, động lực trong mỗi người dân về quyết tâm đưa quê hương phát triển hơn trong giai đoạn mới.

Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, có thể thấy Tam Nông đã và đang thay da đổi thịt từng ngày, nội lực kinh tế - xã hội được tích lũy lớn mạnh hơn, bộ mặt nông thôn khang trang hơn, đội ngũ cán bộ trưởng thành hơn, nhân dân an vui, hạnh phúc hơn, đời sống ngày càng nâng lên về mọi mặt. Những kết quả đạt được là niềm tự hào và là nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân trong huyện tiếp tục nỗ lực, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng huyện Tam Nông ngày càng phát triển giàu mạnh.

Việt Tiến – Trọng Trung

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>