Xuất bản thông tin

null Lịch sử làng hoa Sa Đéc

Trang chủ Lịch sử làng hoa

Lịch sử làng hoa Sa Đéc

Trải qua nhiều thế hệ vun trồng và bồi đắp, đến nay Làng hoa Sa Đéc trải dài từ phường Tân Quy Đông, phường An Hòa đến xã Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây, Tân Phú Đông rồi lan rộng sang các địa phương lân cận như: Xã Tân Khánh Trung, Tân Mỹ (Lấp Vò), xã Tân Dương, Hòa Thành (Lai Vung), lan tỏa xuống đến Tân Bình, Bình Tiên (Châu Thành) v.v.. Hoa Sa Đéc ngày càng khởi sắc, mang lại cái đẹp cho đời, cái giàu có cho người, cái phồn thịnh cho xứ sở.

Theo ông Nguyễn Nhất Thống - Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy/Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành ủy Sa Đéc, đến nay làng hoa Sa Đéc đã trải qua 05 thế hệ.

Thế hệ đầu tiên là những người trồng hoa kiểng ở Sa Đéc của những năm cuối thế kỷ XIX đến năm 1930. Đây được xem là thế hệ tiền phong, khai mở cho làng nghề. Lúc này, hoa kiểng chỉ mới đáp ứng nhu cầu gia đình, cá nhân riêng lẻ, chưa có điều kiện để đưa đi bán khắp nơi. Tuy vậy, việc định hình cho một nghề mới trong nông nghiệp đã được bắt đầu, được gầy dựng và có một vị trí nhất định trong đời sống và sinh hoạt của cư dân Sa Đéc thời bấy giờ, đó là Nghề trồng hoa kiểng. Công lao ấy phải trân trọng ghi ơn các gia đình của các bậc tiền bối như: gia đình ông Phạm Văn Nhạn, Võ Văn Phu, Trần Văn Dậu, Phạm Văn Xoài v.v..

Thế hệ thứ hai từ năm 1930 đến năm 1945. Giai đoạn đất nước có nhiều biến chuyển quan trọng, nhất là phong trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh, dân quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, buộc Pháp phải nới lỏng chính sách cai trị. Cùng với đó, để vơ vét của cải, khai thác triệt để tài nguyên của các nước thuộc địa (trong đó có Việt Nam), chính quyền thực dân cho mở mang về giao thông. Từ đó việc đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi. Khi ấy, hoa kiểng Sa Đéc cũng có điều kiện phát triển hơn, cũng từ đây nó được sánh vai với hoa kiểng xứ Cái Mơn (Bến Tre), Gò Vấp (Sài Gòn) và Đà Lạt mỗi dịp xuân về, tết đến. Cảnh “trên bến dưới thuyền” nhộn nhịp chuyển những giỏ hoa, chậu kiểng đi khắp Nam kỳ lục tỉnh đã làm say lòng bao tao nhân mặc khách. Những người trồng hoa kiểng ở Sa Đéc lúc bấy giờ được mọi người tôn vinh là làm đẹp cho đời như ông Hai Ký, Năm Dưỡng, Hai Nhung, Mười Ơn, Mười Cấn, Năm Sầm, Văn Phép; trong đó phải kể đến ông Hai Hương là một trong vài người đã chiết Tùng Hổ Phách sớm nhứt và thành công. Chính họ là thế hệ thứ hai, một thế hệ được xem là đã đem chuông đi đánh xứ người. Người ta đã xem hoa kiểng là một nguồn lợi quan trọng cho một vùng đất ven sông Tiền nặng phù sa, vun bồi cho cuộc sống của những người dân Sa Đéc mà Tân Quy Đông được ghi vào sử sách:

Rạch Sa Nhiên chở nặng phù sa

Ngọn Tứ Quý vun bồi thêm đẹp.

Thế hệ thứ ba từ những năm 1945 đến năm 1975, đất nước chiến tranh với nhiều đau thương, mất mát. Nghề trồng hoa kiểng, làng hoa Sa Đéc cũng thăng trầm theo thời cuộc. Có người đã gác lại chuyện trồng hoa kiểng, tham gia kháng chiến, có người kiên cường bám trụ với ruộng hoa, vườn kiểng. Trong những người kiên trung ấy phải kể đến ông Dương Hữu Tài, dân gian thường gọi Tư Tôn. Ông đã tìm mọi cách để duy trì vườn hoa của mình, sưu tầm những giống hoa mới, đặc biệt là hoa hồng. Để rồi tên tuổi của ông gắn bó với “Vườn hồng Tư Tôn”. Nơi đây đã trở thành một vườn ươm những giống hoa hồng mới cho Sa Đéc, cho Nam bộ và cả nước v.v.. Từ đó, nhiều người biết đến Sa Đéc như một xứ sở của các loài hoa. Có thể xem ông Tư Tôn và những người trồng hoa cùng thời với ông như ông Hai Ghiền, Bảy Oanh, Út Nhỏ, Tư Bá, Sáu Bộ, Bảy Phèo, Sáu Kính và một số người khác là Thế hệ thứ ba.

Thế hệ thứ tư từ sau năm 1975 đến năm 1990, hoa kiểng Sa Đéc cũng có những vui buồn xen lẫn, hay nói cách khác là thách thức đan xen thời cơ. Sau ngày thống nhất đất nước, niềm vui tưng bừng rộn rã trong lòng mỗi người dân Việt thì hoa kiểng Sa Đéc cũng khoe sắc thắm nhưng rồi tình hình kinh tế ngày một khó khăn, thiên tai lũ lụt, chiến tranh biên giới đã làm cho đất nước đứng trước nhiều thử thách, nhiều mối lo toan thì hoa kiểng lúc bấy giờ có người xem như một thứ xa xỉ. Diện tích trồng hoa thu hẹp dần, lợi nhuận từ hoa kiểng không đáng kể. Mãi cho đến năm 1986, khi bắt đầu công cuộc đổi mới thì hoa kiểng mới hồi sinh. Những người trồng hoa kiểng trong giai đoạn này gian nan nhiều mặt, khó khăn nhiều thứ để vững bước đi lên tạo dựng lại Làng nghề hoa kiểng trong đổi mới đất nước. Đây là thế hệ thứ tư của làng hoa kiểng.

Thế hệ thứ năm từ năm 1990 đến nay, hoa kiểng Sa Đéc đã đồng hành với sự phát triển của quê hương đất nước. Sản xuất ở đây đã không ngừng tăng trưởng, tạo được những lợi thế cạnh tranh, khơi dậy những tiềm năng và lợi thế vốn có từ những thế kỷ trước; ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, lai giống, ghép cây, chiết cành v.v. thúc đẩy hoa kiểng Sa Đéc phát triển vượt bậc, tăng nhanh về quy mô, trình độ và giá trị sản xuất, làm đẹp cảnh quan, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân Sa Đéc. Tính đến năm 2023, diện tích hoa kiểng ở Sa Đéc trên 950 ha, có hơn 4.000 hộ, với hàng chục ngàn người vun trồng, sản xuất, kinh doanh hoa kiểng, cung cấp sản phẩm quanh năm cho nhiều vùng trong cả nước và xuất khẩu sang một số nước. Từ sau năm 2015, đã có nhiều nhà vườn đầu tư xây dựng các điểm đến du lịch, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan tiêu biểu nổi bật như: Khu Du lịch Hoa Kiểng Sa Đéc, Vườn Hồng Tư Tôn, Cánh Đồng Hoa Hồng, Hùng Thy, Đài ngắm Hoa, Ngôi Nhà Úp Ngược, Du Thuyền Vượt Cạn, Ngôi nhà Hoa Ếch v.v.. Đây là thế hệ thứ năm, cũng có người gọi đây là thế hệ vàng.

Năm thế hệ đã đi qua hai thế kỷ vun trồng hoa kiểng, những tên đất – tên người như hòa quyện, từ Rạch Dầu, Thông Lưu, Sa Nhiên, Cai Dao, Ông Thung, Tứ Quý cho đến Tân Mỹ, Tân Huề, Tân Hiệp v.v..

Từ một vùng đất ven sông Tiền, trở thành một quê hương hiền hòa, trù phú cho đến xứ sở ngàn hoa vang danh cả nước. Sa Đéc đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân vun trồng, chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng cho cây kiểng, bon sai; góp phần xây dựng, tô thắm nên bản sắc văn hóa Sa Đéc độc đáo, hun đúc nên những tố chất tài hoa lịch lãm của người Sa Đéc. Từ làng hoa đến thành phố hoa, năm thế hệ tiếp nối vun bồi để Sa Đéc mãi mãi đẹp cho người, cho đời, cho các thế hệ mai sau.

Ông Nguyễn Nhất Thống - Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy/
Trưởng Ban Tuyên
giáo Thành ủy Sa Đéc

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>