Xuất bản thông tin

null Hội quán đồng hành cùng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Trang chủ Tin tức Hội quán

Hội quán đồng hành cùng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Tiếp tục chuỗi hoạt động của Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng – Hành trình Đồng hành cùng phát triển lần thứ I năm 2023, sáng ngày 19/11, Ban Tổ chức Ngày hội tổ chức Tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Đồng Tháp”.

Với 03 phiên thảo luận, buổi tọa đàm đã ghi nhận rất nhiều ý kiến tâm huyết từ lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhận xét, đánh giá, gợi mở ý tưởng và đặc biệt là đề xuất giải pháp để hoạt động của Hội quán phát huy hiệu quả hơn nữa.

Các phiên thảo luận bắt đầu từ vấn đề lý luận đi đến thực tiễn. Từng chủ thể Hội quán chia sẻ về quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch cộng đồng tại Hội quán của mình, qua đó góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ông Phạm Thiện Nghĩa mong muốn nhận được nhiều chia sẻ từ đại biểu,
 góp phần nâng cao năng lực quản lý và điều hành
cho Hội quán Đồng Tháp phát triển

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khẳng định vai trò của Hội quán – thiết chế cộng đồng với mô hình tự nguyện, tự quản đã có đóng góp không nhỏ đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Hội quán đã phát huy tốt vai trò tập hợp thành viên, vận động đổi mới tư duy làm kinh tế nông nghiệp đến công tác khuyến học, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường v.v..

Trong thời gian tới, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, chính quyền sẽ làm “cầu nối” để Hội quán tiếp xúc các chuyên gia để được tư vấn về kỹ thuật, quản trị sản xuất, phát triển cộng đồng, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, chính quyền không “nghĩ thay”, “làm thay” hay “chỉ đạo” hoạt động của Hội quán.

“Không nghĩ thay, làm thay”, để người dân tự quyết định những công việc thuộc về người dân, những việc vốn dĩ người dân nắm và hiểu rõ hơn ai hết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đó chính là một trong những lý do vì sao Hội quán tại Đồng Tháp ra đời.

Là người khởi xướng mô hình Hội quán, từ 01 Hội quán đầu tiên tại huyện Châu Thành, đến nay tỉnh Đồng Tháp có 145 Hội quán, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phấn khởi với hành trình 07 năm của Hội quán đã thực sự lan tỏa và tiếp tục duy trì, phát triển; những người nông dân cùng mở ra một con đường mới cho chính mình. Theo Bộ trưởng, chặng đường đã qua, đong đầy cảm xúc, vừa đi vừa mở lối, vừa làm vừa củng cố lý luận, vừa gợi mở vừa thuyết phục, vừa hình thành cái mới vừa điều chỉnh cái cũ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về hành trình Hội quán Đất Sen hồng,
07 năm kiến tạo và sẻ chia

Hội quán đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các viện trường, các tổ chức quốc tế. Đây là tiền đề để Hội quán và các thành viên bước ra không gian rộng lớn hơn, tự tin tiếp cận, trải nghiệm những điều mới mẻ - ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh và cũng đặc biệt lưu ý, Hội quán không chỉ là nơi bàn bạc về phát triển kinh tế, mà hơn hết là xây dựng không gian cộng đồng cùng sống hạnh phúc, hài hòa từ ngôi nhà mỗi người dân đến làng xóm.

Nếu như Chương trình Làng mới (Saemaul Hàn Quốc) được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại thì Hội quán Đồng Tháp được các chuyên gia quốc tế xem là tài sản quý từ cộng đồng, cần được phát huy và tạo ra nhiều giá trị mới hơn nữa.

Nhiều chuyên gia như: Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên Quốc gia, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc; ông Remi Nono Womdim - Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hiệp quốc tại Việt Nam (FAO); ông Lee Seung Jong - Chủ tịch Quỹ Toàn cầu hóa Nông thôn mới - Saemaul Hàn Quốc (SGF) và ông Brian William Bean - Trưởng Đại diện Dự án Winrock International đã chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, phát huy vai trò cộng đồng thông qua các dự án. Đồng thời, các chuyên gia đánh giá cao hoạt động Hội quán của Đồng Tháp và cho biết, trong thời gian tới sẽ có những chương trình, dự án cùng đồng hành, hỗ trợ Hội quán phát triển hơn nữa.

Các chuyên gia, tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm xây dựng cộng đồng

Thể hiện sự đồng hành cùng Hội quán nông dân của Đồng Tháp, tại buổi tọa đàm, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ký kết ghi nhớ hợp tác về xây dựng và chuẩn bị triển khai Đề án “Nâng cao thu nhập cho người trồng lúa tại tỉnh Đồng Tháp” theo tiêu chí, mục tiêu và giải pháp của Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và lãnh đạo Tập đoàn PAN
ký kết biên bản ghi nhớ

Ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp mong muốn, qua Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần này, cũng như qua buổi tọa đàm hôm nay, lãnh đạo các Bộ, ngành, các địa phương và nhất là các tổ chức quốc tế sẽ hiểu hơn về Hội quán tại Đồng Tháp và cùng đồng hành với Hội quán, để Hội quán thực sự trở thành mô hình chung, giúp người dân nâng cao năng lực hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Phước Thiện cũng cho biết, sau Ngày hội, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có tổng kết, báo cáo cụ thể, nhất là giải pháp, định hướng cho hoạt động của Hội quán.

Dịp này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thông tin đến các chuyên gia, tổ chức quốc tế về Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032 đang được tỉnh Đồng Tháp triển khai; Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc lần thứ I năm 2023 sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Nguyệt Ánh

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>