Xuất bản thông tin

null Hội quán - Nền tảng để sản xuất nông nghiệp 'chất' hơn

Trang chủ Báo chí với Hội quán

Hội quán - Nền tảng để sản xuất nông nghiệp 'chất' hơn

Hội quán giúp giải bài toán liên kết, hợp tác giữa nông dân với nhau. Đây là mắt xích quan trọng để thực hiện việc mua chung, bán chung, góp phần giảm chi phí.

Chiều 18/11, UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp
đồng tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị cộng đồng của Hội quán”. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngôi nhà chung của nông dân

Chiều 18/11, UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đồng tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị cộng đồng của Hội quán”.

Hội quán là mô hình thành lập hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu của chính của nông dân để cùng sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất cũng như cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản thời hội nhập. Đây còn là không gian chia sẻ chuyện đường làng, ngõ, xóm, chuyện hợp tác làm ăn rồi chuyện mua bán nông sản.

Hội quán đã giúp giải được bài toán liên kết - hợp tác giữa các nông dân với nhau. Đây là mắc xích quan trọng để thực hiện việc mua chung, bán chung, góp phần giảm chi phí - tăng chất lượng cũng như chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Qua đó cho thấy, đây là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn của tỉnh Đồng Tháp thời gian qua.

Hội quán hoạt động đa dạng các loại hình như: sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá tra, cá lồng bè, lươn thịt, sản xuất khô mắm, kinh doanh đa ngành nghề, du lịch và sản xuất bột... Đến nay đã thành lập được 38 hợp tác xã mới từ hội quán. Từ đó cho thấy, mô hình hội quán là nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp từ “lượng” sang “chất”.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đánh giá,
hội quán đã thật sự phát huy được giá trị cộng đồng thông qua
làm “cùng làm, cùng hưởng cùng chia sẻ, hợp tác, gắn bó với nhau”.
Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thực tế tại mô hình hội quán đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán (ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành) bộc bạch: Hội quán được hình thành và sinh hoạt trên nền tảng từ ngôi “Miếu Bà Chúa Xứ”, nơi sinh hoạt Hội quán là trung tâm của 3 ấp cù lao An Hòa, Tân Hòa, Tân An cũng là thủ phủ của cây nhãn Châu Thành và nuôi thủy sản tập trung của huyện.

Hàng năm, nơi đây cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn nhãn và hàng chục nghìn tấn cá tra nguyên liệu phục vụ cho tiêu dùng và tham gia xuất khẩu.

Qua hơn 6 năm, Hội quán đã tập hợp bà con nông dân trong vùng gắn kết với nhau trong tình làng, nghĩa xóm, cùng bàn chuyện làm ăn, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm mang hiệu quả kinh tế cao cho gia đình góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Theo ông Bình, từ sự hình thành của Hội quán đã mở thêm hướng đi mới cho cây nhãn trên vùng đất cù lao. Đồng thời, xúc tiến cho thành viên tham gia đăng ký cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến nay HTX đã được cấp 23 mã số vùng trồng với diện 550ha xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, Úc, New Zealand, EU, Trung Quốc và Nhật Bản.

Hội quán là mô hình thành lập hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện,
xuất phát từ nhu cầu của chính của nông dân để cùng sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm,
các kỹ thuật mới trong sản xuất cũng như cập nhật thông tin về thị trường,
tiêu thụ nông sản thời hội nhập. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Vì vậy, mô hình hội quán nông dân của tỉnh Đồng Tháp được xem là ngôi nhà chung của người nông dân, là kết quả tích cực của quá trình triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp và mang đậm bản chất giá trị cộng đồng rất cao”, ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp nhận xét.

Hội quán nông dân đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp được hình thành vào giữa năm 2016. Mô hình sau đó lan tỏa ở hầu hết các xã, phường, thị trấn, đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 145 Hội quán, với 7.580 thành viên (có 127/143 xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 mô hình Hội quán).

Do đây là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn nên mô hình Hội quán có những vai trò đặc trưng và riêng biệt. Đầu tiên là góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Kế đến, xây dựng được mã vùng trồng, nhãn hiệu riêng cho nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc, giúp tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)… Cụ thể, đến nay tỉnh Đồng Tháp đã có 38 hợp tác xã nông nghiệp thành lập từ hội quán. Từ đó cho thấy rõ Hội quán chính là nền tảng tiến đến thành lập hợp tác xã.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh yếu tố về giá trị cộng đồng trong hội quán vẫn còn một vài điểm hạn chế cần nhìn nhận: “Sự thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp ở một số thành viên hội quán đôi lúc chưa theo kịp. Tính chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp còn chậm. Tính liên kết hợp tác trong một số lĩnh vực còn chưa bền vững. Công tác tham gia bảo vệ môi trường chưa bền vững ở nông thôn. Nhiều mô hình ở hội quán được phát triển nhưng lại chưa gắn kết nhiều với phát triển du lịch”.

Phát huy vai trò của hội quán trong du lịch nông nghiệp

Theo tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam gợi ý Đồng Tháp phát triển du lịch nông nghiệp trong phát huy vai trò của cộng đồng, tạo sinh kế và giảm nghèo bền vững. Mục tiêu cần đạt được là nâng cao năng lực phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, người dân biết, hiểu và được tổ chức thực hành các hoạt động du lịch cộng đồng theo các lớp tập huấn và các tour du lịch học tập cộng đồng với nhau. Ngoài ra, người dân được thực kỹ năng du lịch cộng đồng theo các lớp học kết nối từ các trường đại học, các hội quán cùng nhau làm du lịch.

Qua hơn 6 năm, Canh Tân Hội quán đã tập hợp bà con nông dân trong vùng
gắn kết với nhau trong tình làng, nghĩa xóm, cùng bàn chuyện làm ăn,
từng bước thay đổi tập quán sản xuất, trao đổi kinh nghiệm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Phú Hậu, thành viên Minh Tâm Hội quán ở xã Mỹ Xương huyện Cao Lãnh cho biết, từ ngày ra đời đến nay hội quán đã tập hợp được hơn 60 thành viên. Hội quán khẳng định được vai trò trong việc tập hợp bà con cùng nhau bàn bạc về thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, xử lý xoài hữu cơ, nghịch vụ, cách phòng trừ sâu bệnh trên vườn xoài nhà mình. Nhất là áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, cùng nhau hỗ trợ nhau nhiều mặt trong đời sống của anh em thành viên.

“Thông qua mô hình Hội quán, từ năm 2021 đến nay các thành viên trong Hội quán đã biết ứng dụng nhật ký điện tử thông qua mã QR trên phần mềm Facefarm, qua ứng dụng mã QR này người mua cây xoài nhà tôi sẽ dễ dàng hơn trong việc theo dõi được quy trình chăm sóc cây xoài của mình sở hữu. Bên cạnh đó, Hội quán còn biết bán cây xoài qua sàn thương mại điện tử, được hơn 70 cây xoài”, ông Trần Phú Hậu nói.

Ngoài việc sản xuất xoài, năm 2022 Minh Tâm Hội quán còn ra mắt mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp đã tiếp đón nhiều đoàn khách tham quan trong và ngoài nước. Bước đầu tạo thêm động lực để phát triển kinh tế gia đình của các thành viên trong Hội quán, qua đó tạo dựng được hình ảnh địa phương ngày càng tốt hơn, đến với du khách.

Hội quán Minh Tâm đã biết ứng dụng nhật ký điện tử thông qua mã QR
 trên phần mềm Facefarm, qua ứng dụng mã QR này người mua “Cây xoài nhà tôi”
sẽ dễ dàng hơn trong việc theo dõi được quy trình chăm sóc cây xoài.
 Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Kwak Busung, Trưởng đại diện Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới Saemaul Undong Hàn Quốc (SGF) tại Việt Nam cho rằng, đôi cánh để phát triển kinh tế nông thôn là xây dựng hệ thống các hoạt động kinh tế mang tính tự tập, bền vững và nhận thức cộng đồng.

Dự án Saemaul Undong đang nỗ lực thành lập mô hình hợp tác xã Saemaul ngay từng làng mà quỹ SGF đang triển khai. Mô hình thí điểm tổ chức để cộng đồng cùng nhau thực hiện các hoạt động kinh tế nhằm đương đầu với bối cảnh kinh tế thị trường vũ bão ngày nay. Sau đó sẽ phát triển thành các hiệp hội hợp tác xã có quy mô lớn hơn. Qua đó, chia sẻ truyền cảm hứng về tinh thần Saemaul cũng như văn hóa giữa các vùng miền thúc đẩy bà con tham gia các hoạt động kinh tế với mục tiêu chung của cộng đồng. Từ đó, giúp cộng đồng xây dựng được nhận thức tập thể mang tính kinh tế.

“Phương tiện giúp thực hiện các mục tiêu kinh tế tập thể chính là chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông minh, đặc biệt phải chọn lọc áp dụng những công nghệ phù hợp thực tế với các vùng nông thôn Việt Nam hơn là các công nghệ quá tiên tiến. Hiện nay, phương tiện mạnh mẽ nhất để phát triển cộng động chính là sự kết nối. Chúng ta có thể sử dụng công nghệ IT để tạo ra thời đại siêu kết nối”, ông Kwak Busung nói.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đánh giá, hội quán đã thật sự phát huy được giá trị cộng đồng thông qua làm “cùng làm, cùng hưởng cùng chia sẻ, hợp tác, gắn bó với nhau”. Thời gian tới, ông Lê Quốc Phong cho rằng, tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục kiên trì mô hình hội quán. Tuy nhiên, cũng cần phải đổi mới nội dung, cách thức hoạt động của hội quán. Các hội quán sẽ là môi trường đào tạo người nông dân chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, các thành viên cần tăng cường giá trị mới tạo ra từ hội quán, nhất là chuỗi giá trị đa ngành hàng. Cuối cùng là phát huy trách nhiệm từng thành viên trong xây dựng phát huy vai trò của hội quán.

Lê Hoàng Vũ, Minh Đảm – Báo Nông nghiệp Việt Nam

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>