Xuất bản thông tin

null Quy hoạch Đồng Tháp trở thành nơi đáng sống, đáng đến

Trang chủ Tin tức quy hoạch

Quy hoạch Đồng Tháp trở thành nơi đáng sống, đáng đến

Ngày 22/02/2023, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã thông qua Báo cáo Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Báo cáo Quy hoạch) với điều kiện có bổ sung, chỉnh sửa.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh: Báo Đầu tư

Trong thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng lợi thế và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, năm 2022 đạt gần 100.000 tỷ đồng, xếp vào hàng khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2011 - 2020 đạt 5,95%/năm, riêng năm 2022 đạt mức tăng trưởng 8,62%.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, Đồng Tháp là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp hàng đầu cả nước. Đồng Tháp có sản lượng gạo xếp thứ 3/13 tỉnh, thành phố của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đứng thứ 2 toàn vùng về sản lượng công nghiệp chế biến cá.

Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện, với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 14 năm liên tiếp nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố “có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước”. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc vinh dự là hai trong tổng số 05 thành phố duy nhất của cả nước được UNESCO công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu”; tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội quảng bá hình ảnh, sản vật địa phương v.v..

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Đồng Tháp vẫn còn một số điểm nghẽn cản trở sự phát triển của tỉnh, cụ thể như: Tư duy kinh tế của đại bộ phận dân cư vẫn lấy tăng trưởng theo chiều rộng là nền tảng, sức lao động là chủ yếu dẫn đến hiệu quả thấp, chưa chuyển đổi được tư duy kinh tế thị trường, phát huy được giá trị gia tăng theo chiều sâu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít về số lượng, nhỏ về quy mô; cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển v.v..

Nhận thức được những tồn tại, hạn chế trên, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức lập quy hoạch, phối hợp cùng Liên danh tư vấn tổ chức tham vấn nhiều chủ thể ở nhiều cấp độ khác nhau từ các Bộ, ngành Trung ương đến Hội đồng điều phối Vùng, 12 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã thực hiện đầy đủ các quy trình, báo cáo, hội thảo, xin ý kiến các cấp, đồng thời hoàn thiện dự thảo quy hoạch cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho biết, tỉnh xác định quy hoạch
là bước đi tiên phong, là vấn đề quan trọng nhất. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho biết, tỉnh xác định quy hoạch là bước đi tiên phong, là vấn đề quan trọng nhất, do đó địa phương đã thay đổi trong tư duy lập quy hoạch.

“Chúng tôi không xem tài nguyên là vấn đề cốt lõi trong phát triển, mà coi yếu tố con người là vấn đề quan trọng nhất. Bản quy hoạch tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát triển hài hòa, lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển”, ông Phạm Thiện Nghĩa cho hay.

Để kiến tạo tương lai, Đồng Tháp phải tham gia vào một chiến lược đổi mới ở cấp độ vĩ mô tập trung vào sự phát triển bền vững, hài hòa thông qua khai thác hợp lý giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh, đồng thời hướng đến một mô hình tăng trưởng cân bằng về kinh tế - xã hội - môi trường mới, với hy vọng hướng đến một mô hình tăng trưởng mang giá trị quốc gia, bởi tỉnh nhận thấy: “Tương lai của tỉnh Đồng Tháp cũng chính là một phần tương lai của Việt Nam và toàn cầu”.

Do đó, Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững đến năm 2030.

Theo đó, nông nghiệp đổi mới là động lực chủ yếu, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển tỉnh dựa trên tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Xem công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi số là các mũi đột phá, hình thành hệ sinh thái công nghiệp bổ trợ (doanh nghiệp, khởi nghiệp, nông dân...) giúp Đồng Tháp chuyển mình từ một tỉnh di cư sang một tỉnh định cư, trở thành một điểm đến của chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp bền vững toàn cầu.

Cùng với đó, phát huy hiệu quả của chuỗi giá trị nguyên liệu - chế biến - kho vận - thương mại - xuất khẩu và lợi thế thương mại biên giới với Campuchia. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống được nâng cao; mở rộng hợp tác, hội nhập sâu rộng với thế giới; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.

Đến năm 2050, Đồng Tháp là trung tâm giao lưu kinh tế giữa Đồng bằng sông Cửu Long với các nước tiểu vùng sông Mekong, là trung tâm du lịch sinh thái của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Đồng Tháp tiếp tục khẳng định vị trí trung tâm đầu mối nông nghiệp bền vững về thuỷ sản nước ngọt, hoa kiểng, trái cây, lúa gạo, ứng dụng công nghệ cao của khu vực, dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế. Quan trọng hơn hết, Đồng Tháp là một trong những tỉnh đáng sống và hạnh phúc của vùng với các tiêu chí hướng đến sự cân bằng, hài hòa và bền vững.

Một số điểm nổi bật trong phát triển tỉnh Đồng Tháp thời kỳ tới

Quy hoạch xác định 07 quan điểm phát triển xuyên suốt, trong đó lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển. Trong quá trình lập quy hoạch, tỉnh đã xây dựng 03 kịch bản phát triển, và lựa chọn kịch bản 2 dựa trên các đột phá, đồng thời đảm bảo sự cân bằng và dự trữ cho tương lai.

Quy hoạch chú trọng 10 lĩnh vực ưu tiên để tạo đột phá phát triển, trong đó, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tiếp tục là các đột phá mang tính dẫn dắt, bên cạnh việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá có vị trí then chốt để tháo gỡ các điểm nghẽn và tạo động lực cho phát triển trong thời gian tới.

Quy hoạch đề ra 16 chỉ tiêu phát triển chính, cân bằng giữa các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường - kết cấu hạ tầng.

Nhằm sắp xếp, bố trí không gian hợp lý, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế, hướng tới sự hiệp đồng giữa các địa phương, Quy hoạch tổ chức không gian phát triển tỉnh theo 04 vùng liên huyện giàu đặc trưng, bao gồm: Chuỗi đô thị và hành lang kinh tế sông Tiền; Vùng kinh tế biên giới thượng nguồn sông Tiền; Vùng kinh tế hậu cần ven sông Hậu; Vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp trung tâm Đồng Tháp Mười.

Về phương án tổ chức không gian phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, Quy hoạch phân chia 02 vùng không gian nông nghiệp chủ đạo, bao gồm: Vùng nông nghiệp Đồng Tháp Mười (Bao gồm phần diện tích tự nhiên của các huyện, thành phố nằm ở phía Bắc sông Tiền với quy mô khoảng 207.173 ha); Vùng nông nghiệp các cù lao và giữa sông Tiền và sông Hậu (Bao gồm các cù lao của huyện Hồng Ngự và huyện Thanh Bình, toàn bộ các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò và thành phố Sa Đéc, với diện tích tự nhiên khoảng 97.093 ha).

Về phương án phát triển hệ thống đô thị, tỉnh Đồng Tháp phát triển mô hình các mạng lưới tiểu vùng đô thị đa trung tâm, với 01 chuỗi đô thị trung tâm và 03 tiểu vùng đô thị độc lập mang tính bổ trợ lẫn nhau, bao gồm: Chuỗi đô thị ven sông Tiền (chuỗi đô thị trung tâm); Tiểu vùng đô thị biên giới (chuỗi đô thị phía Bắc); Tiểu vùng đô thị ven sông Hậu (chuỗi đô thị phía Tây Nam); Tiểu vùng đô thị trung tâm Đồng Tháp Mười (chuỗi đô thị phía Đông Bắc).

Trước đó, để nâng cao chất lượng quy hoạch và bảo đảm tính khả thi, trong quá trình lập Quy hoạch, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã nhiều lần tổ chức hội thảo mời các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh v.v. để xin ý kiến về định hướng phát triển tỉnh, về nội dung quy hoạch tỉnh; đồng thời tổ chức lấy ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

Văn Khương lược ghi

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>