Xuất bản thông tin

null Giảm tác động tự nhiên giúp Tràm Chim thu hút sếu đầu đỏ

Trang chủ Báo chí với Đồng Tháp

Giảm tác động tự nhiên giúp Tràm Chim thu hút sếu đầu đỏ

Điều tiết mực nước phù hợp, giảm tác động du lịch đến tự nhiên giúp Vườn quốc gia Tràm Chim phục hồi sinh thái, thu hút sếu đầu đỏ sau nhiều năm vắng bóng.

Tràm Chim nằm ở huyện Tam Nông, rộng hơn 7.500 ha, được công nhận là Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về sinh học và bảo tồn) thứ 4 của Việt Nam. Nơi đây có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ từ Campuchia trú ngụ từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau mới rời đi. Những năm 1990, đàn sếu về vườn rất đông, có khi cả nghìn con, song thời gian gần đây dần thưa vắng, có năm không về. Hôm 7/3, vườn ghi nhận 4 sếu đầu đỏ tìm về, bay lượn và đậu lại khoảng nửa giờ.

"Những thay đổi về điều kiện sinh thái ở vườn đã mang lại kết quả tích cực, thu hút sếu trở lại sau hai năm vắng bóng. Sếu được xem là loài có linh tính, chỉ dấu cho những nơi có môi trường trong lành", ông Đoàn Văn Nhanh, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn Vườn quốc gia Tràm Chim, nói và cho biết vườn sẽ tuân thủ việc bảo vệ môi trường tự nhiên ở đây góp phần bảo tồn loài chim quý.

Cụ thể, vườn điều tiết nước theo chỉ dẫn của các nhà khoa học, chứ không dự trữ quanh năm như trước. Kế hoạch tháo nước được thực hiện đầu tháng 12, kéo dài đến tháng 4 năm sau trong điều kiện khô hạn và thêm hai tháng nếu mưa sớm. Phần nước tháo ra được chuyên gia tính toán dựa trên lượng nước bốc hơi, nhu cầu các loài, đặc biệt phù hợp cho năng kim tạo củ - thức ăn khoái khẩu của sếu.

Trong đó, phân khu A4, A5 (nơi đàn sếu trú ngụ khi về vườn) được tháo nước trước Tết, trễ hơn tại phân khu A1, tương ứng thói quen di cư của loài sếu. Song song đó, Tràm Chim chủ động đốt cỏ tại những khu vực có lớp thực bì dày. Khi bề mặt thông thoáng các loài "bật" dậy, tươi tốt hơn trước.

Đàn sếu đầu đỏ di cư về Vườn quốc gia Tràm Chim năm 2015. Ảnh: Tăng A Pẩu

Lý giải việc điều tiết mực nước là chìa khóa giúp hệ sinh thái Tràm Chim phục hồi, TS Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết trữ nước làm giảm nguy cơ cháy rừng nhưng đi ngược quy luật tự nhiên của hệ sinh thái.

Ba năm trước ông cùng nhóm nghiên cứu lấy 60 mẫu nước lấy tại Tràm Chim để phân tích, kết quả kể cả trong mùa khô nơi đây vẫn trữ nước cao 20-50 cm, gấp 2-7 lần vào mùa mưa. Mẫu nước có hàm lượng oxy hòa tan thấp, pH cao, có dấu hiệu bị ô nhiễm...

Các số liệu chỉ ra việc giữ nước cao liên tục khiến pH tăng, năng kim bị loài khác lấn át. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến loài sếu vắng bóng ở Tràm Chim. Ngoài ra, việc trữ nước cao khiến chuỗi thức ăn của sếu và các loài chim di cư bị xáo trộn, ảnh hưởng khả năng tìm thức ăn, làm tổ, sinh sản...

"Nguồn nước kém lưu thông càng khiến cho môi trường nước xấu đi trong tương lai, đặc biệt ô nhiễm nặng vào mùa khô có thể gây chết nhiều loài thủy sinh", kết quả nghiên cứu chỉ ra.

Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất ngập nước (Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM), cũng cho rằng Tràm Chim đang thực hiện tốt điều tiết mực nước theo khuyến cáo, đưa về chu kỳ ngập nước tự nhiên vốn có, giúp hệ sinh thái phục hồi.

"Đàn chim cò kiếm ăn ở đây tăng cả số loài lẫn số cá thể. Một số đàn như diệc xám, giang sen, quắm đen, trích cồ tăng rõ rệt. Nếu cải thiện tốt cả môi trường trong lẫn ngoài vườn, mùa mưa tới sẽ có nhiều loài chim về đây sinh sản", ông Bảo dự đoán.

Điều tiết nước phù hợp, nhiều đàn chim cò kéo về Tràm Chim,
tháng 2/2024. Ảnh: Tăng A Pẩu

Ngoài điều tiết nước, từ năm ngoái Tràm Chim có những thay đổi trong hoạt động du lịch như loại bỏ xuồng máy công suất lớn; linh hoạt mở các tour vào sáng sớm, chiều nhằm hạn chế tập trung cùng lúc vào buổi trưa; dừng một số dịch vụ đi sâu vào vùng lõi hoặc chỉ phục vụ nhóm nhỏ...

Theo nghiên cứu, sếu đầu đỏ chọn môi trường sinh sống, di cư dựa trên hai yếu tố nguồn thức ăn và sự an toàn. Chúng thích sống vùng đầm lầy với mực nước nông (25-65 cm), ruộng lúa và các nơi có dòng chảy nhỏ.

TS Ni và các chuyên gia khi tìm hiểu về tập tính loài sếu đã phát hiện, tại nơi chúng sinh sản có nguồn thức ăn dồi dào. Con non trong 8 tháng đầu đời có thể nặng 7-8 kg, cần nguồn đạm động vật (cua, cá, chuột) lớn. Khi trưởng thành và về già, chúng chuyển dần sang ăn thực vật.

Vào mùa khô hằng năm, sếu sẽ di cư từ Campuchia sang Việt Nam. Khi di trú, những con trưởng thành sẽ huấn luyện con non bản năng tìm mồi, bản đồ di cư. Mặt khác, nơi di trú được xem là địa điểm hẹn hò của sếu trưởng thành. "Sếu không kết hôn trong cùng đàn nhỏ. Khi di trú chúng sẽ tìm bạn tình ở những bầy khác", TS Ni nói.

TS Ni lưu ý thời gian tới cần quan trắc kỹ chất lượng nước kể cả bên ngoài vườn trước khi có quyết định đưa nước vào, theo dõi lượng thức ăn của sếu, có kế hoạch khai thác du lịch phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đàn sếu.

Theo Hội Sếu quốc tế, toàn thế giới ước tính có 15.000-20.000 sếu đầu đỏ, trong đó 8.000-10.000 con phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan. Riêng loài sếu phương Đông (chủ yếu Việt Nam và Campuchia) từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 sếu đầu đỏ, song đến năm 2014 còn 234 con, hiện còn khoảng 160 con.

Cuối năm ngoái, Đồng Tháp thông qua đề án bảo tồn đàn sếu với tổng đầu tư 185 tỷ đồng, thực hiện trong 10 năm. Theo kế hoạch, tỉnh nhận chuyển giao 60 cặp sếu từ Thái Lan sau đó gầy đàn thêm 40 con. Sau quá trình chăm sóc, huấn luyện chúng được thả về tự nhiên ở Tràm Chim. Đến nay sếu chưa được đưa về vườn.

Ngọc Tài - VnExpress

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>