Long Châu Sa trong những ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh của thực dân Pháp được xây dựng vào những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh Pháp – Việt ở vùng Tây Bắc Việt Nam.
Chiều 07/5/1954, lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam
tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng.
Ảnh: Tư liệu TTXVN
Bộ trưởng chiến tranh - quốc phòng nước Pháp, các tướng lĩnh, đô đốc, tổng tham mưu trưởng tham mưu các đoàn quân chủng hải, lục, không quân Pháp và cả tướng Mỹ Ô-Đa-Ni-En đã đến tận nơi kiểm tra và đều xác nhận Điện Biên Phủ là một tập đoàn đáng sợ, “một pháo đài bất khả xâm phạm”, “một Vec-dong ở Đông Nam Á”.
Chúng đều tán dương chủ trương kế hoạch của tướng Nava do chính đế quốc Mỹ vạch ra và chỉ đạo thực hiện. Chúng ảo vọng chỉ trong 18 tháng (bắt đầu từ cuối Thu - Đông năm 1953) sẽ giành lại thế chủ động chiến lược, chuyển bại thành thắng trên chiến trường Đông Dương.
Để đập tan kế hoạch kéo dài và mở rộng chiến tranh của Pháp - Mỹ, cụ thể là kế hoạch Nava, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953 - 1954. Ngày 06/12/1953, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng do Hồ Chủ tịch chủ tọa đã quyết định tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hồ Chủ tịch chỉ thị “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Ngày 13/3/1954, sau khi mọi mặt đã chuẩn bị hoàn thành, tiếng súng tấn công vào Điên Biên Phủ của quân ta bắt đầu. Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục trong những điều kiện hết sức gian khổ, trải qua ba đợt tiến công bằng một loạt trận chiến đấu công kiên, toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ gồm 16.200 quân, trong đó có hơn 40% là lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp bị tiêu diệt và bắt gọn. Cộng cả chiến trường phối hợp trên toàn Đông Dương thì trong cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, ta đã tiêu diệt và bắt 112.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 177 máy bay.
Ở tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp và một phần của tỉnh An Giang), trong suốt thời gian chuẩn bị và chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, sự phối hợp chiến trường khá nhịp nhàng. Quán triệt nhiệm vụ kềm chân địch, mở rộng căn cứ du kích, phát triển lực lượng “đón lấy thời cơ mới” do Bộ Chính trị và Trung ương Cục đề ra cho Nam Bộ, Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Long Châu Sa tổ chức phát động đợt thi đua giành giải thưởng Hồ Chí Minh từ ngày 02/9 đến ngày 19/12/1953 nhằm đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị kết hợp với “chiến dịch địch nguy vận” để phối hợp với chiến trường chính.
Kết quả đợt thi đua này, lực lượng võ trang Long Châu Sa được củng cố tăng cường về mặt tư tưởng, phát triển mạnh về số lượng, đã tích cực tổ chức tiến công địch để giành lại thế chủ động. 151 trận đánh đã diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh, ta diệt và bắt 678 tên, (84 tên bị bắt sống), thu 136 súng các loại và trên 30.000 viên đạn, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh khác.
Đại đội đặc công 962 của tỉnh dùng mìn tự chế đánh chìm 03 tàu địch trên sông Hồng Ngự. Tiểu đoàn 311 cùng địa phương quân huyện đánh địch ở các xã Thường Phước, Bình Thạnh, Tân Hội, Tân Thành ven biên giới bắn chìm 02 tàu, phá hủy 200 xuồng ghe của địch, diệt 140 tên, san bằng 01 đồn. Tổ địch vận huyện Châu Thành do anh Đồng cùng 02 chiến sĩ vận động 60 lính ở đồn Rạch Câu, An Khánh, Bà Thiên ra đầu hàng. Du kích xã Phú Long vận động được trưởng đồn Bá Ngọc làm nội ứng đưa lực lượng ta vào kêu lính đầu hàng, chiếm đồn không tốn một viên đạn…
Qua đầu năm 1954, nhất là từ khi quân ta nổ súng tấn công Điện Biên Phủ (13/3/1954) thì dân quân tỉnh Long Châu Sa đã phối hợp tích cực, tấn công địch rộng khắp. Tiểu đoàn 311 hoạt động mạnh trên địa bàn Cao Lãnh, Tân Hồng (nay là Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng). Đại đội hỏa lực 970 chuyển sang Thanh Bình hữu ngạn sông Tiền, Đại đội đặc công 962 bám các tuyến sông và lộ 80, 30, 23 để săn tàu địch và đánh phá đồn, bốt, tháp canh.
Các đại đội địa phương quân huyện và du kích xã, ấp đẩy mạnh bao vây, bắn tỉa các đồn bót, chuẩn bị chiến trường và bổ sung cho lực lượng tỉnh.
Ở huyện Cao Lãnh, tháng 02/1954, du kích xã Mỹ Hiệp phối hợp với một số xã trong huyện liên tục phục kích đánh địch đi càn, diệt 02 trung đội địch. Tháng 4, địa phương quân và du kích đánh 19 trận diệt 16 tên, làm bị thương 26 tên, bắt sống 05 tên. Ở huyện Tân Hồng tháng 3/1954, du kích Thường Thới phối hợp tấn công diệt đồn An Lạc. Ở Sa Đéc ngày 02/4 một đơn vị công binh phối hợp với đặc công Sa Đéc đánh chìm 02 tàu, diệt 36 tên, phá hủy nhiều hàng hóa và vũ khí chứa trên tàu.
Huyện Châu Thành từ tháng 3 đến đầu tháng 5, quân dân trong huyện đánh 17 trận, diệt 45 tên, làm bị thương 76 tên, bắt sống 12 tên và thu 14 súng và nhiều đạn dược.
Ở huyện Lai Vung trong hai tháng 3 và 4/1954, địa phương quân và du kích tổ chức đánh 04 trận, diệt và bắt sống 12 tên.
Sang đầu tháng 5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào những ngày cuối và chiều ngày 07/5/1954, quân ta toàn thắng. Kẻ thù choáng váng, quân dân cả nước phấn khởi xốc tới. Tỉnh ủy Long Châu Sa chỉ đạo cho các lực lượng trong tỉnh đồng loạt nổi dậy tấn công chính trị, quân sự và địch ngụy vận. Đại đội 948 thuộc Tiểu đoàn 311 của tỉnh cùng với bộ đội huyện Tân Hồng và bộ đội It-sa-rắc (Campuchia) phục kích đánh đoàn xe tại Niếc-lương diệt 100 tên Pháp và bọn lính Khmer phản động, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự.
Ngày 02/5/1954, Tiểu đoàn 311 và du kích xã Phong Mỹ đánh Tiểu đoàn ngụy 522 của Nguyễn Giác Ngộ đi càn quét vào khu vực Tân Phú, huyện Tân Hồng diệt và làm bị thương gần 200 tên địch. Xã Mỹ Hiệp (Cao Lãnh) quân ta bao vây, bức rút 05 đồn địch, giải phóng xã ngay trong tháng 5/1954...
Nhìn chung trong suốt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân tỉnh Long Châu Sa - Đồng Tháp đã tổ chức phối hợp nhịp nhàng, từ kếm chế địch chuyển sang tấn công kết hợp với binh địch vận, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, san bằng, bức rút nhiều đồn bót, giải phóng cơ bản được 52 xã thuộc các quận Tân Hồng, Cao Lãnh, Lai Vung, Châu Thành và cù lao An Tịnh, cù lao Tây. Quan trọng là góp phần làm thất bại âm mưu bình định mới và căng kéo, giam chân một bộ phận quân chủ lực cơ động của địch, buộc chúng bị động đối phó, không đưa lực lượng này từ Nam Bộ ra tiếp viện cho Điện Biên Phủ, đẩy quân Pháp ở Điện Biên Phủ rơi vào thế cô lập để bộ đội ta nhanh chóng tiêu diệt.
Kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhớ lại những ngày tháng sôi nổi hào hùng này, quân và dân tỉnh Long Châu Sa xưa, Đồng Tháp ngày nay càng thêm phấn khởi, tự hào vì mình có những đóng góp xứng đáng để làm nên chiến thắng vẻ vang này.
Xuân Tư - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp
(Nguồn: Đồng Tháp Đất và Người, tập II)
Ý kiến bạn đọc (0)