Cuộc đời hoạt động Cách mạng của Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Văn Phối
Ông Nguyễn Văn Phối, sinh năm 1916, quê ở thôn Mỹ Nghĩa, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là Ấp 3, xã Mỹ Ngãi, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp); sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cha là Nguyễn Văn Huấn, mẹ là Nguyễn Thị Ân.
Một số hình ảnh về quê hương, gia đình ông Nguyễn Văn Phối tại Nhà tưởng niệm Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Văn Phối (xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)
Là người con lớn trong gia đình, lúc nhỏ ở nhà, Nguyễn Văn Phối được cha dạy chữ Nho và hơn 10 tuổi được cho đi học chữ Quốc ngữ ở trường làng ở Ba Sao (Mỹ Nghĩa). Học hết lớp ba trường làng, ông được cha mẹ cho ra chợ Cao Lãnh học đến năm cuối lớp Nhứt (bậc tiểu học). Noi theo chí hướng của cha, Nguyễn Văn Phối biết căm ghét giặc Pháp và bọn tề xã tay sai.
Ngay từ lúc thiếu thời, còn đi học ở Cao Lãnh, Nguyễn Văn Phối đã tích cực tham gia phong trào học sinh đấu tranh đòi dân sinh dân chủ năm 1930 nên bị đuổi học. Năm 1936, ông bí mật làm liên lạc Chi bộ Mỹ Ngãi và được kết nạp Đảng năm 1936.
Sau cuộc Nam kỳ khởi nghĩa ngày 23/11/1940, giặc Pháp thẳng tay khủng bố, tìm bắt, đánh phá cơ sở Đảng, Nguyễn Văn Phối bị vây bắt tại nhà, tra khảo và đày ra nhà tù Bà Rá (thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay). Trong tù, ông được gần gũi với những người cùng hoạt động Cách mạng giáo dục thêm về chủ nghĩa Cộng sản, về Đảng Cộng sản Việt Nam nên nhận thức và ý chí chiến đấu của ông càng rèn luyện vững vàng hơn.
Tháng 3/1945, Nhật đảo chánh Pháp, ông cùng các bạn tù thoát ra ngoài. Ông tìm cách trở về quê hương và tiếp tục hoạt động Cách mạng trong chi bộ xã Phong Mỹ. Giữa năm 1945, Nguyễn Văn Phối cùng Lê Văn Sáng, Đặng Tâm Quảng được cử đi dự hội nghị Liên Tỉnh ủy Long Xuyên – Sa Đéc.
Tháng 6/1945, ông Nguyễn Văn Phối được bầu làm Ủy viên dự khuyết Huyện ủy Cao Lãnh. Ông cùng Huyện ủy Cao Lãnh lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân trong huyện nổi lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa giành lấy chánh quyền ngày 25/8/1945.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Văn Phối được cử làm Huyện ủy viên chính thức và không lâu sau được cử vào Ban Thường vụ Huyện ủy Cao Lãnh. Năm 1949, ông được tín nhiệm làm Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh, thay ông Nguyễn An Tịnh.
Năm 1950, ông được rút lên tỉnh, là Tỉnh ủy viên phụ trách Hội trưởng Hội Nông dân Cứu quốc tỉnh; năm 1952, được cử làm Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Long Châu Sa (nay là Đồng Tháp).
Để phù hợp với chiến trường trong tình hình mới, Xứ ủy Nam bộ chủ trương giải thể tỉnh Long Châu Sa, thành lập Tỉnh ủy 03 tỉnh: Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc. Ông Nguyễn Văn Phối được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc.
Cuối năm 1956, Liên Tỉnh ủy Trung Nam bộ rút ông Nguyễn Văn Phối đi làm Bí thư Tỉnh ủy Long An. Năm 1958 được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Kiến Phong; năm 1960 được bầu vào Liên Tỉnh ủy và là Ủy viên Ban Thường vụ Liên Tỉnh ủy, Phó Chính ủy Quân khu 8.
Năm 1962, ông là Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 962, lãnh đạo xây dựng các bến ở Bà Rịa, Bến Tre, Trà Vinh và Cà Mau để tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện chiến trường miền Nam, hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ngày 16/6/1966, sau khi kiểm tra bến Trà Vinh trở về Bến Tre, thuyền của ông Nguyễn Văn Phối bị tàu Hải quân ngụy vây đánh. Không thể thoát được, ông và 08 đồng sự hủy thuyền và anh dũng hy sinh.
Hình ảnh hoạt động Cách mạng được trưng bày tại Nhà tưởng niệm
Lễ truy điệu ông Nguyễn Văn Phối được Khu ủy Trung Nam bộ tổ chức long trọng và vợ ông là bà Lê Thị Thái được lãnh đạo Khu đưa xuống Bến Tre tưởng nhớ nơi ông hy sinh.
Năm 1989, phần mộ ông được cải táng về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp. Ngày 22/11/2011, liệt sĩ Nguyễn Văn Phối được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Ông Nguyễn Văn Phối còn được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều Huân chương cao quý khác.
Nhằm tri ân Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Văn Phối và thể theo nguyện vọng của gia đình và nhân dân địa phương, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng gia đình xây dựng công trình Nhà tưởng niệm Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Văn Phối. Công trình tọa lạc tại Ấp 2, xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh, được khởi công xây dựng từ tháng 4/2015 và khánh thành vào tháng 6/2016, nhân kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh của ông.
Tượng thờ Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phối tại Nhà tưởng niệm, lễ giỗ hằng năm vào ngày 27 và 28/4 âm lịch
Hằng năm, Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh và xã Mỹ Tân và họ tộc Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Văn Phối đều phối hợp tổ chức lễ giỗ đầy trang trọng.
(Theo Tóm tắt tiểu sử Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Văn Phối, sưu tầm và biên soạn: Nguyễn Đắc Hiền)
Nguyệt Ánh
Ý kiến bạn đọc (0)