Câu 5: Vị thế, vai trò của tỉnh Đồng Tháp trong mối liên hệ nội vùng Đồng bằng sông Cửu Long?
Trong tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Tháp vừa đóng vai trò một tỉnh nằm ở thượng nguồn, vừa là một tỉnh cửa ngõ huyết mạch của vùng xét trên nhiều khía cạnh về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng và an ninh - nhất là an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh biên giới và đối ngoại, không những đóng góp phát triển bền vững cho Đồng Tháp mà đóng góp rất lớn cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia trong dài hạn.
Đồng Tháp nằm trong vùng ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, rất gần với các thành phố lớn, là hậu phương gần của 02 cụm tăng trưởng quan trọng là thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là cửa ngõ của vùng tứ giác Long Xuyên.
Trong định hướng liên kết vùng mới của vùng đồng bằng, tỉnh Đồng Tháp nằm ở vị trí bản lề giữa hành lang kinh tế sông Mê Công và hành lang kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Cà Mau, là một trong bốn trọng điểm quan trọng của “Tứ giác huyền diệu” – vùng động lực trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long.
Về lĩnh vực kinh tế, tỉnh Đồng Tháp là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp quan trọng hàng đầu của cả nước.
Tỉnh Đồng Tháp là tỉnh sản xuất nông nghiệp tốp đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long xếp thứ 3/13 về sản xuất lúa gạo; và xếp thứ 2/13 về công nghiệp chế biến thủy sản.
Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên là 2 vùng thủy sản nước ngọt nội địa quy mô lớn nhất. Theo đánh giá trong Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Tháp còn thuộc nhóm tỉnh khá thu hút khách du lịch (cùng với Cần Thơ, Kiên Giang và An Giang).
Ngành du lịch sinh thái có thế trở thành 01 ngành kinh tế dịch vụ mũi nhọn, bên cạnh kinh tế cửa khẩu có điều kiện phát triển.
Về lĩnh vực xã hội, dân số và lao động là một thách thức lớn cho tỉnh Đồng Tháp – tình hình chung của các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo nhận định của quy hoạch Vùng, Đồng Tháp là một trong 06 tỉnh có dòng xuất cư ra khỏi vùng giai đoạn 2009 - 2019; đồng thời quy mô dân số cũng được dự báo sẽ giảm khoảng 70.000 người đến năm 2030 và khoảng 190.000 đến năm 2050. Tuy nhiên, các dự báo này chưa xem xét các yếu tố bất định và các xu hướng tái cấu trúc kinh tế - dân cư - lao động hậu đại dịch.
Một điểm sáng đáng chú ý, Đồng Tháp được đánh giá là môi trường kinh doanh thân thiện và tiến bộ so với mặt bằng chung, thể hiện thông qua các chỉ số năng lực cạnh tranh PAR, PAPI, PCI thuộc nhóm dẫn đầu cả nước trong giai đoạn 2010 - 2020.
Về lĩnh vực môi trường, tỉnh Đồng Tháp là một trong ba tỉnh có hệ sinh thái đầm lầy nước ngọt và đồng cỏ lau (cùng với Long An và Tiền Giang). Sinh cảnh chính của vùng Đồng Tháp Mười (thượng đồng bằng tả ngạn sông Tiền) là vùng đồng bằng ngập nước rộng lớn được bao phủ bởi những hồ nước tạm thời, cỏ lau cao và rừng đầm lầy nước ngọt.
Đồng Tháp cũng là một trong ba tỉnh duy nhất có Vườn quốc gia (cùng Cà Mau, Kiên Giang), với tổng diện tích rừng quốc gia và khu bảo tồn tự nhiên lớn thứ 4 cả nước.
Bên cạnh đó, tiểu vùng Đồng Tháp Mười có tiềm năng nước ngầm dồi dào với trữ lượng cao thứ 2 Đồng bằng sông Cửu Long (đứng sau tiểu vùng bán đảo Cà Mau). Đặc biệt, Đồng Tháp là vùng ngập sâu có lượng nước ngọt dự trữ rất lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long nhờ nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tạo tiền đề phát triển khu dự trữ nước ngọt cho cả khu vực trong tương lai.
Về vệ sinh môi trường, tỉnh Đồng Tháp có 02/10 bãi rác hợp vệ sinh, với lượng chất thải được thu gom cao thứ 5/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, ngập lụt là mối đe dọa thường trực của Tỉnh.
Tỉnh Đồng Tháp chịu ảnh hưởng bởi lũ sông với mức độ ngập sâu trên 02 m theo chu kỳ 10 năm, đồng thời cũng từng trải qua ngập lụt cực đại với độ sâu 03 - 04m trong trận lũ lớn năm 2011 (chu kỳ lặp lại ước tính 10 - 20 năm).
Ý kiến bạn đọc (0)