Chất lượng điều hành cấp tỉnh dưới lăng kính PCI 2024
Khảo sát PCI năm 2024 được thực hiện với phản hồi của gần 11.000 doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp tiếp tục thể hiện niềm tin vào chính quyền địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực như minh bạch thông tin, chất lượng lao động, gia nhập thị trường thuận lợi và cải cách thủ tục hành chính trực tuyến.
Ông Trần Trí Quang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp (thứ 3 từ phải sang) tham dự Lễ công bố PCI 2024 và lắng nghe phân tích từ chuyên gia. Ảnh: VCCI
Theo phân tích của ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chất lượng lao động chuyển biến tích cực, năm 2024, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tốt về giáo dục phổ thông, giáo dục dạy nghề tại tỉnh là 68% và 63%, tăng so với năm trước đó (lần lượt là 63% và 56% năm 2023). Có 54% doanh nghiệp cho biết về chất lượng lao động địa phương đáp ứng hoàn toàn/phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp vào năm 2024, tăng so với con số 47% của năm 2023. Các doanh nghiệp cũng cho biết việc tuyển dụng các nhóm lao động phổ thông, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý, giám sát cũng thuận lợi hơn.
Không nằm ngoài xu hướng tích cực này, đối với Đồng Tháp, chỉ số thành phần Đào tạo lao động được tỉnh cải thiện rõ rệt, với 6,25 điểm (tăng 0,65 điểm so với năm 2023). Qua đó cho thấy, chất lượng đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho lao động, cũng như tìm kiếm việc làm cho lao động tại địa phương được quan tâm.
Ông Đậu Anh Tuấn phân tích PCI 2024. Ảnh: VCCI
Về minh bạch thông tin cũng được tăng lên. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng “cần có mối quan hệ” để tiếp cận tài liệu của tỉnh chỉ còn 31%, giảm gần một nửa so với 61% năm 2021. Với tỉnh Đồng Tháp, Tính minh bạch luôn được doanh nghiệp đánh giá cao, có điểm số tăng hằng năm (năm 2024 đạt 7,39 điểm, tăng 0,11 điểm so với năm 2023).
Kết quả PCI của tỉnh Đồng Tháp qua các năm. Ảnh: VCCI
Xu hướng tích cực thứ ba đó là gia nhập thị trường thuận lợi hơn. Qua khảo sát của PCI 2024, doanh nghiệp tiếp tục đánh giá cao thủ tục đăng ký doanh nghiệp: 93% cho rằng thủ tục minh bạch, 91% nhận được hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ, 86% hài lòng về chuyên môn và thái độ của cán bộ tiếp nhận.
Đối với Đồng Tháp, năm 2024, chỉ số thành phần Gia nhập thị trường tiếp tục đạt kết quả ấn tượng, với 8,43 điểm (tăng 0,93 điểm so với năm 2023). Năm qua, trên địa bàn tỉnh có 666 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 4.500 tỷ đồng và 5.800 hộ kinh doanh mới.
Cùng với đó, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh năm 2024 đạt 7,41 điểm (tăng 1,2 điểm). Đạt được kết quả này, năm 2024 vừa qua, tỉnh tiếp tục duy trì nhiều chương trình, hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp. Điển hình là “Cà phê doanh nhân” được duy trì thường xuyên, tạo không gian kết nối hiệu quả giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; đưa 100% dịch vụ công lên môi trường số; công khai, minh bạch quy hoạch, đất đai, đầu tư; phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp v.v..
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đến thăm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dầu gạo Shethia Hemraj tại thành phố Sa Đéc để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Việt Tiến
Bên cạnh các xu hướng tích cực, báo cáo PCI 2024 cũng cho thấy những tồn tại cần được quan tâm, như tiếp cận đất đai vẫn là trở ngại lớn, chi phí tuân thủ pháp luật còn cao và tính năng động của chính quyền địa phương tại một số nơi có dấu hiệu suy giảm.
Về chất lượng quản trị môi trường đã có sự cải thiện. Công tác thực thi quy định môi trường được tăng cường, mức độ tuân thủ của doanh nghiệp gia tăng. Có 78% doanh nghiệp đánh giá địa phương có hành động kịp thời để xử lý vấn đề ô nhiễm (tăng 7,3 điểm phần trăm). 20% doanh nghiệp đồng ý rằng lý do chính khiến họ nâng cấp xanh là do quy định pháp luật (so với 14,3% năm 2023). Tuy nhiên, gánh nặng thủ tục và tính công bằng của các hoạt động thanh, kiểm tra môi trường là vấn đề cần được quan tâm hơn.
Chỉ số xanh cấp tỉnh năm 2024
PCI 2024 sẽ là báo cáo PCI cuối cùng thực hiện đánh giá đầy đủ 63 tỉnh, thành phố trước khi quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 60-NQ/TW của Trung ương Đảng được triển khai từ năm 2025. Quá trình tinh gọn bộ máy và tái cấu trúc hệ thống chính quyền địa phương đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc duy trì và nâng cao chất lượng điều hành ở quy mô rộng hơn, phức tạp hơn. Trong bối cảnh đó, PCI không chỉ là công cụ đánh giá, mà còn là nguồn dữ liệu tham chiếu quan trọng để đảm bảo quá trình sáp nhập diễn ra suôn sẻ, hiệu quả và hướng tới mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng miền. |
>> Đồng Tháp: 17 năm liên tiếp có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc
Nguyệt Ánh
Ý kiến bạn đọc (0)