Xuất bản thông tin

null Khuyến cáo nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Khuyến cáo nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Người dân cần làm gì trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là khi chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị bệnh? Xoay quanh vấn đề này, Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Trần Văn Hai – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp.

Thạc sĩ Trần Văn Hai – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp

Phóng viên: Ông có thể thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, trong nước và trong tỉnh tới thời điểm này?

Ths Trần Văn Hai: Dịch bệnh do chủng mới của vi rút Corona 2019 (Covid-19) được phát hiện lần đầu tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Tới nay, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đã ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19. Đến ngày 03/12/2020, đã có 215 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có trường hợp mắc Covid-19 với 64,8 triệu trường hợp mắc và đã có gần 1,5 triệu trường hợp tử vong.

Việt Nam đã ghi nhận trường hợp bệnh Covid-19 xâm nhập đầu tiên ngày 23/01/2020, tính đến ngày 03/12/2020, Việt Nam ghi nhận 1.358 trường hợp mắc Covid-19, 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Trong những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp hơn, đã có sự lây nhiễm từ người đang cách ly tại nhà (bệnh nhân 1342) ra cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngành y tế đã có những giải pháp quyết liệt và nhanh chống khoanh vùng nơi ở của ca bệnh, tiến hành khử khuẩn, điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) và thực hiện cách ly, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo qui định, hướng dẫn.

Tại Đồng Tháp, tình hình của dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt. Tính từ tháng 02/2020 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận cách ly y tế tập trung người nhập cảnh/trở về từ Campuchia và 08 đợt tiếp nhận đoàn công dân Việt Nam và người nhập cảnh từ nước ngoài trở về từ Anh, Đài Loan, Philippine, Singapore, Ấn Độ, Indonesia. Tổng số trường hợp được quản lý cách ly là 2.541 người.

Công tác kiểm soát, quản lý, điều trị các đối tượng cách ly được tuân thủ đúng qui định; công tác kiểm soát người nhập cảnh tại các cửa khẩu giáp với Campuchia được thực hiện nghiêm túc, luôn có cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch y tế quốc tế trực tại các cửa khẩu, kể cả các ngày lễ tết. Đặc biệt, công tác kiểm dịch y tế quốc tế càng được thực hiện chặt chẽ hơn khi đã có trường hợp lây nhiễm ra cộng đồng tại Campuchia.

Phóng viên: Đến thời điểm này, tình hình nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam và thế giới ra sao, thưa ông?

Ths Trần Văn Hai: Hiện nay, trên thế giới hiện nay có hơn 200 loại vắc-xin Covid-19 đang triển khai nghiên cứu, trong đó gần 50 loại vắc-xin đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng (13 vắc-xin thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III); số còn lại đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II, giai đoạn I và đang trong quá trình nghiên cứu, chưa tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

Việt Nam có 04 nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 là Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ sinh học Dược NANOGEN đang nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19.

Các nhà sản xuất vắc-xin tại Việt Nam đang nỗ lực, tập trung các nguồn lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19, dự kiến trong năm 2021 sẽ có ít nhất một nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II, III tại Việt Nam.

Phóng viên: Theo một chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của WHO từng nhận định, con người có thể phải thích nghi và sống chung với virus corona vì không có gì đảm bảo sớm có được loại vắc-xin hiệu quả. Không chờ vắc-xin, vậy người dân cần làm gì trong lúc này, thưa ông?

Ths Trần Văn Hai: Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC), định nghĩa miễn dịch cộng đồng (tên tiếng Anh là Community immunity) là tình trạng trong đó có một tỷ lệ nhất định người dân có miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm (thông qua tiêm chủng và/hoặc đã mắc bệnh này trước đó) nhằm phòng tránh các bệnh lây từ người sang người.

Nói theo cách đơn giản là để bệnh Covid-19 đạt miễn dịch cộng đồng một cách tự nhiên là khi số lượng người mắc bệnh phải đủ lớn, người bệnh nhiều hơn người chưa bệnh. Nhưng khi đó con số tử vong do bệnh sẽ tăng cao do thiếu cơ sở vật chất, thiếu cán bô y tế phục vụ, thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị … và một yếu tố nữa là để đạt miễn dịch cộng đồng một cách tự nhiên cần phải có thời gian, có thể vài năm hoặc nhiều hơn sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phản đối chiến lược miễn dịch cộng đồng để ngăn Covid-19, cho rằng phương thức này “phi đạo đức”. “Chưa bao giờ trong lịch sử y tế công cộng, miễn dịch cộng đồng được sử dụng như một chiến lược để ứng phó với một đợt bùng phát dịch”, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros nói tại họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 12/10.

Người dân ngay lúc này cần bình tĩnh, không hoang mang vì chúng ta đang thực hiện kiểm soát tốt tình hình Covid-19. Chúng tôi đề nghị mỗi người thực hiện theo các hướng dẫn của ngành y tế, thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế”.

Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.

Phóng viên: Ngành y tế có khuyến cáo gì đối với người dân trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 lúc này?

Ths Trần Văn Hai: Bên cạnh thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế”, người dân cần theo dõi thông tin về tình hình dịch bệnh và các hướng dẫn của ngành y tế, đồng thời thực hiện phòng ngừa theo các tình huống sau:

Cách phòng ngừa chung:

Nếu đang có dấu hiệu như sốt, ho hoặc khó thở, cần tránh đi lại, du lịch. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, bạn cần chia sẻ thông tin về lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với những người bị ho, sốt. Che kín miệng và sử dụng khăn giấy hoặc tay áo khi ho hoặc hắt hơi. Bỏ khăn giấy vào thùng rác ngay sau khi sử dụng, rồi rửa tay. Báo ngay cho các nhân viên hàng không, ô tô, đường sắt nếu xuất hiện dấu hiệu ốm khi di chuyển, du lịch. Đến cơ sở y tế cáng sớm càng tốt. Dùng các loại thực phẩm được đun nấu chín.

Ở nơi công cộng, không khạc nhổ bừa bãi. Không nên tiếp xúc gần với động vật nuôi hoặc hoang dã. Khi tới chỗ đông người hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh nên đeo khẩu trang. Sử dụng khẩu trang đúng cách, khẩu trang phải che kín miệng khi đang sử dụng. Đối với các loại khẩu trang dùng 1 lần cần vứt bỏ ngay vào thùng rác sau khi dùng và sau khi bỏ khẩu trang cần rửa tay sạch.

Khuyến cáo với những người từ vùng dịch trở về:

Cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngày đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

Khuyến cáo với những người đến vùng dịch:

Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến vùng dịch trong dịp này. Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, thông báo ngay đến cơ sở ý tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Văn Khương
khuongvan07@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>